Nghiệm thu đề tài “Tích hợp nội dung giáo dục đa văn hóa trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số ”
Ngày 14/4/2021, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài cấp bộ “Tích hợp nội dung giáo dục đa văn hóa trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số”, Mã số: B2018-VKG-01, do PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh làm chủ nhiệm đề tài.
Mục tiêu nghiên cứu
Xác định được mục tiêu, nội dung giáo dục đa văn hóa, quy trình, phương pháp tích hợp nội dung giáo dục đa văn hóa vào thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở vùng dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao tính phù hợp của việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non quốc gia với thực tiễn văn hóa – xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non dân tộc thiểu số.
Kết quả nghiên cứu
- Nghiên cứu cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn về giáo dục đa văn hóa và tích hợp nội dung giáo dục đa văn hóa trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
- Đề xuất nội dung, quy trình, phương pháp tích hợp nội dung giáo dục đa văn hóa trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số.
Kết luận
Giáo dục đa văn hoá là một cách tiếp cận giáo dục liên ngành dựa trên quan điểm đảm bảo quyền công bằng, bình đẳng và được tôn trọng trong tiếp cận giáo dục của trẻ em. Lý luận và thực tiễn về giáo dục đa văn hóa cho trẻ mầm non khẳng định sự cần thiết của giáo dục đa văn hóa và thực hiện tích hợp nội dung giáo dục đa văn hóa trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số. Để làm được điều đó, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số cần được hướng dẫn cách làm cụ thể. Dựa trên các kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn trên thế giới và các vùng dân tộc thiểu số đại diện Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ, đề tài đã đề xuất nội dung, quy trình, phương pháp tích hợp nội dung giáo dục đa văn hóa trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số một cách khoa học gồm 1) Đánh giá thực tế thực hiện chương trình giáo dục mầm non tại cơ sở giáo dục, 2) Điều chỉnh, bổ sung mục tiêu tổng thể và mục tiêu các lĩnh vực giáo dục phát triển về giáo dục đa văn hóa phù hợp với trẻ dân tộc thiểu số, 3) Xây dựng kế hoạch giáo dục tích hợp nội dung giáo dục đa văn hóa trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non, 4) Xây dựng môi trường giáo dục đa văn hóa, 5) Tổ chức thực hiện, 6) Đánh giá và điều chỉnh. Kết quả thử nghiệm tài liệu hướng dẫn tại cơ sở giáo dục mầm non ở huyện Sìn Hồ, Lai Châu đã cho thấy tính khả thi và phù hợp của tài liệu hướng dẫn trong bối cảnh cơ sở giáo dục mầm non có nhiều trẻ dân tộc thiểu số và các điều kiện địa phương khác nhau.
Như vậy, cách tiếp cận tích hợp giáo dục đa văn hoá trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số là một cách tiếp cận phù hợp, bước đầu khẳng định, cách tiếp cận liên ngành giữa giáo dục mầm non và văn hoá dân tộc đảm bảo thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục và đảm bảo tính đa văn hoá trong giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số ở các vùng miền khác nhau.
Trung tâm Thông tin và Dự báo