Mục tiêu nghiên cứu: Xây dựng phương thức đánh giá chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT); Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá cho hai giai đoạn xây dựng chương trình và thực hiện chương trình phù hợp với phương thức đánh giá CT GDPT đã xác định
Kết quả nghiên cứu:
- Cơ sở lý luận và thực tiễn về chương trình và đánh giá chương trình:
+ Đưa ra quan niệm chương trình giáo dục là kế hoạch tổng thể, hệ thống về toàn bộ hoạt động giáo dục tại nhà trường. Phân tích rõ các thành tố CT, đặc biệt nhấn mạnh đặc trưng của CT theo năng lực;
+ Đưa ra quan niệm đánh giá CT là quá trình thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu nhằm xác định những giá trị (nội tại và hữu ích) của CT, để cung cấp thông tin cho việc ra quyết định về CT. Lý luận đánh giá CT được phân tích theo các khía cạnh: mô hình, nội dung, tiêu chuẩn, loại hình, phương pháp và quy trình đánh giá;
+ Từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc và Việt Nam để thấy xu thế: đánh giá CT được thực hiện từ ý tưởng thiết kế cho đến sản phẩm đầu ra và được tích hợp vào quá trình phát triển chương trình; chuyên nghiệp hóa hoạt động đánh giá CT thông qua việc ban hành cơ chế, quy trình và tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá CT.
- Về tính mới và sáng tạo:
+ Đề tài đã xây dựng mô hình đánh giá theo hướng tích hợp mô hình CIPP vào mô hình phát triển chương trình: giai đoạn xây dựng CT sẽ thực hiện đánh giá bối cảnh và đánh giá đầu vào; giai đoạn thực hiện chương trình sẽ thực hiện đánh giá tiến trình;
+ Xây dựng ba quy trình đánh giá CT: Các bước thực hiện một cuộc đánh giá chung, các bước thực hiện dựa theo mô hình đánh giá CIPP, và tích hợp đánh giá với ra quyết định về chương trình;
+ Xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá CT GDPT theo hướng: cấu trúc theo hai giai đoạn xây dựng chương trình và thực hiện chương trình, sắp xếp theo bốn hoạt động đánh giá của mô hình CIPP. Trong đó, nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số/minh chứng tập trung đánh giá các đặc điểm CT theo năng lực.
- Đề tài cũng đưa ra một vài khuyến nghị như:
+ Đề xuất điều chỉnh định hướng phát triển chương trình GDPT sau 2015 dựa trên: Bối cảnh chương trình; Việc xác định yêu cầu đầu vào như: khả năng học sinh, giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục, CSVC,..; Cách thức phát triển hệ thống giám sát thực hiện CT;…
+ Những đề xuất trong việc sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài: Tiếp tục chi tiết hóa bộ chuẩn đánh giá CT; Biên soạn tài liệu đánh giá CT GDPT sau 2015; Vận dụng kết quả nghiên cứu để xây dựng phương thức và tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá SGK GDPT;…