Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 92

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 92, Tháng 05/2013

NGHIÊN CỨU

1. Phạm Minh Mục

Xây dựng kế hoạch hành động triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trẻ khuyết tật

Tác giả trình bày thực trạng giáo dục trẻ khuyết tật (GD TKT)của Việt Nam, bối cảnh, thời cơ và thách thức đối với đổi mới căn bản và toàn diện trong lĩnh vực giáo dục trẻ khuyết tật, qua đó đề xuất 6 giải pháp thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục trẻ khuyết tật như: Xây dựng, bổ sung và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GD TKT;  phát triển nguồn nhân lực thực hiện GD TKT; phát triển hệ thống hỗ trợ GD TKT; tăng cường công tác quản lí và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ GD TKT; tăng cường phối hợp liên ngành và đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục trong GD TKT; đảm bảo kinh phí của Nhà nước và các nguồn  tài trợ cho việc thực hiện các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của trong GD TKT.

 

2. Nguyễn Đức Minh,  Đào Thị Thu Thủy

Thang K mới 2001 và kết quả kiểm tra sự phát triển của trẻ mầm non ở Việt Nam

Bài viết giới thiệu về thang K mới 2001 và  trình bày kết quả đo sự phát triển của trẻ mầm non ở Việt Nam theo thang K mới 2001. Theo tác giả bài viết, thang kiểm tra phát triển KYOTO (gọi tắt là thang K) được xây dựng để đo sự phát triển của người ở mọi độ tuổi. Thang K được thiết kế từ năm 1951 tại thành phố KYOTO của Nhật Bản và đã được tái bản, hoàn thiện nhiều lần. Năm 2001, thang K mới được điều chỉnh hoàn thiện hơn để phù hợp sự thay đổi của xã hội và được gọi là “Thang K mới 2001”. Thang K mới 2001 đã nâng độ tuổi kiểm tra sự phát triển lên để đo sự phát triển của trẻ chưa đến 03 tháng tuổi và cả nguời lớn. Dù được mở rộng để kiểm tra các độ tuổi nhưng Thang K mới 2001 được sử dụng chủ yếu cho đối tượng trẻ nhỏ. Thang K mới 2001 không dùng để đánh giá, xác định các khuyết tật của trẻ em mà chỉ dùng để xác định được tuổi phát triển và chỉ số phát triển.

3. Trần Thị Tuyết Oanh

Đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong nhà trường phổ thông

Phương pháp dạy học (PPDH) là một trong những thành tố quan trọng nhất, linh hoạt nhất của quá trình dạy học. Cũng như phương pháp nói chung, PPDH không mô tả những trạng thái tĩnh trong thế giới hiện thực mà chủ yếu mô tả sự vận động trong quá trình nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Đề cập đến việc đổi mới đồng bộ PPDH và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong nhà trường phổ thông, tác giả trình bày các vấn đề về : 1/ Phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập ở trường phổ thông hiện nay; 2/ Sự thống nhất của phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; 3/ Định hướng đổi mới đồng bộ kiểm tra, đánh giá và phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

4. Nguyễn Thị Thanh Bình

Một số biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa hành vi gây hấn học đường

Hiện nay, gây hấn học đường (GHHĐ) đang được coi là vấn nạn chung của toàn cầu. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, GHHĐ đã trở thành một vấn đề nổi cộm đối với xã hội. GHHĐ đã ảnh hưởng trực tiếp đến  việc học tập và phát triển nhân cách của học sinh, sinh viên. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần phải nghiên cứu và chỉ ra các biện pháp nhằm ngăn chặn và phòng ngừa hành vi GHHĐ. Bài viết phản ánh kết quả khảo sát thực trạng các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa GHHĐ ở 6 tỉnh thành của Việt Nam (Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu). Đồng thời đề xuất một số biện pháp ngăn ngừa và giải quyết tệ nạn đó.

 

5. Phạm Quang Trình

Bồi dưỡng giáo viên phổ thông về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học

Công nghệ thông tin (CNTT) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong dạy học. Nhờ đó,  giáo viên (GV) có thể  đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện các quan điểm dạy học hiện đại. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng CNTT trong dạy học phổ thông đã được quan tâm, đầu tư nhiều, song hiệu quả của nó vẫn còn khá khiêm tốn. Vấn đề đặt ra là làm sao để giảm bớt khó khăn cho GV khi ứng dụng CNTT trong dạy học và nâng cao hiệu quả ứng dụng. Một trong các con đường giải quyết vấn đề này là bồi dưỡng về ứng dụng CNTT cho GV. Từ thực trạng ứng dụng CNTT trong dạy học ở trường phổ thông, tác giả đề xuất biện pháp bồi dưỡng về ứng dụng CNTT cho GV phổ thông nhằm góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong dạy học ở trường phổ thông.

 

6. Hoàng Thị Mai

Phát triển các kĩ năng tư duy phê phán cho sinh viên qua hoạt động nghiên cứu, phê bình và tiếp nhận văn học

Nội dung bài viết đề cập đến vấn đề phát triển các kĩ năng tư duy phê phán cho sinh viên qua hoạt động nghiên cứu, phê bình và tiếp nhận văn học. Dựa trên cơ sở lí luận về tư duy phê phán và những khảo sát thực tế, bài viết đưa ra khái niệm về tư duy phê phán; phân tích đặc trưng, khả năng phát triển tư duy phê phán cho sinh viên qua dạy học văn và làm rõ vai trò của việc dạy học tư duy phê phán trong nhà trường. Từ đó, qua thực trạng tư duy phê phán của sinh viên trong hoạt động học văn, tác giả xác định và đề xuất các nhóm kĩ năng phụ của tư duy phê phán cần hình thành cho sinh viên qua hoạt động nghiên cứu, phê bình và tiếp nhận văn học.

 

7. Dương Thị Hoàng Yến

Phát triển kĩ năng quản lí con người cho cán bộ quản lí giáo dục

Trong bài viết này, vận dụng quan điểm của hai tác giả David A.Whetten và Kim S.Cameron về những kĩ năng quản lí con người, tác giả đã phân tích hệ thống kĩ năng quản lí con người của nhà quản lí giáo dục gồm ba nhóm kĩ năng cơ bản là nhóm kĩ năng phát triển cá nhân, nhóm kĩ năng tương tác với người khác và nhóm kĩ năng tạo dựng và làm việc nhóm. Đồng thời, tác giả cũng đặt vấn đề về việc sử dụng mô hình học tập của Dreyfus S.E và Dreyfus H.L nhằm phát triển kĩ năng quản lí con người của nhà quản lí giáo dục đáp ứng yêu cầu Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo của Việt Nam trong giai đoạn tới.

 

8. Nguyễn Văn Tuấn

Dạy học giải thích - thiết kế và định hướng hoạt động – một sự lựa chọn, phối hợp trong dạy kĩ thuật

Dạy học giải thích là kiểu dạy học chuyên biệt trong dạy kĩ thuật – nghề nghiệp, được sử dụng phổ biến, tuy nhiên còn một số nhược điểm nhất định. Để phù hợp với xu thế cải tiến phương pháp dạy học trong dạy kĩ thuật – nghề nghiệp, người ta có thể kết hợp kiểu dạy này với dạy học thiết kế mang tính mở và dạy học định hướng hoạt động. Nội dung bài viết này đi vào làm sáng tỏ về sự kết hợp này. Thông qua việc phân tích về khái niệm, đặc trưng của những kiểu dạy học trên, tác giả chỉ ra những ưu nhược điểm của chúng, để khi kết hợp trong dạy học kĩ thuật – nghề nghiệp có thể khắc phục những hạn chế, phát huy được các mặt mạnh, đáp ứng được các mục tiêu giáo dục trong đào tạo kĩ thuật và nghề nghiệp hiện nay.

 

9. Dương Thị Kim Oanh

Một số vấn đề lí luận về động cơ học tập của sinh viên

Động cơ nói chung và động cơ học tập của sinh viên nói riêng là những vấn đề có ý nghĩa lí luận và thực tiễn trong việc nâng cao chất lượng dạy học ở bậc đại học. Động cơ học tập đúng đắn hay lệch lạc không chỉ tác động tới kết quả học tập mà còn tới hiệu quả hoạt động nghề nghiệp và chiều hướng phát triển nhân cách của mỗi sinh viên. Để thiết kế được các công cụ đo lường hiện tượng tâm lí phức tạp này, tác giả bài viết đề cập tới một số vấn đề lí luận về động cơ học tập của sinh viên như khái niệm động cơ học tập, cấu trúc động cơ học tập và biểu hiện động cơ học tập của sinh viên.

 

10. Thái Huy Bảo

Thực trạng phát triển đội ngũ giảng viên bộ môn phương pháp giảng dạy trong các trường đại học sư phạm và khoa sư phạm của các trường đại học

Trong các trường đại học sư phạm (ĐHSP) và khoa sư phạm của các trường đại học, đội ngũ giảng viên (GV) bộ môn phương pháp giảng dạy (PPGD) giữ một vai trò quan trọng. Phát triển đội ngũ này đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ là một trong những yêu cầu cấp thiết, đáp ứng Chương trình phát triển ngành sư phạm (SP) và các trường SP từ năm 2011 đến năm 2020. Để tìm hiểu thực trạng đội ngũ đó, tác giả đã tiến hành khảo sát ở 15 trường ĐHSP và khoa SP của các trường đại học theo độ tuổi, trình độ đào tạo và chức danh giảng dạy. Ngoài ra, tác giả còn trình bày thực trạng phát triển đội ngũ GV bộ môn PPGD ở các trường/khoa nói trên.

 

THỰC TIỄN GIÁO DỤC

11. Lê Thanh Hà

Hứng thú học tập môn Tư tưởng Hồ Chí Minh của sinh viên Trường Đại học Sư phạm  Hà Nội 2

Xuất phát từ thực tế sinh viên tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chưa học tốt môn Tư tưởng Hồ Chí Minh một phần do thiếu hứng thú học tập với môn học, bài viết tìm hiểu về thực trạng hứng thú học tập của sinh viên trong môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, tác giả khảo sát trên 400 sinh viên, 4 giáo viên đang giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, 6 giáo viên chủ nhiệm ở các lớp có môn học về các nội dung: nhận thức của sinh viên, động cơ học tập, cảm xúc của sinh viên, hành động của sinh viên và mức độ hứng thú của sinh viên trong học tập môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ kết quả khảo sát, đã đưa ra một số kết luận và khuyến nghị nhằm giải quyết thực trạng này.

 

12. Đặng Thị Vân, Nguyễn Huyền Thương

Các biện pháp phát huy tính sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội

Bài viết phản ánh về quy mô số lượng công trình và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) tại Trường Đại học Nông nghiệp tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, song so với quy mô toàn trường cho thấy hoạt động NCKH của sinh viên chưa thực sự lớn mạnh. Do kinh phí hạn hẹp, thiết bị phục vụ nghiên cứu hạn chế, lạc hậu, sinh viên chưa có niềm say mê nghiên cứu nên họ chưa có cơ hội trải nghiệm những ý tưởng mới, khám phá cái mới trong thực tiễn nghiên cứu. Xuất phát từ những nguyên nhân chính yếu này tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa tính sáng tạo trong NCKH của sinh viên, từ đó giúp tăng thêm số lượng sinh viên tham gia vào hoạt động này.

 

13. Phạm Phương Tâm

Quản lí đào tạo từ xa của Trường Đại học Cần Thơ – thực trạng và giải pháp

Đại học Cần Thơ là trường đại học trọng điểm, lâu đời và lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò to lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng. Bên cạnh các hình thức đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, trường đã xây dựng đề án và thành lập Trung tâm Đào tạo từ xa, tiến tới mở ngành đào tạo theo hình thức từ xa nhằm đa dạng hóa loại hình đào tạo. Bài viết đề cập đến thực trạng trong công tác quản lí đào tạo từ xa tại trường và đưa ra một số biện pháp quản lí có thể đem lại hiệu quả ngày càng cao trong lĩnh vực này nhằm giúp nhà trường đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

 

14. Vũ Lê Thu Hoài

Hướng dẫn học sinh Trung học phổ thông tự học và hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy trong dạy học môn Hóa học

Từ sự phân tích bản chất và vai trò quan trọng của tự học trong quá trình học tập, tác giả đã sử dụng sơ đồ tư duy (SĐTD) trong bài dạy luyện tập môn Hoá học để hướng dẫn HS tự học, tự hệ thống kiến thức của một chương, một chủ đề. Để sử dụng hiệu quả SĐTD trong hướng dẫn HS tự học, tác giả xác định quy trình thiết kế SĐTD nội dung bài luyện tập và đề xuất phương pháp sử dụng SĐTD trong hướng dẫn HS tự học theo các bước từ làm quen với SĐTD đến tự học cách tự thiết kế SĐTD nội dung bài luyện tập. Các đề xuất đã được vận dụng trong dạy học các bài luyện tập Hoá học lớp 11 nâng cao, kết quả ban đầu đã xác nhận tính hiệu quả và khả thi của chúng.

 

GIÁO DỤC DÂN TỘC

15. Nguyễn Thị Kiều Oanh

Dạy học bốn phép tính với số tự nhiên trong môn Toán Tiểu học – chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ

Chương trình môn Toán cấp Tiểu học trong Nghiên cứu thực hành Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được biên soạn phù hợp với đặc điểm ngôn ngữ, văn hoá điều kiện học tập của học sinh (HS) dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nội dung dạy học bốn phép tính với số tự nhiên được cấu trúc theo trục kĩ năng, làm rõ các kĩ năng thành phần khi thực hiện phép tính, giảm bớt những nội dung nặng về lí thuyết, tăng khả năng thực hành, vận dụng vào đời sống thực tế của HS ở vùng dân tộc, tăng cường tính trực quan và giúp phát triển ngôn ngữ cho HS DTTS. Phương pháp dạy học môn Toán của chương trình này là phương pháp dạy học song ngữ linh hoạt.

 

 

16. Cao Thị Hà

Một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tư duy toán học của học sinh phổ  thông khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số

Để có thể đưa ra các giải pháp khả thi giúp cho giáo dục miền núi và vùng dân tộc thiểu số (DTTS) theo kịp khu vực nông thôn và thành thị, trong những năm qua, nhóm tác giả đã thực hiện một số nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu về năng lực tư duy toán học của học sinh (HS) - một trong những năng lực quan trọng của con người nói chung và của HS nói riêng. Bài viết này đề cập tới một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tư duy toán học của HS miền núi và vùng DTTS: Năng lực ngôn ngữ; Những vấn đề tâm lí như ý chí, óc quan sát, trí nhớ, tính kiên trì, tính kỉ luật của HS miền núi và vùng DTTS hạn chế so với HS các vùng miền khác; Nhận thức cảm tính của HS miền núi và vùng DTTS phát triển khá tốt nhưng nhận thức lí tính lại hạn chế.

 

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI

17. Phạm Thị Thu Hiền

Những điểm mới trong chương trình tiếng Anh năm 2010 so với chương  trình tiếng Anh năm 2001 ở Singapore

Trong vòng 10 năm, Singapore đã cho ra đời  hai văn bản Chương trình tiếng Anh 2001 và Chương trình tiếng Anh 2010 dành cho HS Tiểu học và Trung học. Trên cơ sở so sánh hai chương trình này, tác giả trình bày những điểm mới của Chương trình tiếng Anh năm 2010 và rút ra kết luận rằng Chương trình tiếng Anh 2010 đã tiếp thu được nhiều thế mạnh của Chương trình tiếng Anh 2001 và điều chỉnh, bổ sung vào những điểm mới. Nó được coi là một CT “tiến hóa. “Tiếp thu từ quá khứ” và “Phát triển những điểm mới” chính là kinh nghiệm xây dựng CT giáo dục phổ thông nói riêng và CT tiếng Anh nói chung của Singapore. Thiết nghĩ, đó là một cách làm hay mà chúng ta có thể học tập.