Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 91
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 91, Tháng 04/2013
NGHIÊN CỨU
1. Nguyễn Thị Hạnh. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học ở Việt Nam giai đoạn sau 2015 trên cơ sở vận dụng kinh nghiệm quốc tế
Bài viết đề cập đến việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục tiểu học ở Việt Nam giai đoạn sau năm 2015 trên cơ sở vận dụng kinh nghiệm quốc tế. Trong bài, tác giả tập trung phân tích: 1/ Những yếu tố quan trọng góp phần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục tiểu học; 2/ Kinh nghiệm quốc tế về giáo dục tiểu học tập trung vào một số vấn đề như: Về quan điểm xây dựng cấp học; Về nội dung, kế hoạch, phương pháp giáo dục; Về phương pháp và tài liệu giáo dục; Về đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục; về đào tạo bồi dưỡng , sử dụng giáo viên; Về công tác quản lí cấp học.
2. Hoàng Hoà Bình. Từ đổi mới mục tiêu giáo dục đến đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn
Bài viết trình bày khái niệm mục tiêu giáo dục; Đổi mới mục tiêu giáo dục; Phương pháp dạy học (PPDH) và đổi mới PPDH. Từ đổi mới mục tiêu giáo dục đến đổi mới PPDH Ngữ văn ở nhà trường phổ thông. Theo tác giả bài viết, cần kết hợp phù hợp các phương pháp đặc thù và phương pháp truyền thống trong giảng dạy ngữ văn. PPDH đặc thù được áp dụng phổ biến trong chương trình Ngữ văn mới là phương pháp giao tiếp và phương pháp đọc hiểu. Phương pháp truyền thống như thuyết trình, đàm thoại, tham quan và giảng văn phối hợp với các PPDH khác nhằm đạt hiệu quả cao nhất của giờ dạy.
3. Nguyễn Xuân Thanh. Đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông
Bài viết đề cập đến vấn đề đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trường trung học phổ thông (THPT). Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Khái niệm về hướng nghiệp và giáo dục hướng nghiệp; 2/ Ý nghĩa của việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT; 3/ Một số biện pháp đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT như: Tổ chức các hoạt động giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh; Đẩy mạnh công tác tư vấn nghề cho học sinh; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa về giáo dục hướng nghiệp; Bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, giáo viên về công tác giáo dục hướng nghiệp.
4. Phạm Quang Trình. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí trường phổ thông: Thực trạng và giải pháp
Công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang có tác động to lớn tới quản lí giáo dục nói chung và quản lí trường phổ thông nói riêng. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ phần mềm và mạng máy tính, công tác quản lí nhà trường đang thay đổi lớn cả về phương thức và hiệu quả quản lí. Bài viết nghiên cứu thực trạng ứng dụng CNTT trong quản lí trường phổ thông và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản lí trường phổ thông, đó là: Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ; Xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT; Đầu tư trang thiết bị; Xây dựng cơ sở dữ liệu và trang bị phần mềm quản lí...
5. Phạm Minh Mục. Giáo dục sớm cho trẻ mù – điếc
Theo tác giả bài viết, trẻ em bị coi là mù – điếc là những trẻ em mất cả thị giác và thính giác; gặp khó khăn nghiêm trọng về mặt chức năng trong khả năng phản ứng lại những kích thích thị giác và thính giác. Việc mất cả hai giác quan quan trọng cùng ảnh hưởng tới khả năng học và giao tiếp của trẻ. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng trẻ mù - điếc vẫn có khả năng và nhu cầu giao tiếp, phát triển nhận thức. Tuy nhiên, để có thể phát triển giao tiếp và nhận thức cho các em thì cần phải có các phương pháp, kĩ năng chuyên biệt và đặc biệt là lòng yêu thương, tính kiên trì của người chăm sóc cũng như giáo viên trực tiếp làm việc hàng ngày với trẻ.
6. Trần Trung. Sử dụng một số mô hình trong dạy học toán ở trường phổ thông
Tác giả trình bày vai trò của mô hình trong dạy học và giới thiệu việc sử dụng 3 dạng mô hình chủ yếu được dùng trong dạy học môn Toán ở trường phổ thông gồm: mô hình dạng hình vẽ, mô hình dạng công thức toán học và mô hình dạng ngôn ngữ. Nếu biết khai thác hợp lí, đúng lúc, đúng chỗ, đúng cường độ các dạng mô hình này làm phương tiện nhận thức, giáo viên sẽ góp phần phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh, giúp các em vượt qua các chướng ngại trong các thao tác tư duy giữa cái cụ thể và cái trừu tượng, và nâng cao hiệu quả dạy học môn Toán ở trường Trung học phổ thông.
7. Nguyễn Thị Thanh Lâm. Dạy học đọc - hiểu thơ trữ tình hiện đại trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh
Thơ trữ tình hiện đại chiếm một vị trí quan trọng trong Chương trình Ngữ văn THPT. Để dạy tốt giờ đọc - hiểu văn bản thơ trữ tình hiện đại, người GV cần biết kết hợp sử dụng linh hoạt nhiều hình thức và phương pháp cụ thể, nhất là cần chú ý những hình thức và phương pháp vừa mang tính đặc thù của cảm thụ văn chương, vừa phát huy được vai trò chủ thể tích cực và sáng tạo của HS. Bài viết này nêu lên 03 phương pháp và hình thức chính: đọc diễn cảm, gợi mở và thảo luận nhóm kết hợp nêu vấn đề .
8. Lê Thị Hương. Xây dựng và tổ chức một số tình huống dạy học toán nhằm bồi dưỡng năng lực biến đổi thông tin cho học sinh
Bài viết đề cập về việc xây dựng và tổ chức một số tình huống dạy học Toán nhằm bồi dưỡng năng lực biến đổi thông tin (BĐTT) cho học sinh gồm: 1/ Tình huống dạy học phát hiện và giải quyết các vấn đề có chứa những mâu thuẫn, khó khăn và những sự mất cân bằng; 2/ Tình huống dạy học trong đó hình thức diễn đạt một vấn đề che khuất nội dung toán học cần khám phá trong vấn đề đó; 3/ Tình huống dạy học mà tri thức và phương pháp đã có chưa đủ để giải quyết vấn đề đặt ra; 4/ Tình huống dạy học sử dụng nhiều cách khai thác, nhiều cách BĐTT khác nhau; 5/ Tình huống dạy học giúp học sinh tiếp cận với việc phát hiện và khắc phục các sai lầm khi giải toán.
9. Nguyễn Quang Giao, Trần Công Thành. Biện pháp tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh ở các trường trung học cơ sở hiện nay
Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập, hợp tác để phát triển đất nước.Tuy nhiên, chất lượng dạy học tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục và đào tạo nói chung trong đó có các trường trung học cơ sở nói riêng còn thấp. Một trong những nguyên nhân của thực trạng vừa nêu là do chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở các trường trung học cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu. Bài viết đề cập đến các biện pháp tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở các trường trung học cơ sở hiện nay.
10. Ngô Thị Bích Thảo. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên – nhân tố góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ở trường đại học
Trên cơ sở xác định các đặc trưng của nghiên cứu khoa học, ý nghĩa của công tác nghiên cứu khoa học đối với sinh viên, tác giả bài viết chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường đại học. Từ đó, đề xuất một số biện pháp tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
11. Phan Trọng Nam. Trí tuệ cảm xúc của sinh viên đại học sư phạm
Khảo sát 1408 sinh viên Đại học Sư phạm của 3 ngành Toán học, Ngữ văn và Giáo dục Mầm non từ năm thứ nhất đến năm thứ tư đã cho thấy có hơn một nửa sinh viên có mức độ trí tuệ cảm xúc từ mức trung bình trở lên. Trong các ngành đào tạo, sinh viên ngành Giáo dục Mầm non có mức độ biểu hiện trí tuệ cảm xúc tốt hơn so với các ngành đào tạo còn lại. Kết quả nghiên cứu này sẽ là những gợi ý bổ ích cho nội dung giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của các trường có tham gia đào tạo giáo viên.
12. Trần Việt Cường. Xây dựng các dự án học tập trong tổ chức dạy học học phần phương pháp dạy học cho sinh viên đại học sư phạm toán
Bài viết đề cập tới những nội dung chính của học phần Phương pháp dạy học trong chương trình sư phạm Toán: dạy học những chủ đề cơ bản của môn Toán ở phổ thông: Các hệ thống số, Phương trình và bất phương trình, Hàm số, Đạo hàm, nguyên hàm, tích phân, Giải tích tổ hợp; Mạch toán ứng dụng; Hình học không gian và Véctơ tọa độ. Căn cứ vào các định hướng, tiêu chí và nội dung cụ thể khi tổ chức dạy học theo dự án, sinh viên sư phạm Toán sẽ tiến hành các công việc về nghiên cứu lí thuyết, tìm hiểu thực tế tại trường phổ thông, giảng tập nhằm rèn luyện các kĩ năng, năng lực sư phạm cần thiết cho bản thân.
13. Lê Văn Hồng. Cơ sở lí luận của đào tạo liên thông
Chính sách liên thông trong đào tạo đang là nhu cầu thực tế và cũng là chủ trương lớn của ngành Giáo dục với mục tiêu tạo cơ hội học tập cho người học và phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong đào tạo và đảm bảo công bằng trong giáo dục. Tác giả đề cập đến cơ sở lí luận của đào tạo liên thông như: Khái niệm đào tạo liên thông; các nguyên tắc của đào tạo liên thông; đào tạo liên thông đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời; xu thế phát triển chương trình đào tạo liên thông theo học chế tín chỉ; cơ sở pháp lí.
THỰC TIỄN GIÁO DỤC
14. Vương Thanh Hương. Tổng quan nghiên cứu về thông tin giáo dục – những vấn đề lí luận và thực tiễn
Bài viết tổng quan các kết quả nghiên cứu về thông tin giáo dục ở Việt Nam giai đoạn 1990 đến nay. Hướng nghiên cứu này được nhóm thành ba chủ đề chính, đó là: Thông tin khoa học giáo dục, hệ thống thông tin quản lý giáo dục và hệ thống chỉ số giáo dục. Trên cơ sở phân tích những thành công và hạn chế của các kết quả nghiên cứu đã tiến hành, tác giả cũng đề xuất một số định hướng nghiên cứu về thông tin giáo dục trong thế kỷ 21.
15. Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Hữu Văn. Biện pháp phát triển đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở tỉnh Hậu Giang
Qua nghiên cứu lí luận và thực tiễn, nhóm tác giả cho rằng để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hậu Giang, cần thực hiện đồng bộ những biện pháp sau: Quy hoạch tổng thể mạng lưới các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh; phát triển và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lí; đổi mới nội dung, phương thức đào tạo; thực hiện xã hội hóa giáo dục; liên kết, hợp tác đào tạo trong và ngoài nước; Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
16. Nguyễn Hoàng Chương. Hoạt động bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn của trường THPT Bảo Lộc, TP. Bảo Lộc, tỉnh Nam Đồng, tỉnh Lâm Đồng
Các tổ trưởng chuyên môn (TTCM) của Trường THPT Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng do chưa được đào tạo về quản lí giáo dục nên còn hạn chế trong quản lí tổ chuyên môn. Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ TTCM, hiệu trưởng cần tập trung vào biện pháp bồi dưỡng tại chỗ, vừa nhằm đáp ứng đúng yêu cầu của nhà trường và TTCM, vừa phù hợp với đặc điểm và nguyện vọng của TTCM. Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng, hiệu trưởng cần xác định đúng mục tiêu bồi dưỡng; xây dựng nội dung bồi dưỡng cụ thể, thiết thực; sử dụng đa dạng, linh hoạt đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nhà trường và tạo môi trường thuận lợi để TTCM tích cực bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.
17. Huỳnh Tiểu Phụng. Một số vấn đề về xã hội hoá giáo dục nghề nghiệp ở nước ta hiện nay
Khẳng định giáo dục nghề nghiệp là một bộ phận của giáo dục quốc dân đòi hỏi xã hội hóa cao nhất, và toàn xã hội phải có nghĩa vụ xây dựng, phát triển và đặc biệt là tham gia vào quá trình giáo dục nghề nghiệp với tư cách là người học, người dạy, tác giả đề xuất một số biện pháp thực hiện xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp ở nước ta hiện nay như: Huy động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp phát triển giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề tại doanh nghiệp; tìm kiếm các nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp; và thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề thường xuyên và suốt đời cho mọi người.
GIÁO DỤC DÂN TỘC
18. Dương Thanh Hương. Kinh nghiệm của Lào Cai trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy học song ngữ
Tỉnh Lào Cai xác định giáo dục dân tộc thiểu số có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số được cải thiện thì chất lượng giáo dục cả tỉnh sẽ được nâng lên. Trong giai đoạn 2006 - 2012, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã bổ sung những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số, trong đó nghiên cứu thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, Lào Cai đã gặt hái được một số thành quả, trong đó về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy học song ngữ là một thành công đáng được ghi nhận.
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
19. Bùi Minh Đức, Tạ Ngọc Trí. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông ở Anh quốc – một góc nhìn tham chiếu
Nội dung chính của bài viết đề cập về Bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp mới dành cho giáo viên phổ thông ở Anh Quốc (England). Bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp này bao gồm ba phần: 1/ Phần mở đầu đưa ra các giá trị và cách ứng xử mà tất cả giáo viên phải thể hiện trong suốt sự nghiệp làm thầy của mình; 2/ Phần 1 bao gồm các tiêu chuẩn về giảng dạy 3/ Phần 2 bao gồm các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và tư cách cá nhân. Trong đó, ở mỗi phần, các tiêu chuẩn nghề nghiệp dành cho giáo viên được phân tích cụ thể.
Tạp chí Khoa học giáo dục