Phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ mẫu giáo thông qua hoạt động trải nghiệm

13/10/2021 09:55 GMT+7
Phát triển ngôn ngữ nói chung, phát triển ngôn ngữ mạch lạc thông qua các hoạt động trải nghiệm là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện đối với trẻ mẫu giáo. Nhóm tác giả Đặng Thị Ngọc Phượng, Lê Thị Nhung và Trần Viết Nhi đã trình bày khái quát các quan điểm trong và ngoài nước về vấn đề phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ mẫu giáo thông qua hoạt động trải nghiệm ở trường mầm non, làm cơ sở cho việc vận dụng quan điểm này trong tổ chức các hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu giáo dục mầm non Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Theo các tác giả, ngôn ngữ mạch lạc của trẻ mẫu giáo được xác định thông qua năm thể hiện, bao gồm lời nói phải có chủ đề và thể hiện tập trung chủ đề đó, chủ đề phải được triển khai logic, lời nói phải có bố cục rõ ràng, có dùng các phép liên kết một cách hợp lí, các câu phải đúng ngữ pháp và có ý nghĩa. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm là quá trình học tập, qua đó, trẻ được tiếp xúc, tương tác trực tiếp môi trường, được chiêm nghiệm, tự lực tích lũy kiến thức, kĩ năng, thái độ tạo thành kinh nghiệm riêng của bản thân. Như vậy, phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ mẫu giáo thông qua trải nghiệm là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch của nhà giáo dục thông qua việc tổ chức các hoạt động phù hợp với khả năng của trẻ để trẻ được trực tiếp tham gia, tương tác tích cực, nhằm giúp trẻ có khả năng diễn đạt ngôn ngữ một cách rõ ràng, lưu loát, có sự kết nối hợp lí về ý nghĩ, cảm xúc theo một chủ đề nhất định.
  
Để phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ mẫu giáo thông qua trải nghiệm, có năm biện pháp được khuyến nghị gồm (i) Cải thiện khả năng diễn đạt cho trẻ, (ii) Khuyến khích trẻ sao chép những mẫu câu nói và biến nó thành của mình, (iii) Khuyến khích trẻ kể lại câu chuyện về bản thân, (iv) Thu hút trẻ tham gia vào những cuộc trò chuyện phong phú về sở thích của trẻ, (v) Sử dụng thơ ca, hội họa, ảnh ghép, bài hát, khiêu vũ và các hình thức nghệ thuật khác để thúc đẩy việc học ngôn ngữ nói cho trẻ. Trong đó, bài báo nhấn mạnh thông qua hoạt động trải nghiệm giúp trẻ mạnh dạn giao tiếp với mọi người xung quanh, trẻ tích lũy thêm được vốn từ mới, hiểu được ý nghĩa của từ, nhờ đó mà khả năng nhận thức và tư duy của trẻ phát triển.