Nghiệm thu NVTX TCN “Nghiên cứu mô hình dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến (Blended) ở trường phổ thông góp phần thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”

16/12/2021 13:56 GMT+7
Sáng ngày 16/12/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng Nghiên cứu mô hình dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến (Blended) ở trường phổ thông góp phần thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Năm 2021 thực hiện ở cấp Tiểu học)”, mã số V2021.14TX, do TS. Nguyễn Thị Thanh Nga, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia làm chủ nhiệm.

  TS. Nguyễn Thị Thanh Nga (ngoài cùng bên trái) trình bày kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ
  
Hội đồng nghiệm thu do GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng làm chủ tịch và có sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT. Các thành viên của Hội đồng đánh giá cao tính cấp thiết của nhiệm vụ và góp ý nhiệm vụ cần đề xuất các giải pháp liên quan đến xây dựng hành lang pháp lý và tăng cường năng lực công nghệ thông tin để có thể triển khai mô hình dạy học kết hợp. Nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá xếp loại Xuất sắc.
 
Thông tin nhiệm vụ
  
Mục đích nghiên cứu
  
Nghiên cứu về mô hình dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến (Blended learning) dành cho cấp tiểu học nhằm cải thiện hiệu quả học tập, đáp ứng bối cảnh và hỗ trợ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
  
Nội dung nghiên cứu
  
- Nghiên cứu cơ sở khoa học về mô hình dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
- Thực trạng triển khai mô hình dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến ở Việt Nam
- Nghiên cứu đề xuất mô hình dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến (Blended) ở trường Tiểu học góp phần thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
  
Kết quả nghiên cứu 
  
Từ việc phân tích đặc điểm và lí giải về phương thức hoạt động của các mô hình DHKH cho thấy mỗi mô hình đều có những ưu thế riêng và cần đáp ứng những điều kiện đảm bảo tối thiểu để các mô hình có thể “vận hành” được trong thực tiễn. Căn cứ vào điều kiện và tiềm năng của giáo dục Tiểu học ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi đề xuất vận dụng hai mô hình sau:
  
Mô hình trực tiếp chủ đạo (The Face-To-Face Driver Model)
  
Đây là mô hình dạy học phù hợp với phần lớn trường Tiểu học Việt Nam hiện nay khi các điều kiện chưa đáp ứng các mô hình dạy học kết hợp với tỉ lệ trực tuyến cao hơn. Tuy nhiên, cần phân biệt mô hình này với việc “cộng thêm” các công cụ trực tuyến vào lớp học. Để mô hình được triển khai hiệu quả cũng cần có nền tảng công nghệ giúp quản lí lớp học tốt hơn. Giáo viên có thể sử dụng các nền tảng đơn giản và miễn phí như Google classromm, Edmodo, Microsoft Teams giúp cho việc quản lí lớp học trực tuyến được dễ dàng và đồng bộ, tránh trường hợp sử dụng các công cụ trực tuyến đơn lẻ, làm rối cả giáo viên và học sinh trong các hoạt động học trực tuyến.
  
Với mô hình dạy học này, các nhà trường cũng cần được trang bị điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu với máy tính, kết nối mạng internet và đội ngũ giáo viên có khả năng sử dụng Công nghệ thông tin. Trong trường hợp có những học sinh không thể tiếp cận được với nội dung giáo dục trực tuyến, giáo viên cần có phương án hỗ trợ phù hợp và kịp thời như cung cấp các nguồn tài liệu học ngoại tuyến, in các bài tập, tài liệu để gửi tới học sinh và hướng dẫn học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập,... Nên xây dựng chương trình học trực tuyến ngay từ đầu năm học với từng môn cụ thể và số giờ học trực tuyến trong mỗi tuần, hoặc một học kì,... để tạo sự chủ động và đồng bộ trong tổ chức và quản lí.
  
Mô hình Luân chuyển (Rotation model)
  
Khi vận dụng Mô hình luân chuyển vào thực tế dạy học tại trường Tiểu học ở Việt Nam, chúng ta có thể vận dụng một cách linh hoạt tùy vào điều kiện thực tế. Cụ thể như sau:
  
Luân chuyển Trạm (Station Rotation): Học sinh được luân chuyển trong khoảng 10 phút một lần giữa các trạm học trực tuyến. Ở các trạm, học sinh được hình thành kiến thức mới, Luyện tập, Vận dụng các kiến thức kĩ năng đã học. Ngoài ra, giáo viên hướng dẫn học theo nhóm nhỏ, giáo viên hướng dẫn cá nhân từng học sinh với những vấn đề học sinh còn vướng mắc.
  
Luân chuyển phòng thực hành (Lab Rotation): Sau khi học sinh học lí thuyết tại các lớp học trực tiếp sẽ đến các phòng thực hành (được trang bị hệ thống máy tính kết nối mạng) để rèn luyện các kĩ năng cơ bản của môn học thông qua những chương trình giáo dục trực tuyến khác nhau. Những học sinh gặp khó khăn trong học tập có thể được giáo viên tiếp tục kèm cặp, hướng dẫn trong nhóm nhỏ của phòng học thực hành. 
  
Lớp học đảo ngược (Flipped Classroom): Học sinh được xem video bài giảng trực tuyến và hoàn thành một bài kiểm tra ngắn ở nhà, khi đến trường giáo viên và học sinh trao đổi, thảo luận giúp học sinh khắc sâu kiến thức mới, thực hành, luyện tập và áp dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề liên quan dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên. Mô hình này có thể áp dụng được với hầu hết các môn học.
  
Luân chuyển Cá nhân (Individual Rotation): Học sinh luân chuyển theo một lịch trình cá nhân kết hợp giữa học trực tuyến và học trực tiếp với giáo viên để giáo viên có thể hướng dẫn cho từng học sinh nhằm cá nhân hóa việc dạy học. Mô hình này cho phép giáo viên điều chỉnh lộ trình học tập cho học sinh theo từng tuần để giúp những học sinh đang bị tụt hậu có thể bắt kịp với nhịp độ của các bạn khác và ngược lại, những học sinh học tốt sẽ thực hiện những yêu cầu cao hơn để có thể tiến xa hơn.
  
Mô hình luân chuyển phù hợp hơn với khu vực thuận lợi, nhất là ở thành phố nơi các trường có điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực về giáo viên, đội ngũ hỗ trợ đáp ứng được các yêu cầu cho dạy học kết hợp. Đặc biệt là các trường tư thục có điều kiện đảm bảo đủ tốt để thực hiện với sĩ số lớp học không quá đông, giáo viên am hiểu về Công nghệ thông tin và cơ sở vật chất tốt. Việc áp dụng mô hình Luân chuyển một mặt giúp cá nhân hóa việc học, mặt khác thúc đẩy giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và góp phần nâng cao chất lượng học tập.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác