Mục lục tạp chí Khoa học giáo dục số 86

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục số 86, tháng 11-2012

NGHIÊN CỨU
1. Đỗ Tiến Đạt và nhóm nghiên cứu
Chuẩn giáo dục phổ thông
Trong tiến trình Đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) nói riêng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế thì việc xây dựng Chuẩn GDPT là một khâu then chốt, không thể thiếu. Bài viết đề cập các vấn đề: 1/ Sự cần thiết phải xây dựng Chuẩn GDPT; 2/ Quan niệm về Chuẩn GDPT; vị trí, chức năng của Chuẩn GDPT; 3/ Nội dung của Chuẩn giáo dục các cấp học phổ thông. Đó cũng chính là đóng góp xây dựng cơ sở khoa học cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa GDPT giai đoạn sau năm 2015 ở Việt Nam.  
 
2. Đỗ Ngọc Thống
Lựa chọn mô hình giáo dục
Bài viết trình bày một số vấn đề xung quanh việc lựa chọn mô hình giáo dục nhằm đổi mới giáo dục Việt Nam. Trong bài, tác giả phân tích rõ: 1/ Việc cần thiết và có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế trên một số phương diện mục tiêu giáo dục, hệ thống giáo dục, cấu trúc chương trình giáo dục,quy trình xây dựng và phát triển chương trình giáo dục, triển khai thực hiện quản lí chương trình, đánh giá chương trình; 2/ Tham khảo và học tập như thế nào?; 3/ Đâu là giải pháp mang nhiều tính khả thi? 4/ Trong bối cảnh hiện nay, qua nghiên cứu, tác giả chỉ ra căn cứ và cho rằng có thể tham khảo, học tập mô hình giáo dục Hàn Quốc về : Mục tiêu giáo dục, hệ thống giáo dục; cách tiếp cận và định hướng phát triển giáo dục; cấu trúc chương trình giáo dục; Quy trình xây dựng và phát triển chương trình giáo dục; Việc biên soạn sách giáo khoa; Chính sách đốivới giáo viên...
 
3. Nguyễn Văn Đệ
Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Sinh viên sư phạm (SVSP) là những người đang được đào tạo ở các trường/khoa sư phạm để trở thành người giáo viên, nhà giáo dục trong tương lai. Vì vậy, việc không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đối với SVSP sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng của cả hệ thống giáo dục nói chung. Bài viết này đề cập đến những năng lực cần quan tâm bồi dưỡng cho sinh viên sư phạm trong quá trình đào tạo ở trường/khoa sư phạm; trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh hội nhập.
 
4. Nguyễn Hữu Độ
Tính chuyên nghiệp của giáo viên – vấn đề người lãnh đạo trường học cần quan tâm
Tác giả bài viết tổng thuật một số nghiên cứu về vấn đề tính chuyên nghiệp của giáo viên (GV) nhằm giới thiệu và củng cố quan niệm về tính chuyên nghiệp của GV, đồng thời góp phần cổ vũ cho các chương trình phát triển nghề nghiệp GV hiện đã và đang được các nhà lãnh đạo trường học quan tâm.
 
5. Bùi Đức Thiệp
Thực trạng và giải pháp đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học phổ thông
Bài viết đề cập đến thực trạng và giải pháp đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học phổ thông. Tác giả đi vào phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác giáo dục hướng nghiệp phân luồng học sinh trung học phổ thông. Từ đó, đề ra một số giải pháp đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp này như: nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền cho học sinh, nâng cao năng lực tự đánh giá của học sinh, đào tạo đội ngũ giáo viên theo hướng chuẩn hóa, v.v...
 
6. Hồ Viết Lương
Động lực và các giải pháp tăng cường động lực học tập cho học sinh phổ thông
Ðộng lực của người học luôn luôn là yếu tố hàng đầu tác động trực tiếp tới chất lượng học tập. Nâng cao động lực học là một trong các giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục. Bài viết trình bày: 1/ Một số khái niệm về động lực và động lực học tập; 2/ Ðặc điểm nội tại và ngoại biên của động lực học tập; 3/ Một số biện pháp tăng cường động lực học tạp ở học sinh.  
 
7. Đỗ Đình Thái
Đảm bảo chất lượng và văn hoá chất lượng trong trường đại học
Ngày nay, hoạt động đảm bảo chất lượng luôn luôn được thực hiện song song, xuyên suốt trong quá trình phát triển và đổi mới giáo dục ở trường đại học. Thực hiện quá trình đảm bảo chất lượng liên tục sẽ giúp định hình các giá trị văn hóa chất lượng, một yếu tố rất quan trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao và liên tục cải tiến chất lượng giáo dục trong trường đại học. Bài viết phân tích một số vấn đề liên quan đến đảm bảo chất lượng; văn hóa chất lượng; mối quan hệ giữa đảm bảo chất lượng và văn hóa chất lượng trong trường đại học.
 
8. Lê Chi Lan
Điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo đại học theo yêu cầu tuyển dụng phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục
Theo xu hướng phát triển giáo dục, chương trình đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với yêu cầu tuyển dụng của thị trường lao động; đây là một quy luật tất yếu. Để có thể tạo ra nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của thị trường lao động thì việc xem xét và điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo theo yêu cầu tuyển dụng là điều cần thiết. Vì vậy, có thể nói yêu cầu của nhà tuyển dụng lao động đã phần nào tác động lên việc thay đổi chương trình đào tạo. 
 
9. Phan Anh Tài
Phân tích giả thiết để tìm lời giải các bài toán nhằm tăng cường năng lực giải quyết vấn đề trong môn Toán cho học sinh phổ thông
Tác giả hướng dẫn cách hiểu bài toán, xây dựng chươngtrinh giải, tiến tới tìm được lời giải bài toán qua một số trường hợp điển hình nhằm giúp người học cách đọc, tìm tính chất đặc biệt, ẩn tàng trong giả thiết để gợi ý cách tìm lời giải bài tập
 
10. Phạm Thị Thanh Tú
Một số hoạt động cơ bản giúp sinh viên thiết kế các bài toán thực tiễn ở tiểu học
Bài viết đưa ra một số hoạt động cơ bản giúp SV bước đầu có thể thiết kế được một số bài toán thực tiễn đơn giản. như: Trang bị cho SV một số kiến thức cơ bản liên quan đến việc thiết kế các bài toán thực tiễn; trang bị một số kĩ thuật cơ bản liên quan đến việc thiết kế các bài toán thực tiễn; tổ chức cho SV thực hiện các hoạt động hướng tới việc thiết kế các bài toán thực tiễn; vận dụng vào thực tiễn dạy học để thiết kế các bài toán thực tiễn
 
11. Phan Thị Ngọc Anh, Hoàng Thu Hương, Nguyễn Thị Nga
Một số đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ mẫu giáo 5 tuổi
Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu về một số đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ mẫu giáo 5 tuổi hiện nay. Tác giả thực hiện việc phân tích kết quả thực hiện bài tập kết hợp với quan sát mô tả trong quá trình trẻ giải quyết nhiệm vụ. Các bài tập dành cho trẻ được thực hiện dựa trên các tiêu chí về: so sánh, phân loại, khái quát hóa đối tượng;đếm đến 10 và thêm, bớt, chia hai nhóm trong phạm vi 10 ;nhớ có chủ định, có ý nghĩa về sự kiện, hình ảnh;xác định vị trí không gian
 
12. Trần Trung, Đỗ Thế Hưng
Thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam
Bài viết đề cập đến vấn đề thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống giáo dục nghề ở Việt Nam hiện nay. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Thực trạng cơ sở, quy mô và cơ cấu dào tạo trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề; 2/ Chất lượng giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề ở nước ta.
 
13. Vương Hồng Tâm, Lê Thị Thanh Sang
Hứng thú nhận thức của trẻ mầm non khiếm thính trong hoạt động khám phá môi trường thiên nhiên
Nội dung bài viết đề cập tới hứng thú nhận thức của trẻ khiếm thính mầm non trong hoạt động khám phá môi trường thiên nhiên. Bài viết đi vào phân tích đặc điểm, biểu hiện của hứng thú nhận thức của trẻ khiếm thính mầm non trong hoạt động khám phá môi trường thiên nhiên. Đồng thời, tác giả cũng đề cập tới các yếu tố ảnh hưởng tới hứng thú nhận thức của trẻ khiếm thính mầm non trong hoạt động này.
 
TRAO ĐỔI
14. Đỗ Văn Dạo
Tiêu chí đánh giá quá trình phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao trong quân đội nhân dân Việt Nam
Trong bài viết này, tác giả đưa ra những tiêu chí cơ bản về đánh giá quá trình phát triển nguồn nhân lực quân sự chất lượng cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những tiêu chí này được đánh giá thông qua kết quả của các vấn đề sau: hoạt động tạo nguồn; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo trong hệ thống nhà trường quân đội; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ khoa học quân sự; thu hút, sử dụng và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
 
THỰC TIỄN GIÁO DỤC
15. Lê Thị Phượng
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy học văn học địa phương trong các trường trung học cơ sở tỉnh Thanh Hoá
Theo khảo sát, đánh giá sơ bộ, chất lượng dạy học văn học địa phương trong các trường THCS tỉnh Thanh Hóa còn thấp do giáo viên (GV) gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các khâu của quá trình dạy học (không chỉ thiếu giáo trình, tài liệu học tập mà điều GV lúng túng nhất vẫn là phương pháp dạy học, phương tiện dạy học và kiểm tra, đánh giá). Để góp phần giải quyết những khó khăn trên tác giả đề xuất một số giải pháp, trong đó giải pháp then chốt là đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
 
16. Nguyễn Thị Bạch Mai, Ngô Quang Sơn
Sử dụng hiệu quả sơ đồ tư duy trong quá trình giáo dục ở các trường mầm non của tỉnh Lâm Đồng
Sử dụng sơ đồ tư duy trong quá trình dạy học ở các trường mầm non của tỉnh Lâm Đồng đã đem lại hiệu quả tích cực. Thông qua hai ví dụ về phân nhóm động vật (chủ đề Thế giới động vật) và tìm hiểu về quê hương của Bé (chủ đề Quê hương) tác giả đã khái quát được tầm quan trọng của việc sử dụng sơ đồ tư duy cho trẻ mẫu giáo trong quá trình học tập; chuẩn bị tâm thế tốt cho trẻ trước khi vào lớp 1 và những năm học tiếp theo.
 
17. Lê Thị Hồng Chi
Hỗ trợ của công nghệ thông tin trong dạy học khám phá ở tiểu học
Tác giả đề cập đến xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học khám phá ở Tiểu học. Trong bài viết, tác giả tập trung đi vào việc phân tích cụ thể các bước thực hiện dạy học khám phá với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra một ví dụ minh họa: Tiết 93 Hình bình hành trong Toán lớp 4 để phân tích cụ thể việc ứng dụng này.
 
GIÁO DỤC DÂN TỘC
18. Nguyễn Thị Minh Nguyệt
 Một số vấn đề về công tác quản lí ở trường phổ thông dân tộc bán trú
Trong nhiều năm qua các chính sách ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng khó khăn đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Trong đó, có sự đóng góp của loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú. Tác giả đã trình bày một số hoạt động và sự đóng góp tích cực, hiệu quả về chất lượng giáo dục của mô hình này. Bên cạnh đó, bài viết đề xuất một số giải pháp trong công tác quản lí nhằm góp phần thúc đẩy quá trình phát triển giáo dục và đào tạo, là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa chính sách dân tộc của Đảng đến với đồng bào miền núi.
 
19. Kim Tấn Lộc
Được học tiếng mẹ đẻ, học sinh Khmer có một sự khởi đầu tốt hơn
Chương trình Giáo dục song ngữ dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ không những giúp các em học sinh dân tộc Khmer học thông viết thạo chữ viết của mình bên cạnh tiếng Việt, mà còn góp phần nâng cao chất lượng học tập của các em. Qua khảo sát khi tham gia dự án, tác giả đưa ra kết luận rằng kết quả học tập cuối mỗi năm học của các lớp học song ngữ đều bằng, thậm chí vượt học sinh các lớp đại trà về môn tiếng Việt, môn Toán. Riêng môn tiếng Khmer, các em rất giỏi, viết chữ đẹp và đọc lưu loát.
 
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
20. Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Huy Hoàng
Từ phiếu thông báo điểm học kì của học sinh tại một trường trung học của Cộng hoà Pháp
Bài viết dựa trên phiếu thông báo điểm học kì của một học sinh trung học tại nước Cộng hòa Pháp để đưa ra một số nhận xét về những tiến bộ trong phương pháp dạy học. Thông qua việc đánh giá về số lượng học kì, các môn học và cách đánh giá điểm của trường Trung học PRECHEURS thuộc tỉnh tỉnh Aix-en-Provence, miền Nam nước Pháp, tác giả liên hệ với chương trình giáo dục tương đương ở Việt Nam để từ đó nêu lên những bất cập trong giáo dục ở nước ta.