Hội thảo tổng kết các hoạt động nghiên cứu năm 2024 trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia

30/12/2024 10:16 GMT+7
Ngày 29/12/2024, tại Sông Hồng Resort - Vĩnh Phúc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết các hoạt động nghiên cứu năm 2024 trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia. Mục tiêu của hội thảo nhằm chia sẻ những kết quả của các hoạt động, nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong khuôn khổ Đề án trong thời gian qua; và tạo diễn đàn để kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu với cán bộ quản lý, giáo viên để cùng thảo luận, hướng đến mục tiêu tiếp tục nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh trong thời gian tới.


Toàn cảnh hội trường
 
Tham dự hội thảo, có sự hiện diện của TS. Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng ban Ban Quản lý đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Ông Phạm Khương Duy - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, Ông Lê Thuỳ Dương - Giám đốc Quốc gia, Văn phòng Tiếng Anh, Đại sứ quán Hoa Kỳ, cùng sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý các cấp, giảng viên, giáo viên và những người quan tâm đến chủ đề hội thảo.
 
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh tại Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, một trong nhiều nhiệm vụ được đặt ra là “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”. Đây là một cơ sở chính trị quan trọng để thực hiện dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông. Việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh không chỉ là một nhiệm vụ giáo dục mà còn là chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, việc sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện giảng dạy các môn học khác không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp các em học sinh rèn luyện khả năng tư duy đa chiều, linh hoạt và sẵn sàng thích nghi với những thách thức mới.
 
 
 
TS. Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia phát biểu chào mừng hội thảo. Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” được phê duyệt theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008; sau đó được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung giai đoạn 2017 - 2025 theo Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017. Bà nhấn mạnh tiếng Anh là ngôn ngữ của lập trình, của khoa học nên có tiếng Anh sẽ thuận lợi trong tiếp thu tri thức của thế giới. Bà cũng bày tỏ mong muốn trong hội thảo sẽ thu nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp cho các báo cáo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và có định hướng đề xuất các hoạt động tiếp theo.
 
 
Phát biểu chào mừng, ông Phạm Khương Duy - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ tiếng nói từ một địa phương tham gia thực hiện Đề án ngoại ngữ, cần có sự chỉ đạo và chính sách để đạt được mục tiêu của Đề án như quy trình liên tục dạy và học ngoại ngữ từ mầm non lên đến đại học, có thể cho học sinh học tiếng Anh từ lớp 1, cung cấp thêm nguồn lực cho các địa phương.
     
Mở đầu Chương trình hội thảo, ThS. Đỗ Đức Lân - Phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế giới thiệu các hoạt động nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia. Các hoạt động chính được nhắc đến bao gồm: (1) Tổ chức Hội thảo quốc tế “Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trong khối các quốc gia ASEAN”; (2) Xây dựng báo cáo thường niên về dạy và học ngoại ngữ năm 2023; (3) Xây dựng, thử nghiệm học liệu Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh; (4) Đánh giá hiệu quả, tác động của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đến chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nguồn nhân lực theo các mục tiêu Đề án phục vụ cho công tác tổng kết Đề án; (5) Xây dựng Đề án Quốc gia về hệ thống học liệu điện tử song ngữ dạy học các môn học khác bằng ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông; (6) Xây dựng báo cáo thường niên về dạy và học ngoại ngữ năm 2024.
 
 
  
Phiên 1: Chính sách về dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam mở đầu với báo cáo “Chính sách các cấp và chính sách nhà trường về việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường” của ThS. Nguyễn Văn Chiến - Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển Giáo dục. Báo cáo nhận định một số xu hướng về dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông, gồm: Phát triển dạy học song ngữ trong cơ sở giáo dục: Dạy một số môn học khác như Toán, Khoa học bằng tiếng Anh; Chuyển đổi số trong giáo dục: Đẩy mạnh học tiếng Anh qua các nền tảng trực tuyến; Hợp tác, giao lưu quốc tế: Các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, giữa các cơ sở giáo dục công lập với các tổ chức, cơ sở đào tạo ngoại ngữ,...; Chấp nhận sự phân hóa giữa các vùng, khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi), giữa các loại hình trường học (tư thục - công lập, công lập chất lượng cao, trường yếu tố nước ngoài) và lan tỏa các mô hình, cộng đồng học tập chuyên môn.
 
 
 
Báo cáo “Nghiên cứu khả năng và điều kiện triển khai giảng dạy Tiếng Anh từ lớp 1” do ThS. Hồ Thanh Bình - Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển Giáo dục trình bày. Nhóm nghiên cứu chỉ ra những lý do đề xuất dạy Tiếng Anh từ lớp 1 là: Xu hướng toàn cầu; Đảm bảo tính liên thông; Lợi ích về ngôn ngữ; Phát triển kỹ năng học tập; Tăng sự tự tin và phát triển tư duy; Chuẩn bị cho tương lai. Cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh để chuẩn bị cho việc dạy học tiếng Anh như một môn học bắt buộc ở tiểu học là cần thiết, theo đúng xu thế chung, đảm bảo sự liên thông giữa mầm non và tiểu học, phát huy được các thế mạnh về phát triển tâm sinh lý của trẻ đối với việc học ngôn ngữ trong giai đoạn vàng.
 
 
Tiếp theo chương trình là Phiên 2: Hiệu quả dạy và học bổ trợ, tích hợp, tăng cường ngoại ngữ trong nhà trường. Báo cáo “Dạy và học Tiếng Anh bổ trợ trong trường phổ thông: Thực trạng và Hiệu quả” do ThS. Trần Mỹ Ngọc - Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia trình bày. Nghiên cứu cho thấy sự chuyển dịch rõ nét về động lực, xu hướng tham gia và cách tổ chức các lớp học tiếng Anh bổ trợ giữa các khối lớp, vùng miền và khu vực tại Việt Nam. Sự chuyển dịch từ mục tiêu ngắn hạn như cải thiện điểm số sang các mục tiêu dài hạn hơn như nâng cao kỹ năng giao tiếp và chuẩn bị thi cử phản ánh sự thay đổi tích cực trong nhận thức của học sinh về vai trò của tiếng Anh trong tương lai. Điều này cũng đặt ra yêu cầu về sự hỗ trợ chính sách và tài nguyên, nhằm thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận giáo dục và đảm bảo hiệu quả tối ưu của các chương trình bổ trợ trên toàn quốc.
 
 
  
Báo cáo “Triển khai chương trình tích hợp tại nhà trường” do GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày. Nhóm nghiên cứu nhận định: (1) Một bản chương trình tích hợp được phê duyệt chưa đủ để một trường xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp; (2) Việc đào tạo giáo viên về cách giảng dạy chương trình tích hợp tốn rất nhiều thời gian. Điều này bao gồm phát triển các mô-đun đào tạo giáo viên để trang bị cho giáo viên các kỹ năng cần thiết nhằm giảng dạy hiệu quả chương trình tích hợp và quản lý các yêu cầu phức tạp của chương trình tích hợp; (3) Hệ thống đánh giá cần được điều chỉnh để phù hợp với chương trình tích hợp, cung cấp các tài nguyên và công cụ để xây dựng khung đánh giá phù hợp, phản ánh được kết quả học tập của cả tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia; (4) Việc quản lý chương trình tích hợp đòi hỏi thực hiện các nhiệm vụ hành chính từ góc độ của nhà trường, bao gồm phát triển các hệ thống hỗ trợ hành chính giúp đơn giản hóa các nhiệm vụ vận hành liên quan đến việc triển khai chương trình tích hợp.
 
 
  
Phiên 3: Kiếm tra và đánh giá kết quả học tập môn ngoại ngữ ở trường phổ thông bắt đầu với báo cáo “Học tập, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập ngoại ngữ của học sinh phổ thông” của TS. Trần Thị Hương Giang - Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục. Báo cáo tìm hiểu năng lực ngoại ngữ của học sinh phổ thông đạt mức độ nào theo yêu cầu cần đạt trong Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngoại ngữ và chuẩn đầu ra môn ngoại ngữ ở mỗi cấp học; Việc kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ tại trường phổ thông; Các yếu tố ảnh hưởng đến dạy và học ngoại ngữ của học sinh phổ thông tại nhà trường.
  
 
  
ThS. Vũ Trường An, Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục báo cáo “Đánh giá và đề xuất hình thức kiểm tra đánh giá tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học - Một số kết quả sơ bộ”. Báo cáo trình bày kết quả khảo sát về phản hồi của học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên về hoạt động kiểm tra đánh giá môn Tiếng Anh trong nhà trường. Từ đó đưa ra một vài khuyến nghị nâng cao hiệu quả kiểm tra đánh giá tiếng Anh, hướng tới trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, như: Đa dạng hoá hình thức, kết hợp cả định tính và định lượng; Xây dựng "văn hoá đánh giá" tích cực trong nhà trường, xã hội; Cập nhật, hoàn thiện hệ thống kiểm tra theo hướng tiên tiến.
 
 
  
Phiên 4: Xây dựng hệ thống học liệu điện tử song ngữ dạy và học môn học khác bằng Tiếng Anh là phiên chuyên đề cuối cùng của hội thảo. Mở đầu, TS. Hà Thị Thúy, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia trình bày báo cáo “Thực trạng triển khai hệ thống học liệu điện tử trong nhà trường”. Nghiên cứu này tập trung vào việc khảo sát thực trạng hệ thống quản lý học tập (LMS), học liệu số đang triển khai trong nhà trường theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Việc triển khai hệ thống học liệu số trong dạy học phổ thông là một xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cần có sự đầu tư và hỗ trợ từ nhiều phía để việc triển khai đạt hiệu quả.
 
 
  
Báo cáo “Dạy và học Toán, Khoa học bằng tiếng Anh - Kinh nghiệm quốc tế và một số bài học cho Việt Nam” do ThS. Đỗ Đức Lân, Phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế trình bày. Nhóm nghiên cứu tìm hiểu vấn đề này ở một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia và chỉ ra những ưu điểm của việc tiếp cận học Toán và Khoa học bằng tiếng Anh ở phổ thông, như: Dùng tiếng Anh thành thạo hơn trong môn học; Phát triển khả năng tư duy logic và phân tích; Nâng cao khả năng giải quyết vấn đề; Cải thiện khả năng giao tiếp học thuật trong môi trường quốc tế; Tiếp cận dần đến các cơ hội học tập và nghề nghiệp.
 
 
  
Phần thảo luận chung diễn ra với sự điều hành: GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và TS. Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng ban Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia. Các vấn đề trao đổi liên quan đến dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông: tính liên thông từ mầm non đến các bậc học tiếp theo, thời gian và thời lượng học của học sinh ở mỗi cấp học, thực trạng về năng lực của giáo viên dạy tiếng Anh và dạy các môn học khác bằng tiếng Anh, động cơ thúc đẩy việc học tiếng Anh của học sinh, cách kiểm tra đánh giá,…
 

Đại biểu thảo luận tại hội thảo
   
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS-Viện trưởng Lê Anh Vinh khẳng định vai trò quan trọng của việc học tiếng Anh. Trong một thế giới ngày càng hội nhập và chuyển động không ngừng, ngoại ngữ đã vượt xa ý nghĩa của một công cụ giao tiếp thông thường. Ngoại ngữ chính là cánh cửa mở ra thế giới tri thức, văn hóa, và cơ hội. Đó là nền tảng để thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ học hỏi mà còn sẵn sàng khẳng định mình trên sân chơi quốc tế, trở thành những công dân toàn cầu đầy tự tin và bản lĩnh. Các giải pháp đưa ra cần xem xét toàn diện về chính sách, đội ngũ giáo viên, công nghệ, môi trường học tập,…
 
Hội thảo này tổng kết các hoạt động nghiên cứu của Viện trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia năm 2024. Các hoạt động năm 2025 được mở đầu bằng “Hội thảo đối thoại chính sách”, hứa hẹn sẽ tạo một diễn đàn trao đổi chính sách liên quan đến các vấn đề xung quanh dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông,
 

Các đại biểu tham dự hội thảo
 
Ban tổ chức Hội thảo

Tin khác