Nghiệm thu Nhiệm vụ theo chức năng năm 2022 (Hội đồng số 10)

22/12/2022 09:05 GMT+7
Sáng ngày 21/12/2022, tại phòng họp A4, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội đồng nghiệm thu Nhiệm vụ theo chức năng năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học (Hội đồng số 10).


Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ
 
Nhiệm vụ thứ nhất “Nghiên cứu thực trạng cơ chế quản trị của các cơ sở giáo dục đại học”, mã số V2022-19TX, do TS. Nguyễn Đức Ca, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học làm chủ nhiệm. Mục tiêu của nhiệm vụ: Nghiên cứu thực trạng cơ chế quản trị đại học ở Việt Nam hiện nay; đề xuất các vấn đề cần điều chỉnh để đảm bảo thực thi cơ chế quản trị các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.
 
Về cơ sở lí luận, nhiệm vụ tổng quan vấn đề nghiên cứu trong nước và ngoài nước, làm rõ một số khái niệm công cụ, như: cơ chế, quản trị, quản trị đại học, mô hình tổ chức quản trị đại học, tổng hợp các văn bản hiện hành qui định về cơ chế quản trị của các cơ sở giáo dục đại học. Về cơ sở thực tiễn, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát và đánh giá tình hình thực hiện cơ chế quản trị của 14 cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, liên quan đến ba khía cạnh chính: năng lực quản trị, bảo đảm chất lượng và trách nhiệm giải trình. Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu kiến nghị khung chính sách về quản trị các cơ sở giáo dục đại học để đảm bảo thực thi cơ chế quản trị của các cơ sở giáo dục đại học.
 
Nhiệm vụ thứ hai “Thử nghiệm khung đánh giá đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương (nối tiếp 2021)”, mã số V2022-20TX, do ThS. Nguyễn Thuỳ Vinh, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học làm chủ nhiệm. Mục tiêu của nhiệm vụ: Thử nghiệm và hoàn chỉnh khung đánh giá sự đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
 
Nhiệm vụ xây dựng Khung đánh giá đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học về 04 lĩnh vực chính: Đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học thông qua kết quả nghiên cứu; Đóng góp của cơ sở giáo dục đại học thông qua thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế địa phương; Đóng góp và sự phát triển nguồn nhân lực địa phương; Đóng góp của cơ sở giáo dục đại học về cải thiện bình đẳng xã hội thông qua phát triển văn hoá địa phương. Sau thử nghiệm, nhóm nghiên cứu hoàn thiện bộ công cụ đánh giá và đề xuất áp dụng trên diện rộng.
 
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam