Nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Khảo sát mức độ tham gia của gia đình trong việc chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ em 5 tuổi vào học lớp Một ở Việt Nam”

15/12/2021 17:06 GMT+7
Ngày 15/12/2021, tại phòng họp A13, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức họp nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2021 với đề tài “Khảo sát mức độ tham gia của gia đình trong việc chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ 5 tuổi vào học lớp Một ở Việt Nam”, mã số V22021.12TX.


Hội đồng nghiệm thu nghiệm vụ thường xuyên theo chức năng
 
Tham dự buổi nghiệm thu có sự tham dự của Viện trưởng GS. TS. Lê Anh Vinh, các thành phần hội đồng theo quyết định và cùng đại diện các phòng chức năng.
  
Các thành viên đề tài cho rằng quá trình chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học là một trong những quá trình quan trọng mà trẻ em phải trải qua. Trong đó gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chuẩn bị tâm thế vững vàng, rèn luyện các kĩ năng xã hội, kĩ năng học tập và thói quen cần thiết cho trẻ trước khi vào lớp Một.
  
Hiện nay ở một số quốc gia trên thế giới, hoạt động chuyển tiếp cho trẻ từ Mầm non lên Tiểu học được Chính phủ và các bộ ngành đặc biệt quan tâm. Một số quốc gia đưa hoạt động phối hợp giữa gia đình-nhà trường-cộng đồng vào Chương trình GDMN nhằm hướng dẫn các bên liên quan tham gia vào quá trình chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp Một.
  
Tuy nhiên hiện nay công tác chuyển tiếp cho trẻ từ mầm non lên tiểu học còn một số hạn chế: Hơn 50% trẻ 5 tuổi ở Việt Nam chưa đạt điểm kì vọng về phát triển nhận thức và ngôn ngữ, chuẩn bị đọc viết, tính toán theo thang đo EAP-ECDS năm học 2019 – 2020; nhiều trẻ gặp khó khăn trong việc thích nghi với học tập và nền nếp ở trường Tiểu học; các gia đình chưa chú trọng đến phát triển các kĩ năng xã hội, giao tiếp và thẩm mỹ cho trẻ; sự phối hợp của các gia đình nghèo, dân tộc thiểu số, gia đình mất việc làm…trong bối cảnh dịch bệnh, trẻ không đến trường gặp rất nhiều rào cản, khó khăn.
  
Nguyên nhân của thực trạng là do tâm lý xã hội vẫn coi nhẹ việc học tập ở trẻ mầm non cũng như việc chuẩn bị sẵn sàng vào học lớp 1 của trẻ em 5 tuổi; một bộ phận gia đình chưa nhận thức đúng về sự tham gia của gia đình trong chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1; trường tiểu học và nhà quản lý địa phương và ngành giáo dục cũng chưa coi trọng giai đoạn chuyển tiếp này; chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi vào lớp 1 ở Tiểu học chưa thực sự đảm bảo liên thông tốt. Điều kiện gia đình nghèo, địa bàn xa trường, trình độ văn hoá thấp, thiếu phương tiện giao tiếp gián tiếp…
  
Từ những thực trạng thực tế, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị:
  
- Các cấp quản lý ngành tiếp tục có những giải pháp và hướng dẫn kịp thời tới các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong hoạt động chuyển tiếp từ mầm non lên Tiểu học; quan tâm nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo; tổ chức, triển khai các hoạt động truyền thông, các buổi hội thảo, chuyên đề…nhằm tuyên truyền và nâng cao kiến thức của cha mẹ trong việc chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp Một.
  
- Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đảm bảo công tác phối hợp giữa các nhà trường, phối hợp với phụ huynh, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hội thảo nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học cho trẻ.
  
- Cha mẹ/người chăm sóc trẻ cần nhận thức được vai trò của gia đình trong việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một; hỗ trợ, tạo điều kiện để trẻ có đầy đủ kiến thức, kĩ năng, tâm thế trước khi vào lớp Một; phối hợp với trường mầm non và trường tiểu học trong các hoạt động hỗ trợ trẻ sẵn sàng vào lớp Một.
  
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có sự nghiên cứu đồ sộ, công phu. Tính cấp thiết của đề tài phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay, trẻ phải ở nhà và phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên thành viên Hội đồng nghiệm thu đưa ra một vài góp ý nhỏ về cấu trúc của phiếu khảo sát, bảng kiểm, định hướng khảo sát cần tập trung bám sát vào đề tài của nhiệm vụ, một số nội dung cần làm rõ hơn…
  
Kết luận, GS. Lê Anh Vinh đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu chỉnh sửa đề tài cho hợp lý, hoàn thiện tóm tắt để báo cáo thường niên.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác