Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 110

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 110, tháng 11/2014

NGHIÊN CỨU
1. Nguyễn Tiến Hùng. Quản lí nguồn nhân lực chiến lược dựa vào năng lực
      Khung năng lực là công cụ quản lí hiệu quả giúp nhân viên và nhà quản lí không chỉ hiểu thấu đáo mà còn thống nhất về những gì cần làm. Khung năng lực cho phép dịch chuyển các chiến lược, mục tiêu và giá trị của CSGD thành các hành vi cụ thể. Hầu hết các CSGD ngày nay đều nhận thức rõ rằng nếu khung năng lực được thiết kế chính xác và thực hiện tốt  thì sẽ dẫn tới nâng cao kết quả thực hiện của nhân viên và CSGD, vì vậy sẽ giúp nâng cao các thực tiễn quản lí NNL chiến lược. Bài viết trình bày và phân tích  cụ thể cách tiếp cận vận dụng khung năng lực của nhân viên vào các hoạt động quản lí NNL chiến lược của CSGD.
2. Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Cẩm Thanh. Môi trường dạy học thực hành kĩ thuật theo quan điểm dạy học tương tác
      Tác giả phân tích quan niệm về môi trường dạy học theo quan điểm dạy học tương tác và đặc điểm môi trường trong dạy học thực hành kĩ thuật. Từ đó, đưa ra các hạng mục thiết kế môi trường dạy học thực hành kĩ thuật, theo quan điểm dạy học tương tác. Môi trường học tập trong một lớp học không chỉ bao gồm những yếu tố như không gian, thời gian, ánh sáng, trang thiết bị, phương tiện mà còn bao gồm nội dung, tài liệu, nhiệm vụ học tập, những phương pháp làm việc và hình thức tương tác của giáo viên, học sinh. Môi trường dạy học tương tác hỗ trợ việc đổi mới cách học từ bị động sang tích cực và tự lực của người học.
3. Phó Đức Hòa, Lê Thị Hồng Chi. Tiếp cận dạy học toán ở trường tiểu học theo hướng học tập tìm tòi
      Đề cập đến vấn đề tiếp cận dạy học toán ở trường tiểu học theo hướng học tập tìm tòi, tác giả trình bày: 1/ Khái niệm cơ bản về học tập tìm tòi; 2/ Bản chất và mô hình học tập tìm tòi; 3/ Ưu thế của học tập tìm tòi ở tiểu học; 4/ Việc dạy học toán ở trường tiểu học theo hướng học tập tìm tòi. Theo tác giả bài viết, học tập tìm tòi là quá trình học tập chủ động, tích cực và diễn ra ở cấp độ hoạt động cá nhân, do đó nó mang lại hiệu quả học tập cao hơn cách học thụ động khi nội dung học tập đã được trình bày ở dạng có sẵn. Dạy học toán ở trường tiểu học theo hướng học tập tìm tòi thể hiện nhiều ưu điểm, phù hợp với chủ trương đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học. Trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, hướng tiếp cận này cần được tiếp tục quan tâm nghiên cứu để có thể áp dụng rộng rãi trong trường tiểu học.
4. Võ Thị Minh Chí. Các đặc điểm nhận diện trẻ khó học do chậm phát triển các vùng chức năng dưới võ não
      Thực tế, trong các nhà trường phổ thông, hiện tượng học sinh học kém là điều không tránh khỏi. Vấn đề là khắc phục được hiện tượng học kém khi trẻ rơi vào nhóm chậm phát triển ranh giới để các em có thể theo học kịp chương trình học tập của nhà trường như các bạn đồng trang lứa. Vì thế, việc nhận diện dạng học kém ở trẻ là vấn đề phức tạp, đòi hỏi có sự tham gia chẩn đoán từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó có tâm lí học thần kinhchuyên ngành khoa học nghiên cứu về mối quan hệ giữa não và các chức năng tâm lí cấp cao.
5. Lê Thị Thanh Thủy. Mô hình nhân cách người giáo viên tiếng Anh tiểu học
      Năm 2008, Đề án dạy học Ngoại ngữ Quốc gia 2020 ra đời, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc trong các nhà trường tiểu học. Trong bối cảnh đó, giáo viên tiếng Anh tiểu học phải đáp ứng những tiêu chuẩn do xã hội đặt ra và do những nhu cầu đổi mới tự thân của giáo dục và đào tạo và dạy học tiếng Anh tiểu học. Bài báo đề cập tới việc xây dựng mô hình nhân cách giáo viên tiếng Anh tiểu học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015. Mô hình đó được cấu thành từ hai yếu tố: Phẩm chất và năng lực. Những phẩm chất và năng lực này là cơ sở để giáo viên tiếng Anh tiểu học hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
6. Nguyễn Ánh Dương. Phát triển năng lực sáng tạo thông qua tập dượt nghiên cứu khoa học môn Toán cho học sinh trường trung học phổ thông chuyên
      Bài viết tập trung vào vấn đề phát triển năng lực sáng tạo theo hướng tập dượt nghiên cứu khoa học môn Toán cho học sinh trường trung học phổ thông chuyên. Trên cơ sở phân tích tình hình giảng dạy môn Toán hiện nay, đặc điểm của các học sinh trung học phổ thông chuyên và mô hình hoạt động sáng tạo, quy trình tập dượt nghiên cứu khoa học của học sinh, tác giả phân tích việc tổ chức một số hoạt động thông qua một số ví dụ toán học điển hình giúp học sinh nghiên cứu sâu sắc hơn một vấn đề, tạo sự hứng thú, tự tin trong học tập nhằm phát triển năng lực sáng tạo theo hướng tập dượt nghiên cứu khoa học môn Toán cho học sinh trung học phổ thông.
7. Nguyễn Thị Thanh Lâm. Phát triển năng lực đọc hiểu văn bản thơ trữ tình cho học sinh phổ thông
      Do đặc trưng của thể loại, thơ trữ tình có khả năng phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu, lại thường có dung lượng nhỏ, ngắn gọn, dễ cảm, dễ thuộc. Trong chương trình Ngữ văn ở Trung học phổ thông hiện hành, thơ trữ tình chiếm một tỉ lệ khá lớn. Tác giả bài viết phân tích một số vấn đề về nghiên cứu phát triển năng lực đọc hiểu văn bản thơ trữ tình cho học sinh phổ thông, nhằm có được một phương hướng và quy trình dạy học, giúp hình thành cho học sinh năng lực đọc hiểu thơ trữ tình một cách có hiệu quả và vững chắc.
8. Đỗ Đình Thái. Mô hình nghiên cứu mối quan hệ giữa hoạt động đảm bảo chất lượng và sự hình thành văn hóa chất lượng trong trường đại học
      Văn hóa chất lượng là công cụ thúc đẩy hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong phát triển bền vững, thỏa mãn nhu cầu bên trong, đáp ứng yêu cầu bên ngoài, và đủ năng lực hội nhập trong thời đại chất lượng, đảm bảo đầy đủ cho một trường đại học cải tiến chất lượng liên tục và phát triển bền vững. Vì vậy, xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và hình thành văn hóa chất lượng trong trường đại học phải được tiến hành song song, đồng bộ hướng đến mục tiêu chung. Tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu mối quan hệ giữa hoạt động đảm bảo chất lượng và sự hình thành văn hóa chất lượng trong trường đại học nhằm xác định cơ sở hình thành và phát triển văn hóa chất lượng thông qua hoạt động đảm bảo chất lượng.
9. Lê Chi Lan. Một số tác động từ yêu cầu của người sử dụng lao động đến chương trình đào tạo đại học khối ngành kinh tế
      Giáo dục đại học cung cấp những kiến thức và kĩ năng cho sinh viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động, để sinh viên tốt nghiệp có thể giải quyết tốt các yêu cầu của người sử dụng lao động. Trong những năm qua, các trường đại học đã có những thay đổi chương trình đào tạo, qua nghiên cứu cho thấy yêu cầu của người sử dụng lao động có tác động mạnh đến việc thay đổi cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo. Vì những lí do kể trên, trong bài viết này, tác giả phân tích về một số tác động từ yêu cầu của người sử dụng lao động đến chương trình đào tạo đại học khối ngành kinh tế.
10. Bùi Thị Thúy Hằng. Ảnh hưởng của phong cách dạy học đến động cơ và kết quả học tập của người học
      Tác giả tổng quan các nghiên cứu về tác động của phong cách dạy học của người dạy đến động cơ, thái độ và kết quả học tập của người học dựa trên lí thuyết về sự tự quyết. Phong cách dạy học ủng hộ tính tự chủ có tác dụng thúc đẩy động cơ tự chủ, thái độ tích cực và kết quả học tập tốt. Ngược lại, phong cách dạy học kiểm soát sẽ khơi dậy cảm xúc tiêu cực, kích thích động cơ bị kiểm soát và làm giảm sự tích cực học tập của người học. Phong cách dạy học có cấu trúc kết hợp với một mức độ ủng hộ tính tự chủ nhất định sẽ làm tăng động cơ tự chủ, khuyến khích việc sử dụng các chiến lược học tập hiệu quả và hạn chế được các vấn đề về hành vi trong và ngoài nhà trường.
11. Trần Thị Thu Hiền. Thực trạng quản lí hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường đại học
      Chất lượng giáo dục đại học được quyết định bởi chất lượng giảng dạy và thành quả của các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH). Để hoạt động NCKH trong nhà trường đạt được kết quả tối ưu trước hết cần có quá trình quản lí phù hợp. Hiện nay, hoạt động NCKH của đội ngũ giảng viên (GV) trong nhà trường đại học đã có những đóng góp tích cực đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong mỗi nhà trường. Tuy nhiên, quản lí hoạt động NCKH tại các nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn. Đánh giá được đúng thực trạng quản lí sẽ có được một bức tranh toàn cảnh về tình hình NCKH cũng như quản lí NCKH của đội ngũ GV; đồng thời có cơ sở để đề xuất được những giải pháp quản lí phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả NCKH của GV.
12. Nguyễn Đức Minh. Giải pháp phát triển trung tâm học tập cộng đồng
      Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là một thiết chế giáo dục ngoài hệ thống giáo dục chính quy do người dân của một cộng đồng thành lập và quản lí với mục tiêu tạo cơ hội, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho mọi người tại địa phương nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân và đẩy nhanh tốc độ phát triển của cộng đồng, đất nước. Bài viết trình bày những nội dung sau: 1/ Trung tâm học tập cộng đồng ở một số nước trên thế giới; 2/ Thực trạng phát triển Trung tâm học tập cộng đồng ở Việt Nam; 3/ Một số giải pháp phát triển Trung tâm học tập cộng đồng.
13. Đinh Phước Tường. Tăng cường quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng mềm cho sinh viên các trường đại học
      Trên cơ sở điều tra, khảo sát thực trạng giáo dục kĩ năng mềm của sinh viên sáu trường đại học và 106 cơ quan, công ti, doanh nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả rút ra kết luận rằng kĩ năng mềm của sinh viên các trường đại học thuộc khu vực này còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà sử dụng lao động. Vì vậy, tăng cường quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng mềm cho sinh viên là một vấn đề  cần thiết đối với giáo dục đại học nước ta trong thời gian hiện nay.
14. Võ Thị Ngọc Lan. Kiểm tra, đánh giá kết quả học thực hành trong giáo dục nghề nghiệp
      Kiểm tra, đánh giá theo quan điểm hiện đại vừa là hình thức tổ chức và vừa là phương pháp dạy học, có nghĩa là kiểm tra, đánh giá kết quả học tập đã thay đổi trọng tâm từ kết quả học tập sang quá trình dạy – học. Do đó, muốn nâng cao chất lượng dạy và học cần chú trọng việc cải tiến trong kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện. Bài viết này trình bày kiểm tra, đánh giá thực hành trong giáo dục nghề nghiệp, trong đó, sơ lược cơ sở lí luận về kiểm tra – đánh giá theo năng lực được miêu tả và quy trình thiết kế đề kiểm tra thực hành được đề xuất.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
15. Trương  Thị Hoa. Những khó khăn trong quá trình chọn nghề của học sinh trung học phổ thông
      Để tìm hiểu những khó khăn trong quá trình chọn nghề của HS, chúng tôi điều tra  2131 học sinh và 217 giáo viên ở 08 trường THPT trên địa bàn Thành phố Hà nội. Kết quả cho thấy, những khó khăn chủ quan của HS bao gồm: Khả năng đánh giá bản thân còn hạn chế; không biết mình phù hợp với ngành nghề nào; không giải quyết được mâu thuẫn giữa bản thân và cha mẹ trong sự lựa chọn ngành nghề. Những khó khăn khách quan bao gồm: Thiếu tài liệu sách vở liên quan đến hướng nghiệp; nhà trường chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu định hướng nghề cho HS.
16. Hà Văn Quỳnh. Sách giáo khoa điện tử - hiện trạng và xu hướng phát triển trong giáo dục phổ thông ở Việt Nam
      Sách giáo khoa điện tử (Classbook) ra đời đã đánh dấu một bước phát triển mới của sách giáo khoa. Nội dung, tiện ích, ưu điểm và những hạn chế không ít của Classbook đang tiếp tục được đọc giả đón nhận ở mức độ thử nghiệm. Sách giáo khoa điện tử có thể chiếm lĩnh nhiều hay ít thị phần sách giáo khoa in phụ thuộc vào chất lượng, tiện ích, giá thành, nhu cầu và khả năng của người sử dụng cũng như hiệu quả của nó trong việc – học. Trong tương lai gần, sách giáo khoa điện tử tiếp tục được hoàn thiện và thử nghiệm song hành với sách giáo khoa in truyền thống, là thiết bị hỗ trợ việc dạy và học, đồng thời sách giáo khoa in vẫn là loại  sách phổ biến trong trường phổ thông ở Việt Nam.
17. Lưu Thị Trường Giang. Phát triển năng lực tạo lập văn bản nghị luận cho học sinh trung học phổ thông
      Tạo lập văn bản nghị luận là năng lực tổng hợp quan sát, khả năng tư duy, tưởng tượng, cảm xúc kết hợp với vốn sống, kinh nghiệm để giao tiếp bằng nói/viết, tạo được sự đồng tình và tri nhận ở người nghe/người viết. Năng lực nghị luận thực sự có ý nghĩa cho sự phát triển của con người cá nhân trong việc hội nhập cộng đồng. Tác giả đề xuất một số hướng đổi mới dạy tạo lập văn nghị luận cho HS THPT: Cho HS tiếp xúc với văn bản mẫu; Định hướng giờ dạy theo hướng HS thuyết trình; Giao việc cho HS – hình thức làm việc theo dự án.

GIÁO DỤC DÂN TỘC
18. Trần Thị Yên. Giáo viên tiểu học người dân tộc thiểu số - nội lực quan trọng để phát triển giáo dục ở vùng dân tộc
      Đội ngũ GV tiểu học người DTTS là lực lượng quan trọng trực tiếp thực hiện và nâng cao nội dung chương trình GD ở các trường tiểu học vùng DTTS, quyết định chất lượng GD tiểu học, đảm bảo cho GD tiểu học vùng dân tộc phát triển nhanh và bền vững - là nội lực để phát triển GD tiểu học vùng dân tộc. GV tiểu học nói chung và GV tiểu học người DTTS nói riêng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp GD vùng dân tộc. Do vậy, Đảng và Nhà nước cần xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển đội ngũ GV tiểu học người DTTS đúng định hướng và mục tiêu GD đề ra.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
19. Phạm Thị Ly. Giáo dục đại học toàn cầu: Một bức tranh không ngừng thay đổi
      Giáo dục đại học (GDĐH) trên thế giới đang biến đổi rất nhanh và vô cùng sâu sắc trên hầu hết mọi phương diện, đòi hỏi chúng ta phải kịp thời nhận thức lại nhiều khái niệm về GDĐH nay đã không còn phản ánh đúng thực tại nữa. Chỉ trên cơ sở tư duy lại nhằm hiểu đúng những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài trường ĐH, các nhà lãnh đạo mới có thể dẫn dắt các trường vượt qua khủng hoảng và đáp ứng tích cực với thế giới đang thay đổi ấy.