Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 93

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 93, Tháng 06/2013

NGHIÊN CỨU

1. Nguyễn Đức Chính. Vài suy nghĩ về “Chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015”
     Theo tác giả, để giáo dục những học sinh  thế kỉ 21 trở thành những công dân toàn cầu, nhà trường phổ thông không chỉ cần cung cấp cho các em những kiến thức phổ thông mà còn rèn luyện họ trở thành những người có tầm nhìn rộng, có bản lĩnh và hoài bão vươn lên trong sự nghiệp và cuộc sống. Đó là ba năng lực gốc của người học sinh thế kỉ 21, từ đó tác giả kiến nghị xây khung chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 bao gồm 4 định hướng là dạy học hướng vào năng lực, dạy học tích hợp, mở cửa trường phổ thông và đánh giá liên tục trong quá trình học. Bốn định hướng này giúp hình thành 2 nhóm năng lực cần có là nhóm năng lực xuyên suốt chương trình giáo dục và nhóm năng lực nhận thức liên quan đến các môn học.

2. Phạm Đức Quang và nhóm nghiên  cứu. Một số bình diện tiếp cận lĩnh vực học tập/môn học
     Lĩnh vực học tập/môn học có vai trò quyết định đối với hệ thống giáo dục quốc dân. Chúng thường được lựa chọn theo mục tiêu giáo dục và xác định theo khoa học bộ môn. Do đó, để đạt được trình độ học vấn cần có thời gian học cần thiết, đủ cho học sinh lĩnh hội nội dung dạy học. Theo tác giả, để xác định lĩnh vực môn học cần đưa ra được những nguyên tắc làm căn cứ khoa học cho việc xác định chúng. Trong bài, tác giả cho rằng cần tiếp cận lĩnh vực môn học trên 3 bình diện: nội dung trí lực, chương trình giáo dục phổ thông và lí luận dạy học. Ở mỗi bình diện nói trên, tác giả trình bày các nguyên tắc xác định lĩnh vực học tập/môn học cụ thể.

3. Nguyễn Mạnh Hùng. Một số vấn đề về MOOC và mô hình ứng dụng COOC tại Việt Nam
     Mô hình học tập dựa trên các khóa học trực tuyến mở đại chúng MOOC (Massive Open Online Courses) đang phát triển rất nhanh trên thế giới và sẽ là nền tảng chính cho xã hội học tập trong tương lai gần. Bài viết này giới thiệu một số vấn đề về MOOC và mô hình ứng dụng COOC (Connective Open Online Course) tại Việt Nam. Tác giả trình bày khái niệm và các dạng của MOOC, sau đó, tập trung vào làm rõ hơn về cMOOC, so sánh giữa cMOOC và xMOOC và phân tích  khái niệm OER (Open Educational Resources). Từ đó, tác giả đề xuất một mô hình ứng dụng thực tế cho dạy học đại học tại Việt Nam: mô hình khóa học trực tuyến mở kết nối COOC dựa trên hệ sinh thái học tập cMOOC và tài nguyên giáo dục mở OER.

4. Nguyễn Thị Hoàng Yến, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Thị Thu Mai. Đo lường sự hài lòng của người dân về dịch vụ giáo dục công: Cơ sở lí luận và kinh nghiệm thực tiễn
     Dịch vụ giáo dục công có thể được hiểu là những hoạt động phục vụ các nhu cầu giáo dục ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo của người dân vì lợi ích chung của xã hội, do nhà nước chịu trách nhiệm trước xã hội. Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công là một hoạt động rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay nhằm đánh giá khách quan chất lượng dịch vụ giáo dục của các cơ quan, tổ chức giáo dục nhà nước, qua đó nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của người dân để có những biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ. Bài viết đề cập đến một số vấn đề lí luận, các mô hình lí thuyết, nội dung đo lường và một số kinh nghiệm thực tế từ việc đánh giá dịch vụ công nói chung, dịch vụ giáo dục công nói riêng của một số nước trên thế giới, từ đó khuyến nghị cho công tác triển khai vào thực tiễn nước ta hiện nay.

5. Hoàng Gia Trang.
Định hướng tương lai của học sinh trung học phổ thông
     Qua việc nghiên cứu khảo sát tiến hành trên 345 HS từ các trường THPT ở Hà Nội về các mặt: Tự đánh giá về thành tích học tập; Định hướng nghề nghiệp tương lai của HS; Tác động của gia đình đến dự định nghề nghiệp của HS, tác giả khẳng định rằng: Có sự khác biệt nhất định trong việc tự đánh giá việc học tập và định hướng nghề nghiệp tương lai của HS phổ thông hiện nay. HS nữ thường hướng đến những ngành nghề nhẹ nhàng và có mối quan hệ tiếp xúc với người khác trong công việc. Đối với HS nam, các em hướng đến những ngành mang tính kĩ thuật nhiều hơn. Điều này phần nào có liên quan đến vai trò giới mà các em sẽ đảm nhiệm trong gia đình và ngoài xã hội trong tương lai.

6. Nguyễn Xuân Thanh. Đổi mới hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo định hướng giáo dục kĩ năng sống cho học sinh
     Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo định hướng giáo dục kĩ năng sống (KNS) là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục HS. Với yêu cầu của sự phát triển xã hội như hiện nay, việc giáo dục KNS giúp cho HS có thái độ và hành vi tích cực đối với các vấn đề của cuốc sống. Giáo dục KNS là trang bị cho người học một chiếc cầu nối giữa hiện tại với tương lai, giúp họ thích ứng với cuộc sống hiện đại không ngừng biến đổi. Bài viết trình bày: 1/ Vai  trò của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và những KNS cần giáo dục cho HS; 2/ Một số biện pháp đổi mới hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp  theo định hướng giáo dục KNS cho HS.

7. Mai Văn Trinh, Lương Viết Mạnh. Dạy học vật lí theo hướng tổ chức tự học cho học sinh ở trường dự bị đại học dân tộc
     Theo tác giả bài viết, việc tổ chức hoạt động học tập theo nhóm trong giảng dạy Vật lí là một cách thức để tiến hành phương pháp dạy học tích cực nhằm mục đích rèn luyện cho học sinh (HS) kĩ năng, phương pháp, thói quen tự học, biết linh hoạt ứng dụng những điều đã học vào tình huống mới, biết tự lực phát hiện và giải quyết vấn đề đặt ra, tạo cho các em lòng ham học, khơi dậy tiềm năng vốn có ở mỗi HS.
Học tập thông qua hoạt động nhóm là hình thức kết hợp thông minh và linh hoạt bởi nó phát huy được năng lực cá nhân trong tập thể. Bài viết trình bày một số mô hình tổ chức hoạt động nhóm và việc tổ chức hoạt động học tập theo nhóm trong dạy học vật lí cho HS ở Trường Dự bị Đại học Dân tộc. 

8. Nguyễn Văn Đệ. Liên kết đội ngũ giảng viên các trường đại học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long
     Xây dựng mạng liên kết trong hoạt động đào tạo ở các trường đại học (ĐH) là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn giáo dục và đào tạo. Tác giả bài viết đề cập đến mục tiêu, ý nghĩa và những kết quả bước đầu áp dụng hoạt động liên kết đội ngũ giảng viên các trường ĐH ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đó là:Liên kết trao đổi giảng viên trong hoạt động giảng dạy; Liên kết trong hoạt động đào tạo sau ĐH;Liên kết thực hiện các đề tài nghiên cứu  khoa học và tạo môi trường tương tác với sinh viên;Liên kết chia sẻ thế mạnh nguồn lực thiết bị dạy học của mỗi trường.

9. Nguyễn Phan Hưng. Một số giải pháp đổi mới quan hệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp
     Ngày nay, người ta cho rằng chỉ có nguồn lực con người mới thực sự tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, những nguồn lực khác muốn phát huy tác dụng và hiệu quả phải thông qua nguồn lực con người. Nguồn nhân lực được đào tạo tốt làm tăng khả năng khai thác có hiệu quả các nguồn lực tự nhiên. Do đó, để nhân lực sau đào tạo có thể đủ khả năng bổ sung ngay vào đội ngũ nhân lực lao động xã hội, việc nguồn nhân lực càng sớm được tiếp cận với doanh nghiệp, với công nghệ và phương pháp quản lí thực tiễn sẽ có hiệu quả tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội càng cao. Bài viết đề cập đến một số giải pháp nhằm đổi mới quan hệ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

10. Trần Thị Phương Nam. Quy trình và các phương pháp dự báo nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng, đại học
     Trong bài viết này, tác giả đã khái quát quy trình dự báo bao gồm 5 bước: 1/ Lựa chọn đối tượng của dự báo và khoảng dự báo; 2/ Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng, đại học, lựa chọn các biến đưa vào mô hình dự báo; 3/ Thu thập các số liệu cần thiết phục vụ cho dự báo; 4/ Các dự báo liên quan; 5/ Lựa chọn các biến và phương trình dự báo, kiểm nghiệm tính đúng đắn của dự báo. Đồng thời, tác giả cũng đi vào trình bày và phân tích các phương pháp dự báo thường được sử dụng bao gồm: 1/ Dự báo bằng phương pháp chuyên gia; 2/ Dự báo bằng phương pháp ngoại suy; 3/ Dự báo bằng các phương pháp mô hình hóa...

11. Đỗ Thanh Vân. Một số phương pháp thu thập, phân tích và xử lí minh chứng trong quá trình tự kiểm định chất lượng của các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề
     Tự kiểm định chất lượng đối với các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề là một trong những công tác quan trọng của các cơ sở đào tạo nghề, nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy nghề; trình độ chuyên môn cho người giáo viên cũng như năng lực quản lí cho cán bộ chủ chốt các phòng khoa, v.v… Tuy nhiên, trong thực tế, công tác này vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một trong số các nguyên nhân của những tồn tại là do các cán bộ làm công tác tự kiểm định chưa biết cách thu thập, phân tích và xử lminh chứng. Vì vậy, bài viết này đã đi vào trình bày một số phương pháp thu thập, phân tích và xử lí minh chứng trong quá trình tự kiểm định chất lượng tại các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề.

12. Phạm Văn Nam. Phương pháp phân tích, đánh giá nhu cầu đào tạo tại nơi làm việc của người sử dụng lao động
     Đào tạo trong công việc được coi là một yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng các mục tiêu chiến lược của các tổ chức, là hình thức đào tạo phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam hiện nay, việc đào tạo và nâng cao trình độ lành nghề cho người lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vì thế, bài viết này đã đề cập đến phương pháp phân tích, đánh giá nhu cầu đào tạo trong công việc của người sử dụng lao động, bao gồm ba bước phân tích: phân tích tổ chức, phân tích công việc, phân tích cá nhân. Phương pháp phân tích này sẽ giúp cho các tổ chức, có thể xác định nhu cầu và xây dựng mục tiêu, nội dung đào tạo phù hợp, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc của người lao động.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
13. Trịnh Huề. Một số biện pháp quản lí dạy học công nghệ thông tin tại Trường Đại học Tây Đô theo hướng đảm bảo chất lượng
     Tác giả trình bày một số quan niệm về chất lượng, quản lí chất lượng dạy học, nội dung công tác quản lí chất lượng dạy học, các bước cần thực hiện để xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng dạy học công nghệ thông tin ở Trường Đại học Tây Đô, Cần Thơ; đồng thời đề xuất một số biện pháp quản lí dạy học công nghệ thông tin tại Trường Đại học Tây Đô, Cần thơ, gồm: Quản lí đổi mới mục tiêu, chương trình dạy học; quản lí công tác giảng dạy, nâng cao trình độ của giảng viên (GV); quản lí công tác nghiên cứu khoa học - tự học tập nâng cao trình độ của GV; quản lí chất lượng học tập của SV; quản công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên; quản lí cơ sở vật chất phục vụ dạy học; quản lí công tác nâng cao trình độ cán bộ quản lí giáo dục.

14. Nguyễn Khắc Bình.
Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản về giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay và định hướng phát triển
     Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành Giáo dục Việt Nam, trong đó có giáo dục đại học. Chúng ta không chỉ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo mà cả trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường đại học của Nhật Bản. Hoạt động hợp tác song phương giữa các trường cũng hết sức đa dạng và phong phú. Tác giả đề cập đến tình hình hợp tác song phương giữa các trường đại học Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua; đồng thời, đánh giá tình hình nêu trên thông qua những thành tựu và bài học kinh nghiệm được rút ra. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra định hướng phát triển hợp tác với Nhật về giáo dục đại học trong tương lai.

15. Lương Trọng Thành. Phẩm chất và năng lực ngưới cán bộ lãnh đạo, quản lí trường chính trị trong giai đoạn hiện nay
     Tác giả đưa ra yêu cầu về phẩm chất và năng lực đối với cán bộ LĐ-QL Trường Chính trị phải có đó là: Bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lí tưởng cách mạng của Đảng; Thái độ và hành vi ứng xử chuẩn mực; Năng lực cảm giác, năng lực tư duy, năng lực tổ chức và năng lực sư phạm; Năng lực chuyên môn. Đồng thời, tác giả cũng đề xuất bốn biện pháp nhằm bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho đội ngũ cán bộ LĐ-QL Trường Chính trị trong giai đoạn hiện nay: Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; Tăng cường hoạt động thực tiễn; Người cán bộ LĐ-QL phải biết mở rộng quan hệ giao lưu, giao tiếp; Bản thân người cán bộ LĐ-QL phải có sự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu.

16. Vũ Thị Hồng Thái. Một số giải pháp quản lí phát triển đội ngũ giáo viên Trường phổ thông cơ sở thực nghiệm – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     Trường PTCS Thực Nghiệm trực thuộc Viện KHGD Việt Nam, trường giữ vai trò quan trọng trong việc triển khai nghiên cứu  KHGD và thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông của Viện KHGD Việt Nam nói riêng, của ngành Giáo dục& Đào tạo nói chung. Trong đó, đội ngũ giáo viên (ĐNGV) nhà trường giữ vai trò quyết định đến chất lượng giảng dạy và kết quả Thực Nghiệm. Bài viết trình bày thực trạng quản lí ĐNGV trường PTCS Thực Nghiệm và đưa ra một số giải pháp quản lí phát triển ĐNGV trường PTCS Thực Nghiệm.

GIÁO DỤC DÂN TỘC
17. Kiều Thị Bích Thủy. Một số nghiên cứu về môi trường làm việc của giáo viên trên thế giới
     Đội ngũ giáo viên (GV) là nòng cốt của sự nghiệp giáo dục, chất lượng của đội ngũ này quyết định chất lượng giáo dục của các nhà trường. Để có được đội ngũ GV đảm bảo chất lượng thì việc phát triển một môi trường làm việc tạo động lực cho họ là việc làm cần thiết. Bài viết trình bày tóm lược một số nghiên cứu về môi trường làm việc của GV mà thế giới đã thực hiện bởi các tổ chức: Trung tâm Quốc gia cho đổi mới và nghiên cứu giáo dục; Hội đồng giáo dục và Ủy ban chuẩn nghề nghiệp giáo viên Bắc Califonia; Hội đồng Khoa học Quốc gia; Ngân hàng Thế giới; Tạp chí Tối ưu hóa cuộc sống – Hiệu quả và phát triển cá nhân; Trung tâm giáo viên mới.


GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
18. Lê Văn Hồng. Khung trình độ quốc gia Úc
     Khung trình độ quốc gia Úc lần đầu tiên được giới thiệu vào ngày 01 tháng 01 năm 1995 để củng cố hệ thống văn bằng quốc gia bao gồm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Khung trình độ quốc gia Úc là một cấu trúc phân loại các bậc đào tạo và tương ứng với các loại văn bằng, chứng chỉ kèm theo được xác định bởi kết quả học tập.  Các cấp trình độ được xác định theo các tiêu chí được thể hiện như là kết quả học tập. Trong bài, tác giả đưa ra các sơ đồ, bảng biểu liên quan đến mô hình khung trình độ, các cấp trình độ trong khung đó. Đồng thời, tác giả giới thiệu chi tiết về cấu trúc Khung trình độ quốc gia Úc. Cuối cùng, bài viết nhấn mạnh những lợi ích đem lại từ khung trình độ này.