Tổng kết Hội thảo khoa học thường niên năm 2024

09/12/2024 19:53 GMT+7
Sáng ngày 07/12/2024, tiếp tục diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ Hội thảo khoa học với chủ đề “Giáo dục trong thế giới số”, các phiên chuyên đề diễn ra song song với sự tham gia của các diễn giả và hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp và theo dõi livestream qua các kênh Youtube và Facebook.

 
Phiên chuyên đề “Công nghệ số trong dạy và học” với sự điều hành của PGS.TS. Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện KHGDVN gồm 02 bài trình bày.
 
Mở đầu là tham luận “Hệ sinh thái số trong Giáo dục” do TS. Phạm Thị Thúy Hồng - Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Viện KHGDVN báo cáo. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, cần tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt ở khu vực khó khăn, và tổ chức đào tạo kỹ năng số cho giáo viên, học sinh. Đồng thời, bảo vệ bản quyền nội dung số, tăng cường hợp tác công - tư và nâng cao nhận thức sẽ là những giải pháp trọng tâm giúp xây dựng hệ sinh thái học tập số bền vững và hiệu quả.
 
 
  
Tiếp theo là tham luận “Tổng quan hệ thống về nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đánh giá kết quả giáo dục của học sinh” của Bà Dương Thị Thu Hương - Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện KHGDVN. Nghiên cứu tìm hiểu các vấn đề: Xu thế nghiên cứu ứng dụng AI trong đánh giá giáo dục; Các chủ đề nghiên cứu ứng dụng AI trong đánh giá kết quả giáo dục của học sinh phổ thông; Những công nghệ AI cụ thể nào đã được sử dụng trong đánh giá kết quả giáo dục của học sinh phổ thông.
 
 
 
Phiên chuyên đề “Giáo dục sáng tạo trong kỷ nguyên số” do TS. Trần Thị Phương Nam - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện KHGDVN điều hành, gồm 02 bài trình bày.
 
 
 
Tham luận “Giảng dạy và Học tập trong giáo dục đại học thời đại GenAI: Giải quyết các vấn đề và thách thức” do GS. Lim Cher Ping - Đại học Quốc gia Hồng Kông trình bày. Diễn giả thảo luận về cách lĩnh vực giáo dục đại học giải quyết những vấn đề giữa công bằng - chất lượng - hiệu quả và quản lý quá trình chuyển đổi giảng dạy và học tập trong giáo dục đại học sau đại dịch cũng như trong thời đại GenAI, hướng tới SDG4 - đảm bảo giáo dục đại học chất lượng, công bằng và toàn diện, cùng với cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, và nhiều hơn nữa.
 
 
  
Tham luận “Đổi mới sáng tạo trong Giáo dục đại học” do Ông Nguyễn Hữu Khôi - Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện KHGDVN trình bày. Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học được miêu tả căn bản là khả năng sẵn sàng thay đổi để xây dựng nên một môi trường mà sinh viên cảm thấy được trải nghiệm như những khách hàng đích thực, được thỏa mãn đam mê, phát huy tối đa khả năng sáng tạo và năng lực của mình, từ đó trở thành những công dân hứa hẹn cho tương lai nước nhà. Các lĩnh vực bao gồm: Sử dụng công nghệ một cách phù hợp và hữu ích trong giảng dạy và học tập, Đề cao các môn học mang tính sáng tạo và những phương pháp học tập, giảng dạy mang tính sáng tạo, Ươm mầm Sáng tạo và Khởi nghiệp, Cơ sở vật chất tiên tiến, Đổi mới sáng tạo bằng tư tưởng, tư duy cởi mở, sẵn sàng đón nhận cái mới, Đổi mới trong phương pháp đào tạo và môi trường học tập, Đổi mới bằng tư duy marketing.
 
 
 
Phiên chuyên đề “Giáo dục đặc biệt trong thế giới số” với sự điều hành của GS. TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - Nguyên Phó Viện trưởng Viện KHGDVN gồm 02 bài trình bày.
 
 
 
Tham luận “Phòng học thông minh ứng dụng cộng nghệ thực tế hỗn hợp MR” do NGƯT, TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc Gia Hà Nội trình bày. Lợi ích của phòng học thông minh MR: Tăng cường sự chủ động của học sinh trong việc tiếp cận và ứng dụng kiến thức vào đời sống thực tế, Tạo không gian dạy – học thân thiện, tăng tương tác giữa học sinh với nhau và học sinh với giáo viên trong quá trình hình thành kiến thức, Đảm bảo an toàn cho học sinh khi thực hiện thí nghiệm nguy hiểm, Giảm thiểu công sức và chi phí dành cho việc vệ sinh, bảo quản thiết bị, dụng cụ và hóa chất thí nghiệm, Góp phần bảo vệ môi trường khi không gây phát sinh chất thải ô nhiễm hay độc hại ra môi trường bên ngoài.
 
  
 
Tham luận “Ứng dụng AAC và Trí tuệ nhân tạo cho học sinh khuyết tật trong giáo dục đặc biệt tại Hàn Quốc” do GS.TS. Lee Jeong-Eun - Đại học Nữ sinh Ewha, Hàn Quốc trình bày. Những lợi ích có thể thấy là: Hiện thực hóa cuộc sống độc lập nhờ Trí tuệ nhân tạo, Có thể tự mình tiếp cận thông tin không cần hỗ trợ từ người khác, Có thể tham gia hoạt động học tập ý nghĩa hơn, Tăng sự tự tin cho học sinh khuyết tật.
 
 
 
Phiên chuyên đề “Ứng dụng công nghệ trong giáo dục trẻ khuyết tật giác quan” với sự điều hành của PGS.TS. Phạm Minh Mục - Nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, Viện KHGDVN gồm 02 bài trình bày.
 
 
  
Tham luận “Hỗ trợ sự tham gia chủ động và hòa nhập của trẻ khiếm thị đa tật bằng Công nghệ tiếp cận” do Bà Ami Tango-Limketkai - Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trường Mù Perkin, Hoa Kỳ trình bày. Mục đích của Công nghệ tiếp cận là sử dụng các thiết bị điều chỉnh và công nghệ tiếp cận để hỗ trợ sự tham gia chủ động và hòa nhập của trẻ trong gia đình, nhà trường, cộng đồng; đảm bảo giáo viên và gia đình có kiến thức và kĩ năng để hỗ trợ trẻ sử dụng các thiết bị điều chỉnh và công nghệ hỗ trợ để thúc đẩy sự tham gia chủ động và hòa nhập ở gia đình, trường học và cộng đồng; ta phát triển hệ thống nhằm đảm bảo việc tiếp cận các thiết bị hỗ trợ phù hợp và được cá nhân hóa với trẻ đa tật.
 
 
  
Tham luận “Xây dựng hệ thống phần mềm WeSign hỗ trợ dạy và học ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt” do TS. Trần Anh Vũ - Trưởng nhóm Tin học y sinh, Trường Điện- Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày. Hướng phát triển gồm: Tăng trải nghiệm người dùng; Liên tục cập nhật và mở rộng nội dung giáo dục để theo kịp với sự phát triển và nhu cầu của người dạy, người học; Tích hợp với model AI giúp cho việc luyện tập và giao tiếp; Hỗ trợ giao tiếp giữa người không khuyết tật và người khuyết tật nghe, nói; Phát triển hệ thống trên đa nền tảng.
 
Các phiên chuyên đề đều có các phần thảo luận sôi nổi. Những điểm nổi bật từ các cuộc thảo luận là nhu cầu cấp thiết về các chính sách mạnh mẽ và mang tầm nhìn xa để định hướng việc tích hợp công nghệ số vào hệ thống giáo dục, nhấn mạnh tầm quan trọng của công bằng và hòa nhập trong quá trình chuyển đổi số của giáo dục.
 
Lãnh đạo Viện KHGDVN tặng quà cho người điều hành các phiên chuyên đề
 
Lãnh đạo Viện KHGDVN tặng quà và giấy chứng nhận cho các diễn giả
 
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS-Viện trưởng Lê Anh Vinh nhấn mạnh một trong những khía cạnh truyền cảm hứng nhất của hội thảo là tinh thần hợp tác xuyên suốt các phiên thảo luận. Rõ ràng rằng không một chính phủ, tổ chức hay cá nhân nào có thể giải quyết các thách thức của giáo dục số một mình. Chúng ta cần tăng cường kết nối và hợp tác để chia sẻ tri thức, tài nguyên và thực tiễn tốt nhất. Hãy cùng nhau chịu trách nhiệm triển khai các giải pháp được đề xuất để biến những ý tưởng chúng ta đã tạo ra ở đây thành các hành động thực tế.
 
Không chỉ đơn thuần là một sự kiện khoa học thường niên của một tổ chức, Hội thảo tạo sự kết nối cộng đồng giáo dục và các tổ chức trong nước lẫn quốc tế. Với sứ mệnh chung tay hành động, cùng nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp, sáng kiến, trong việc nâng cao chất lượng dạy học, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến một nền giáo dục phát triển, hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và bền vững.
 
 
  Đại biểu tham dự hội thảo
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam
 
Tin bài liên quan đến Hội thảo: