Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 95

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 95, Tháng 08/2013

NGHIÊN CỨU
1. Nguyễn Công Khanh.  Xây dựng khung năng lực trong chương trình giáo dục phổ thông sau 2015
      Đề cập đến việc xây dựng khung năng lực trong  chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015, tác giả trình bày: 1/ Một số quan niệm về năng lực và năng lực của học sinh phổ thông; 2/ Đề xuất khung năng lực chung cốt lõi ở lứa tuổi học sinh phổ thông. Theo tác giả bài viết, khung năng lực này gồm hai nhóm năng lực chung cốt lõi, đó là: Nhóm năng lực nhận thức, gồm các năng lực thuần tâm thần cốt lõi gắn liền với các quá trình tư duy; Nhóm năng lực phi nhận thức, gồm các năng lực không thuần tâm thần, có sự pha trộn các nét phẩm chất nhân cách cần thiết cho sự thành công học đường, thành công trong cuộc sống.  

2. Nguyễn Thanh Bình. Tiếp cận giáo dục giá trị và kĩ năng sống đối với quá trình giáo dục toàn diện
      Bài viết đề cập đến vấn đề  giáo dục (GD) kĩ năng sống, tiếp cận GD giá trị và kĩ năng sống đối với quá trình giáo dục toàn diện. Theo tác giả bài viết, những năm gần đây, thực tiễn GD ở nước ta đã triển khai GD giá trị sống và kĩ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, giữa nội dung GD giá trị sống và GD kĩ năng sống với GD toàn diện vẫn được nhận thức và triển khai như những nội dung độc lập, thiếu sự thống nhất trong một chỉnh thể. Điều đó không đảm bảo hiệu quả GD mà còn làm cho nội dung GD và quá trình GD bị chia cắt không phù hợp với bản chất của nó. Hơn nữa, trước yêu cầu đổi mới GD ở nước ta, cần phải có cái nhìn tổng thể và tổ chức quá trình GD toàn diện trên cơ sở tiếp cận GD giá trị và kĩ năng sống để phát triển nhân cách công dân trong xã hội hiện đại. Nếu đổi mới GD lựa chọn cách tiếp cận giá trị và kĩ năng sống trong xây dựng chương trình và tổ chức GD toàn diện thì hiệu quả GD sẽ được nâng cao.

3. Đặng Hoàng Minh.  Từ tâm lí học lâm sàng đến tư vấn tâm lí trường học: Hiện trạng và con đường phát triển
      Tâm lí học lâm sàng là chuyên ngành của tâm lí học, quan tâm đến việc phát triển và ứng dụng các kiến thức của khoa học tâm lí vào việc hiểu biết và cải thiện sức khỏe tâm thần (SKTT) của một cá nhân hoặc nhóm người. Người có chuyên môn tâm lí lâm sàng có thể làm việc tại nhiều cơ sở, trong đó có trường học. Hiện nay ở nước ta, tỉ lệ HS có các khó khăn về tâm lí, về các vấn đề về SKTT tương đối cao, số HS có nhu cầu được hỗ trợ/tư vấn tâm lí tương đối lớn. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu này còn hạn chế do đào tạo nhân lực cũng như cơ sở hạ tầng nghiên cứu và dịch vụ còn nhiều bất cập. Ứng dụng tâm lí học lâm sàng trong dịch vụ tư vấn tâm lí trường học là một xu hướng mới trên thế giới và cũng rất cần phát triển ở Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã có chương trình đào tạo bậc thạc sĩ về tâm lí học lâm sàng trẻ em và vị thành niên.

4. Vũ Lan Hương.  Đào tạo theo tiếp cận năng lực trong xu thế phát triển
      Tác giả bài viết trình bày một số vấn đề về đào tạo theo tiếp cận năng lực; đó là đào tạo theo năng lực là hệ thống năng lực thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong thực tế. Địa điểm đào tạo theo năng lực thực hiện có thể là trong nhà trường hay tại nơi làm việc. Tiêu chuẩn đánh giá đào tạo theo năng lực thực hiện được xác định từ năng lực của người thực thi công việc lành nghề trong tổ chức, nên sau khi kết thúc đào tạo người học có thể đảm đương luôn vị trí công việc tương ứng. Đồng thời, tác giả giới thiệu quá trình thiết kế đào tạo theo năng lực tại Trường Cán bộ Quản lí giáo dục TP. Hồ Chí Minh: Kinh nghiệm thiết kế chương trình “Nâng cao năng lực lập kế hoạch chiến lược trong trường phổ thông.

5. Cao Thị Thặng, Phạm Thị Kim Ngân. Một số vấn đề phân hóa và tích hợp trong môn Hóa học ở trường phổ thông
     Phân hóa và tích hợp là một trong những định hướng quan trọng để phát triển chương trình giáo dục phổ thông nói chung và chương trình môn học, trong đó có Hóa học nói riêng. Trong chương trình Hóa học Trung học phổ thông hiện hành được ban hành năm 2006 và những năm tiếp theo đã thể hiện rõ định hướng phân hóa và tích hợp. Bài viết trình bày: Nội dung Hóa học và vấn đề phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông ở nước ngoài; Nội dung Hóa học và định hướng tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông một số nước; Mối liên hệ giữa tích hợp và phân hóa; Nghiên cứu thực hiện định hướng tích hợp và phân hóa trong môn Hóa học Việt Nam.

6. Lê Thị Phượng.  Dạy học văn ở nhà trường phổ thông dưới tác động của một số khuynh hướng lí luận hiện đại
      Tác giả trình bày những ưu điểm, hạn chế của việc dạy học văn ở nhà trường phổ thông nước ta dưới tác động của một số khuynh hướng lí luận phê bình văn học phương Tây hiện đại. Đồng thời đưa ra một số đề xuất đổi mới dạy học văn ở nhà trường phổ thông sau năm 2015 như: Chương trình mới cần tiếp tục giảng dạy nhiều thể loại văn bản, dành nhiều thời gian cho học sinh đọc, tìm hiểu, giải mã và kiến tạo nghĩa cho văn bản; Sách giáo khoa phần văn cần bổ sung những câu hỏi khơi gợi kiến thức nền của học sinh; tư tưởng dạy học phát huy tính tích cực, sáng tạo cần được Chuẩn chương trình, sách giáo khoa tạo điều kiện để đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá một cách đồng bộ và hiệu quả.

7. Chử Xuân Dũng. Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông công lập ở Hà Nội với công tác xây dựng văn hóa nhà trường
      Xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo và quản lí nhà trường phổ thông của người hiệu trưởng. Để xây dựng được một văn hóa nhà trường lành mạnh cần có những bước đi rõ ràng và những biện pháp cụ thể. Bài viết tiếp cận vấn đề xây dựng văn hóa nhà trường phổ thông của người hiệu trưởng theo các giai đoạn hình thành của tổ chức, trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các biện pháp cụ thể để người hiệu trưởng thay đổi văn hóa nhà trường phổ thông theo hướng tích cực, có minh họa kết quả điều tra ý kiến đánh giá mức độ khả thi của các biện pháp của 79 hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông công lập thành phố Hà Nội.

8. Đặng Thị  Minh Hiền.  Kinh tế học giáo dục trong nền kinh tế thị trường
      Ở Việt Nam và một số quốc gia khác, các nghiên cứu về kinh tế học giáo dục và ứng dụng trong quản lí đã bắt đầu được quan tâm, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Trong đó, một số nghiên cứu gần đây đã vận dụng những quy luật, những lí thuyết kinh tế để làm cơ sở luận giải và/hoặc đề xuất giải pháp cho những vấn đề thực tiễn kinh tế giáo dục. Bài viết tập trung nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến kinh tế học giáo dục như: Khái niệm và những đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Khái niệm và nội dung nghiên cứu của kinh tế học giáo dục; Những đặc điểm nổi bật của kinh tế học giáo dục trong nền kinh tế thị trường.

9. Đỗ Thế Hưng, Nguyễn Văn Hạnh.  Học tập trải nghiệm trong đào tạo giáo viên kĩ thuật đáp ứng chuẩn nghề nghiệp
      Bài viết đề cập đến hướng tiếp cận “Học tập trải nghiệm” – là phương pháp giúp đạt Chuẩn đầu ra theo CDIO về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên, có thể vận dụng hiệu quả trong đào tạo giáo viên kĩ thuật. Tác giả đưa ra mô hình học tập trải nghiệm dưới cách nhìn nhận và đánh giá của các nhà nghiên cứu giáo dục trong nước và trên thế giới. Trong đó, các nhà nghiên cứu đều nhận định đào tạo giáo viên kĩ thuật thông qua các thiết kế trải nghiệm học tập của người học về hệ thống kĩ năng phù hợp với Chuẩn nghiệp vụ sư phạm của giáo viên. Cuối cùng, bài viết trình bày định hướng một số phương pháp, kĩ thuật dạy học dựa vào mô hình học tập trải nghiệm đó là: Nghiên cứu trường hợp; Dạy học theo dự án; Các phương pháp thảo luận.

10. Lê Văn Hồng.  Phát triển chương trình đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học đáp ứng nhu cầu thị trường lao động
      Đào tạo liên thông nói chung và liên thông giữa cao đẳng và đại học nói riêng đã và đang từng bước khẳng định được vai trò của mình, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cũng như tiến tới xây dựng xã hội học tập. Song đào tạo liên thông cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là chương trình đào tạo (CTĐT). Có thể nói CTĐT liên thông là cơ sở, là điểm tựa quan trọng nhất để đào tạo liên thông đáp ứng thị trường lao động. Nhưng thực tế CTĐT liên thông những năm qua thiếu sự thống nhất phần nào còn “chắp vá” giữa CTĐT cao đẳng và đại học. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển CTĐT liên thông theo định hướng đáp ứng thị trường lao động và học tập suốt đời là cấp thiết và có tính thời sự.

11. Đinh Hữu Sỹ.  Dạy học các mô-đun nghề công nghệ ô tô theo dự án học tập
      Dạy học theo dự án là phương pháp dạy học đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới. Tác giả bài viết này đã thử nghiệm vận dụng phương pháp dạy học theo dự án vào dạy học một số mô-đun nghề Công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề số 8, Bộ Quốc Phòng. Nội dung bài viết trình bày một số kết quả bước đầu của việc thử nghiệm này. Bài viết đã phân tích về quy trình dạy theo dự án các mô-đun dạy nghề Công nghệ ô tô cũng như việc tổ chức thực nghiệm dạy học các mô-đun nghề Công nghệ ô tô theo dự án tại Trường Cao đẳng nghề số 8, Bộ Quốc Phòng. Từ đó, đưa ra đánh giá về ưu điểm, hạn chế của phương pháp dạy học này và một số kiến nghị với các trường dạy nghề.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
12. Trần Thị Quỳnh Loan.  Biện pháp tăng cường quản lí hoạt động dạy học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
      Bài viết đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng quản lí hoạt động dạy học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đó là: 1/ Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên (GV) về vai trò của quản lí dạy học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng một xã hội học tập; 2/ Phát triển đội ngũ GV của trung tâm mạnh về chất lượng; 3/ Thực hiện nghiêm túc việc chỉ đạo tuân thủ lịch trình lên lớp và lập kế hoạch dạy học của cá nhân; 4/ Bảo đảm chất lượng sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn và bồi dưỡng năng lực quản lí của tổ trưởng chuyên môn; 5/ Tăng cường cải tiến và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học viên; 6/ Đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, xếp loại chuyên môn của GV; 7/ Quản lí chặt chẽ, thường xuyên, nền nếp học tập, rèn luyện năng lực tự học, kĩ năng thực hành cho học viên.

13. Ninh Văn Bình.  Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh 
      Bài viết trình bày thực trạng đội ngũ giáo viên cán bộ quản lí và đề xuất các biện pháp xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viêncán bộ quản lí tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.. Từ việc khảo sát thực trạng thực trạng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau: Cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể rạch ròi về chế độ lương và kinh phí cho cán bộ, giáo viên; cần có văn bản quy định cụ thể trình độ chuyên môn cho từng ngành học; với một số môn không thể tiến hành chuẩn hóa thì nên tiếp tục mở hay có chế độ liên thông để tránh thiệt thòi cho giáo viên và cũng để tạo điều kiện chuẩn hóa tốt hơn, v.v...

14. Đoàn Như Hùng.  Mô hình liên kết: Doanh nghiệp – trường dạy nghề - trường đại học nhằm đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai
      Đào tạo đại học ở nước ta hiện nay chưa bám sát nhu cầu xã hội, chưa gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Nguyên nhân là, chưa có hình thức liên kết giữa hoạt động đào tạo với sử dụng một cách hợp lí. Bài viết đã làm rõ nội dung mô hình liên kết, cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp - trường dạy nghề - trường đại học và điều kiện thành công. Lợi ích thực hiện mô hình này đem đến cho cả ba phía, một mặt tiết kiệm chi phí nhờ tiếp cận nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp, mặt khác đặt ra đòi hỏi với các trường nghề, trường đại học phải có chương trình đào tạo hiện đại, có đội ngũ giảng viên chất lượng cao, qua đó nâng cao hiệu quả đào tạo.

15. Trần Kim Tuyền. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và thiết kế bài giảng điện tử
      Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học kĩ thuật là một xu thế tất yếu của giáo dục hiện nay, giúp các nhà sư phạm có thể thực hiện tốt mục tiêu giáo dục với hiệu quả cao nhất. Bài viết này giới thiệu về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học, thiết kế bài giảng điện tử. Trong đó, bài viết đã đưa ra một số khái niệm trong dạy và thiết kế bài giảng điện tử. Đồng thời, tác giả bài viết này cũng tập trung phân tích về cấu trúc cũng như yêu cầu, các tiêu chí đánh giá của một bài giảng điện tử và đi vào làm rõ quy trình thiết kế bài giảng điện tử.

16. Đỗ Thanh Vân.  Hiệu quả liên kết giữa trường dạy nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong quá trình đào tạo nghề: Thực trạng và giải pháp
      Trong bài viết này, qua thực trạng mối liên kết giữa đào tạo nghề giữa doanh nghiệp và Trường Cao đẳng Nghề Hồ Chí Minh, tác giả muốn đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả liên kết giữa doanh nghiệp với các trường đào tạo nghề trên địa bàn thành phố. Những giải pháp này bao gồm: về việc tổ chức quản lí mối liên kết giữa các bên, có các chính sách, các quy định cụ thể về giảm thuế cho doanh nghiệp, khen thưởng cho học sinh sinh viên, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dạy nghề, ... Qua đó, tác giả mong muốn góp phần gợi ý để các cơ sở dạy nghề thực hiện tốt tiêu chuẩn 3.2 của hệ thống tiêu chí kiểm định chất lượng dạy nghề.

GIÁO DỤC DÂN TỘC
17. Nguyễn Thị Phương Thảo, Hà Đức Đà.
 Nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ - một số kết quả ban đầu và bài học kinh nghiệm
      Bài báo đưa ra những nhận định đánh giá ban đầu về kết quả đã đạt được trong thời gian thực hiện Chương trình Nghiên cứu thực hành song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ như: Chương trình khẳng định tính khả thi của thiết kế giáo dục song ngữ với những tiếng dân tộc có chữ viết; góp phần bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, văn hóa dân tộc; chương trình còn là mô hình gắn kết chặt chẽ cộng đồng và nhà trường… Xét về thời gian, Chương trình song ngữ đã đi được 3/4 chặng đường. Nhóm tác giả cũng rút ra bài học kinh nghiệm trong chặng đường vừa qua nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục song ngữ trước khi bước vào giai đoạn cuối để về đích. 

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
18. Phạm Quang Tiến.  Luật Giáo dục năm 2012 của Liên bang Nga
      Ở nước Nga, bộ Luật Giáo dục đầu tiên xuất hiện trong thế kỉ XVIII, chủ yếu dành cho tầng lớp quý tộc, phong kiến, chiếm một số lượng nhỏ trong xã hội. Đến những năm 20 của thế kỉ XX, bộ Luật Giáo dục dành cho đại bộ phận dân cư trong xã hội đã chính thức được Chính phủ Liên Xô thông qua năm 1922.  Năm 1991, LB Nga được thành lập, bộ Luật Giáo dục mới được Chính phủ Liên bang thông qua tháng 7/1992. Tại cuộc họp lần thứ 1 của Đuma quốc gia Nga năm 2009, các đại biểu quốc hội đã thống nhất ý kiến cần phải thay đổi Luật Giáo dục LB Nga năm 1992. Luật Giáo dục mới của Liên bang Nga, được Duma Quốc gia thông qua ngày 21 tháng 12 năm 2012 và  sự chấp thuận của Hội đồng Chính phủ Liên bang vào ngày 26 tháng 12 năm 2012. Tổng thống Putin đã ra quyết định sốN0 273- Фз ban hành, luật có hiệu lực đầy đủ từ ngày 01/09/2013.