Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ: Khai thác các học liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực về giáo dục bảo vệ môi trường cho sinh viên các trường sư phạm

18/12/2018 08:31 GMT+7
Ngày 17/12/2018, tại Hội trường E – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ: Khai thác các học liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực về giáo dục bảo vệ môi trường cho sinh viên các trường sư phạm. Mã số: B2017-VKG-16-MT do PGS.TS. Trần Thị Thái Hà chủ nhiệm.

 

Mục tiêu nghiên cứu: Thiết kế, vận  hành và hướng dẫn sử dụng được website tương tác về giáo dục bảo vệ môi trường cho sinh viên các trường sư phạm.

Tính mới và sáng tạo:

Tính mới và sáng tạo của nhiệm vụ nghiên cứu nằm ở hai điểm:

(i) Đối tượng của việc nâng cao nhận thức về giáo dục bảo vệ môi trường là giáo sinh các sinh viên các trường sư phạm. Hầu hết các nghiên cứu trước đây đều tập trung vào hai đối tượng chính là giáo viên và học sinh. Trong khi đó, sinh viên trường sư phạm đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục bảo vệ môi trường. Họ chính là những giáo viên tương lai, là người lan truyền kiến thức. Họ cần được đào tạo kĩ năng tích hợp bảo vệ môi trường vào môn học, cần được trao đổi với các giáo viên để tích luỹ kinh nghiệm và được chia sẻ các kĩ năng của mình với tư cách là “học sinh”.

(ii) Phương pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực về giáo dục môi trường mà Nhiệm vụ đề xuất sử dụng là website tương tác. Đây là một phương tiện công nghệ có tính lan truyền rộng, khả năng tương tác cao lại chưa được chú ý khai thác nhiều trong công tác nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh và cộng đồng. Không giống như các nghiên cứu khác, phương pháp nâng cao nhận thức thường là một chiều hoặc bị hạn chế tương tác như video, audio hoặc các tài liệu in giấy truyền thống. Website tương tác là một phương tiện giao tiếp rất tốt để cộng đồng giáo sinh và giáo viên, học sinh có thể trao đổi và chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về bảo vệ môi trường.

Kết quả nghiên cứu:

Nhiệm vụ đã triển khai trong 1 năm và đã đạt được các kết quả sau:

- Tập hợp được các tài liệu về giáo dục bảo vệ môi trường, bao gồm các nội dung: Kiến thức về môi trường; Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; Các hoạt động bảo vệ môi trường và các tài liệu về Giáo dục bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

- Biên soạn, tổ chức nội dung các tài liệu và số hoá nội dung trên hệ thống học liệu điện tử.

- Thiết lập hệ thống học liệu dạng website tương tác bao gồm các tài liệu về giáo dục bảo vệ môi trường, hệ thống kiểm soát người học và tương tác giữa người học với nhau và với người quản trị.

Hội đồng đánh giá cao ý tưởng nghiên cứu và những nỗ lực mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện trong khuôn khổ hạn hẹp về nguồn kinh phí. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo giảng viên trong tương lai rất cần những môi trường học tập mang tính tương tác cao và phát triển được năng lực tự học cho giáo sinh. Tuy nhiên, để có thể nâng cấp và phát triển những môi trường học tập như vậy cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa về nguồn lực trong tương lai. 
 
Trịnh Cao Khải
Trung tâm Thông tin và Dự báo 
 

Tin khác