Mục lục tạp chí Khoa học giáo dục số 68

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục số 68, tháng 5-2011

NGHIÊN CỨU
1. Đặng Quốc Bảo, Đinh Thị Minh Tuyết
Bác Hồ - Người khai sáng cho tư duy và chiến lược hành động xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam
Tác giả bài viết điểm qua hàng loạt những quan điểm, lời nói, hành động của Bác Hồ lúc sinh thời đối với việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, từ đó khẳng định: Bác Hồ là người đầu tiên khai sáng cho tư duy và chiến lược hành động xây dựng xó hội học tập ở Việt Nam.
 
2. Phạm Đỗ Nhật Tiến
Hoàn thiện thể chế giáo dục trước yêu cầu hội nhập quốc tế toàn diện
Hoàn thiện thể chế GD để nó thực sự trở thành động lực cho sự phát triển GD là yêu cầu khách quan và khẩn thiết. Yêu cầu này có thể được đặt ra từ nhiều góc độ khác nhau. Bài viết này muốn làm rõ yêu cầu hoàn thiện thể chế GD từ góc độ phát triển trong bối cảnh mới khi đất nước chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế sang hội nhập quốc tế một cách toàn diện, trong đó có hội nhập về GD.
 
3. Phạm Thành Nghị
Phát triển tư duy sáng tạo thông qua hoạt động giải quyết vấn đề mới- Development of Creative Thinking through Activities of New Problem Solving
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng HS hứng thú học tập hơn khi GV khuyến khích họ tư duy thông qua yêu cầu giải thích, áp dụng kiến thức và kĩ năng học được vào việc giải quyết vấn đề . Bài viết trình bày quan niệm về tư duy sáng tạo và con đường phát triển tư duy sáng tạo thông qua hoạt động giải quyết vấn đề mới.
 
4. Nguyễn Đức Trí
Một số vấn đề về chuẩn đầu ra trong đào tạo
Vấn đề xây dựng và công bố chuẩn đầu trong đào tạo ra đang được các cấp quản lí giáo dục ở Việt Nam hết sức quan tâm. Tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế, quan niệm và cách trình bày chuẩn đầu ra vẫn chưa có sự thống nhất. Vì vậy, trong bài báo này, tác giả trình bày một số khía cạnh liên quan tới chuẩn đầu ra nhằm góp phần giải quyết vấn đề này.
 
5. Đỗ Ngọc Thống
Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực
Bài viết đề cập đến việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực. Trong bài, tác giả tập trung vào một vài cách tiếp cận cơ bản được nhiều nước vận dụng trong các lần phát triển chương trình gần đây nhất, đặc biệt là hướng tiếp cận năng lực.
 
6. Trần Thị Tuyết Oanh
Xây dựng bài tập thực hành môn Giáo dục học theo tiếp cận phát triển năng lực
Xây dựng bài tập thực hành theo tiếp cận phát triển năng lực phải hình thành cho SV các trường sư phạm những năng lực chung và năng lực chuyên môn, vốn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Các bài tập thực hành không chỉ tích cực hóa các hoạt động trí tuệ của SV, mà điều quan trọng là rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp.
 
7. Bùi Thế Hợp
Về chương trình môn Phát triển giao tiếp dành cho trẻ khiếm thính học chuyên biệt cấp tiểu học
Bài viết giới thiệu về chương trình môn Phát triển giao tiếp dành cho trẻ khiếm thính học chuyên biệt cấp tiểu học, trong đó tác giả trình bày về cơ sở xây dựng chương trình, mục tiêu của chương trình, quan điểm xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học cũng như những yêu cầu cần đạt được của chương trình.
 
8. Nguyễn Thị Yến Phương
Các biện pháp xây dựng cơ sở ban đầu cho sự phát triển thị hiếu thẩm mĩ của trẻ mẫu giáo lớn qua hoạt động tạo hình ở trường mầm non
Giáo dục thẩm mĩ (GDTM) là một bộ phận của quá trình giáo dục toàn diện con người theo hướng nhân văn, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ. Bài viết đề xuất một số biện pháp nhằm xây dựng cơ sở ban đầu cho sự phát triển thị hiếu thẩm mĩ của trẻ mẫu giáo lớn qua hoạt động tạo hình ở trường mầm non.
 
9. Đào Thị Thanh Thủy
Đào tạo nhân lực kĩ thuật cho các khu công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Đội ngũ nhân lực kĩ thuật là điều kiện tiên quyết để phát triển các khu công nghiệp. Do vậy, đào tạo đội ngũ nhân lực kĩ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển các khu công nghiệp trong các vùng kinh tế trọng điểm, làm nòng cốt cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đang là một nhiệm vụ cấp bách của hệ thống đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng ở nước ta hiện nay.
 
TRAO ĐỔI
 
10. Nguyễn Thị Thu Thủy
Triết lí giáo dục hướng tới sự phát triển bền vững
Bài viết phân tích vai trò quan trọng của giáo dục đối với đời sống con người và mọi mặt của đời sống xã hội. Đồng thời tác giải cũng đề cập đến triết lí giáo dục cho sự phát triển bền vững trong thời kì toàn cầu hóa.
 
11. Lê Thị Ngọc Thúy
Một số tiêu chí của văn hóa nhà trường tiểu học Việt Nam theo quan điểm hiệu quả
11.Lê Ngọc Thuý: Bài viết đưa ra một số tiêu chí văn hóa nhà trường tiểu học Việt Nam theo quan điểm hiệu quả. Trong bài, tác giả trình bày: Một số nguyên tắc xây dựng bộ tiêu chí văn hóa nhà trường tiểu học; Quan điểm về bộ tiêu chí văn hóa nhà trường tiểu học hiệu quả; Mục đích xây dựng và Các nhóm tiêu chí đánh giá văn hóa nhà trường tiểu học; Kết quả áp dụng bộ tiêu chí văn hóa nhà trường.
 
THỰC TIỄN GIÁO DỤC
12. Nguyễn Thị Nguyệt
Áp dụng hình thức dạy học dự án trong dạy học về amino axit ở Trường Đại học Y Hà Nội
Tác giả trình bày việc áp dụng hình thức dạy học dự án trong dạy học về amino axit ở Trường Đại học Y Hà Nội. Đây là một hình thức dạy học quan trọng để thực hiện quan điểm dạy học định hướng vào người học, góp phần đào tạo năng lực làm việc tự lực, giải quyết vấn đề, tinh thần trách nhiệm và khả năng công tác của sinh viên y khoa.
 
13. Đoàn Văn Ninh
Đổi mới công tác quản lí của hiệu trưởng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trường trung học nội trú dân nuôi tỉnh Tuyên Quang
Bài viết đề xuất ba nhóm giải pháp quản lí nhằm nâng cao chất lượng GD trường trung học có học sinh nội trú dân nuôi tỉnh Tuyên Quang. Theo tác giả, các biện pháp này có quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau và sẽ trở nên có hiệu quả nhất khi hiệu trưởng biết khai thác triệt để thế mạnh riêng của nhà trường.
 
GIÁO DỤC DÂN TỘC
14. Hà Đức Đà
Chính sách dân tộc với sự nghiệp phát triển giáo dục dân tộc
Từ quan niệm: chính sách dân tộc là tập hợp những quan điểm ,đường lối, chính sách và những giải pháp thực hiện của Nhà nước, tác dộng trực tiếp đến các dân tộc; tác giả bài viết nêu rõ sự tác động của chính sách dân tộc vào sự phát triển giáo dục dân tộc mà 2 kết quả rõ nét nhất là: phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và chính sách về dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số cho đồng bào dân tộc đã được thực thi trên toàn quốc.
 
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
15. Lê Phạm Hoài Hương
Ảnh hưởng của nhà tâm lí giáo dục Vygotsky đối với việc dạy học ngôn ngữ trên toàn cầu
Vygotsky là nhà tâm lí giáo dục nổi tiếng người Belorussia. Các công trình nghiên cứu của ông đã được các nhà học thuật khắp thế giới quan tâm và ứng dụng vào nghiên cứu thực tiễn trong ba lĩnh vực lớn: tâm lí giáo dục, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu lĩnh hội ngôn ngữ. Bài viết đi sâu phân tích những ảnh hưởng của Vygotsky đối với việc dạy và học ngôn ngữ trên toàn cầu.
 
 

     Mục lục bằng tiếng Anh