Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu trải nghiệm học tập của sinh viên đại học trong các biến động xã hội”
Chiều ngày 05/01/2024, tại phòng họp A13, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu trải nghiệm học tập của sinh viên đại học trong các biến động xã hội”, mã số B2022-VKG-10, do TS. Nguyễn Thị Hảo là chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu gồm bảy thành viên là các nhà nghiên cứu, các nhà sư phạm trong lĩnh vực giáo dục đại học và quản lý giáo dục do PGS.TS. Lại Quốc Khánh làm Chủ tịch.
Mục tiêu của đề tài: Tìm hiểu và so sánh trải nghiệm học tập của sinh viên Việt Nam khi thay đổi bối cảnh xã hội để đề xuất giải pháp nhằm điều chỉnh các trải nghiệm học tập cho sinh viên Việt Nam trong những bối cảnh khác nhau.
TS. Nguyễn Thị Hảo báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài
Về cơ sở lí luận, nhóm nghiên cứu làm rõ các khái niệm: trải nghiệm học tập, biến động xã hội, hoạt động học tập của sinh viên đại học; khung lý thuyết về trải nghiệm học tập của sinh viên đại học trong các biến động xã hội.
Về cơ sở thực tiễn, nhóm nghiên cứu khảo sát thực trạng trải nghiệm học tập của sinh viên Việt Nam trong các biến động xã hội trên 04 biến động: Đại dịch Covid-19; Lũ lụt, hạn hán; Sự thay đổi của công nghệ và Internet; và Sự chuyển dịch địa lý. Trong mỗi biến động, đề tài thực hiện khảo sát mức độ ảnh hưởng của biến động đến các hoạt động học tập của sinh viên bao gồm: Hoạt động học tập trên lớp; Tự học; Nghiên cứu khoa học; Tham gia các sự kiện xã hội; Hoạt động giao tiếp của bản thân với môi trường văn hóa - xã hội.
Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng ở mỗi biến động xã hội, sinh viên đều có những khó khăn và thuận lợi nhất định. Dù theo chiều hướng tiêu cực hay tích cực thì mỗi biến động xã hội xảy ra đều có tác động rất lớn đến sinh viên, sinh viên đều cần phải học cách thích ứng để phát triển bản thân. Vì thế, việc tăng cường trải nghiệm học tập trong các biến động xã hội để giúp sinh viên hạn chế tác động tiêu cực và tăng cường các tác động tích cực từ biến động đó là rất cần thiết.
Nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp, gồm: Rà soát, đề xuất điều chỉnh quy chế sinh viên đại học; Rà soát, điều chỉnh, xây dựng chính sách tài chính, nghiên cứu khoa học và chính sách tình nguyện cho sinh viên trong các biến động xã hội; Đổi mới công tác quản lý sinh viên; Điều chỉnh hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học và hoạt động đoàn thể của sinh viên phù hợp với biến động xã hội; Hỗ trợ, tư vấn tâm lý kịp thời cho sinh viên trong các biến động xã hội; Tăng cường các hoạt động giáo dục kĩ năng đặc thù cho sinh viên để sẵn sàng ứng phó với các biến động xã hội.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam