Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá và quy trình đánh giá thi đua khen thưởng các Sở Giáo dục và Đào tạo”
Ngày 9/7/2019, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá và quy trình đánh giá thi đua khen thưởng các Sở Giáo dục và Đào tạo”, Mã số: B2017-VKG-12, do PGS.TS. Chu Cẩm Thơ làm chủ nhiệm.
Mục tiêu nghiên cứu
- Làm rõ thực trạng đánh giá thi đua khen thưởng (TĐKT)S hiện nay tại các sở GD&ĐT. Phân tích các bất cập, hạn chế trong cách thức đánh giá TĐKT các sở GD&ĐT.
- Xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá TĐKT; quy trình đánh giá và giải pháp áp dụng quy trình đánh giá TĐKT các sở GD&ĐT.
Tính mới, tính sáng tạo:
- Đề tài đã phân tích, làm sáng tỏ cơ sở lí luận và pháp lý về đánh giá TĐKT các sở GD&ĐT theo tiêu chí, chỉ số, đồng thời đã đưa ra được thực trạng đánh giá TĐKT các sở GD&ĐT ở nước ta hiện nay với những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá, quy trình đánh giá thi đua và giải pháp áp dụng bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá TĐKT cho các sở GD&ĐT trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu
- Tổng quan được cơ sở lý thuyết về đánh giá TĐKT dựa trên mô hình quản lý mục tiêu (MBO) và chỉ số đánh giá việc thực hiện (KPIs).
- Khảo sát thực trạng tại các sở GD&ĐT cho thấy những thuận lợi, khó khăn của công tác TĐKT hiện nay. Từ đó chỉ ra những đòi hỏi cần được khắc phục để đáp ứng mục tiêu đổi mới của ngành GD&ĐT, trọng tâm là công tác thi đua dạy học sáng tạo, giảm nguy cơ “bệnh thành tích”, khả thi khi triển khai và đưa ra minh chứng.
- Nghiên cứu rà soát các văn bản pháp quy về công tác TĐKT.
- Đề tài đã đề xuất bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá thi đua đảm bảo 4 tiêu chí: (1) Giảm cơ hội xảy ra “bệnh thành tích”; (2) Tạo sự công bằng giữa các cụm thi đua (các vùng kinh tế khác nhau); (3) Lượng hóa, các sở dễ dàng cập nhật thông tin trên phần mềm của Bộ GD&ĐT; (4) Các chỉ số được cập nhật theo tiến độ thời gian của công việc, nhiệm vụ, tránh dồn đọng vào cuối năm.
Kiến nghị
Từ cơ sở khoa học và kết quả thử nghiệm cho thấy, để áp dụng bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá thi đua cho Sở GD&ĐT cần quan tâm đến các giải pháp sau:
1/ Thể chế hóa: Các nội dung, tiêu chí, chỉ số, cách thức đánh giá thi đua cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, phong trào trọng tâm và cần được ban hành bằng văn bản pháp luật. Hiện nay, các Sở GD&ĐT được đánh giá theo Ngành và theo địa phương. Vì thế, Bộ GD&ĐT cần tính đến (tham mưu cho Chính phủ) điều chỉnh thể chế để các nội dung thi đua theo ngành, theo địa phương không chồng chéo và có tính thực tiễn cao.
2/ Tổ chức thực hiện: Về công tác tổ chức thực hiện cũng là một khó khăn khi triển khai. Theo kết quả nghiên cứu ngoài tính chuyên môn thuộc Vụ TĐKT và các bộ phận chuyên trách cấp sở thì mỗi Cụm, mỗi Sở, mỗi cá nhân, đơn vị trực thuộc đều cần quán triệt nội dung thi đua, phương thức đánh giá. Hơn nữa, kết quả cần cập nhật thường xuyên, mang tính thời điểm, tránh dồn ứ và không trung thực. Kết quả cần mang tính định lượng và cả định tính, xét trên mặt tự tiến bộ và có tác động tích cực đến phát triển tổng thể của địa phương và từng cá nhân.
3/ Tăng cường các điều kiện đảm bảo: Một trong những nguyên nhân khiến cho những đề xuất đổi mới trong các tiêu chí chưa được đánh giá cao về tính khả thi đó là “nghi ngờ điều kiện đảm bảo”. Chẳng hạn, việc cập nhật dữ liệu sẽ gặp khó khăn nếu cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin không đảm bảo: tính liên thông giữa các đầu mối đơn vị (các mặt công tác); tính cụ thể, minh bạch. Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay đó là xây dựng nền tảng công nghệ thông tin để cập nhật dữ liệu. Việc báo cáo thông tin, minh chứng từ các Sở được chuyển thành “chiết xuất” việc lấy thông tin từ cơ sở dữ liệu (được các Sở cập nhật) của các Vụ/ Cục chức năng. Có như vậy, công tác TDKT mới đảm bảo được tính thời sự, minh bạch, không cồng kềnh.
4/ Tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến: Đây luôn là một trong những giải pháp quan trọng đảm bảo hiệu quả thi đua được đúc rút từ kinh nghiệm trong nước và cả quốc tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, căn bệnh thành tích đã làm hạn chế điểm mạnh của giải pháp này. Điều cần thiết là phải tập huấn cho cán bộ làm công tác TĐKT, thanh tra kết hợp tuyên truyền trên diện rộng, tuyên truyền bằng những tình huống cụ thể, gắn với địa phương để lan tỏa người thật, việc thật, kinh nghiệm thật, từ đó mới nhân rộng điển hình tiên tiến.
Phạm Tuyết Nhung
Trung tâm Thông tin và Dự báo