Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 120

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 120, tháng 9 năm 2015

 NGHIÊN CỨU:
1.Đỗ Ngọc Thống. Những yêu cầu cơ bản của việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới
     Năm học 2015-2016 là năm học giáo dục phổ thông (GDPT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng chương trình (CT) và biên soạn SGK mới. CT GDPT sau năm 2015 được phát triển theo những yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện. Vì thế, khi xây dựng CT tất cả các môn học cần phải chú ý một số yêu cầu cơ bản đã đặt ra ở CT GDPT tổng thể, đó là: 1/ Nhận thức rõ cơ hội và những thách thức của bối cảnh mới; 2/ Tuân thủ pháp luật; quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quốc hội về đổi mới CT giáo dục, SGK phổ thông; 3/ Nắm vững các đặc điểm và yêu cầu của CT tiếp cận theo hướng phát triển năng lực; 4/ Đáp ứng được chủ trương 01 CT, nhiều SGK và đa dạng hóa các tài liệu giáo dục; 5/ Lựa chọn và tổ chức nội dung phù hợp với đối tượng; 6/ Đáp ứng được yêu cầu tích hợp liên môn và cách nội dung học tập xuyên CT, bổ sung nội dung chuyên đề phân hóa hướng nghiệp.
     Từ khóa: Chương trình; xây dựng chương trình; giáo dục phổ thông.
2.Phạm Đức Quang. Giới thiệu một số mô hình phát triển chương trình giáo dục phổ thông
     Bài viết giới thiệu một số mô hình phát triển chương trình giáo dục phổ thông. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Quan niệm về chương trình; 2/ Quan niệm về mô hình phát triển chương trình; 3/ Các thành tố của chương trình; 4/ Một số mô hình phát triển chương trình, bao gồm: Mô hình tuyến tính; Mô hình theo mối quan hệ tác động lẫn nhau; Mô hình phát triển theo chu trình; Mô hình lấy môn học hay nội dung làm trung tâm; Mô hình tích hơp các nội dung thuộc các môn học; Mô hình lấy tình huống thực tiễn cuộc sống làm trung tâm; Mô hình tiếp cận hệ thống; Mô hình tiếp cận mục tiêu; Mô hình tiếp cận phát triển.... Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra một số khuyến nghị cần thiết cho Việt Nam khi xây dựng chương trình mới sau năm 2015.
     Từ khóa: Chương trình; giáo dục phổ thông; phát triển chương trình; mô hình phát triển chương trình.
3.Thái Văn Thành. Đổi mới quản lí nhà trường phổ thông - Yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay
     Nhà trường phổ thông có vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và định hướng nghề nghiệp cho HS. Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi nhà trường phải đổi mới một cách toàn diện từ mục tiêu, nội dung chương trình đến phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục và kiểm tra, đánh giá. Bài viết làm rõ sự cần thiết phải đổi mới quản lí nhà trường phổ thông, góp phần thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm đáp ứng các yêu cầu sau: 1/ Yêu cầu toàn cầu hóa, nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin; 2/ Quá trình chuyển đổi cơ chế quản lí từ cơ chế hành chính tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 3/ Yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; 4/ Yêu cầu phát triển chương trình giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực HS và triển khai chương trình giáo dục phổ thông, chương trình SGK mới; 5/ Yêu cầu hội nhập quốc tế về giáo dục.
     Từ khóa: Trường phổ thông; đổi mới quản lí; quản lí; nhà trường; đổi mới quản lí nhà trường.
4.Nguyễn Tiến Hùng. Khung chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp
     Trong bối cảnh phân cấp quản lí giáo dục, tự chủ và chịu trách nhiệm hay trách nhiệm xã hội trong giáo dục gắn chặt với nhau như hai mặt của đồng xu. Hơn nữa, chịu trách nhiệm còn góp phần giữ cho hoạt động của cơ sở giáo dục luôn đi theo định hướng đạt tới mục tiêu giáo dục. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung trình bày và phân tích về bản chất và khung chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các bên liên quan. Trong đó, tác giả phân tích khung chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 4 thành tố: Mục tiêu – Tiêu chí đo/đánh giá đạt tới mục tiêu – Cung cấp và phản hồi thông tin – Các cơ chế điều chỉnh, thay đổi tại cấp độ cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo và khóa học.
     Từ khóa: Giáo dục nghề nghiệp; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quản lí giáo dục; khung chịu trách nhiệm.
5.Nguyễn Vân Anh. Quản lí tài chính nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
     Bài viết đề cập tới vấn đề quản lí tài chính nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Điểm khác biệt cơ bản trong bộ máy quản lí tài chính theo cơ chế tự chủ với bộ máy quản lí tài chính theo cơ chế quản lí tập trung của các đơn vị sự nghiệp công nói chung, nhà trường công lập nói riêng chính là sự tham gia của các thành phần như hội đồng trường và các đối tượng có liên quan vào công tác quản lí. Việc xây dựng bộ máy quản lí tài chính theo hướng mở này bảo đảm được cơ cấu ra quyết định trong quản lí tài chính có xu hướng từ dưới lên nhằm hướng tới sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính trong giáo dục.
     Từ khóa: Quản lí tài chính; nhà trường công lập; tự chủ; tự chịu trách nhiệm.
6.Hoàng Gia Trang. Giáo dục phòng ngừa hành vi lệch chuẩn ở học sinh phổ thông
     Bài viết đề cập đến một số biến đổi hành vi của HS trong xã hội hiện nay. Tác giả nhấn mạnh đến biến đổi hành vi trong quan hệ xã hội gồm quan hệ với bạn khác giới và hành vi bạo lực. Từ đó, tác giả đưa ra một số đề xuất giáo dục phòng ngừa hành vi lệch chuẩn ở HS bao gồm: Tăng cường giáo dục kĩ năng sống, xây dựng mối quan hệ học đường thân thiện, phát huy vai trò của cha mẹ và đoàn thể địa phương và xây dựng mạng lưới tư vấn học đường.
     Từ khóa: Hành vi lệch chuẩn; chuẩn mực đạo đức; học sinh.
7.Nguyễn Thị Thanh. Quy trình rèn luyện kĩ năng tìm việc làm cho sinh viên đại học
     Qua khảo sát thực tế cho thấy nhiều sinh viên còn rất lúng túng khi tìm việc. Do vậy, các trường đại học cần chú ý tác động rèn luyện kĩ năng tìm việc làm cho các em. Để việc rèn luyện đem lại hiệu quả thiết thực, cần thực hiện theo quy trình chặt chẽ với các bài tập thực hành để các em thực hiện theo các thao tác mô phỏng gần giống thực. Điều đó sẽ giúp sinh viên có kĩ năng và tìm được việc làm như ý. Tìm việc làm được xác định theo hai hướng, thứ nhất là tìm việc làm được cung cấp bởi người khác; thứ hai là tìm cách tạo ra việc làm cho chính mình và cho mọi người. Trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến việc rèn luyện kĩ năng tìm việc làm theo hướng thứ nhất.
     Từ khóa: Kĩ năng tìm việc làm; sinh viên; hồ sơ xin việc.
8.Lê Thị Bình. Quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, sử dụng cán bộ quản lí phòng giáo dục và đào tạo
     Tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, sử dụng cán bộ quản lí (CBQL) phòng GD&ĐT là khâu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL; xây dựng đội ngũ này có phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn GD của quận/huyện. Bài viết đề xuất quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, sử dụng CBQL phòng GD&ĐT, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Ý nghĩa của việc tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, sử dụng CBQL phòng GD&ĐT; 2/ Công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, sử dụng CBQL phòng GD&ĐT; 3/ Đề xuất quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, sử dụng CBQL phòng GD&ĐT. 
     Từ khóa: Tuyển chọn; bổ nhiệm; miễn nhiệm; luân chuyển; sử dụng cán bộ; cán bộ quản lí; phòng GD&ĐT.
9.Phạm Lê Cường. Một số giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo của các trường/khoa đại học sư phạm
     Với vai trò cung ứng nguồn nhân lực - đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí (CBQL) cho cả hệ thống giáo dục quốc dân, ngành Sư phạm nói chung, các trường, khoa đại học sư phạm (ĐHSP) nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Bài viết trình bày một số giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo (ĐBCL ĐT) của các trường, khoa ĐHSP: 1/ Tổ chức nghiên cứu, thảo luận trong CBQL và các thành viên trường, khoa ĐHSP về sự cần thiết phải ĐBCL ĐT; 2/ Xây dựng kế hoạch chiến lược và chính sách CL của các trường, khoa ĐHSP; 3/ Xây dựng hệ thống ĐBCL ĐT bên trong các trường, khoa ĐHSP; 4/ Từng bước xây dựng môi trường văn hóa CL trong các trường, khoa ĐHSP; Tổ chức hệ điều kiện cho việc thực hiện ĐBCL trong các trường, khoa ĐHSP.

     Từ khóa: Đảm bảo chất lượng đào tạo; văn hóa chất lượng; đại học sư phạm.
10.Phạm Thế Kiên. Sự thỏa mãn nghề nghiệp của đội ngũ viên chức hành chính trong các đại học vùng ở Việt Nam
     Bài viết xác định mức độ thỏa mãn nghề nghiệp của đội ngũ viên chức hành chính (ĐNVCHC) trong các đại học (ĐH) vùng, góp phần đưa ra các giải pháp quản lí phù hợp, giúp ĐNVCHC thỏa mãn hơn, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế được sự “chảy máu” chất xám, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lí ĐNVCHC trong các ĐH vùng ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lí giáo dục ĐH hiện nay ở nước ta.
     Từ khóa: Sự thỏa mãn nghề nghiệp; đội ngũ viên chức hành chính; đại học vùng.
11.Trương Tấn Đạt. Tạo cơ chế, chính sách cho trường thực hành sư phạm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên
     Thực hành kĩ năng, nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình đào tạo giáo viên, góp phần nâng cao năng lực người học thông qua các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, có ý nghĩa sâu sắc cả về lí luận và thực tiễn. Mô hình trường thực hành sư phạm đã hình thành và từng bước đổi mới trong hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm một cách hiệu quả. Để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp và thỏa đáng cho các trường thực hành sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.
     Từ khóa: Đào tạo; giáo viên; trường thực hành sư phạm.
12.Trần Trung Dũng. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động dạy học ở trường trung học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh
     Phát triển năng lực học sinh (NLHS) hiện đang trở thành định hướng cơ bản của đổi mới giáo dục phổ thông nói chung, đổi mới hoạt động dạy học (HĐDH) ở trường THPT nói riêng. Định hướng đổi mới này đòi hỏi các trường THPT phải đào tạo được những HS có NL tư duy, NL tự học; NL giải quyết vấn đề; NL sáng tạo; NL tự quản lí… Để đánh giá chất lượng HĐDH ở trường THPT theo cách tiếp cận mới đòi hỏi phải xây dựng được bộ tiêu chí có cơ sở khoa học và có tính khả thi cao, nhắm tới những gì người học dự kiến phải làm được. Bài viết giới thiệu bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dạy học ở trường THPT theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Theo tác giả, bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dạy học ở trường THPT theo cách tiếp cận năng lực bao gồm  28 tiêu chí, dựa trên các lĩnh vực như: Kế hoạch dạy học; Nội dung dạy học; Phương pháp dạy học; Hình thức tổ chức dạy học; Kiểm tra đánh giá  kết quả dạy học; Môi trường dạy học.
     Từ khóa: Bộ tiêu chí; đánh giá; chất lượng; trường trung học phổ thông; phát triển năng lực; học sinh.
13.Vũ Thị Minh Nguyệt. Dạy học khoa học qua khám phá nhằm hình thành và phát triển năng lực học sinh
     Dạy học khoa học qua khám phá là một phương pháp hữu ích hỗ trợ việc hình thành và phát triển năng lực học sinh. Dạy học khoa học thông qua khám phá nhằm hình thành và phát triển cho học sinh các năng lực cần thiết trong thời đại mới như: Giao tiếp, hợp tác, sử dụng ngôn ngữ khoa học, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề trong khoa học cũng như trong đời sống,…
     Từ khóa: Dạy học khoa học; năng lực; học sinh.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC:
14. Lê Minh Nguyệt, Nguyễn Quang Hào. Khó khăn tâm lí của giáo viên tiểu học tỉnh Đắk Lắk trong việc đánh giá học sinh theo nhận xét
     Các giáo viên tiểu học được khảo sát trên địa bàn huyện M’Đrăk đều gặp những khó khăn tâm lí về hiểu mục tiêu, nội dung, cách thức đánh giá bằng nhận xét, trạng thái tâm lí và thói quen trong hoạt động đánh giá, thực hiện kĩ năng đánh giá bằng nhận xét với mức độ khá cao. Nguyên nhân dẫn đến khó khăn tâm lí của giáo viên tiểu học trong đánh giá học sinh theo nhận xét do khối lượng công việc quá lớn và phải chịu áp lực từ nhiều phía.
     Từ khóa: Tâm lí; giáo viên; tiểu học; đánh giá học sinh theo nhận xét.
15.Cao Thị Thặng,Lê Ngọc Vịnh. Một số kết quả nghiên cứu rèn kĩ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học cơ sở bằng cách áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột trong dạy học Hóa học ở Bình Định
     Rèn luyện kĩ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học là vấn đề mới mẻ đối với giáo dục phổ thông Việt Nam. Nội dung bài báo đề cập một số kết quả nghiên cứu áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột trong dạy học Hóa học ở trung học cơ sở để rèn luyện kĩ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh tại Bình Định.
     Từ khóa: Kĩ năng nghiên cứu khoa học; phương pháp bàn tay nặn bột; Hóa học.
16.Nguyễn Thị Thanh Trà. Tổ chức cho sinh viên đại học sư phạm tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng kết quả học tập môn Giáo dục học theo tiếp cận năng lực
Tác giả đề xuất quy trình tổ chức cho sinh viên đại học sư phạm tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng kết quả học tập môn giáo dục học theo tiếp cận năng lực, qua đó giúp cho sinh viên nhận ra được những ưu, nhược điểm trong học tập của bản thân, đồng thời biết cách sửa chữa những thiếu sót để nâng cao năng lực học tập và hình thành cho họ năng lực tự đánh giá trong học tập môn học.
     Từ khóa: Tự đánh giá; đánh giá đồng đẳng; đánh giá theo tiếp cận năng lực.
17.Lê Ngọc Hòa. Cấu trúc năng lực thích ứng nghề của sinh viên đại học ngành Công nghệ kĩ thuật điện đào tạo theo tiếp cận năng lực
     Chuẩn đầu ra là quy định về nội dung kiến thức chuyên môn; kĩ năng thực hành; khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề, công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và những yêu cầu đặc thù đối với từng trình độ, ngành đào tạo. Cơ sở để xác định chuẩn đầu ra là năng lực nghề nghiệp người học. Nội dung bài viết đề cập đến một trong những vấn đề có ý nghĩa cả về mặt lí luận và thực tiễn nhưng chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, đó là xây dựng cấu trúc năng lực thích ứng nghề cho sinh viên đại học ngành Công nghệ kĩ thuật điện. Trong đào tạo theo tiếp cận năng lực, việc dạy và học luôn hướng tới sự phát triển năng lực cho sinh viên, do đó xây dựng cấu trúc và các tiêu chí cụ thể của năng lực là việc làm cần thiết.
     Từ khóa: Công nghệ kĩ thuật điện; thích ứng nghề; tiếp cận năng lực.
18.Vũ Lan Hương. Đổi mới thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lí giáo dục
     Để phát triển giáo dục đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, Chiến lược phát triển giáo dục Việt nam đến năm 2020 đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải đổi mới quản lí giáo dục làm khâu đột phá. Trong đó nâng cao chất lượng toàn diện, đổi mới công tác thanh tra giáo dục là một giải pháp quan trọng đòi hỏi tất yếu và cấp thiết. Bài viết đề cập việc cần thiết phải đổi mới thanh tra giáo dục, nội dung đổi mới thanh tra giáo dục và Chương trình bồi dưỡng cộng tác viên thanh tra giáo dục tại Trường Cán bộ Quản lí giáo dục TP. Hồ Chí Minh.
     Từ khóa: Đổi mới thanh tra giáo dục; đổi mới quản lí giáo dục; cộng tác viên thanh tra giáo dục.

GIÁO DỤC DÂN TỘC:
19.
Nguyễn Thị Hài. Giúp học sinh dân tộc cấp Tiểu học giữ phép lịch sự khi nói câu cầu khiến
     Trong các loại câu, câu cầu khiến chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Khi học về câu cầu khiến, HS cần nắm được mục đích, dùng đúng các từ để cầu khiến và hiểu được văn hóa giao tiếp của người Việt, nắm được quan hệ giữa người nói và người nghe để dùng các từ ngữ xưng hô phù hợp, tránh lối nói trống không, dùng các từ ngữ thể hiện sự thân mật, gần gũi và dùng câu hỏi để thể hiện cầu khiến.
     Từ khóa: Học sinh dân tộc; câu cầu khiến; tiểu học.
20.Phạm Thu Hà. Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh
     Nội dung GD trong tư tưởng Hồ Chí Minh sâu rộng, thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, xuất phát từ nhiệm vụ cách mạng và yêu cầu của cuộc sống. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục dân tộc nhằm nâng cao chất lượng GD vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo sự phát triển đồng đều về kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để phát triển đất nước.
     Từ khóa: Giáo dục; dân tộc thiểu số; tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh.
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
21.Nguyễn Lệ Hằng. Tổng quan về giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông Cộng hòa Liên bang Đức
     Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức là một quốc gia châu Âu có nền giáo dục (GD) tiên tiến, nổi bật với hệ thống GD nghề nghiệp thành công. Con đường học nghề thu hút được nhiều học sinh (HS) bởi hệ thống công tác phân luồng sớm, hiệu quả ngay từ sau khi kết thúc cấp Tiểu học và đặc biệt Đức có hệ thống giáo dục hướng nghiệp (GDHN) rất tốt. Công tác GDHN trong nhà trường phổ thông được tổ chức sớm, bài bản, liên tục và có sự tham gia của rất nhiều các cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội ngoài nhà trường. Bài viết này đưa ra một cái nhìn tổng quan về kinh nghiệm tổ chức GDHN trong nhà trường phổ thông của CHLB Đức, đặc biệt là GDHN cấp Tiểu học, một cách làm rất mới của Đức được tổ chức OECD đánh giá cao và đã được một số quốc gia nghiên cứu học tập.
     Từ khóa: Giáo dục hướng nghiệp; nhà trường phổ thông; CHLB Đức.
22.Đặng Thị Thu Huệ. Giới thiệu bộ sách giáo khoa Toán cấp Trung học cơ sở New Syllabus Mathematics của Singapore
     Sách giáo khoa (SGK) gắn liền với chương trình giáo dục, nhất là chương trình các môn học. Chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 ở nước ta đòi hỏi phải đổi mới mô hình SGK, sách giáo viên và các sách, tài liệu, thiết bị hỗ trợ khác. Trên thế giới, đã có nhiều bộ SGK toán có chất lượng và được sử dụng rộng rãi. Bài viết giới thiệu bộ SGK toán cấp Trung học cơ sở NEW SYLLABUS  MATHEMATICS của Singapore, từ đó đề xuất một số nội dung trong việc vận dụng viết SGK toán trong Chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 ở Việt Nam.
     Từ khóa: Sách giáo khoa toán; trung học cơ sở; Singapore.