Nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ “Giáo dục bảo vệ động vật hoang dã trong nhà trường phổ thông khu vực Tây Nguyên”
Chiều ngày 22/12/2023, tại phòng họp A4, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ “Giáo dục bảo vệ động vật hoang dã trong nhà trường phổ thông khu vực Tây Nguyên”, mã số B2022-VKG-02-MT.TĐ, do PGS.TS. Trần Huy Hoàng là chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu đề tài
Hội đồng nghiệm thu gồm bảy thành viên là các nhà nghiên cứu, các nhà sư phạm trong lĩnh vực giáo dục phổ thông và quản lý giáo dục do PGS.TS. Trần Kiều làm Chủ tịch.
Đã có rất nhiều giải pháp bảo tồn động vật hoang dã ở Tây Nguyên mà chính quyền địa phương đang áp dụng như thành lập vườn quốc gia, bảo tồn môi trường sống, thả thú về rừng, cấm săn bắt, tuyền truyền nâng cao nhận thức,… Một trong những giải pháp hữu ích là tăng cường giáo dục về bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã trong các nhà trường phổ thông khu vực Tây Nguyên nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về động vật hoang dã ở Tây Nguyên và hướng dẫn các hoạt động giáo dục về bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã khu vực Tây Nguyên phù hợp với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Mục tiêu của nhiệm vụ: Biên soạn nội dung giáo dục, xây dựng mô hình tổ chức giáo dục và hoạt động tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã trong nhà trường phổ thông khu vực Tây Nguyên nhằm thực hành bảo vệ một số loài động vật hoang dã và môi trường sống của chúng.
Các nội dung nghiên cứu:
(1) Nghiên cứu biên soạn tài liệu về giáo dục bảo vệ động vật hoang dã trong nhà trường phổ thông khu vực Tây Nguyên;
(2) Tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên về giáo dục bảo vệ động vật hoang dã cho học sinh phổ thông khu vực Tây Nguyên;
(3) Xây dựng, thử nghiệm mô hình giáo dục bảo vệ động vật hoang dã trong nhà trường phổ thông khu vực Tây Nguyên;
(4) Truyền thông về giáo dục học sinh bảo vệ động vật hoang dã khu vực Tây Nguyên.
Các sản phẩm băng hình các bài giảng minh hoạ và video về quá trình triển khai tập huấn và thử nghiệm các hoạt động tại nhà trường đã được chuẩn bị và xây dựng một cách bài bản, có tác dụng tham khảo hữu ích đối với các nhà quản lý và giáo viên trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục bảo vệ động vật hoang dã khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, kênh truyền thông “Chung tay bảo vệ động vật hoang dã khu vực Tây Nguyên” qua Facebook đã có sức lan toả lớn đến các nhà trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông khu vực Tây Nguyên, nhiều bài viết và hình ảnh được đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh ủng hộ, chia sẻ.
Hội đồng kết luận nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa, bổ sung theo các góp ý của các thành viên hội đồng và sớm hoàn thiện đề tài để nghiệm thu cấp Bộ.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam