NGHIÊN CỨU:
1. Nguyễn Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thị Hạnh. Cơ sở khoa học của việc biên soạn chương trình Việt Nam học dành cho học sinh Việt Nam học ở các trường nước ngoài tại Việt Nam
Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông chủ trương biên soạn chương trình môn Việt Nam học theo định hướng phát triển năng lực (NL) dành cho HS học tại các trường nước ngoài ở Việt Nam. Chương trình này được biên soạn dựa trên cơ sở khoa học về phương pháp thiết kế chương trình tập trung vào NL và dựa trên những lí thuyết căn bản của ngành khoa học Việt Nam học. Bài viết trình bày cơ sở khoa học của việc biên soạn chương trình Việt Nam học dành cho HS Việt Nam ở các trường nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm: Quan niệm về chương trình giáo dục; Chương trình giáo dục theo tiếp cận năng lực; Cơ sở về mục tiêu, nội dung đào tạo của trường nước ngoài tại Việt Nam; Cơ sở về văn hóa và giáo dục văn hóa trong nhà trường phổ thông.
Từ khóa: Chương trình, chương trình giáo dục, trường nước ngoài, tiếp cận năng lực, môn Việt Nam học
2. Đỗ Ngọc Thống. Dân chủ hóa trong giảng dạy và nghiên cứu văn học ở các trường đại học
Bài viết đề cập đến vấn đề dân chủ hóa trong giảng dạy và nghiên cứu văn học ở các trường đại học. Trong bài, tác giả phân tích hai nội dung dung cụ thể, đó là: 1/ Dân chủ và các biểu hiện dân chủ trong giảng dạy và nghiên cứu văn học; 2/ Thực hiện dân chủ trong giảng dạy, nghiên cứu văn học ở các trường đại học theo tinh thần Nghị quyết 29. Theo tác giả, dân chủ hóa trong giảng dạy và nghiên cứu văn học cần được tuyên truyền, phổ biến và thực hiện một cách đồng bộ: Không chỉ với các cán bộ giảng dạy đại học mà còn tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về dân chủ trong học thuật cho tất cả các sinh viên. Không chỉ có lãnh đạo các khoa Ngữ văn, ban giám hiệu các trường đại học mà còn cả các cơ quan quản lí, lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí và đông đảo các tầng lớp bạn đọc khác nhau… Cần tạo ra một bầu không khí dân chủ thực sự cả trong nhận thức và việc làm; cả người thực hiện và cơ quan quản lí; trong thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu văn học nói riêng và trong tiếp nhận, đánh giá văn học nói chung.
Từ khóa: Dân chủ; giảng dạy; nghiên cứu văn học; trường đại học.
3. Nguyễn Văn Đệ, Phan Trọng Nam. Hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên trung học phổ thông trong bối cảnh mới
Bài viết đề cập đến hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của giáo viên (GV) THPT trong bối cảnh mới. Trong bài, tác giả trình bày các đặc trưng cơ bản trong hoạt động NCKH của GV THPT bao gồm: Hoạt động NCKH của GV THPT là quá trình nhận thức và sáng tạo; mang tính chuyên nghiệp; mang tính thực tiễn cao. Bên cạnh đó, tác giả tập trung phân tích một số kĩ năng cần thiết trong việc NCKH của GV THPT hiện nay, đó là: Kĩ năng phát hiện vấn đề nghiên cứu, kĩ năng xây dựng đề cương nghiên cứu, kĩ năng tổ chức triển khai quá trình nghiên cứu, kĩ năng viết báo cáo nghiên cứu, kĩ năng trình bày kết quả nghiên cứu...
Từ khóa: Nghiên cứu khoa học; giáo viên; trung học phổ thông; kĩ năng nghiên cứu .
4. Mỵ Giang Sơn. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lí thực tập sư phạm theo định hướng chuẩn nghề nghiệp giáo viên trong đào tạo giáo viên trung học phổ thông
Một trong những xu thế quản lí hiện nay là quản lí dựa vào chuẩn. Theo xu thế ấy, quản lí thực tập sư phạm trong đào tạo giáo viên theo định hướng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên là hết sức cần thiết. Bài báo phân tích sự ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan và khách quan đến quản lí thực tập sư phạm theo định hướng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Nắm vững mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng ấy, giúp cho quản lí thực tập sư phạm đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên của các trường sư phạm.
Từ khóa: Quản lí, thực tập sư phạm, giáo viên.
5. Đặng Tự Ân. Tài liệu hướng dẫn học trong mô hình trường học mới Việt Nam
Mô hình VNEN (Việt Nam Escuela Nueva - Trường học mới Việt Nam) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai được 4 năm, từ năm học 2011 - 2012, tại 63 tỉnh, thành phố với khoảng 3 ngàn trường tiểu học và gần 1 triệu học sinh tham gia áp dụng mô hình. Một trong những sáng tạo, có tính nổi trội nhất, giúp cho sự thành công và thay đổi lớn mô hình là thiết kế và đưa vào sử dụng tài liệu hướng dẫn học trong quá trình dạy học. Trong bài viết này, tác giả đi vào phân tích chi tiết về tài liệu hướng dẫn học trong mô hình VNEN.
Từ khóa: Mô hình VNEN; tài liệu hướng dẫn học; học sinh.
6. Hoàng Thị Minh Phương. Vận dụng vòng tròn Deming vào cải tiến chất lượng đào tạo
Chất lượng đào tạo là sự sống còn của mọi cơ sở đào tạo (CSĐT) trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều CSĐT đang gặp khó khăn trong việc quản lí chất lượng đào tạo khi mà ngành nghề và quy mô đào tạo ngày càng mở rộng, các phương thức và loại hình đào tạo ngày càng đa dạng. Bài viết kiến nghị việc vận dụng vòng tròn Deming để quản lí chất lượng đào tạo với chu trình gồm 4 bước: Lập kế hoạch; Thực hiện kế hoạch; Kiểm tra, đánh giá; Hành động để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Từ khóa: Vòng tròn Deming; chất lượng đào tạo; cơ sở đào tạo.
7. Nguyễn Lan Phương, Nguyễn Đức Thành. Tư duy thuật giải trong giảng dạy toán cao cấp cho sinh viên cao đẳng kĩ thuật
Bài viết giới thiệu cách tiếp cận tư duy thuật giải trong giảng dạy Toán cao cấp nhằm vừa làm sâu sắc thêm sự am hiểu kiến thức, vừa hình thành được ý thức thực hiện đúng quy trình, quy phạm khi giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn cho sinh viên cao đẳng nghề kĩ thuật. Các ví dụ thuộc chủ đề “Giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của hàm số liên tục trên khoảng đóng” được xem như là minh họa cho cách tư duy thuật giải được tích hợp vào chương trình giảng dạy Toán cao cấp. Tương tự như một số nhà khoa học nổi tiếng thế giới Knuth, Maurer, Ralston, Judith Gal Ezer, Orna Lichtenstein…, các tác giả cho rằng tiếp cận tư duy thuật giải sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết tri thức toán học, và đây là cách làm hiệu quả trong giáo dục toán học ở trường cao đẳng kĩ thuật.
Từ khóa: Thuật giải, tư duy thuật giải, tư duy toán học, Toán cực trị
8. Mai Văn Trinh, Trần Đức Khoản. Xây dựng tài liệu tự học theo module học phần Vật lí đại cương trong dạy học ở các trường đại học
Đào tạo theo học chế tín chỉ có đặc điểm nổi bật là thời lượng giảng viên lên lớp trực tiếp dạy học cho sinh viên ít, do đó phần lớn thời gian sinh viên tự học, tự nghiên cứu. Vì vậy, sinh viên cần có một tài liệu để giúp họ tự học, tự nghiên cứu một cách hiệu quả, đồng thời giúp sinh viên có thể tự kiểm tra mức độ lĩnh hội kiến thức của mình một cách nhanh chóng, từ đó tự điều chỉnh trong học tập cho phù hợp. Do đó, bài viết này đề cập đến việc sử dụng công nghệ thông tin xây dựng tài liệu tự học theo module học phần Vật lí đại cương.
Từ khóa: Tự học; sinh viên; Vật lí đại cương; công nghệ thông tin.
9. Phan Anh Tài, Nguyễn Ngọc Giang. Hoạt động khám phá trong dạy học nguyên hàm và tích phân với sự hỗ trợ của phần mềm Maple
Một trong các phương pháp dạy học toán tích cực là dạy học khám phá. Trong dạy học khám phá, GV tạo ra những tình huống để HS tự khám phá ra tri thức, kĩ năng mới cho bản thân. Dạy học khám phá ở một số nội dung sẽ phát huy hơn tính tích cực của nó khi có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin nói chung và phần mềm Maple nói riêng. Trong bài viết này, tác giả trình bày một số hoạt động HS tự khám phá tri thức, kĩ năng trong dạy học nguyên hàm và tích phân với sự trợ giúp của phần mềm Maple.
Từ khóa: Dạy học khám phá, dạy học nguyên hàm và tích phân, phần mềm Maple.
10. Đỗ Đình Thái. Một số nghiên cứu về văn hóa chất lượng trong giáo dục đại học
Ngày nay, văn hóa chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đang được chú trọng song song với sự phát triển của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong. Văn hóa chất lượng được xem như một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng hệ thống, khung năng lực/trình độ đảm bảo chất lượng. Bài viết trình bày và hệ thống một số quan điểm, nghiên cứu về văn hóa chất lượng trong giáo dục ĐH nhằm định hướng cho chúng ta cách tiếp cận quan niệm, phương pháp, mô hình nghiên cứu phù hợp với bối cảnh hiện tại của cơ sở giáo dục và làm nền tảng lí luận cho các nghiên cứu tiếp theo.
Từ khóa: Văn hóa chất lượng; đảm bảo chất lượng; giáo dục ĐH.
11. Trần Đại Nghĩa. Các bước xây dựng kế hoạch giáo dục kĩ năng sống ở trường trung học phổ thông trong giai đoạn hiện nay
Hiện nay, trong bối cảnh đổi mới giáo dục, vấn đề cấp thiết được đặt ra là cần phải xây dựng các biện pháp để nâng hiệu quả quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục hiện nay. Một trong những biện pháp đó là công tác xây dựng kế hoạch quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh hiệu quả và có khoa học. Chính vì thế, trong bài viết này, tác giả trình bày các bước xây dựng kế hoạch giáo dục kĩ năng sống ở các trường trung học phổ thông trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, nhằm giúp hiệu quả quản lí hoạt động này dễ dàng hơn, đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh theo định hướng của Đảng và nhà nước đề ra.
Từ khóa: Giáo dục kĩ năng sống; trung học phổ thông; học sinh.
12. Nguyễn Tuyết Nga, Nguyễn Hồng Liên. Đánh giá năng lực giải quyết vấn đề trong môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu học
Năng lực giải quyết vấn đề (GQVĐ) là một trong những năng lực cần được chú trọng phát triển cho học sinh (HS). Bài viết xác định cơ hội phát triển năng lực GQVĐ cho HS và đề xuất quy trình xây dựng một đề kiểm tra nhằm đánh giá năng lực GQVĐ trong môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu học. Bên cạnh đó, tác giả bài viết cũng giới thiệu một số câu hỏi đánh giá năng lực GQVĐ thông qua môn Lịch sử và Địa lí 5. Theo tác giả, để xây dựng đề kiểm tra đánh giá năng lực GQVĐ, cần quan tâm đến những câu hỏi giúp phát hiện được quy trình tư duy để giải quyết một vấn đề và những câu hỏi tạo cơ hội cho HS đánh giá giải pháp đã lựa chọn và phản ánh giá trị của giải pháp đó.
Từ khóa: Đánh giá; năng lực giải quyết vấn đề; môn Lịch sử; môn Địa lí; Tiểu học.
13. Nguyễn Hồng Thuận. Phát triển các phương pháp giáo dục giá trị trong nhà trường phổ thông
Giáo dục giá trị là quá trình tác động có mục đích, có tổ chức, kế hoạch, nội dung, chương trình, phương pháp cụ thể nhằm hình thành ở người được giáo dục một hệ thống các giá trị xã hội. Nhà trường phổ thông cần đổi mới phương pháp giáo dục giá trị sống như phương pháp trải nghiệm – sáng tạo, phương pháp hoạt động nhóm, phương phá dự án để giúp học sinh ứng phó, giải quyết một cách tích cực, phù hợp với chuẩn mực chung và có hiệu quả trước những tình huống hay vấn đề của cuộc sống.
Từ khóa: Phương pháp; giáo dục giá trị; học sinh.
14. Trần Thị Thanh Phương. Sự khác biệt giữa các mô hình quản lí trong giáo dục
Khó khăn lớn nhất trong việc đưa một mô hình quản lí vào nhà trường chính là ở điều kiện môi trường quản lí của nhà trường đó. Có rất nhiều mô hình quản lí trong giáo dục, mỗi mô hình quản lí có những ưu và nhược điểm riêng, mỗi trường/đơn vị/cơ sở giáo dục có thể lựa chọn mô hình phù hợp hoặc kết hợp giữa các mô hình để áp dụng cho đơn vị mình. Nhà quản lí cần quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng môi trường văn hóa chất lượng trong nhà trường.
Từ khóa: Mô hình; quản lí; giáo dục.
15. Nguyễn Thanh Tùng. Khai thác số liệu thực tế thuộc lĩnh vực y học nhằm kích thích hứng thú cho sinh viên chuyên ngành Y dược trong dạy học xác suất – thống kê
Việc giảng dạy Xác suất – Thống kê cho sinh viên chuyên ngành Y – Dược còn nặng về lí thuyết và thiếu thực tế. Bài báo này trình bày việc đưa thực tiễn nghề nghiệp vào Toán học qua việc lấy số liệu để sử dụng trong việc giảng dạy và ngược lại dùng Toán học để phục vụ thực tế qua việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Từ khóa: Số liệu thực tế; Xác suất - Thống kê; Y học.
16. Vũ Đình Chinh. Rèn luyện hoạt động phán đoán cho học sinh thông qua việc sử dụng suy luận quy nạp trong dạy học Hình học 10
Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu các bước rèn luyện hoạt động phán đoán cho học sinh bằng cách sử dụng suy luận quy nạp trong dạy học Hình học 10. Việc đề xuất quy trình phán đoán dựa trên cơ sở lí luận và thực tiễn của vấn đề nghiên cứu, từ đó chúng ta khẳng định phán đoán và giải quyết vấn đề là hai hoạt động có mối liên hệ mật thiết với nhau trong dạy học môn Toán nói chung và môn Hình học nói riêng.
Từ khóa: Phán đoán; suy luận quy nạp; hình học.
THỰC TIỄN GIÁO DỤC:
17. Nguyễn Thị Bạch Mai, Ngô Quang Sơn. Quản lí phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay
Mục tiêu phổ cập giáo dục gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội. Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi được xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Trong những năm gần đây, các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đã tạo thuận lợi cho phát triển GDMN trong cả nước nói chung và các tỉnh vùng Tây Nguyên nói riêng. Trong đó, phát triển đội ngũ GVMN là yếu tố cần thiết để thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi nhằm nâng cao chất lượng GDMN, góp phần phát triển giáo dục ở các tỉnh Tây Nguyên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ khóa: Đội ngũ giáo viên; phổ cập; giáo dục mầm non; Tây Nguyên.
18. Dương Dáng Thiên Hương. Sử dụng phương pháp dạy học tích cực trong quá trình giảng dạy các học phần thực hành sư phạm tiểu học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Đổi mới phương pháp dạy học đại học mà cụ thể là đổi mới phương pháp giảng dạy các học phần Thực hành sư phạm tiểu học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang đứng trước những thách thức lớn. Việc học tập theo học chế tín chỉ khiến thời gian trên lớp bị thu hẹp lại dành thời gian cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu, sinh viên chưa chủ động, tự giác rèn luyện kĩ năng nghề, do đó, nếu chỉ sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống, chỉ chú trọng vào dạy học trên lớp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, trong bài viết này, tác giả đi vào trình vày việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực trong quá trình giảng dạy các học phần Thực hành sư phạm tiểu học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Từ khóa: Phương pháp dạy học tích cực; thực hành sư phạm; giáo viên.
19. Nguyễn Thu Tuấn. Định hướng công tác đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên khoa Nghệ thuật Trường Đại học Sư phạm Hà Nội theo hướng tiếp cận phát triển năng lực nghề nghiệp
Xác định công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên là hoạt động thường xuyên, liên tục của yêu cầu đào tạo, khoa Nghệ thuật của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã luôn chú trọng tới việc đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức rèn luyện nghề cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với nhà giáo theo chuẩn nghề nghiệp ở từng cấp học. Trong bài viết này, tác giả trình bày về vấn đề định hướng cho công tác đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên khoa Nghệ thuật Trường Đại học Sư phạm Hà Nội theo hướng tiếp cận phát triển năng lực nghề nghiệp.
Từ khóa: Sinh viên mĩ thuật; nghiệp vụ sư phạm; thực tập sư phạm.
20. Vương Thị Ngọc Huệ. Nghiên cứu khoa học và công tác quản lí tại các học viện, trường đại học công an
Trong những năm qua, nghiên cứu khoa học (NCKH) ở các học viện, trường đại học công an được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ Đảng, của lãnh đạo các đơn vị, phát huy được vai trò, trí tuệ tập thể các khoa, bộ môn giảng dạy. Bước đầu tạo được môi trường hoạt động NCKH thuận lợi, động viên được cán bộ, giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu. Bài viết tập trung trình bày nội dung NCKH ở các học viện, trường đại học công an và đưa ra một số chú ý trong công tác quản lí NCKH nhằm nâng cao chất lượng quản lí đề tài nghiên cứu.
Từ khóa: Nghiên cứu khoa học; công tác quản lí; học viện, trường đại học công an.
GIÁO DỤC DÂN TỘC:
21.Trần Thị Kim Hoa. Biện pháp khắc phục lỗi chính tả cho học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số ở một số tỉnh miền núi phía Bắc
Tác giả khảo sát lỗi chính tả của HS dân tộc Tày, Nùng ở một số trường tiểu học thuộc tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, trên cơ sở ngữ liệu là các bài kiểm tra định kì của HS lớp 4, lớp 5. Dựa vào đặc điểm của tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập, tác giả phân tích những lỗi liên quan đến bộ phận âm đầu, âm cuối, âm đệm, âm chính và thanh điệu. Cuối cùng, tác giả tìm hiểu những nhân tố có ảnh hưởng đến việc gây ra lỗi chính tả; từ đó đề xuất một số giải pháp khắc phục lỗi chính tả của HS tiểu học dân tộc Tày, Nùng.
Từ khóa: Biện pháp; lỗi chính tả; học sinh; dân tộc thiểu số; tiểu học.
22. Trần Thị Yên. Đề xuất một số giải pháp bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiểu học người dân tộc thiểu số để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới
Bài viết đề xuất một số giải pháp bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiểu học nói chung, giáo viên người dân tộc thiểu số nói riêng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực của đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới gồm: Bồi dưỡng tiếng dân tộc cho GV tiểu học người dân tộc thiểu số; Bồi dưỡng phương pháp dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số với tư cách là ngôn ngữ thứ hai; Bồi dưỡng phương pháp dạy tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số với tư cách là ngôn ngữ thứ nhất; Bồi dưỡng phương pháp sử dụng tiếng Việt - tiếng dân tộc trong dạy học.
Từ khóa: Giáo viên tiểu học; dân tộc thiểu số; sách giáo khoa mới.
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
23. Nguyễn Minh Tuấn. Trung tâm học tập cộng đồng trong việc tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người - kinh nghiệm của Thái Lan
Ở Thái Lan, trung tâm học tập cộng đồng được chính phủ xác định là nơi để mọi người có thể tiếp tục việc học theo hình thức giáo dục không chính quy và phi chính quy. Việc khảo sát, đánh giá nhu cầu cộng đồng và nhu cầu học tập của từng cá nhân là khâu then chốt để lập kế hoạch, xây dựng chương trình, phát triển tài liệu, mở các khóa học đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trong việc cung cấp cơ hội học tập đã thu hút được người dân tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Từ khóa: Trung tâm học tập cộng đồng; giáo dục; kinh nghiệm.