Hội thảo “Định hướng nghiên cứu về Khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn đến năm 2030”
Ngày 10/01/2024, tại trụ sở 04 Trịnh Hoài Đức, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Định hướng nghiên cứu về Khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn đến năm 2030”.
Tham dự hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và đào tạo, có TS. Trịnh Xuân Hiếu - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ông Huỳnh Văn Chương – Cục Trưởng Cục Quản lý chất lượng, TS. Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, cùng các chuyên viên của đơn vị. Về phía đối tác có đại diện của Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam. Về phía các cơ sở giáo dục, GS. TS. Nguyễn Quý Thanh – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, GS. TS. Trần Trung – Giám đốc Học viện Dân tộc. Về phía Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, có Viện trưởng Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Mai Văn Trinh, đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trực thuộc Viện và PGS. TS. Nguyễn Đức Minh – Chủ nhiệm đề tài cùng các thành viên của nhóm nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Lê Anh Vinh gửi lời chào mừng các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục quan tâm đến dự. Ông cho biết định hướng nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam là một trong những vấn đề quan trọng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm. Minh chứng là số lượng đề tài Bộ phê duyệt đã tăng trong thời gian gần đây, dù nguồn lực còn nhiều hạn chế. Và đề phát triển khoa học giáo dục Việt Nam, chúng ta không chỉ cần nguồn đầu tư dài hạn cho các chương trình khoa học giáo dục mà còn cần ưu tiên phát triển đội ngũ khoa học giáo dục.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS. Trịnh Xuân Hiếu phát biểu định hướng nội dung hội thảo cần tập trung làm rõ thực trạng nghiên cứu khoa học giáo dục VIệt Nam, trong đó cần xác định các vấn đề trọng tâm, cần đầu tư trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế. Từ đó, hội thảo cần đề xuất khung chương trình khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.
Tiếp theo chương trình, hội thảo lắng nghe ba bài báo cáo tham luận. Đầu tiên, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh trình bày báo cáo “Thực trạng và định hướng nghiên cứu về Khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn đến năm 2030”. Ông chỉ ra rằng khoa học giáo dục Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn trong thời gian qua. Dù vậy, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức để phát triển khoa học giáo dục nước nhà và tạo nền tảng vững chắc, lâu dài cho các nghiên cứu ứng dụng, triển khai, phục vụ hiệu quả tiến trình đổi mới giáo dục theo bối cảnh. Các nguyên nhân cũng được xác định cụ thể như là tư duy khoa học giáo dục chậm đổi mới, vai trò của khoa học giáo dục chưa được coi trọng…
Tiếp đến là báo cáo tham luận của GS. TS. Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên. Ông xác định bốn định hướng nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam cần thực hiện như sau: i) Nghiên cứu tác động của môi trường đến con người, ii) Nghiên cứu triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lực quốc gia về giáo dục, iii) Khoa học giáo dục cần lý giải với xã hội về mô hình giáo dục, iv) Giáo viên đang cần giáo viên hay là người hướng dẫn trong tương lai?
Cuối cùng, PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trình bày báo cáo “Đề xuất Khung Chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia đến năm 2030”. Khung chương trình đề xuất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học giáo dục nhằm giải đáp lý luận và thực tiễn trong chuyển đổi nền giáo dục mở, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Các vấn đề nghiên cứu tập trung ở bảy lĩnh vực nghiên cứu như là phát triển khoa học giáo dục Việt Nam tiếp cận trình độ khoa học giáo dục thế giới, phát triển khoa học giáo dục Việt Nam tiếp cận trình độ khoa học giáo dục thế giới, cung cấp luận cứ khoa học về các khoa học giáo dục nền tảng phát triển giáo dục, xác định các tiêu chí phát triển giáo dục.
Phiên thảo luận được điều hành bởi TS. Trịnh Xuân Hiếu, GS. TS. Lê Anh Vinh và PGS. TS. Nguyễn Đức Minh. Các đại biểu đánh giá cao các nội dung tham luận. Các đại biểu tập trung thảo luận về những lĩnh vực nghiên cứu phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, các điều kiện đảm bảo cho nghiên cứu khoa học giáo dục, các chính sách nền tảng dho đổi mới giáo dục, triết lý giáo dục, sự liên thông giữa các cấp bậc học, các chính sách quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập…
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam