Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam số 01 tháng 01 năm 2018

19/04/2018 16:53 GMT+7
Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam tháng 01 năm 2018

1

 

KHUNG NĂNG LỰC CỦA NGUỒN NHÂN LỰC

TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

 

NGUYỄN TIẾN HÙNG

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email: hungga60@gmail.com

 

Tóm tắt: Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng quyết định thành công của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương. Bài viết trình bày và phân tích về phát triển khung năng lực chung, cơ bản bắt buộc mà nguồn nhân lực cần có để đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 gồm 4 nhóm năng lực chính: (1) Năng lực kĩ thuật/ chuyên môn; (2) Năng lực về phương pháp; (3) Năng lực xã hội; (4) Năng lực cá nhân. Dựa trên khung năng lực nguồn nhân lực 4.0 này, doanh nghiệp có thể hoạch định chi tiết khung năng lực chung của mình cũng như hồ sơ năng lực của từng loại nhân viên.

 

Từ khóa: Nguồn nhân lực; Cách mạng công nghiệp 4.0; khung năng lực.

2

 

TỰ CHỦ ĐẠI HỌC VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH

TRONG VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

 

PHẠM ĐỖ NHẬT TIẾN

Học viện Quản lí Giáo dục

Email: phamdntien26@gmail.com

 

Tóm tắt: Chất lượng yếu của giáo dục đại học nước ta là ở chỗ chưa đáp ứng được mục tiêu về nhân lực trình độ cao trước yêu cầu hiện nay về phát triển kinh tế-xã hội. Nguyên nhân chính là ở chỗ các cơ sở giáo dục đại học thiếu những liên kết cần thiết với môi trường xung quanh, bao gồm các cơ quan tuyển dụng, các viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục và đào tạo khác. Để khắc phục tình trạng này cần tạo dựng một hệ thống kết nối tốt hơn trên cơ sở phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Luật Giáo dục Đại học 2012 thiết lập hành lang pháp lí cho việc tạo dựng một hệ thống như vậy. Tuy nhiên, thực tế triển khai 5 năm qua chưa đem lại kết quả mong muốn. Đó là do có những bất cập trong tổ chức thực hiện tự chủ đại học ở nước ta, bao gồm sự phân kì về nhận thức, sự thiếu nhất quán về thể chế và sự thiếu vắng một cơ chế tổ chức thực hiện hữu hiệu.

 

Từ khóa: Giáo dục đại học; chất lượng giáo dục; tự chủ đại học; trách nhiệm giải trình.

3

 

PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH VÀ MÔ HÌNH ĐÀO TẠO

GIÁO VIÊN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ

                                                                  

ĐINH XUÂN KHOA - Email: khoadx@vinhuni.edu.vn

THÁI VĂN THÀNH - Email: thaivanthanhdhv@yahoo.com

 NGUYỄN NGỌC HIỀN - Email: ngochiendhv@gmail.com

 Trường Đại học Vinh 

 

Tóm tắt: Phát triển chương trình đào tạo giáo viên và xác định một mô hình đào tạo giáo viên thích hợp cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế là hết sức cần thiết. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm phát triển chương trình và các mô hình đào tạo giáo viên của các nước phát triển; thực trạng chương trình và các mô hình đào tạo giáo viên ở trong nước, bài viết phân tích, bình luận, đề xuất định hướng phát triển chương trình và mô hình đào tạo giáo viên thích hợp cho các cơ sở đào tạo giáo viên ở Việt Nam hiện nay.

 

Từ khóa: Phát triển chương trình; đào tạo giáo viên; mô hình đào tạo giáo viên,  hội nhập quốc tế.

 

4

 

SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP BOGOLIUBOV TRONG ĐÁNH GIÁ

 NĂNG LỰC HỌC SINH QUA PHỔ ĐIỂM CÁC MÔN HỌC

 

TRẦN CÔNG PHONG - Email: tcphong@moet.edu.vn

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

NGUYỄN TRÍ LÂN - Email:nguyen.tri.lan@gmail.com

Viện Vật lí - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

TRẦN THỊ CẨM LY - Email:camlydhsp@gmail.com

Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế

 

Tóm tắt: Phương pháp Bogoliubov mở rộng khi áp dụng cho hệ kinh tế đã cho thấy có sự chuyển hàm phân bố của lãi suất hiệu dụng từ dạng Boltzmann sang dạng Gaussian theo thời gian. Khi áp dụng phương pháp này cho giáo dục, chúng tôi đã chỉ ra được sự dịch chuyển phân bố Gaussian - Gaussian của phổ điểm của học sinh theo thời gian trong một năm học. Qua việc phân tích đặc trưng của các hàm phân bố điểm thu được (giá trị trung bình, độ lệch chuẩn) và sự dịch chuyển của các phổ điểm này theo thời gian, chúng tôi đã chỉ ra được mức độ hình thành năng lực chuyên biệt đối với các môn họcđược khảo sát và quá trình phát triển năng lực tương ứng của học sinh trong một năm học, đồng thời đưa ra được những tác động của giáo viên lên quá trình hình thành và phát triển năng lực của học sinh.

 

Từ khóa: Phương pháp Bogoliubov; đánh giá; năng lực; học sinh; phổ điểm môn học.

 

4

 

 

5

 

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ

SỬ DỤNG THIẾT BỊ DẠY HỌC Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

 

                VŨ TRỌNG RỸ

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

                                                                Email: vutrongry@yahoo.com

 

Tóm tắt: Bài viết đưa ra hệ thống tiêu chí về chất lượng thiết bị dạy học và hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học trên cơ sở làm rõ các khái niệm thiết bị dạy học, chất lượng, chất lượng thiết bị dạy học, hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học. Hệ thống các tiêu chí này có thể vận dụng trong việc kiểm soát chất lượng trong sản suất hoặc khi mua sắm thiết bị dạy học và trong đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học trong dạy học của giáo viên, của một nhà trường, của một huyện, tỉnh hoặc của cả ngành.

Từ khóa: thiết bị dạy học; chất lượng thiết bị dạy học; hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học.

6

 

QUẢN LÍ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN

 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THEO TIẾP CẬN AUN-QA

 

                                                

PHAN HÙNG THƯ 

Trường Đại học Vinh

Email: thuph@vinhuni.edu.vn

 

 

Tóm tắt: Quản lí chương trình đào tạo theo tiếp cận AUN-QA (ASEAN University Network Quality Assurance)là cái đích mà nhiều trường đại học trong khu vực Đông Nam Á đang hướng tới, trong đó có các trường đại học ở Việt Nam. Các nghiên cứu về đảm bảo chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo, quản lí chương trình đào tạo nói chung và những nghiên cứu về đào tạo giáo viên ở Việt Nam hiện nay đang là mối quan tâm lớn của các bên liên quan. Bài viết trình bày về sự cần thiết phải quản lí các chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông  ở Việt Nam theo tiếp cận AUN-QA thể hiện ở các khía cạnh: Mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, hình thức đào tạo, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức kiểm tra đánh giá sinh viên theo tiếp cận bộ tiêu chuẩn AUN-QA.

 

Từ khóa: Quản lí; chương trình đào tạo; giáo viên; trung học phổ thông; AUN-QA.

 

7

 

GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO VỚI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ

 

TRẦN THỊ THÁI HÀ

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email: tranthaiha.vn738@gmail.com

NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG

Viện Khoa học Lao động và Xã hội

Email: nguyenlanhuong1060@yahoo.com

Tóm tắt: Các nghiên cứu về bản chất, nội dung và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là công nghiệp 4.0) đến việc làm, thị trường lao động và vai trò của đào tạo lao động kĩ năng đã tăng nhanh trong thời gian gần đây. Mục tiêu của bài báo là xem xét các bằng chứng về các kênh tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến thị trường lao động và các hàm ý đối với giáo dục - đào tạo nhằm phát triển thị trường lao động. Để làm rõ mục tiêu này, bài báo tập trung vào ba nội dung chính: Phân tích các ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới thị trường lao động; làm rõ các thách thức đặt ra đối với giáo dục - đào tạo trước sự tấn công ồ ạt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đề xuất một số hàm ý chính sách để đổi mới giáo dục - đào tạo, giúp cho việc tăng cường sự đáp ứng của thị trường lao động đối với các yêu cầu của công nghiệp 4.0.

 

Từ khóa: Giáo dục và đào tạo; thị trường lao động; Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

8

 

ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN THEO ĐỊNH HƯỚNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THỂ

                                          

ĐÀO ĐỨC DOÃN 

                                                                                Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Email: ddoan62@gmail.com

 

Tóm tắt: Bài viết đề xuất đổi mới Chương trình môn Giáo dục công dân theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về: Đặc điểm môn học, quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình, nội dung giáo dục, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện chương trình. Theo tác giả bài viết, hiện nay chương trình môn Giáo dục công dân đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Để đổi mới chương trình môn Giáo dục công dân nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Nghị quyết 29, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong tình hình mới, cần có sự quan tâm góp ý của các nhà khoa học, cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên và các tổ chức xã hội.

 

Từ khóa: Chương trình; môn Giáo dục công dân; giáo dục đạo đức; giáo dục phổ thông.

 

9

 

XÁC ĐỊNH CÁC THÀNH TỐ CỦA KĨ NĂNG ĐỌC CƠ BẢN

 

NGUYỄN THỊ HẠNH

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email:nthanh57@gmail.com

 

Tóm tắt: Hai kĩ năng bộ phận làm nên kĩ năng Đọc là kĩ năng Đọc cơ bản và kĩ năng Đọc hiểu. Kĩ năng Đọc cơ bản gồm nhiều thành tố: Làm việc với sách, Nhận biết âm vị học, Đọc tiếng hoặc đọc từ, Đọc trơn, Hiểu nghĩa tường minh. Bài viết đưa ra những phân tích kĩ năng Đọc cơ bản được ứng dụng vào việc xác định yêu cầu cần đạt (đầu ra của năng lực) và nội dung của phần Đọc trong chương trình của môn Ngôn ngữ quốc gia (ở Việt Nam là môn Ngữ văn) ở các lớp của bậc học Mầm non và cấp Tiểu học.

 

Từ khóa: Kĩ năng đọc; kĩ năng đọc cơ bản; môn Ngữ văn.

 

10

 

THIẾT KẾ BỘ CÔNG CỤ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC THỰC HÀNH

HÓA HỌC CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

 

          VŨ THỊ THU HOÀI - Email: vuthuhoaih@yahoo.com.vn

Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội

TRƯƠNG HƯƠNG NHI - Email: truonghuongnhi95@gmail.com

TÔ QUỲNH NGÂN - Email: toquynhngan_S14@hus.edu.vn

 

Tóm tắt: Năng lực thực hành hóa học là một trong những năng lực quan trọng, giúp học sinh nâng cao lòng tin vào khoa học, phát triển tư duy của học sinh và là phương tiện duy nhất giúp các em hình thành những kĩ năng, kĩ xảo thí nghiệm và tư duy kĩ thuật. Bài viết trình bày một số vấn đề về cơ sở khoa học, định hướng xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực thực hành hóa học cho học sinh trong dạy học Hóa học và những kết quả thử nghiệm ban đầu thông qua dạy học chương Oxi – Lưu huỳnh – Hóa học 10 Trung học phổ thông. Từ đó, đề xuất các tiêu chuẩn năng lực thực hành hóa học với các tiêu chí và các mức độ biểu hiện cụ thể, giúp giáo viên và học sinh có được công cụ đánh giá năng lực thực hành cho học sinh trong dạy học Hóa học ở trường phổ thông.

 

Từ khóa: Năng lực thực hành hóa học; đánh giá năng lực; thí nghiệm.

 

11

 

THIẾT KẾ DẠY HỌC TOÁN THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN

NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG VIỆT NAM

 

PHẠM ĐỨC QUANG

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email: pducquanghn62ktrung@yahoo.com.vn

 

Tóm tắt: Nền giáo dục Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ chủ yếu dạy học theo nội dung sang hướng vào hình thành và phát triển các năng lực chung, cốt lõi cho người học. Để việc đổi mới được hiệu quả rất cần chú trọng đến khâu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vì họ là người trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả dạy học. Theo chúng tôi, một trong những việc quan trọng hiện nay là giúp giáo viên biết cách thiết kế để có thể dạy học theo hướng đổi mới, hướng vào hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực người học. Trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế, chúng tôi đề xuất cách để giúp giáo viên có thể chuẩn bị dạy học theo tinh thần mới, thông qua một số nội dung cơ bản và ví dụ thiết kế bài Mệnh đề (Môn Toán Lớp 10) được nêu trong bài viết này.

 

Từ khóa: Trung học phổ thông; năng lực; môn Toán; thiết kế dạy học.

 

12

 

DẠY HỌC PHÁT HIỆN VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

MÔN ĐẠI SỐ TUYẾN TÍNH Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC

VỚI SỰ TRỢ GIÚP CỦA PHẦN MỀM SYMBOLAB ONLINE

 

NGUYỄN VIẾT DƯƠNG

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Email: nvduong@ptithcm.edu.vn

 

NGUYỄN NGỌC GIANG

Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

Email: nguyenngocgiang.net@gmail.com

 

Tóm tắt: Bài viết đề cập đến việc sử dụng phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề trong dạy học môn Đại số tuyến tính nhờ sự trợ giúp của phần mềm Symbolab online. Phần mềm symbolab giúp sinh viên tìm ra đáp án một cách chính xác và đưa ra được lời giải giúp sinh viên so sánh, đối chiếu tự kiểm chứng lời giải của mình mà không cần nhờ sự giúp đỡ của giảng viên. Sinh viên có thể sử dụng phần mềm Symbolab để tự học một cách hiệu quả. Qua đó, sinh viên tích cực, chủ động, tự xây dựng kiến thức cho chính mình.

 

Từ khóa: Dạy học; phát hiện và giải quyết vấn đề; symbolab online.

 

13

 

MÔ HÌNH NHÂN CÁCH CỦA HIỆU TRƯỞNG

TRƯỜNG TIỂU HỌC TRONG THỜI KÌ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC

VIỆT NAM

 

NGUYỄN VĂN QUANG

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Nam - Ninh Thuận

Email: vanquang.thuannam@ninhthuan.edu.vn

 

Tóm tắt: Nhân cách của hiệu trưởng là yếu tố quan trọng, cần thiết tạo nên sự thành công trong công tác đổi mới quản lí giáo dục Việt Nam hiện nay. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lí giáo dục và quản lí nhà trường, người hiệu trưởng trường tiểu học cần thể hiện rõ những phẩm chất nhân cách của mình, đó là: 1/ Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; 2/ Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; 3/ Năng lực quản lí trường tiểu học; 4/ Năng lực tổ chức phối hợp với gia đình học sinh, cộng đồng và xã hội. Qua đó, bộ mặt nhà trường thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương, góp phần trang bị kiến thức và nguồn nhân lực mới cho đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

Từ khoá: Mô hình nhân cách; hiệu trưởng; tiểu học; giáo dục.

 

14

 

KẾT HỢP MÔ HÌNH DẠY HỌC 5E VỚI CÁC PHƯƠNG PHÁP

DẠY HỌC TÍCH CỰC TRONG TRONG DẠY HỌC TOÁN CAO CẤP

CHO SINH VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG

 

NGUYỄN THỊ LOAN

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kĩ thuật, Đại học Thái Nguyên

Email: nguyenloanmcm@gmail.com 

 

Tóm tắt: Mô hình dạy học 5E gồm các bước: Kích thích động cơ học tập - Khám phá - Giải thích - Củng cố/mở rộng - Đánh giá (Engage - Explore - Explain - Elaborate  - Evaluate) đã được triển khai thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Bài viết minh họa việc vận dụng mô hình 5E vào dạy nội dung Toán Cao cấp cho sinh viên trường Cao đẳng theo định hướng tích hợp với dạy học khám phá, dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề và dạy tự học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. 

 

Từ khóa: Mô hình dạy học 5E; phương pháp dạy học tích cực; Toán cao cấp; sinh viên cao đẳng.

 

15

HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CỐT LÕI THÔNG QUA SÁCH GIÁO KHOA MÔN KHOA HỌC TỰ NHIÊN

CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ

 

NGUYỄN THỊ THANH THỦY

Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam

Email: thuynxbgd69@gmail.com

MAI SỸ TUẤN

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

 

Tóm tắt: Bài viết phân tích một số vấn đề về hình thành và phát triển năng lực cốt lõi trong sách giáo khoa môn Khoa học Tự nhiên cấp trung học cơ sở. Trong bài viết này, tác giả đã đề xuất cấu trúc sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên theo định hướng phát triển năng lực và phát triển một số năng lực cốt lõi qua các hoạt động của bài học. Theo tác giả, phát triển năng lực là một xu hướng trên thế giới cũng như Việt Nam, sách giáo khoa đóng một vai trò quan trọng trong quá trình dạy học. Vì vậy, cần quan tâm thể hiện tích hợp và phát triển các năng lực trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, cũng cần phân tích cụ thể ở mỗi chủ đề, bài học để xác định các mức độ, cách thức phù hợp thể hiện các năng lực, tránh khiên cưỡng hoặc ôm đồm trong việc thực hiện việc tích hợp, phát triển các năng lực chung.

 

Từ khóa: Sách giáo khoa Khoa học; năng lực cốt lõi; phát triển năng lực; trung học cơ sở.

 

16

 

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC

CỦA ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU

 ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

 

PHẠM HỮU THÀNH HỘI – Email: phthoi@uneti.edu.vn

NGUYỄN THỊ HỒNG SÂM – Email: nthsam@uneti.edu.vn

Trường Đại học Kinh tế - Kĩ thuật Công nghiệp

 

Tóm tắt: Trong điều kiện hội nhập và sự bùng nổ tri thức hiện nay, Việt Nam không nằm ngoài xu thế đổi mới hệ thống giáo dục đại học. Điều này lại càng cấp thiết hơn khi chúng ta đang ở một xuất phát điểm rất thấp so với khu vực và trên thế giới. Bài viết đưa ra một số giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học như: (1) Giải pháp về pháp lí; (2) Giải pháp hoàn thiện chế định quyền và nghĩa vụ của giảng viên trong trường đại học; (3) Giải pháp thu hút, tạo nguồn giảng viên trong trường đại học; (4) Giải pháp tuyển chọn giảng viên trong trường đại học; (5) Giải pháp về chính sách đãi ngộ giảng viên trong trường đại học; (6) Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; (7) Giải pháp về công tác kiểm tra, nhận xét, đánh giá đối với giảng viên. Vì vậy, trong chiến lược đổi mới giáo dục có rất nhiều điều cần phải làm và cần được tiến hành đồng bộ song phát triển nhanh nguồn lực chất lượng cao với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cần được quan tâm hàng đầu.

 

Từ khóa: Giảng viên; giáo dục; đổi mới giáo dục đại học; năng lực.

 

17

 

PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN DẠY TIẾNG KHMER

Ở CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH KIÊN GIANG

 

NGUYỄN VĂN ĐỆ 

Trường Đại học Đồng Tháp

Email: nguyenvande5252@gmail.com

               CHÂU QUỲNH DAO

Trường PTDTNT tỉnh Kiên Giang

 Email: chauquynhdaonhs@gmail.com

 

Tóm tắt: Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số biện pháp phát triển đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer ở các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay. Theo tác giả bài viết, phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay là một đòi hỏi vô cùng cấp thiết. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp trên một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi đơn vị sẽ từng bước phát triển được đội ngũ giáo viên nói chung, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer ở các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang nói riêng một cách vững bền, đáp ứng sự mong đợi của toàn xã hội.

 

Từ khóa: Đội ngũ giáo viên; trường phổ thông dân tộc nội trú; tiếng Khmer; phát triển.

 

18

 

ĐỔI MỚI QUẢN LÍ CÔNG TÁC KIỂM TRA NỘI BỘ

TẠI CÁC TRƯỜNG MẦM NON TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN LIÊN CHIỂU, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

 

 

LÊ ĐÌNH SƠN

Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng

Email: ldson@ac.udn.vn

                  NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN

Phòng GD&ĐT Liên Chiểu - Đà Nẵng

 Email: hongvantbt@gmail.com

 

Tóm tắt: Kiểm tra nội bộ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với trường mầm non. Nội dung công việc của trường mầm non rất đa dạng, đòi hỏi trách nhiệm cao và sự chu đáo, tỉ mỉ của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên. Kiểm tra nội bộ giúp duy trì nề nếp làm việc trong trường mầm non, nếu được làm tốt, sẽ giúp hình thành cơ chế tự quản lí, tự điều chỉnh hoạt động của các bộ phận, cá nhân. Bài viết giới thiệu kết quả nghiên cứu lí luận về kiểm tra nội bộ trường học và thực trạng công tác kiểm tra nội bộ tại các trường mầm non trên địa bàn quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, từ đó đề xuất biện pháp đổi mới quản lí công tác này nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các nhà trường hiện nay.

 

Từ khóa: Quản lí công tác; kiểm tra nội bộ; giáo viên; trường mầm non.

 

19

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN TRUNG HỌC CƠ SỞ  THEO TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

 

NGUYỄN THỊ THANH LOAN

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Email: ntloan@moet.edu.vn

Tóm tắt: Việc phát triển giáo viên nói chung, giáo viên trung học cơ sở nói riêng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là cần thiết bởi không chỉ thực hiện theo yêu cầu của Luật Viên chức mà còn nhằm nâng cao năng lực, trình độ GV trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay, gắn chặt với sự phát triển nghề nghiệp đối với cá nhân giáo viên trung học cơ sở. Bài viết đưa ra một số vấn đề về thực trạng và kiến nghị giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên trung học cơ sở theo chuẩn chức danh nghề nghiệp tại thành phố Hà Nội.

 

Từ khóa: Phát triển; đội ngũ giáo viên trung học cơ sở; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; thành phố Hà Nội.

 

20

 

MỐI QUAN HỆ GIỮA SỞ THÍCH MÔN HỌC VỚI ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CỦA HỌC SINH TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

TRẦN QUỐC TOẢN, THÀNH PHỐ NHA TRANG,

TỈNH KHÁNH HÒA

                            

                             PHAN ĐỨC NGẠI - Email: phanducngai@ukh.edu.vn

                                      Trường Đại học Khánh Hòa

         

VŨ THỊ HOÀNG MỸ  - Email: vthmy.c2tqtoan.nt@khanhhoa.edu.vn

NGUYÊN ĐÌNH KHÁNH BÌNH - Email: nguyendinhkhanhbinhtqt@gmail.com

PHẠM THÁI HỒNG TRANG - Email: phamthaihongtrangtqt@gmail.com

Trường THCS Trần Quốc Toản - Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

 

 

Tóm tắt: Mối quan hệ giữa sở thích môn học với định hướng nghề nghiệp của học sinh Trường Trung học cơ sở Trần Quốc Toản thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được xác định bằng phép phân tích tương quan đa biến (CCA). Kết quả cho thấy, sở thích môn học có mối quan hệ chặt chẽ và chi phối định hướng nghề nghiệp của từng học sinh. Kết quả nghiên cứu này góp phần cùng cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng mô hình trải nghiệm sáng tạo phù hợp với việc phân luồng học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm theo sở thích môn học và định hướng nghề nghiệp.

 

Từ khóa: Mối quan hệ; sở thích môn học; định hướng nghề nghiệp; trung học cơ sở Trần Quốc Toản; Nha Trang.

 

21

 

MỘT SỐ KĨ NĂNG NGHỀ NGHIỆP CẦN RÈN LUYỆN

CHO SINH VIÊN KHỐI NGÀNH KINH TẾ THÔNG QUA DẠY HỌC CÁC HỌC PHẦN TOÁN Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC LẠC HỒNG

 

   TRẦN VĂN HOAN

Trường Đại học Lạc Hồng - Đồng Nai

Email: tranhoan.math@gmail.com

 

Tóm tắt: Tiếp cận CDIO trong dạy học cho sinh viên đã giúp các nhà giáo dục cụ thể hóa và ban hành chuẩn đầu ra. Thực tế áp dụng chuẩn đầu ra tại Trường Đại học Lạc Hồng cho thấy còn khá nhiều khó khăn, nhất là trong dạy học các học phần cơ bản nói chung và học phần Toán nói riêng, bởi vì có khá nhiều kĩ năng cần được rèn luyện cho sinh viên. Đến nay, dạy học các học phần Toán cần hướng vào rèn luyện các kĩ năng nào là câu hỏi chưa có câu trả lời. Trên cơ sở nghiên cứu về chuẩn đầu ra theo tiếp cận CDIO của khối ngành Kinh tế, nghiên cứu về thực tiễn kĩ năng nghề kinh tế và vai trò của môn Toán đối với khối ngành Kinh tế, chúng tôi đề xuất một số kĩ năng thông qua dạy học các học phần Toán nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra.

 

Từ khóa: Chuẩn đầu ra; CDIO -  Conceive (Hình thành ý tưởng) – Design (Thiết kế) – Implement (Triển khai) – Operate (Vận hành); kĩ năng nghề nghiệp; kinh tế; học phần Toán.

 

22

 

ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

 

NGUYỄN THỊ KHÁNH TRINH

Trường Đại học Ngoại thương

Email: trinhnk29@gmail.com

 

Tóm tắt: Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học là một trong những vấn đề được các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức và mạng lưới khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm. Các tổ chức đảm bảo chất lượng trên toàn thế giới hợp tác bằng cách phát triển một mạng lưới ở cả cấp độ khu vực và quốc tế đồng thời thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục thông qua các bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng theo cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Bài viết trình bày những khái niệm liên quan đến đảm bảo chất lượng, các mô hình đảm bảo chất lượng được sử dụng hiện nay trên thế giới và cách thức thực hiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của một số quốc gia trên thế giới. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình thực hiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.

 

Từ khóa: Chất lượng; Đảm bảo chất lượng; giáo dục đại học.

 

23

 

NGHIÊN CỨU VỀ HỌC SINH HỌC CHẬM Ở NƯỚC NGOÀI VÀ NHỮNG GỢI Ý ÁP DỤNG TRONG DẠY HỌC ĐỐI TƯỢNG HỌC SINH HỌC CHẬM MÔN TOÁN TRONG NHÀ TRƯỜNG

PHỔ THÔNG Ở VIỆT NAM

 

NGUYỄN THỤY PHƯƠNG TRÂM

Trường Trung học phổ thông Đức Trọng - Lâm Đồng

Email: ntptram1976@gmail.com         

 

Tóm tắt: Bài báo này trình bày tổng quan một số kết quả nghiên cứu về học sinh học chậm (slow learner): Khái niệm, đặc điểm, nguyên nhân và một số biện pháp hay lưu ý sư phạm trong dạy học đối tượng học sinh này. Bài viết tập trung tổng hợp các nghiên cứu của các tác giả nước ngoài, từ đó đưa ra những gợi ý về việc nghiên cứu cũng như vận dụng các kết quả nghiên cứu đã có trong điều kiện Việt Nam với giới hạn chủ yếu trong dạy học môn Toán ở nhà trường phổ thông trung học. Từ đó, tác giả trình bày về khái niệm, đặc điểm, nguyên nhân và một số biện pháp, lưu ý sư phạm trong dạy học đối tượng học sinh học chậm môn Toán ở Việt Nam.

 

Từ khóa: Học sinh học chậm; môn Toán; dạy học.