Tập huấn giảng viên cốt cán dự án “Thư viện số cho học sinh Việt Nam”
Từ ngày 25-27/11/2024, tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức tập huấn giảng viên cốt cán cho Dự án “Thư viện số cho học sinh Việt Nam” theo hình thức trực tuyến.
Viện trưởng Lê Anh Vinh cùng giảng viên cốt cán tham dự tập huấn tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo
Tham dự buổi khai mạc lớp tập huấn, về phía tổ chức UNICEF Việt Nam, có bà Lê Anh Lan – Chuyên gia giáo dục; về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có Viện trưởng Lê Anh Vinh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên của bộ phận Hợp tác quốc tế.
Thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam là Dự án hợp tác đa phương giữa Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), Thư viện số Toàn cầu (Global Digital Library) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) với nguồn tài trợ bởi chính phủ Na Uy nằm trong các sáng kiến về Hàng hoá công kỹ thuật số (Digital Public Goods). Dự án này một sáng kiến đa phương hướng đến quyền tiếp cận sách chất lượng cao cho tất cả trẻ em, trong đó chú ý quan tâm đến đối tượng trẻ em dân tộc và trẻ em khuyết tật.
Trong giai đoạn vừa qua, dự án đã chọn lọc và chuyển dịch nhiều sách chất lượng cao từ các nguồn như Thư viện số toàn cầu, Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Giáo dục bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Ba Na, tiếng Chăm, tiếng Êđê, Jrai,…Dự án cũng sáng tác truyện cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khiếm thính, tích hợp yếu tố thực tế tăng cường và tạo trải nghiệm đọc sinh động qua sách có minh họa. Đặc biệt, các video sách ngôn ngữ ký hiệu hỗ trợ học sinh khiếm thính và ứng dụng đọc sách trên IOS và Android đã được phát triển.
Các đại biểu trao đổi giữa các điểm cầu
Bà Cecilie Isaksen Eftedal - Chuyên gia của Dự án cùng các giảng viên cốt cán cùng nhau trao đổi về các phương thức hướng dẫn giáo viên và học sinh Việt Nam có những trải nghiệm tốt nhất đối với Thư viện số qua trang web đọc sách và phần mềm đọc sách trên điện thoại.
Dự kiến trong năm 2024-2025, Viện sẽ triển khai các hoạt động tập huấn tại sáu tỉnh, gồm An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kon Tum, Lào Cai và Điện Biên, với các mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận sách miễn phí và năng lực đọc của trẻ em thông qua phát triển nguồn tài nguyên đọc sách chất lượng cao bằng nhiều ngôn ngữ, đặc biệt là các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và ngôn ngữ ký hiệu. Đồng thời, dự án cung cấp tài liệu mở cho giáo viên, nhà trường và phụ huynh nhằm nâng cao năng lực đọc của trẻ em, tích cực hóa phương pháp dạy học và đa dạng hóa nguồn tài liệu đọc.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam