Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 87

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 87, Tháng 12/2012

NGHIÊN CỨU
1. Phan Văn Kha
Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 với sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam
     Ngày 13 tháng 6 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”. Chiến lược đã xác định rõ mục tiêu, giải pháp và các bước đi của nền GD Việt Nam nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Tư tưởng xuyên suốt của Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 là ưu tiên nâng cao chất lượng GD; người học là tâm điểm của chiến lược, hướng tới phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của mỗi người học; đảm bảo công bằng trong tiếp cận GD, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập; phát triển GD đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
2. Nguyễn Hữu Châu
Giải quyết vấn đề trong môn Toán – xu hướng nghiên cứu và thực tiễn dạy học
     Giải quyết vấn đề (GQVĐ) trong quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn luôn vừa là mục tiêu vừa là tiếp cận dạy học toán học. Hàng chục năm qua, thuật ngữ “giải quyết vấn đề “ đã được sử dụng rộng rãi ở khắp mọi lĩnh vực,với sự lan tỏa đáng kinh ngạc. Đáng tiếc, thuật ngữ này vẫn chỉ được sử dụng như một lối nói hoa mĩ (rhetoric), vì những gì đang diễn ra trong thực tiễn dạy học không phản ánh đúng bản chất của dạy GQVĐ, đó là dạy người học cách suy nghĩ, hành động để trở thành người kiến tạo và làm chủ kiến thức. Tác giả bài viết phân tích một số khuynh hướng nghiên cứu và thực tiễn dạy học GQVĐ trong môn Toán với những thành tựu và những thiếu hụt cần được xem xét, điều chỉnh.
 
3. Nguyễn Hồng Thuận
Cơ sở tâm lí học và giáo dục học của việc xác định khung năng lực cơ bản cần có ở học sinh phổ thông
     Từ góc độ tâm lí học, xã hội học và giáo dục học, bài viết bàn luận về ba vấn đề chính, đó là: Quan niệm về năng lực; Cơ sở để xác định khung năng lực chung - cơ bản cần có đối với HS phổ thông Việt Nam; Các cấp độ phát triển năng lực ở HS phổ thông. Đây chính là cơ sở ban đầu mang tính chất định hướng cho việc triển khai những khâu tiếp theo trong quá trình Xây dựng và phát triển chương trình GDPT sau 2015.
 
4. Nguyễn Thị Bích Lợi
Tổ chức quá trình đào tạo sư phạm nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay
     Mấy năm qua, không ít sinh viên được đào tạo chuyên ngành sư phạm nghệ thuật (sư phạm âm nhạc và sư phạm mĩ thuật), nhưng sau khi ra trường vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Có nhiều cách lí giải khác nhau về nguyên nhân của tình trạng này. Nhưng theo tác giả, hãy nhìn thẳng vào sự thật của quá trình đào tạo sư phạm nghệ thuật, tìm mọi cách cải tiến, bổ sung để nâng cao chất lượng đầu ra. Đây là một trong những đòi hỏi và trách nhiệm bức xúc trước hết của ngành giáo dục, đào tạo hiện nay.
 
5. Nguyễn Quang Giao
Bước đầu áp dụng quản lí chất lượng tổng thể vào quản lí quá trình dạy học các môn chuyên ngành ở các trường đại học ngoại ngữ
     Quản lí chất lượng tổng thể (TQM) là cấp độ cao nhất trong quản lí chất lượng với các đặc trưng cơ bản là luôn hướng tới thỏa mãn nhu cầu của khách hàng; chú trọng xây dựng văn hóa chất lượng của tổ chức; đảm bảo việc giao tiếp, thông tin một cách rộng rãi; thay đổi văn hóa chất lượng thông qua làm việc của các nhóm. Với đặc thù của quá trình dạy học các môn chuyên ngành của các trường đại học ngoại ngữ ở Việt Nam thuận lợi cho việc triển khai một số đặc trưng cơ bản của TQM nên có thể bước đầu áp dụng quản lí chất lượng tổng thể vào quá trình dạy học các môn chuyên ngành ở các trường đại học ngoại ngữ.
 
6. Nguyễn Vũ Bích Hiền
Các cách tiếp cận nghiên cứu thuật ngữ chương trình đào tạo
     Bài viết trình bày các cách tiếp cận trong nghiên cứu khái niệm Chương trình đào tạo. Có thể nghiên cứu khái niệm này theo cách tiếp cận lịch sử để tìm hiểu thuật ngữ gốc và sự phát triển của nó qua các giai đoạn lịch sử. Bên cạnh đó, cách tiếp cận lấy nội dung môn học làm trung tâm và lấy người học làm trung tâm cũng là hai cách tiếp cận phổ biến, ảnh hưởng lớn tới tư duy của các nhà phát triển chương trình. Theo tác giả, chương trình đào tạo có thể hiểu theo cách rộng và hẹp. Theo cách rộng, chương trình đào tạo không chỉ là một văn bản có tính pháp quy mà còn bao gồm cả những yếu tố văn hoá, xã hội bên trong, bên ngoài nhà trường, đóng góp vào việc hình thành nhân cách toàn diện của người học. 
 
7. Bùi Văn Nghị, Vũ Hữu Tuyên
Tiếp cận kiểm tra, đánh giá năng lực gắn kết toán học với thực tiễn của học sinh
     Tác giả trình bày việc tiếp cận dạy học toán ở trường phổ thông theo định hướng gắn hơn nữa với bối cảnh thực, với đời sống nhằm tăng cường năng lực cho người học,đồng thời đề xuất một cách tăng cường gắn toán học với thực tiễn cuộc sống, tiếp cận xu hướng quốc tế về dạy học toán, hỗ trợ tăng cường văn hoá toán học cho học sinh.
 
8. Hồ Thị Dung
Một số khó khăn của sinh viên khi giải các bài tập giáo dục học
     Giáo dục học là một trong những môn khoa học nghiệp vụ, mang tính chất ứng dụng, có vai trò rất quan trọng trong việc rèn luyện “tay nghề” cho người giáo viên tương lai. Việc xây dựng và sử dụng bài tập trong dạy học môn Giáo dục học là một hướng tích cực nhằm rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên ngay khi còn học ở trường đại học. Chính vì vậy, bài viết này đã đưa ra một số kết quả nghiên cứu tìm hiểu những khó khăn của sinh viên khi giải các bài tập Giáo dục học, làm rõ nguyên nhân của những khó khăn đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn học.
 
9. Nguyễn Thị Kim Hoa
Hiện trạng và định hướng nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật học tập ở Việt Nam
     Bài viết tiếp cận vấn đề nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật học tập tại Việt Nam hiện nay. Từ việc phân tích định nghĩa về khuyết tật học tập và phân tích Luật Người khuyết tật, tác giả đề cập tới hiện trạng nhu cầu giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật học tập tại Việt Nam bao gồm giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật học tập. Đồng thời, đưa ra một số đề xuất về định hướng nghiên cứu như: chuẩn hóa bộ công cụ sàng lọc nhóm trẻ khuyết tật học tập, đổi mới phương pháp dạy học và chương trình giáo dục phù hợp, hỗ trợ cải thiện kĩ năng học đường cho nhóm trẻ này, …
 
TRAO ĐỔI
10. Phạm Thị Minh Hạnh
Văn hoá học đường: Quan niệm, vai trò, bản chất và một số yếu tố cơ bản
     Trong bài viết, tác giả trình bày quan niệm về văn hóa học đường và vai trò của nó trong nhà trường và xã hội Việt Nam. Đồng thời, với quan niệm và vai trò của văn hóa học đường, tác giả đi vào phân tích bản chất và một số yếu tố cơ bản của văn hóa học đường như kế hoạch chiến lược phát triển của nhà trường; xác định đặc trưng của nhà trường qua logo, khẩu hiệu; tổ chức các hoạt động văn hóa trong trường v.v…
 
11. Nguyễn Vân Anh
Công khai và minh bạch thông tin trong quản lí tài chính ở các trường phổ thông công lập hiện nay
     Công khai và minh bạch thông tin là một công cụ hữu hiệu để các cơ sở giáo dục tạo dựng uy tín và thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với nhà nước và nhân dân.Bài viết trình bày một số kiến giải về vấn đề công khai và minh bạch thông tin tài chính trong nhà trường công lập hiện nay: 1/ Quan niệm và các cấp độ về công khai và minh bạch; 2/ Vai trò, lợi ích của công khai và minh bạch thông tin tài chính; 3/ Khuyến nghị các biện pháp nâng cao tính công khai và minh bạch trong công tác quản lí tài chính nhà trường.
 
THỰC TIỄN GIÁO DỤC
12. Lê Minh Nguyệt
Thực trạng hiệu quả tương tác giữa giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
     Bài viết đề cập đến vấn đề thực trạng hiệu quả tương tác giữa giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Dựa trên kết quả nghiên cứu khảo sát 434 sinh viên và 146 giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả đưa ra một số đánh giá về thực trạng hiệu quả tương tác giữa giảng viên và sinh viên qua các tiêu chí sau: sự hiểu biết lẫn nhau, sự tương hợp tâm lí, sự ảnh hưởng lẫn nhau, cảm nhận về nhau giữa giảng viên và sinh viên trong quá trình tương tác.
 
13. Đặng Thị Vân, Nguyễn Huyền Thương
Nhận thức của cha mẹ về tầm quan trọng và biện pháp giáo dục kĩ năng sống cho thiếu niên
     Giáo dục kĩ năng sống cho thế hệ trẻ ngày nay là một vấn đề thiết yếu đối với cha mẹ, những người làm công tác giáo dục. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều trung tâm dạy kĩ năng sống, việc lồng ghép giáo dục trong trường học, sự quan tâm của gia đình đã và đang chung tay giáo dục kĩ năng sống cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để giáo dục kĩ năng sống một cách hiệu quả cần bắt đầu từ gia đình. Phần lớn số cha mẹ trong diện điều tra nhận ra tầm quan trọng của việc rèn kĩ năng sống cho học sinh lứa tuổi thiếu niên. Cha mẹ đã biết những kĩ năng thiết yếu cần giáo dục cho con ở độ tuổi này nhưng chưa đầy đủ. Bài viết đề cập đến các vấn đề: 1/ Nhận thức của cha mẹ về tầm quan trọng của giáo dục kĩ năng sống cho lứa tuổi thiếu niên; 2/ Nhận thức của cha mẹ về sự cần thiết của các kĩ năng đối với tuổi thiếu niên; 3/ Các biện pháp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh lứa tuổi thiếu niên.
 
14. Vũ Thị Hòa
Những đặc điểm cơ bản của hệ thống tín chỉ
     Tác giả phân tích những đặc điểm cơ bản của hệ thống tín chỉ: về việc sinh viên phải tích lũy kiến thức theo từng học phần; kiến thức cấu trúc theo các học phần; quy định khối lượng kiến thức phải tích lũy cho từng văn bằng; chương trình đào tạo mềm dẻo; đánh giá trong suốt quá trình học tập của sinh viên; dạy học lấy hoạt động học của sinh viên làm trung tâm; lớp học tổ chức theo học phần, có hệ thống cố vấn học tập và tuyển sinh theo học kì, v.v…
 
GIÁO DỤC DÂN TỘC
15. Kiều Thị Bích Thuỷ
Thúc đẩy bình đẳng giới và quyền trẻ em vùng dân tộc thiểu số
     Vấn đề bình đẳng giới và quyền trẻ em vùng dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu quan trọng của quá trình phát triển của đất nước. Ngành Giáo dục đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dân tộc thực hiện một số dự án hợp tác với quốc tế nhằm thực hiện quyền trẻ em và bình đẳng giới ở vùng dân tộc. Trong đó, những nội dung liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái vùng DTTS được chú trọng hơn cả. Bài viết đề cập đến 3 dự án: dự án xóa mù chữ và dạy nghề cho trẻ em gái và phụ nữ DTTS, dự án lớp ghép và song ngữ, dự án giáo dục tiểu học bạn hữu trẻ em. Mỗi dự án đều thu được những thành tựu nhất định góp phần không nhỏ trong quá trình tạo dựng môi trường sống và học tập tốt nhất cho phụ nữ và trẻ em gái vùng DTTS.
 
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
16. Bùi Thanh Xuân
Hệ thống Ngân hàng tín chỉ học tập của Hàn Quốc – công cụ hữu hiệu để thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập
     Hệ thống ngân hàng tín chỉ học tập (ACBS) là một hệ thống nhằm xác định, công nhận kết quả học tập của người học thông qua việc phê duyệt các tín chỉ học tập (đơn vị kiến thức) mà người đó tích lũy được trong quá trình tham gia một hoặc nhiều khóa học khác nhau, tại bất kì thời điểm nào. Đây là một hệ thống mở và mang tính cách tân mạnh mẽ của giáo dục Hàn Quốc. Bài viết trình bày một số vấn đề về cách thức xây dựng và hoạt động của hệ thống ACBS; đồng thời, nhấn mạnh vai trò của ACBS trong việc thúc đẩy học tập suốt đời (HTSĐ) và xây dựng XHHT. Tác giả khẳng định ACBS chính là một công cụ hữu hiệu và khả thi giúp hiện thực hóa ý tưởng HTSĐ và xây dựng một XHHT của Hàn Quốc, bởi nó tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho bất cứ ai có nhu cầu có thể đạt được loại văn bằng mà mình mong muốn thông qua việc tự học hoặc tham gia các hình thức học tập không chính quy đa dạng khác.
 
TỔNG MỤC LỤC TẠP CHÍ KHOA HỌC GIÁO DỤC NĂM 2012