Tọa đàm chủ đề Học tập suốt đời Việt Nam giai đoạn 2011-2020

15/07/2021 20:39 GMT+7
Phiên thứ năm của Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2011-2020 do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh điều hành với chủ đề “Học tập suốt đời”. Nội dung báo cáo được trình bày bời ThS. Bùi Thanh Xuân, cùng sự tham gia thảo luận của các diễn giả GS.TS. Wing One Lee, PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ và TS. Trương Tiến Tùng.

Các diễn giả của phiên thảo luận về chủ đề Học tập suốt đời  
  
Quá trình hiện đại hóa kinh tế đã tác động sâu sắc đến sự chuyển dịch công việc, ngành nghề, kĩ năng, nhu cầu của thị trường lao động (nhu cầu về kỹ thuật, nghề nghiệp và kỹ năng sống phức tạp hơn tăng lên, những thay đổi này cũng ảnh hưởng sâu sắc đến cấu trúc xã hội và các hành vi xã hội). Hệ thống giáo dục thường xuyên truyền thống của Việt Nam hướng đến giải quyết những khoảng cách về kỹ năng cơ bản, tập trung hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế.
 
Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh (bên trái) chủ trì phiên tọa đàm
 
Báo cáo của ThS. Bùi Thanh Xuân cho thấy trình độ học vấn của lực lượng lao động được nâng cao đáng kể và sự tham gia vào học tập suốt đời ngày càng mở rộng với việc tăng tỷ lệ người lao động tích cực tham gia các chương trình giáo dục thường xuyên/học tập suốt đời. Tuy nhiên, lao động phổ thông, kĩ năng thấp không thể theo kịp sự chuyển dịch theo hướng tăng năng suất theo định hướng công nghệ hơn. Các ứng viên trong các lĩnh vực trung học và đại học thiếu kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng chung. Trong khi đó các chương trình giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời chính của Bộ GD&ĐT ở cấp độ nền tảng hầu hết là các chương trình giáo dục thường xuyên truyền thống. Chương trình học tập suốt đời chủ yếu liên quan đến việc làm hoặc nâng cao nghề nghiệp để đáp ứng các nhu cầu mới nổi từ nhiều nhóm dân cư. Với các chương trình xóa mù chữ, tỷ lệ tham gia thấp, hiệu quả hạn chế, khả năng tái mù cao. Chương trình đào tạo kỹ năng cơ bản ở cấp địa phương bước đầu tạo nên những cải thiện về điều kiện sống cho người dân địa phương nhưng với sự khác biệt rộng rãi vùng miền. Tuy nhiên, phần lớn cách tiếp cận này sẽ khó giải quyết được bất bình đẳng về nền tảng giáo dục và đào tạo hoặc đảm bảo sự tăng trưởng toàn diện hơn giữa các cộng đồng. Hơn nữa chương trình đào tạo kĩ năng cơ bản này không có sẵn thông tin và dữ liệu làm cho việc đánh giá trở nên thiếu chính xác.
   

ThS. Bùi Thanh Xuân trình bày báo cáo chủ đề học tập suôt đời Việt Nam giai đoạn 2011-2020
   
Kết thúc báo cáo, ThS. Bùi Thanh Xuân cho rằng học tập suốt đời trước tiên cần thích ứng với bối cảnh phát triển nhanh chóng vì nhu cầu đào tạo kỹ năng ngày càng cao trong cộng đồng lao động để đạt được năng suất cao hơn. Khả năng tuyển dụng trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ ngày càng mở rộng đòi hỏi các kỹ năng phức tạp hơn, trình độ cao hơn. Do đó, những người lao động có kỹ năng thấp có nguy cơ mất việc làm khi khu vực sơ cấp cắt giảm việc làm, trở nên sử dụng công nghệ nhiều hơn. Thứ hai, Giáo dục và Đào tạo Kỹ thuật và Dạy nghề và đào tạo kỹ năng dựa trên công việc trong các lĩnh vực đầu tư quan trọng để đảm bảo lực lượng lao động có thể mang lại những thay đổi kinh tế. Thứ ba, sự đóng góp chính của Bộ GD&ĐT đối với học tập suốt đời là thông qua giáo dục chính quy chất lượng cao, hòa nhập, tạo ra nền tảng vững chắc mà mọi công dân cần để học tập và đào tạo thêm kỹ năng một cách tự chủ trong suốt cuộc đời của họ.
   

TS. Trương Tiến Tùng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội
 
Để bổ sung cho sứ mệnh quan trọng này, các chương trình giáo dục thường xuyên/học tập suốt đời của Bộ GD&ĐT cần cung cấp các chương trình tương đương để bắt kịp các cơ hội giáo dục bị bỏ lỡ và thực hiện các kỹ năng ưu tiên của chính phủ trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Các chương trình giáo dục thường xuyên/học tập suốt đời này đóng góp hiệu quả cho học tập suốt đời cấp quốc gia ở mức độ bao phủ và chất lượng của các chương trình, đáp ứng đầy đủ các mục tiêu và nhu cầu đã nêu. Các chương trình này rất quan trọng và hữu ích khi cho phép khám phá các con đường đổi mới để liên kết giáo dục phổ thông /chính quy với việc học liên quan đến việc làm thông qua các lộ trình và sự hợp tác linh hoạt.
   
PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam
  
Các chuyên gia đánh giá báo cáo “Học tập suốt đời” là một công trình nghiên cứu công phu, nhiều số liệu, giúp mọi người thấy được hình ảnh khá toàn diện về giáo dục Việt Nam. Điểm quan trọng cần cải thiện là gắn kết dạy nghề với giáo dục và cách thức gắn kết giáo dục suốt đời vào thực tiễn để giáo dục suốt đời được phát triển tốt hơn. Thêm vào đó, cần tạo ra một hệ sinh thái giáo dục để các nhà làm giáo dục có thể chia sẻ các nguồn tài liệu chất lượng cao hay nắm bắt nhu cầu của xã hội, và tạo điều kiện cho người học được lựa chọn người dạy, lựa chọn cái cần học, kết nối với nhà tuyển dụng.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam