Nhận thức về năng lực vận dụng mô hình giáo dục cảm xúc - xã hội (SEL) vào dạy học của sinh viên sư phạm Việt Nam

07/08/2022 22:36 GMT+7
Thực tế cho thấy, vẫn còn một bộ phận giáo viên còn nóng nảy, ứng xử thiếu thân thiện đối với học sinh, đồng nghiệp, chưa tạo được niềm tin yêu của học sinh. Vấn đề là những hành vi này chưa hẳn xuất phát từ việc trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy hạn chế mà từ sự thiếu hụt về kĩ năng tương tác xã hội, quản lí cảm xúc, giải quyết xung đột… hay còn gọi là năng lực cảm xúc - xã hội. Khi giáo viên chưa có năng lực cảm xúc - xã hội và năng lực làm chủ mô hình Học tập cảm xúc - xã hội (Social – Emotional Learning, SEL) thì việc khai thác cũng như ứng dụng mô hình để giáo dục học sinh phát triển năng lực là việc khó khả thi.

Ý thức được tầm quan trọng của năng lực cảm xúc - xã hội đối với giáo viên và việc vận dụng mô hình SEL vào hoạt động dạy học, nhóm tác giả Huỳnh Văn Sơn, Giang Thiên Vũ, Đỗ Tất Thiên, Nguyễn Chung Hải, Nguyễn Trần Minh Hải của trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành nghiên cứu về định hướng phát triển năng lực vận dụng mô hình SEL vào dạy học cho đội ngũ giáo viên, bắt đầu từ việc đánh giá nhận thức của sinh viên sư phạm ngành Giáo dục Tiểu học về năng lực vận dụng mô hình SEL trong dạy học. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 501.01-2020.301.
  
Bài viết tiến hành phương pháp điều tra bảng hỏi trên 1100 sinh viên sư phạm năm 3, năm 4 ngành Giáo dục Tiểu học từ 6 trường đại học trên toàn quốc.
 
  
Kết quả đánh giá nhận thức của sinh viên sư phạm về năng lực vận dụng mô hình SEL vào dạy học cho thấy, sinh viên sư phạm Việt Nam nhận thức ở mức trung bình về năng lực vận dụng mô hình SEL vào dạy học. Sinh viên sư phạm gặp khó khăn trong việc nhận diện và xác định nội hàm của năng lực cảm xúc - xã hội cũng như chưa nhận biết được các các biểu hiện của năng lực cảm xúc - xã hội, mô hình SEL, phương pháp dạy học phát triển năng lực theo mô hình SEL và ứng dụng được mô hình này vào dạy học.
  
Ngoài ra, sinh viên sư phạm chưa thật sự xác định được nội hàm và các kiến thức cơ bản về năng lực vận dụng, dẫn đến việc lúng túng trong cách hiểu và tiếp cận vấn đề khi chúng tôi khảo sát về năng lực vận dụng mô hình SEL vào dạy học. Kết quả này cung cấp cho nhóm tác giả bằng chứng quan trọng để đề xuất, kiến nghị với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Tiểu học cần bổ sung thêm các học phần cũng như các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn liên quan đến năng lực cảm xúc - xã hội hoặc mô hình SEL để đội ngũ sinh viên sư phạm và giáo viên tiểu học có thể thành công trong việc học tập, nghiên cứu và ứng dụng mô hình này vào công tác giáo dục nhất là dựa vào yêu cầu phát triển năng lực cảm xúc - xã hội trong bối cảnh thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiện nay.