Nghiệm thu đề tài “Giải pháp giảm áp lực học tập cho học sinh trung học phổ thông”
Ngày 1/12/2020, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Giải pháp giảm áp lực học tập cho học sinh trung học phổ thông”, Mã số: B2018-VKG-02, do ThS. Phạm Thị Phương Thức làm chủ nhiệm đề tài.
Mục tiêu nghiên cứu: Xác định các nguyên nhân tạo áp lực học tập cho học sinh Trung học phổ thông và giải pháp cải thiện áp lực học tập cho đối tượng này
Những đóng góp chính của đề tài
- Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, đề tài đã đề xuất 14 giải pháp nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh: (1) Phát triển kỹ năng quản lý thời gian, (2) Lựa chọn phương pháp học tập hiệu quả, (3) Tìm hiểu lý thuyết đa trí tuệ và khám phá năng lực đặc biệt của bản thân, (4) Thực hành vận động rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần bằng phương pháp yoga, (5) Đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học dựa trên một số lý thuyết tâm lý học, (6) Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục theo tiếp cận năng lực, (7) Phát triển mô hình tâm lý học đường, (8) Cha mẹ thay đổi vì hạnh phúc của con, (9) Phát triển kỹ năng làm cha mẹ, (10) Cha mẹ nhận biết các dấu hiệu áp lực ở con và cùng con giảm áp lực, (11) Thúc đẩy tình yêu học tập ở con, (12) Tổ chức các hoạt động xã hội khơi dậy, cổ vũ cho các giá trị, các hành vi tốt đẹp tại cộng đồng, (13) Nâng cao nhận thức về hậu quả của áp lực học tập đối với học sinh trong các tổ chức và cộng đồng dân cư, tạo dư luận đồng thuận và ủng hộ của xã hội, (14) Cung cấp các dịch vụ để làm giảm áp lực học tập của học sinh THPT thông qua đội ngũ chuyên gia, tư vấn, phòng khám
Đề xuất kiến nghị
- Đối với gia đình: Các bậc phụ huynh hãy tạo nên một gia đình hài hòa và ổn định. Quan tâm đến đời sống tâm lý và sự phát triển của các em, là chỗ dựa tinh thần cho các em khi gặp khó khăn. Đồng thời giáo dục gia đình cũng cần quan tâm đến năng lực nhận thức và tự đánh giá của các em, giúp các em phát triển đúng theo các chuẩn mực xã hội và chuẩn mực lứa tuổi. Phối hợp chặt chẽ với nhà trường, GV và các chuyên viên tâm lí để nắm chắc tình hình học tập, rèn luyện của con ở trường.
- Đối với nhà trường: Nhà trường cần phát huy những điều kiện thuận lợi đang có, tạo điều kiện để HS có được môi trường học tập an toàn, thân thiện, lành mạnh. Học sinh được cảm nhận niềm vui, hạnh phúc khi tới trường sẽ giảm áp lực, gánh nặng học tập. Cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục giá trị sống; tổ chức các mô hình câu lạc bộ; chỉ đạo GV đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy học và giáo dục, tạo hứng thú, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo ở HS. Mặt khác, cần quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, chống bệnh thành tích, chống gian lận trong thi cử để tăng niềm tin của HS và CMHS với nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Triển khai các hoạt động của phòng TLHĐ theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT...
- Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục phổ thông vừa sức, gắn với thực tế, giảm lý luận, tăng tính thực hành trong nội dung học tập; Chú trọng tới giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, trải nghiệm sáng tạo và hướng nghiệp cho HS; Chỉ đạo nhà trường phổ thông xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, an toàn, thân thiện, lành mạnh; Chỉ đạo tăng cường công tác tư vấn tâm lý cho HS trong trường học, bồi dưỡng đội ngũ chuyên viên TLHĐ, GV kiêm nhiệm làm công tác tư vấn tâm lý cho HS; Chỉ đạo xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hành hạnh phúc trong trường học, văn bản hướng dẫn tổ chức tư vấn tâm lý cho HS; Chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, đổi mới đánh giá kết quả giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực người học nhằm phát triển toàn diện cho HS.
Trung tâm Thông tin và Dự báo