Hội thảo định hướng “Giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông Việt Nam”
Sáng ngày 10/12/2024, tại Hội trường tầng 5, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tổ chức UNICEF và AFLATOUN tổ chức Hội thảo định hướng “Giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ GD&ĐT, có đại diện lãnh đạo và chuyên viên của các Cục, Vụ chức năng; về phía tổ chức UNICEF Việt Nam, có sự hiện diện của bà Lê Anh Lan - Chuyên gia giáo dục; về phía tổ chức AFLATOUN, có sự hiện diện của bà Ya-Ling Chao - Điều phối viên khu vực châu Á và bà Sreelakshmi PR - Chuyên gia giáo dục. Về phía Viện KHGDVN, có sự hiện của GS-Viện trưởng Lê Anh Vinh cùng đại diện lãnh đạo và chuyên viên bộ phận Hợp tác quốc tế. Đặc biệt, Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy và quan tâm đến vấn đề giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông. Một trong những đơn vị đang triển khai thí điểm chương trình này là Trung tâm Giáo dục và Phát triển.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN nhấn mạnh Giáo dục tài chính là nội dung quan trọng nhằm góp phần phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh, sinh viên. Đây là một kĩ năng cần trang bị trong môi trường học đường, ngay từ bậc phổ thông, bởi không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân học sinh mà rộng ra là ảnh hưởng đến gia đình, tác động lên nền kinh tế, tài chính của cả một quốc gia. Giáo dục tài chính cho học sinh không chỉ giúp các em biết sống trách nhiệm, trân quý giá trị lao động, biết chia sẻ với ông bà, cha mẹ mà còn là nền tảng quan trọng giúp các bạn trẻ biết lập kế hoạch ngân sách cho cuộc sống tự chủ ở hiện tại và tương lai.
PGS.TS. Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT phát biểu chào mừng Hội thảo. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông, chương trình giảng dạy và các bài học cần thiết thực, gần gũi với cuộc sống của học sinh và gia đình, từ đó, học sinh có kiến thức, sự tự tin để nhận biết các cơ hội và rủi ro trong tài chính.
Phát biểu chào mừng, bà Lê Anh Lan - Chuyên gia giáo dục, UNICEF Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Viện KHGDVN trong việc cập nhật và triển khai những dự án quốc tế để làm phong phú và hiệu quả hơn việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông. Bà cũng mong đợi thông qua hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận về việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, trang bị kiến thức tài chính cơ bản cho học sinh.
Tiếp theo chương trình, các chuyên gia giới thiệu “Bộ tài liệu giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông của tổ chức Aflatoun International”. Kiến thức tài chính là điều cần thiết. Đó là phương tiện để đạt được mục đích; một kĩ năng sống cốt lõi để tham gia vào xã hội hiện đại trong thế giới kĩ thuật số luôn thay đổi, nơi ngày càng đòi hỏi nhiều hơn ở giới trẻ của chúng ta. Bộ tài liệu dành cho các lứa tuổi khác nhau. Chương trình AFLATOT dành cho trẻ 3-6 tuổi; Chương trình AFLATOUN dành cho học sinh 6-14 tuổi; Chương trình AFLATEEN dành cho học sinh 14-18 tuổi; Chương trình AFLAYOUTH dành cho học sinh, sinh viên 15-24 tuổi.
TS. Nguyễn Thanh Tâm - Viện KHGDVN trình bày tham luận “Tích hợp giáo dục tài chính trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”. Diễn giả nhận định hàm lượng kiến thức tài chính có sự phát triển tăng tiến theo 3 cấp học; tuy nhiên, hàm lượng kiến thức còn khiêm tốn, đặc biệt là ở cấp Tiểu học và THCS, việc giảng dạy chưa đáp ứng hết nhu cầu của học sinh.
Báo cáo “Một số vấn đề về giáo dục tài chính cho học sinh Việt Nam thông qua tài liệu của Aflatoun” do bà Tô Kim Liên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển trình bày. Các hoạt động chính của Dự án gồm: Tập huấn giảng viên cốt cán; Điều chỉnh tài liệu phù hợp với bối cảnh/ nội dung tại Việt Nam; Thí điểm tại các trường học; Hỗ trợ triển khai; Giám sát và đánh giá. 05 yếu tố cốt lõi của chương trình: Hiểu biết và khám phá cá nhân, Quyền và trách nhiệm, Tiết kiệm và chi tiêu, Lập kế hoạch và ngân sách, Doanh nghiệp tài chính xã hội.
Đại biểu thảo luận tại hội trường
Trong phần trao đổi, thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao tính hữu ích của việc tăng cường giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông, quan trọng là tính thực tiễn, tính ứng dụng cao của các bài học vào đời sống hằng ngày.
Phát biểu bế mạc, GS-Viện trưởng Lê Anh Vinh bày tỏ hy vọng qua Hội thảo định hướng này, với việc chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học, từ tình hình thực tế của giáo dục Việt Nam, sẽ có những giải pháp tăng cường giáo dục tài chính trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được hiệu quả. Với sự đồng hành của UNICEF và AFLATOUN, Viện KHGDVN sẽ thực hiện hợp phần “Thích ứng bộ tài liệu giáo dục tài chính cho học sinh Việt Nam” đã được thiết kế nhằm phát triển và thích ứng chương trình giáo dục tài chính vào Việt Nam, và tập huấn cho một số tỉnh đại diện cho 06 vùng kinh tế - xã hội.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam
Tin bài liên quan đến Hội thảo: