Tọa đàm chủ đề Quản lý nguồn nhân lực giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020

17/07/2021 13:15 GMT+7
Đây có thể được xem là một trong những phiên quan trọng nhất của hội thảo quốc tế “Giáo dục Việt nam 2011 – 2020” vì quản lý nguồn nhân lực sẽ quyết định chất lượng và sự phát triển của các cơ sở giáo dục cũng như của cả nền giáo dục.


Các diễn giả của phiên tọa đàm thứ sáu (từ trái qua phải): GS.TS. Trần Công Phong, GS. TS. Nguyễn Văn Minh, GS. TS. Pham Quang Trung, TS. Trịnh Thị Anh Hoa
 
Mở đầu báo cáo “Quản lý nguồn nhân lực”, TS.Trịnh Thị Anh Hoa cho biết 45% giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, 22% giáo viên trung học cơ sở không đạt tiêu chuẩn trình độ, tương đương khoảng 475,000 giáo viên các cấp cần được đào tạo nâng chuẩn. Bên cạnh đó, tổng khối lượng công việc của giáo viên vượt rất nhiều so với quy định, áp lực công việc lớn, ảnh hưởng đến tâm lý, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, tuy nhiên mức lương của giáo viên còn thấp, nhất là giáo viên mới vào nghề. Về đội ngũ quản lý, Hiệu trưởng trung học cơ sở là nữ ở Việt Nam là 29%, thấp hơn nhiều so với OECD (47%) và trung bình 5% cán bộ quản lý ở tất cả các cấp học không đạt tiêu chuẩn tối thiểu theo Luật Giáo dục năm 2019. Đội ngũ cán bộ quản lý ở các sở, phòng GD&ĐT còn thiếu để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, hơn nữa, nhiều sở, phòng GD&ĐT phải biệt phái giáo viên từ các trường. Bên cạnh đó, không có chính sách khuyến khích cho cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp Sở và Phòng GD&ĐT, điều này gây khó khăn cho việc tuyển dụng cán bộ có năng lực. Giám đốc Sở GD&ĐT chưa được giao trách nhiệm tuyển giáo viên, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý các trường THPT. Tương tự, trưởng phòng GD&ĐT huyện không có quyền tuyển giáo viên, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở dẫn đến việc thiếu giáo viên, quy trình tuyển dụng giáo viên bất cập; các cơ sở đào tạo giáo viên còn thiếu cả về cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo.
  

Bà Trịnh Thị Anh Hoa trình bày báo cáo về quản lý nguồn nhân lực giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020
  
Điểm sáng trong báo cáo là sự phân bổ giáo viên đến các trường học là hợp lý, đào tạo bồi dưỡng giáo viên đã được cải thiện. Phát triển chuyên môn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trường học thông qua chương trình bồi dưỡng, việc ban hành mới chuẩn nghề nghiệp giáo viên 2018 vừa để đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý trường học vừa để xác định nhu cầu phát triển nghề nghiệp. Năng lực của Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được phát triển cũng giúp nâng chuẩn trình độ ban đầu của đội ngũ nhà trường (Luật Giáo dục 2019). Các cơ sở đào tạo giáo viên cũng được tổ chức lại theo hướng hợp lý hơn.
  

GS. TS. Trần Công Phong, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, điều hành phiên tọa đàm
  
Các chuyên gia và các đại biểu tham dự hội thảo đều đồng tình với những khuyến nghị mà báo cáo đã nêu đối với công tác quản lý nguồn nhân lực. Bảy nội dung chính được tập trung thảo luận. Một là đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Đổi mới công tác tuyển sinh để thí sinh vào sư phạm thực sự là những người xuất sắc, có năng lực dạy học tốt. Tăng cường liên kết, phối hợp đào tạo giữa các trường sư phạm, các khoa sư phạm và các cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhà giáo với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nhà nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo giáo viên với nhu cầu địa phương để đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ cơ cấu.
  
 
Các diễn giả thảo luận tại điểm cầu Viện Khoa học giáo dục Việt Nam
  
Hai là cần có cơ chế trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong vấn đề tuyển dụng giáo viên để đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu các môn học, tránh tình trạng thừa thiếu giáo viên.
  
Ba là, mặc dù Nghị định số 108/2014/NĐ-CP quy định trong giai đoạn 2015-2021 số lượng công chức phải giảm 10% nhưng không nên áp dụng ở những địa phương đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Trong khi chưa tuyển đủ giáo viên, cho phép các địa phương hợp đồng với giáo viên và được hướng các chế độ gần tương đương giáo viên chính thức.
  
Bốn là triển khai có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên, định kì theo hình thức tập trung, tại chức…, chính sách hỗ trợ cho nhà giáo được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, học vấn, trình độ chính trị.
  
Năm là khuyến khích phát huy năng lực tự bồi dưỡng giáo viên là điều kiện tốt nhất để nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ tương xứng với vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
  
Sáu là cải thiện các chính sách cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý để họ yên tâm công hiến và tâm huyết ngành.
  
Bảy là các địa phương có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Giáo viên là người dân tộc thiểu số được đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp, đặc biệt đối với giáo viên người dân tộc thiểu số đi học theo diện cử tuyển.
  
Phó Viện trưởng phụ trách Lê Anh Vinh tổng kết các phiên tọa đàm và phát biểu bế mạc hội thảo Giáo dục Việt Nam 2011-2020 
  
Bế mạc hội thảo, GS.TS. Lê Anh cho biết trong đã có hơn 30 diễn giả, hơn 1,000 người tham dự hội thảo và hơn 200 lượt góp ý kiến trực tiếp và đặt câu hỏi. Tất cả những con số này cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với hội thảo của Viện khoa học giáo dục Việt Nam nói riêng và với nền giáo dục quốc gia nói chung. Ông Lê Anh Vinh cũng nhắc lại mục tiêu của hội thảo “Giáo dục Việt Nam 2011 – 2020” trước hết nhằm lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo “Giáo dục Việt Nam 2011 – 2020”, đồng thời lắng nghe sự chia sẻ và góc nhìn của các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên, giảng viên để xây dựng khung chiến lược Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045. Kết thúc hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh chia sẻ các câu hỏi ở các tầng bậc khác nhau. Đối với Chính phủ, cần có sự đầu tư đúng đủ hiệu quả với hệ thống giáo dục. Ở mức độ quản lý ngành thì làm thế nào để đồng bộ quản lý ngành giáo dục, ở cấp cơ sở, làm thế nào các chính sách vĩ mô được truyền tải tới từng thầy cô. Đối với mỗi người dạy và người học, cần phải có kì vọng về một nền giáo dục phát triển. Có được sự nhất quán, đồng lòng như thế thì giáo dục Việt Nam mới có thể sánh vai cùng các cường quốc.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam