Mục tiêu nghiên cứu: Tìm hiểu thực trạng và hiệu quả các chính sách đào tạo và sử dụng đội ngũ giáo viên phổ thông ở một số nước trên thế giới, từ đó đề xuất cá khuyến nghị vận dụng tại Việt Nam.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
1. Về lý luận
- Đề tài đã nêu ra một số khái niệm có liên quan, ví dụ như khái niệm về chính sách, giáo viên, đào tạo đội ngũ giáo viên, sử dụng đội ngũ;
- Tổng quan về chính sách đào tạo, về đội ngũ giáo viên phổ thông, và mối quan hệ giữa chính sách đào tạo và đội ngũ giáo viên phổ thông;
- Đề cập đến vai trò, nội dung chính sách đào tạo và sử dụng đội ngũ giáo viên.
2. Về thực tiễn
- Đề tài đã nghiên cứu chính sách đào tạo và việc sử dụng giáo viên ở Hàn Quốc, Singapore, Phần Lan, trong đó đề cập đến bối cảnh, hoàn cảnh thực hiện chính sách đào tạo và việc sử dụng giáo viên; tổng quan hệ thống trường học và lực lượng giáo viên; chính sách thu hút nhân lực làm giáo viên; đào tạo, chứng nhận và phát triển giáo viên, chính sách tuyển dụng và sử dụng giáo viên.
- Từ bối cảnh thực tiễn, thực trạng đội ngũ giáo viên ở nước ta (số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên phổ thông, chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông), thực trạng về chính sách đào tạo và sử dụng đội ngũ giáo viên phổ thông, cùng với việc so sánh một số nội dung chính sách của Việt Nam với các nước, đề tài đã đưa ra mộ số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong công tác đào đội ngũ giáo viên và trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên.
3. Một số khuyến nghị
Đối với Đảng và Chính phủ:
- Sớm ban hành Luật Giáo viên tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động nghề nghiệp, xây dựng các chính sách và đào tạo và sử dụng đội ngũ phù hợp.
- Điều chỉnh thang bảng lương phù hợp với hoạt động nghề nghiệp nhằm khuyến khích sinh viên giỏi vào học sư phạm, tăng động lực làm việc và phát triển đội ngũ giáo viên góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
- Cho phép thành lập Hiệp hội Giáo viên/ giáo chức thay vì chỉ có Hội cựu giáo chức như hiện nay.
- Đổi mới cơ chế tuyển dụng và sử dụng gắn với cơ sở sử dụng giáo viên, tăng quyền tự chủ và chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Triển khai các giải pháp về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được đưa ra trong các văn bản, nghị quyết, chiến lược.
- Xây dựng cơ chế nhằm tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên, gắn trách nhiệm với những người làm công tác quản lý về việc sử dụng đội ngũ.
- Quy hoạch phát triển đội ngũ trên cơ sở điều tra, khảo sát thực tiễn để tránh thừa thiếu, đồng thời đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân thực tiễn.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tham mưu Chính phủ về lĩnh vực tiền lương, phụ cấp, các chính sách, cơ chế đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên. Xây dựng hệ thống thang bảng lương gắn với công tác đánh giá với công tác đánh giáo chất lượng đội ngũ giáo viên thường xuyên.
- Có cơ chế, công cụ hiệu quả trong quản lý, giám sát hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên.
Đối với các Bộ, ngành có liên quan:
- Các ngành tài chính, nội vụ phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong việc xây dựng cơ chế tài chính, cơ chế phân cấp và quản lý việc tuyển dụng, sử dụng nhân lực trong ngành giáo dục.
- Tham gia với ngành giáo dục trong việc xây dựng chính sách, giám sát và thực hiện các chính sách về đào tạo và sử dụng đội ngũ giáo viên phổ thông.
Đối với công tác nghiên cứu:
- Tăng cường các nghiên cứu về vấn đề đào tạo và sử dụng đội ngũ giáo viên để các kết quả nghiên cứu phục vụ cho việc xây dựng chính sách về giáo viên.
- Nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có nhưng đặc trưng tương đồng với VIệt Nam về trình độ phát triển, văn hóa, xã hội, qua đó vận dụng các mô hình phù hợp vào trường hợp thực tiễn Việt Nam.
- Nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, các điển hình và sáng kiến các cơ sở giáo dục trong nước trong việc đào tạo và sử dụng đội ngũ giáo viên.
- Tổ chức các nghiên cứu, khảo sát đánh giá sự hài lòng của xã hội đối với đội ngũ giáo viên, đánh giá mức độ hài lòng về nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên qua đó có các chính sách, giải pháp điều chỉnh phù hợp từ phí cơ quan quản lý nhà nước.
Lương Đình Hải