Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 121

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 121, tháng 10 năm 2015

 NGHIÊN CỨU:
1.Phan Văn Nhân. Mô hình đào tạo nghề dựa vào cộng đồng hướng tới việc làm và phát triển kinh doanh
     Bài viết trình bày một số kết quả nghiên cứu về mô hình đào tạo nghề dựa vào cộng đồng hướng tới việc làm và phát triển kinh doanh của người lao động nông thôn Việt Nam. Mô hình này được xây dựng trên cơ sở vận dụng những kết quả nghiên cứu và triển khai dạy nghề cho những nhóm yếu thế của một số tác giả và các tổ chức quốc tế ở khu vực Châu Á trong những năm qua. Mục tiêu là xác định được cấu trúc và cơ chế quản lí, vận hành của mô hình. Kết quả áp dụng mô hình vào thực tiễn đã trả lời được những vấn đề quan trọng của dạy nghề là: Làm thế nào để người nông dân sau khi học nghề có việc làm hoặc có khả năng tự tạo ra việc làm. Sau khi học nghề, người lao động nông thôn và gia đình của họ có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ phát triển sản xuất - kinh doanh trên chính quê hương của họ.
     Từ khóa: Mô hình đào tạo nghề; đào tạo dựa vào cộng đồng; việc làm; phát triển sản xuất - kinh doanh.
2.Đặng Quốc Bảo, Phạm Minh Giản, Phan Hồng Phúc. Người hiệu trưởng kiến tạo văn hóa quản lí từ cảm hứng đối với mười hai bộ số hai
     Để quản trị hiệu quả trường học, yếu tố hết sức quan trọng là năng lực lãnh đạo và quản lí của người hiệu trưởng. Bài viết trình bày những nội dung cơ bản của các năng lực cần có của người hiệu trưởng trong việc kiến tạo văn hóa quản lí. Đó là những cảm hứng từ mười hai bộ số hai thể hiện ở năng lực tư duy, năng lực công việc và năng lực quan hệ con người của người hiệu trưởng. Người hiệu trưởng kiến tạo văn hóa quản lí từ cảm hứng đối với các bộ số hai và sẽ góp phần tạo nên hiệu quả của quản lí trường học.
     Từ khóa: Người hiệu trưởng; văn hóa quản lí; giáo dục.
3.Bùi Việt Phú. Mô hình đào tạo giáo viên: Kinh nghiệm thế giới và vận dụng ở Việt Nam
     Việc tìm kiếm mô hình đào tạo GV thích hợp cho giai đoạn phát triển hiện nay của GD đang là vấn đề cấp bách không chỉ đối với GD Việt Nam mà cả đối với các nền GD lớn của thế giới. Bài viết nêu lên những yêu cầu đặt ra đối với GV trước sự thay đổi chương trình mới hiện đại; Tổng kết kinh nghiệm từ mô hình đào tạo GV của các nước phát triển như Hoa Kì, Phần Lan, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore để rút ra bài học quý báu cho việc đổi mới đào tạo GV ở Việt Nam. Từ đó, xây dựng mô hình đào tạo GV Việt Nam phù hợp với xu thế của thế giới, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục sau 2015, đồng thời đề xuất các giải pháp tổ chức mô hình đào tạo GV hiện nay, trong đó nhấn mạnh việc duy trì và phát triển song song hai mô hình đào tạo truyền thống và đào tạo nối tiếp là giải pháp phù hợp nhất hiện nay đối với Việt Nam.
     Từ khóa:  Đào tạo; giáo viên; mô hình đào tạo giáo viên .
4.Thái Huy Bảo. Xây dựng bộ tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp và xác định các chuẩn phấn đấu của giảng viên bộ môn Phương pháp giảng dạy ở trường/ khoa Đại học Sư phạm
     Bài viết đề cập đến sự cần thiết phải xây dựng bộ tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp của giảng viên bộ môn PPGD trường/khoa ĐHSP. Trong bài, tác giả đưa ra các căn cứ pháp lí để xây dựng bộ tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp của giảng viên bộ môn PPGD, đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp của giảng viên bộ môn PPGD và xác định cụ thể các chuẩn phấn đấu của giảng viên bộ môn PPGD; triển khai các hoạt động phát triển năng lực nghề nghiệp của giảng viên bộ môn PPGD.  
     Từ khóa:Bộ tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp; chuẩn phấn đấu; giảng viên; phương pháp giảng dạy; đại học sư phạm.
5.Trương Thị Hoa. Thực trạng về phương pháp học tập của sinh viên đại học
     Bài viết chỉ ra thực trạng về phương pháp học tập (PPHT) của sinh viên (SV) nói chung và SV Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng. Qua nghiên cứu thực trạng cho thấy, nhìn chung SV áp dụng PPHT phiến diện, với cách học hời hợt, qua loa hoặc chú trọng học thuộc lòng nhiều hơn PPHT đào sâu là hướng tới mức độ hiểu, áp dụng, khái quát hoá và đánh giá tri thức. SV học tập tích cực nhất trong các giờ học thí nghiệm và thực hành, rồi đến các giờ học thảo luận và seminar, tiếp đến là khi tự học và thụ động nhất là trong các giờ học lí thuyết.
     Từ khóa: Phương pháp; phương pháp học tập; sinh viên.
6.Nguyễn Thị Bích Hiền. Một số kinh nghiệm bước đầu trong việc dạy học bằng tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ ở các trường đại học sư phạm
     Thực tế hiện nay cho thấy sinh viên Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế về ngoại ngữ. Để khắc phục tình trạng này, thay vì chỉ học một số tín chỉ tiếng Anh cơ sở, các sinh viên cần có môi trường và cơ hội nhiều hơn để học và thực hành ngoại ngữ. Một trong các giải pháp cho yêu cầu đặt ra ở trên đó là thực hiện việc dạy học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Nội dung bài viết này nhằm đưa ra một số kinh nghiệm về cách thức dạy học một số môn chuyên ngành bằng tiếng Anh cho các sinh viên không chuyên ngữ góp phần vào việc thực hiện yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
     Từ khóa: Đại học sư phạm; sinh viên không chuyên ngữ; dạy học bằng tiếng Anh.
7.Vũ Thị Thu Hoài. Tích hợp giáo dục năng lực nghề nghiệp trong dạy học các chuyên đề hóa học cơ bản cho sinh viên sư phạm
     Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức tổ chức đào tạo ở các trường sư phạm theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp sư phạm của giáo viên là việc làm cần thiết để gắn kết giữa mục tiêu đào tạo của trường đại học với thực tiễn phát triển giáo dục ở trường phổ thông. Bài viết nghiên cứu việc tích hợp nội dung chương trình giảng dạy các chuyên đề hóa học cơ bản với giáo dục năng lực nghề nghiệp nhằm hình thành năng lực dạy học tích hợp cho sinh viên, góp phần đổi mới mục tiêu đào tạo giáo viên hóa học phổ thông.  
     Từ khóa: Tích hợp giáo dục, năng lực nghề nghiệp, hóa học cơ bản, sinh viên sư phạm.
8.Vũ Thị Yến Nhi. Trải nghiệm nghề nghiệp - con đường hình thành giá trị nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành giáo dục mầm non
     Bài viết chứng minh trải nghiệm nghề nghiệp tại trường  mầm non (MN) thực hành là con đường hữu hiệu nhằm giáo dục giá trị nghề nghiệp (GTNN) cho  sinh viên sư phạm MN; đồng thời đề xuất quy trình giáo dục GTNN cho đối tượng này qua tổ chức trải nghiệm nghề nghiệp ở trường thực hành. Quy trình đã được thử nghiệm ở trường MN thực hành thuộc Trường Cao đẳng Hải Dương và mang lại kết quả khả quan.
     Từ khóa: Trải nghiệm nghề nghiệp; giá trị nghề nghiệp; sinh viên; giáo dục mầm non.
9.Nguyễn Thị Thu Hằng. Đổi mới quản lí hoạt động thực hành - thực tập của sinh viên ngành quản lí giáo dục
     Để khẳng định chất lượng giáo dục, nhà trường cần làm tốt các khâu trong chương trình đào tạo trong đó có hoạt động thực hành – thực tập (rèn nghề) cho sinh viên. Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới quản lí hoạt động thực hành – thực tập cho sinh viên ngành Quản lí giáo dục là cấp thiết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Đổi mới quản lí hoạt động thực hành – thực tập phải được tiến hành đồng bộ trên tất cả các phương diện từ mục tiêu, nội dung chương trình, hình thức tổ chức, phương pháp kiểm tra đánh giá đến cơ chế quản lí của các cấp liên quan. Chính vì vậy, trong bài viết này, tác giả đi vào phân tích vấn đề đổi mới quản lí hoạt động thực hành - thực tập của sinh viên ngành Quản lí giáo dục.
     Từ khóa: Quản lí giáo dục; thực hành; thực tập; sinh viên.
10.Nguyễn Thị Ngọc Hà. Giáo dục văn hóa ứng xử học đường cho sinh viên sư phạm qua hoạt động thảo luận nhóm
     Nội dung bài viết này trình bày về vấn đề giáo dục văn hóa ứng xử học đường cho sinh viên sư phạm qua hoạt động thảo luận nhóm. Thảo luận nhóm là một hình thức tổ chức dạy học được tiến hành thường xuyên ở trường đại học. Tương tác người - người trong thảo luận nhóm làm nảy sinh những tình huống ứng xử qua đó tạo điều kiện cho việc giáo dục văn hóa ứng xử. Vì vậy, giáo dục văn hóa ứng xử cho sinh viên sư phạm qua hoạt động thảo luận nhóm là một giải pháp giúp các giáo viên tương lai có sự chuẩn mực trong ứng xử, qua đó góp phần hình thành hành vi ứng xử có văn hóa cho học sinh ở nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội.
     Từ khóa: Văn hóa ứng xử; sinh viên sư phạm; thảo luận nhóm.
11.Nguyễn Ngọc Bích. Khai thác mối liên hệ sư phạm giữa kiến thức hình học cao cấp với kiến thức toán phổ thông trong dạy học học phần Hình học cao cấp cho sinh viên ngành Sư phạm Toán học
     Hình học cao cấp là một trong số những học phần toán học cao cấp được đưa vào chương trình đào tạo ngành Sư phạm Toán học. Kiến thức Hình học cao cấp có nhiều tiềm năng có thể khai thác vào việc chuẩn bị một số kĩ năng thực hiện các bước chuyển hóa sư phạm cho sinh viên trong hoạt động dạy học môn Toán ở trường phổ thông. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến mối liên hệ sư phạm giữa kiến thức Hình học cao cấp trong chương trình đào tạo giáo viên toán trung học phổ thông ở các trường đại học với kiến thức môn toán ở trường phổ thông. Qua đó, đề xuất một số hướng khai thác mối liên hệ sư phạm này nhằm hình thành và phát triển năng lực tổ chức các hoạt động dạy học môn toán cho sinh viên ngành Sư phạm Toán học.
     Từ khóa: Hình học cao cấp; sinh viên sư phạm; môn Toán.
12.Nguyễn Đức Huy. Một số vấn đề về thực trạng và giải pháp nhằm hoàn thiện, phát triển đội ngũ giáo sư, phó giáo sư Việt Nam
     Bài báo này trình bày thực trạng giáo sư và phó giáo sư của Việt Nam hiện nay. Kết quả nghiên cứu đưa ra những tồn tại về chất lượng, phân bố vùng miền, độ tuổi và chuyên ngành của giáo sư, phó giáo sư và những khó khăn trong việc phát triển đội ngũ này theo kịp nhu cầu phát triển mới của xã hội. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và bổ nhiệm chức danh giáo sư phó giáo sư nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam.
     Từ khóa: Giáo sư; phó giáo sư; nghiên cứu khoa học.
13.Mai Văn Trinh, Nguyễn Đăng Thuấn. Xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá mức độ tích cực trong học tập của học sinh trung học phổ thông
     Quá trình dạy học đạt hiệu quả cao khi người học tham gia tích cực và chủ động. Các phương pháp dạy học hiện đại luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải tích cực hóa người học. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến việc xây dựng hệ thống các tiêu chí và thang đo, phương pháp đo các tiêu chí đó để làm cơ sở đánh giá mức độ tích cực trong học tập môn Vật lí của học sinh trung học phổ thông.
     Từ khóa: Hệ thống tiêu chí đánh giá; vật lí;  trung học phổ thông.
14.Nguyễn Đình Thước, Nguyễn Văn Phương. Xây dựng và sử dụng thang đo kết quả hoạt động sáng tạo của học sinh trong dạy học Vật lí ở trường trung học phổ thông
     Kết quả hoạt động sáng tạo của học sinh trong học tập Vật lí cần được đo lường, đánh giá bảo đảm yêu cầu khách quan, chính xác, công bằng để có tác động tích cực đến quá trình dạy học. Kết quả hoạt động sáng tạo được lượng hóa theo tiêu chí mức độ sáng tạo của học sinh ở một số loại hình hoạt động sáng tạo trong dạy học Vật lí. Mỗi tiêu chí có các mức độ sáng tạo phản ánh năng lực sáng tạo của học sinh. Trong bài báo này, chúng tôi trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu xây dựng và sử dụng thang đo kết quả hoạt động sáng tạo của học sinh trong dạy học Vật lí ở trường trung học phổ thông.
     Từ khóa: Thang đo; tiêu chí; hoạt động sáng tạo; dạy học; vật lí. 
THỰC TIỄN GIÁO DỤC:
15.Phùng Đình Mẫn, Đậu Minh Long, Đinh Thị Hồng Vân. Ảnh hướng của giáo dục gia đình đến tính cách thanh niên Huế
     Bài viết phân tích sự ảnh hưởng của giáo dục gia đình đến tính cách thanh niên Huế. Dữ liệu thu thập được từ 1600 thanh niên Huế cho thấy yếu tố giáo dục gia đình có mối tương quan thuận với các nét tính cách của thanh niên Huế và có khả năng dự báo với các nét tính cách này. Tính chừng mực và nề nếp, gia phong là hai nét tính cách chịu sự ảnh hưởng cao nhất bởi yếu tố giáo dục gia đình.
     Từ khóa: Tính cách; giáo dục gia đình; thanh niên Huế.
16.Nguyễn Tuấn Khanh. Thực trạng khó khăn trong học tập theo tín chỉ của sinh viên Đồng bằng Sông Cửu Long
     Để nghiên cứu về vấn đề những khó khăn của SV vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong quá trình học tập theo tín chỉ, nhóm tác giả tiến hành điều tra trên 302 giảng viên và cán bộ quản lí, 667 SV năm thứ nhất và năm thứ 2 ở Trường Cao đẳng Sư phạm Kĩ thuật (CĐSPKT) Vĩnh Long, Cao đẳng Kinh tế Kĩ thuật (CĐKTKT) Kiên Giang, CĐSPKT Cần Thơ, ĐH Cần Thơ, ĐH Cửu Long và Phân hiệu Trường ĐH Nha Trang tại Kiên Giang (Phân hiệu Kiên Giang). Kết quả điều tra cho thấy, hầu hết SV gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Đây là cơ sở giúp cho các nhà quản lí, giảng viên ở các trường ĐH, cao đẳng có biện pháp khắc phục và rèn luyện cho SV, giúp SV hình thành được những phương pháp và kĩ năng trong quá trình học tập ở bậc học cao hơn nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
     Từ khóa: Thực trạng; khó khăn trong học tập; tín chỉ; sinh viên; Đồng bằng Sông Cửu Long.
17.Nguyễn Anh Tuấn, Lê Bá Phương. Xây dựng nội dung giảng dạy Toán cao cấp theo hướng tăng cường vận dụng trong thực tiễn đào tạo nghề ở Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
     Dạy học toán như môn học công cụ, giúp cho SV phát triển năng lực nghề nghiệp, vận dụng được kiến thức và phương pháp toán học vào thực tiễn ngành nghề của mình. Tuy nhiên, thực trạng việc giảng dạy Toán cao cấp ở Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy và học môn Toán chưa gắn với mục tiêu ứng dụng trong lĩnh vực đào tạo nghề cho SV. Tác giả trình bày nghiên cứu lựa chọn xây dựng nội dung môn Toán cao cấp để giảng dạy cho SV ngành Điện và ngành Cơ khí của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội theo định hướng tăng cường vận dụng vào thực tiễn nghề nghiệp cho SV.
     Từ khóa: Toán cao cấp, thực tiễn đào tạo nghề, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
18.Nguyễn Ngọc Sáng. Một số biện pháp nâng cao năng lực sư phạm cho giảng viên khoa học xã hội và nhân văn tại các trường sĩ quan quân đội
     Bài viết trình bày vấn đề một số biện pháp về khía cạnh tâm lí nhằm nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội. Trong đó, bao gồm 4 biện pháp: 1/ Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, xây dựng động cơ nghề nghiệp sư phạm cho đội ngũ giảng viên; 2/ Tăng cường bồi dưỡng lí luận dạy học và kĩ năng sư phạm cho đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn; 3/ Phát huy vai trò tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao năng lực sư phạm của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường sĩ quan quân đội; 4/ Tăng cường vai trò của lãnh đạo, chỉ huy khoa, bộ môn trong bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho giảng viên.
     Từ khóa: Năng lực sư phạm; giảng viên; khoa học xã hội và nhân văn; trường sĩ quan quân đội.
GIÁO DỤC DÂN TỘC:
19.Nguyễn Thị Bảo Hoa. Nội dung văn hóa dân tộc trong sách Mĩ thuật ở tiểu học
     Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc (VHDT) là một trong các mục tiêu của phát triển bền vững. Giáo dục VHDT giúp học sinh (HS) hiểu biết sâu rộng về văn hóa của dân tộc mình cũng như văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thông qua giáo dục VHDT, HS được phát triển toàn diện. Trong chương trình giáo dục tiểu học hiện hành, Mĩ thuật là một môn học bắt buộc. Bài viết trình bày một số phương diện nội dung cơ bản của VHDT trong sách Mĩ thuật cấp Tiểu học và đưa ra những đề xuất nhằm định hướng trong việc lựa chọn nội dung VHDT trong sách Mĩ thuật cấp Tiểu học sau năm 2015.
     Từ khóa: Văn hóa dân tộc; sách Mĩ thuật; cấp Tiểu học.
20.Trần Trung, Nguyễn Tiến Trung, Trịnh Phương Thảo. Thực trạng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số và một số đề xuất về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số
     Bài viết trình bày một số vấn đề sau: 1/ Nguồn nhân lực chất lượng cao; 2/ Đặc điểm kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; 3/ Thực trạng trí lực nguồn nhân lực dân tộc thiểu số; 4/ Đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số.
     Từ khoá : Nguồn nhân lực chất lượng cao, thực trạng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số.
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
21.Trần Thị Bích Liễu, Lê Thanh Huyền. Kinh nghiệm quốc tế về dạy học và phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh
     Bài viết tổng quan kinh nghiệm của các nước về thực hiện một cách hệ thống và đồng bộ việc dạy học phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh từ chính sách đến chương trình và thực tiễn lớp học. Ở các nước, học sinh và giáo viên được cung cấp kiến thức và kĩ năng sử dụng các công cụ, phương pháp sáng tạo để phát triển các năng lực khám phá, tưởng tượng và tư duy sáng tạo trong mỗi tiết học và hoạt động ngoài giờ học. Trong một giờ học các công cụ, phương pháp được sử dụng phối hợp và các năng lực sáng tạo được phát triển một cách tích hợp.
     Từ khóa: Dạy học; phát triển năng lực sáng tạo; học sinh.