Nghiệm thu cấp Bộ đề tài KH&CN “Xác định hệ giá trị văn hoá cần hình thành ở học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới”
Chiều ngày 20/7/2022, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài KH&CN “Xác định hệ giá trị văn hoá cần hình thành ở học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới”, mã số CT.2019.08.01, do TS. Vương Thị Phương Hạnh làm chủ nhiệm. Đây là một trong chuỗi 07 đề tài thuộc Chương trình KH&CN cấp Bộ “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới” theo Quyết định số 521/QĐ-BGDĐT ngày 04/3/2019 của Bộ GD&ĐT.
Hội đồng nghiệm thu đề tài
Hội đồng nghiệm thu gồm bảy thành viên là các nhà nghiên cứu, các nhà sư phạm trong lĩnh vực giáo dục phổ thông và quản lý giáo dục do PGS.TS. Trần Kiều làm Chủ tịch.
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế kéo theo những mặt tích cực và cả những tác động tiêu cực đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, nhân cách, giá trị sống và lối sống của thanh thiếu niên, trong đó có học sinh phổ thông, tạo ra nhiều nguy cơ, thách thức đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, văn hoá cho các đối tượng này. Những mặt tiêu cực trong hệ giá trị sống đương đại đang là một thách thức, một “nan đề” đối với nền giáo dục nước nhà. Để giải quyết vấn đề khó khăn này, cần thiết phải xác định được những giá trị văn hoá căn bản, cốt lõi cần hình thành ở học sinh phổ thông và tìm ra con đường giáo dục giá trị văn hoá đúng đắn, phù hợp.
Mục tiêu của đề tài: Xác định được khung lý luận cơ bản, xu thế và kinh nghiệm quốc tế về xây dựng hệ giá trị văn hoá, từ đó đề xuất hệ giá trị văn hoá cần hình thành ở học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới.
Việc lựa chọn và xác định giá trị văn hoá cần hình thành ở học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới cần các nguyên tắc cơ bản như sau: (1) Chỉ xác định những giá trị cốt lõi; (2) Phù hợp với hệ giá trị văn hoá và con người Việt Nam; (3) Kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống; (4) Tiếp thu, bổ sung những giá trị tinh hoa của nhân loại; và (5) Phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông.
Nhìn chung, hệ giá trị văn hoá cần hình thành ở học sinh phổ thông Việt Nam cần đảm bảo sự cân đối, hài hoà giữa tính truyền thống và hiện đại, giữa tính dân tộc và quốc tế, giữa việc kế thừa và phát triển, giữa mong muốn và điều kiện, khả năng thực tế có thể thực hiện. Cấu trúc của hệ giá trị văn hoá cần đơn giản, gọn gang, dễ nhớ, dễ vận dụng.
Nhóm nghiên cứu đề xuất hệ giá trị văn hoá cần hình thành cho học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới gồm 10 giá trị: yêu nước, khoan dung, hoà bình, hợp tác, trách nhiệm, trung thực, kỷ luật, tự trọng, tự tin, sáng tạo.
Qua khảo nghiệm ý kiến của các nhà nghiên cứu và giáo viên về hệ giá trị văn hoá cần hình thành ở học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới, đa số các ý kiến đều cho rằng hệ giá trị văn hoá được đề xuất trên cơ sở khoa học, đảm bảo các nguyên tắc và tiêu chí đề ra, đảm bảo kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống của dân tộc, tiếp thu, bổ sung những giá trị tinh hoa của nhân loại, bao gồm những giá trị truyền thống và những giá trị mang tính thời đại, có những giá trị mang tính nhân loại và những giá trị mang tính dân tộc, tính cộng đồng,… và góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam