Hội nghị khoa học “Cơ sở khoa học cho xây dựng chương trình Giáo dục mầm non sau 2022 ở Việt Nam”
Ngày 30/12/2022, tại trụ sở 04 Trịnh Hoài Đức, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học “Cơ sở khoa học cho xây dựng chương trình Giáo dục Mầm non sau 2022 ở Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 70 đại biểu là các nhà quản lý giáo dục, các nghiên cứu viên và các thầy cô giáo đến từ các Cục, Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trong nước và từ các đơn vị trực thuộc Viện.
Viện trưởng Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS. TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết năng lực và phẩm chất nhân cách của các cá nhân hết sức đa dạng, được hình thành trong quá trình trải nghiệm sống và học tập của mỗi cá nhân. Chính vì vậy ngay từ độ tuổi mầm non, các nhà giáo dục cần tìm hiểu, nhận biết đặc điểm, tiềm năng riêng có của mỗi đứa trẻ; từ đó thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục cần phù hợp để đạt hiệu quả. Các hoạt động giáo dục qua trải nghiệm đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp cá nhân hình thành được kiến thức, kĩ năng thực hành và những phẩm chất cơ bản trong cuộc sống thực. Nhóm năng lực cảm xúc – xã hội và STEM là một trong những nhóm năng lực mới, mang tính toàn cầu, cần được chú trọng hình thành cho trẻ mầm non, hướng đến mục tiêu giáo dục công dân thế kỉ XXI.
Bà Phan Thị Hương Giang trình bày sự phát triển tâm - sinh ý của trẻ mầm non
Mở đầu hội nghị là báo cáo “Sự phát triển tâm – sinh lý của trẻ em mầm non” và “Xu hướng đổi mới giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay” do nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Tâm Lý học và Giáo dục học trình bày. Trong đó nhấn mạnh sự phát triển tâm – sinh lý trẻ em lứa tuổi mầm non ở mỗi giai đoạn lại có những điểm khác nhau, chính vì vậy việc giáo dục sớm sẽ tạo cơ hội phát triển tối đa tiềm năng sẵn có của đứa trẻ, thậm chí có vai trò quyết định sự phát triển của các em khi trưởng thành.
Bà Chu Cầm Thơ trình bày kinh nhgieemj quốc tế về đánh giá chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực
Các báo cáo “Lý luận về phát triển Chương trình Giáo dục Mầm non theo tiếp cận năng lực” và “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển Chương trình Giáo dục Mầm non theo tiếp cận năng lực” của nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non nhấn mạnh việc triển khai và thực hiện chương trình theo tiếp cận năng lực đòi hỏi chặt chẽ về các điều kiện kèm theo từ tổ chức, số lượng và năng lực nhân sự, các điều kiện đảm bảo, đánh giá và sự phối hợ cùng tham gia của các bên liên quan. Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục mầm non theo hướng tiếp cận năng lực là những bài học hữu ích cho Việt Nam. Các báo cáo tiếp theo với các chủ đề: Tích hợp giáo dục hòa nhập trong Chương trình Giáo dục mầm non và Tiêu chuẩn, công cụ đánh giá Chương trình Giáo dục mầm non.
Đại biểu thảo luận tại hội nghị
Trong phiên thảo luận, các đại biểu tham dự Hội nghị đều rất quan tâm đến Chương trình Giáo dục mầm non sau 2022, đưa ra nhiều câu hỏi, ý kiến phản biện, góp ý liên quan đến tất cả các nội dung của hội nghị từ việc nghiên cứu đặc điểm tâm sinh lý của trẻ mầm non Việt Nam tới việc tích hợp giáo dục hòa nhập trong Chương trình Giáo dục mầm non và các tiêu chuẩn công cụ đánh giá việc thử nghiệm thí điểm chương trình Giáo dục Mầm non mới.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng vụ Giáo dục Mầm non cho rằng về cơ bản các nhóm nghiên cứu đã thực hiện những nghiên cứu nghiên túc, công phu. Tuy nhiên Bộ GD&ĐT cần những khuyến cáo chi tiết hơn làm cơ sở khoa học hữu ích cho Ban biên soạn Chương trình Giáo dục Mầm non.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, GS. TS. Lê Anh Vinh cảm ơn các quý thầy cô, các quý vị đại biểu đã dành thời gian tham dự Hội nghị hết sức có ý nghĩa này. Ông hi vọng có thể xây dựng được Khung chương trình Giáo dục Mầm non theo hướng mở, đảm bảo Quyền được giáo dục của toàn thể trẻ em trên cả nước. Ban chuyên gia sẽ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện cơ sở khoa học cho xây dựng chương trình Giáo dục Mầm non sau 2022 ở Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại hội trường
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam