Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn để đề xuất thí điểm tự chủ tại một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông”
Ngày 22/09/2022, tại phòng họp A13, Viện Khoa học giáo dục VIệt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn để đề xuất thí điểm tự chủ tại một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông”, mã số B2020-VKG-01NV do PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Vân làm chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu đề tài
Tham dự buổi nghiệm thu có GS. TS. Phan Văn Kha làm chủ tịch hội đồng, các thành viên hội đồng, cùng các thành viên của đề tài. Đại diện nhóm nghiên cứu, PSG. TS. Nguyễn Thị Hồng Vân trình bày kêt quả nghiên cứu đề tài. Đề tài đã tiến hành đánh giá thực trạng, từ đó đề xuất chính sách tự chủ tại một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Các sản phẩm được thực hiện theo thuyết minh đề tài.
Về cơ sở lý luận, đề tài đề cập đến các khái niệm về tự chủ trong giáo dục, cơ sở giáo dục tự chủ, cơ sở giáo dục công lập tự chủ. Liên quan đế các mô hình tự chủ, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích mô hình Chatter schools, và mô hình quản lý dựa vào nhà trường. Từ đó, đề tài xác định được các bài học kinh nghiệm, cụ thể là về mong muốn tạo ra một bước phát triển mới của nhà trường thông qua việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục nhà trường để đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhà trường cần hoạt động dưới sự vận hành của hội đồng trường, đội ngũ giáo viên và cộng đồng cùng tham gia và quá trình giáo dục của nhà trường, các cơ sở giáo dục khi chuyển sang tự chủ đều cần được trao quyền thực hiện tự chủ và có lộ trình thực hiện, cần có các mức độ trong thực hiện tự chủ.
Về cơ sở thực tiễn, đề tài đã triển khai khảo sát thực trạng các vấn đề liên quan đến việc tự chủ của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông. Trong đó, nhóm nghiên cứu tập trung làm rõ nhu cầu thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục, các điểu kiện và khả năng tự chủ của nhà trường, các lợi ích của nhà trường khi thực hiện tự chủ, sự thay đổi của nhà trường sau khi thực hiện tự chủ, vai trò của hội đồng trường trong quá trình triển khai tự chủ. Bên cạnh đó, đề tài cũng tìm hiểu những sự khác nhau giữa các cơ sở giáo dục hiện hành và cơ sở giáo dục tự chủ về mục tiêu giáo dục, các hoạt động chuyên môn, tài chính, nhân sự, vai trò quản lý và điều hành, vai trò của giáo viên, vài trò của các nhóm trong hoạt động nhà trường, trách nhiệm giải trình, và các cam kết của nhà trường.
Trên cơ sở trên, đề tài đã đề xuất mô hình tự chủ đối với các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, bao gồm mô hình phát triển nhà trường tự chủ, mô hình tổ chức thực hiện tự chủ, quy trình thực hiện tự chủ, các nội dung tự chủ, các điều kiện thực hiện tự chủ tại nhà trường. Kết quả khảo nghiệm mô hình cho thấy sự đánh giá cao của đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường đối với mô hình đề xuất. Từ đó, đề tài cũng đã đề xuất các khuyến nghị đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trong triển khai tự chủ tại nhà trường.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam