Nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Quản lý trường tiểu học trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”
Sáng ngày 15/12/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Quản lý trường tiểu học trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”, mã số V2021.01TX, do ThS. Mạc Việt Hà, Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục làm chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu do GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng làm chủ tịch, với sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục tiểu học. Đề tài được đánh giá là có ý nghĩa thực tiễn cao. Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo đúng quan điểm và đạt mục tiêu đề ra, đồng thời, để quá trình và kết quả đánh giá học sinh tiểu học thực hiện được đúng quy định của thông tư, đạt được kết quả đánh giá chính xác, hiệu quả, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý trường tiểu học. Do đó, cần thiết phải xây dựng một mô hình quản lý trường tiểu học để đảm bảo quản lý và giám sát được tổng thể hoạt động của trường từ các thành tố đầu vào, hoạt động dạy học và các thành tố đầu ra. Nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá đạt loại Xuất sắc.
Thông tin nhiệm vụ
Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý trường tiểu học trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018
Nội dung nghiên cứu
- Nghiên cứu cơ sở lý luận về quản lý trường tiểu học trong quá trình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
- Cơ sở thực tiễn về quản lý trường tiểu học trong quá trình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
- Đề xuất mô hình quản lý trường tiểu học trong quá trình triển khai chương trình giáo dục tiểu học 2018.
Kết quả nghiên cứu
Vận dụng mô hình CIPO trong xác định các hoạt động dạy học trong trường tiểu học, trên cơ sở đó xây dựng mô hình quản lý trường tiểu học trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông. Mô hình CIPO trong giáo dục khi vận dụng vào quản lý trường tiểu học trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quá trình từ Quản lý các yếu tố đầu vào (Input), Quản lý các yếu tố quá trình dạy học (Process) và Quản lý các yếu tố đầu ra (Output), có tính đến tác động của các yếu tố bối cảnh (Context), có thể theo dõi được toàn bộ các công việc đang diễn ra để cải tiến, điều chỉnh tối ưu hóa các hoạt động quản lý trong trường tiểu học.
Khuyến nghị
Với Quốc hội, Chính phủ: Cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương đầu tư cơ sở vất chất trường học (ưu tiên các tỉnh, các vùng kinh tế phát triển chậm, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, các tỉnh thuộc các vùng trung du và miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số); Chỉ đạo các địa phương ưu tiên huy động các nguồn lực khác; Có cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh sinh viên sư phạm, chương trình đào tạo và quy định về tuyển dụng để bảo đảm lựa chọn những sinh viên có chất lượng, góp phần từng bước bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Với các Bộ, ngành: Đảm bảo tính thống nhất cao trong các nội dung thực hiện.
Với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới; Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Thực hiện công tác truyền thông đến tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, người lao động về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lộ trình thay sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Tăng cường chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam