Hội thảo khoa học “Định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Chiều ngày 20/12/2022, tại trụ sở số 04 Trịnh Hoài Đức - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức Angels’ Haven (Hàn Quốc) và VAEFA (Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà giáo dục trong và ngoài nước trao đổi kinh nghiệm về hệ thống cơ sở giáo dục người khuyết tật của một số nước trên thế giới và tại Việt Nam; từ đó, định hướng xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục cho người khuyết tật tại Việt Nam.
Tham dự hội thảo, có hơn 50 đại biểu trực tiếp và gần 200 đại biểu trực tuyến. Họ là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục, các nghiên cứu viên và các thầy cô giáo đến từ các cục, vụ chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện KHGDVN, các cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật (chuyên biệt/ hoà nhập, công lập/ tư thục), các trường đại học/ học viện trong và ngoài nước, các tổ chức UN và NGOs quốc tế và trong nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN gửi lời chào mừng và lời cảm ơn tới tất cả các thầy cô giáo, các quí vị đại biểu, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đang thực hiện nhiệm vụ quy hoạch. Bài phát biểu của ông nhấn mạnh cần có sự quan tâm hơn nữa đối với trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Trong thời gian qua, Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức xã hội đã cùng chung tay để cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, cũng còn có những khoảng trống, những nỗ lực cần thực hiện trong giai đoạn tới. Hội thảo gồm ba nội dung chính: Đánh giá thực trạng hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập của Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục đặc biệt của Hàn Quốc, Malaysia và Nauy, từ đó có những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; và Định hướng quy hoạch của Việt Nam. Ông bày tỏ sự mong đợi các đại biểu sẽ có những ý kiến trao đổi, thảo luận thiết thực, hiệu quả cho định hướng quy hoạch.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, ông Tạ Ngọc Trí, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh những nội dung theo Nghị Quyết của Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT. Thực hiện Quyết định số 427/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GD&ĐT đã tích cự triển khai nhiệm vụ được phân công theo tiến độ đề ra. Nghị Quyết số 45-NQ/BCSĐ ngày 02/12/2022 của Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT nêu rõ định hướng: Hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trong Quy hoạch là một mạng lưới các cơ sở giáo dục dành cho học sinh khuyết tật, tồn tại song song với hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và hỗ trợ hệ thống này trong mục tiêu là để bảo đảm quyền được học tập và học tập có chất lượng của học sinh khuyết tật, đặc biệt là để bảo đảm các quy định trong Hiến pháp 2013 cũng như Luật Giáo dục 2019 về giáo dục bắt buộc (cấp tiểu học) và phổ cập giáo dục (mầm non 5 tuổi, Trung học cơ sở).
Mở đầu các bài báo cáo, TS. Nguyễn Văn Hưng - Viện KHGDVN trình bày “Thực trạng hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tại Việt Nam”. Bài tham luận đưa ra những nét chính về thực trạng số lượng, tỉ lệ dạng tật và loại hình giáo dục của học sinh khuyết tật toàn quốc, những thuận lợi và khó khăn của các cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập; đồng thời, cũng đưa ra một số khuyến nghị về nghiên cứu và ban hành chính sách đối với giáo dục đặc biệt Việt Nam.
Tiếp theo chương trình là báo cáo quốc tế. Mở đầu là báo cáo “Thực trạng giáo dục đặc biệt Hàn Quốc” của GS. Lee Pil Sang - Đại học KonYang, Hàn Quốc. Báo cáo trình bày về tình hình giáo dục đặc biệt tại Hàn Quốc hiện nay, Kế hoạch 5 năm phát triển giáo dục đặc biệt lần thứ 6 (giai đoạn 2023 - 2027), và một số gợi ý cho giáo dục đặc biệt Việt Nam.
Bà Anne Line Kihle - Đại học Inland, Nauy trình bày tham luận “Giáo dục hoà nhập Nauy”. Báo cáo làm rõ vai trò của giáo dục hoà nhập trong hệ thống giáo dục của Nauy, và các chính sách để đảm bảo thực hiện giáo dục hoà nhập.
Báo cáo “Giáo dục đặc biệt của Malaysia” của GS. Yasmin Binti Hussain - Đại học Thành phố, Malaysia mô tả lịch sử giáo dục đặc biệt tại Malaysia, đồng thời chỉ ra những cơ hội và thách thức trong giai đoạn tới.
Bài tham luận cuối của Hội thảo do TS. Nguyễn Thị Kim Hoa - Viện KHGDVN trình bày “Định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tại Việt Nam, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đây cũng là nội dung cần xin ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp và trực tuyến đều rất quan tâm đến Dự thảo quy hoạch, đưa ra nhiều câu hỏi, ý kiến phản biện, góp ý liên quan đến tất cả các nội dung của quy hoạch từ mục tiêu đến giải pháp, từ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đến vấn đề tài chính,…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS - Viện trưởng Lê Anh Vinh cảm ơn các quý thầy cô, các quý vị đại biểu đã dành thời gian tham dự Hội thảo hết sức có ý nghĩa này. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo quy hoạch. Viện KHGDVN và đội ngũ chuyên gia thực hiện nhiệm vụ quy hoạch rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, trao đổi trong các hội thảo tham vấn tiếp theo.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam