NGHIÊN CỨU:
1. Phạm Đỗ Nhật Tiến. Đổi mới đánh giá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam
Đánh giá trong giáo dục đã trở thành một lĩnh vực chủ chốt trong hoạch định chính sách cải cách để nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng nhà trường cũng như chất lượng toàn hệ thống giáo dục. Trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước ta, đổi mới đánh giá được Bộ Giáo dục và Đào tạo coi là một giải pháp đột phá. Theo hướng đó, ngành Giáo dục đã có những bước đi đầu tiên trong đổi mới đánh giá trên lớp học. Bài viết tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến đổi mới đánh giá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Trong đó, tác giả tập trung phân tích vào việc: Đổi mới hệ thống đánh giá; Hiện trạng hệ thống đánh giá của nước ta; Hiện trạng đánh giá người học ở nước ta; Đổi mới đánh giá người học.
Từ khóa: Đánh giá; đổi mới đánh giá; giáo dục.
2. Nguyễn Tiến Đạt. Giáo dục trong chỉ số Phát triển người và sự thay đổi phương pháp tính
Phương pháp tính chỉ số Phát triển Người với các thành phần liên quan như giáo dục, tuổi thọ và thu nhập tạo điều kiện so sánh sự phát triển giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là với 5 nước Trung Quốc, Pháp, Nga, Đức, Mĩ có quan hệ mật thiết về giáo dục và văn hóa. Việc so sánh GD gồm các chỉ số, tỉ lệ và số liệu GD nên tiến hành hàng năm để thường xuyên thấy được sự phát triển, nỗ lực phấn đấu về GD của Việt Nam so với các nước trên thế giới.
Từ khóa: Giáo dục; phương pháp; chỉ số phát triển người.
3. Đỗ Thị Bích Loan. Định hướng giá trị nghề nghiệp cho học sinh đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động
Bài viết đề cập đến vấn đề định hướng giá trị nghề nghiệp cho HS đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động.Theo tác giả, định hướng giá trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cá nhân và chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH đất nước đòi hỏi phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động cũng như thay đổi cơ cấu ngành nghề. Định hướng giá trị nghề nghiệp cho HS được thực hiện từ trong nhà trường, chịu sự tác động của gia đình và xã hội. Để đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông cần đổi mới từ mục tiêu, nội dung và phương thức thực hiện, nhằm giúp cho HS có định hướng giá trị nghề nghiệp đúng đắn để lựa chọn ngành, nghề phù hợp, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và đất nước.
Từ khóa: Giá trị; giá trị nghề nghiệp; định hướng giá trị nghề nghiệp; cơ cấu kinh tế; cơ cấu nghề nghiệp.
4. Mỵ Giang Sơn. Mức độ đáp ứng của thực tập sư phạm đối với yêu cầu đào tạo giáo viên trung học phổ thông theo định hướng chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học
Bài báo khảo sát mức độ đáp ứng của các yếu tố trong thực tập sư phạm (mục tiêu, nội dung, phương thức tổ chức và kiểm tra, đánh giá trong thực tập sư phạm) đối với yêu cầu đào tạo GV trung học phổ thông theo định hướng Chuẩn nghề nghiệp GV trung học. Kết quả khảo sát là cơ sở để các trường sư phạm đổi mới quản lí thực tập sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo GV trung học.
Từ khóa: Thực tập sư phạm; đào tạo giáo viên; trung học phổ thông; chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
5. Cao Thị Hà. Một số hướng nghiên cứu về siêu nhận thức và vận dụng siêu nhận thức vào trong quá trình dạy học
Bài viết phân tích tổng quan một số công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài về vấn đề siêu nhận thức và vận dụng siêu nhận thức vào trong quá trình dạy học. Những nghiên cứu này đã tập trung phân tích các khía cạnh như: Khái niệm siêu nhận thức là gì? Siêu nhận thức có phải là ưu thế riêng của con người hay không? Đặc trưng của siêu nhận thức? Vai trò của siêu nhận thức và vận dụng nó vào trong quá trình giáo dục như thế nào?
Từ khóa: Siêu nhận thức; dạy học; quá trình dạy học.
6. Trần Xuân Bách. Phát triển chương trình đào tạo giáo viên trong bối cảnh thay đổi
Bài viết đề cập đến việc phát triển chương trình đào tạo giáo viên (GV) trong bối cảnh thay đổi. Theo tác giả, một xã hội dựa trên tri thức đòi hỏi trình độ của người GV và chất lượng giáo dục ngày càng cao. Xu thế toàn cầu hóa về giáo dục đặt ra cho nhà trường phổ thông hiện nay nhiệm vụ phải đào tạo HS trở thành những người có khả năng sống, làm việc và mưu cầu hạnh phúc trong một thế giới luôn có nhiều thay đổi. GV trong nhà trường phổ thông là những người có vị thế quan sát một cách rõ ràng nhất những tác động của chương trình đào tạo tới thế hệ trẻ. Do vậy, các cơ sở đào tạo GV tương lai cần chú trọng đào tạo người GV có tầm nhìn hướng ra thế giới, có bản lĩnh, và có hoài bão. Để có thể đạt được những mục tiêu trên, các cơ sở đào tạo GV tương lai khi phát triển chương trình đào tạo GV cần hướng vào việc phát triển năng lực cũng như nâng cao phẩm chất cho GV tương lai để họ có thể đáp ứng các yêu cầu của một nền giáo dục luôn thay đổi.
Từ khoá: Chương trình; phát triển chương trình; đào tạo; giáo viên.
7. Đỗ Thị Thu Hương. Dạy học từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt cho sinh viên ngành Ngữ văn gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc
Bài viết đề xuất một hướng dạy Từ vựng - Ngữ nghĩa tiếng Việt cho sinh viên ngành Ngữ văn, đó là dạy học từ vựng gắn với những đặc trưng văn hóa dân tộc. Các đặc điểm cấu tạo từ, nghĩa của từ và đặc biệt là thành ngữ tiếng Việt phản ánh rất đậm nét dấu ấn của một nền văn hóa, văn minh nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, khi dạy học từ vựng tiếng Việt, cả người dạy và người học đều cần chú ý khai thác những đặc trưng này.
Từ khóa: Từ vựng – ngữ nghĩa Tiếng Việt; ngữ văn; Việt Nam học; văn hóa; sinh viên.
8. Trần Việt Cường, Đỗ Thị Trinh. Dạy học nội dung khoảng cách giữa hai phẳng theo hướng gắn liền với kiến thức toán học phổ thông cho sinh viên sư phạm Toán
Bài báo đề cập tới việc dạy học nội dung Khoảng cách giữa hai phẳng cho sinh viên sư phạm Toán theo định hướng gắn liền với kiến thức Toán học ở trường phổ thông. Qua đó, sinh viên thấy được mối quan hệ của nội dung Hình học cao cấp được học ở trường sư phạm với nội dung hình học trong chương trình phổ thông.
Từ khóa: Hình học cao cấp; Khoảng cách giữa hai phẳng; Toán học phổ thông.
9. Nguyễn Thu Tuấn. Đổi mới chương trình và phương thức đào tạo giáo viên theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp
Trên cơ sở tìm hiểu về thực trạng chương trình và phương thức đào tạo giáo viên hiện nay, bài báo đã đề cập đến những giải pháp cụ thể mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Từ khóa: Chương trình đào tạo; Phương thức đào tạo; Năng lực nghề nghiệp.
10. Lê Thị Thanh Thủy. Phát triển đội ngũ giáo viên Tiếng Anh tiểu học theo khung chuẩn nghề nghiệp
Bài viết đề cập đến việc phát triển đội ngũ giáo viên tiếng Anh tiểu học theo khung chuẩn nghề nghiệp. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Các quan niệm về Chuẩn nghề nghiệp GV; 2/ Đề xuất khung chuẩn nghề nghiệp người GV tiếng Anh tiểu học trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, với cấu trúc gồm hai thành tố là khung phẩm chất và khung năng lực; 3/ Phát triển đội ngũ GV tiếng Anh tiểu học theo khung chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiếng Anh tiểu học.
Từ khóa: Giáo viên; đội ngũ giáo viên; chuẩn; khung chuẩn nghề nghiệp; tiểu học.
11. Phạm Quốc Tuấn, Lê Đình Sơn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra nội bộ tại các trường trung học cơ sở
Hoạt động giáo dục cụ thể của trường trung học đòi hỏi nhà quản lí phải quan tâm nhiều đến việc kiểm tra nội bộ. Bài báo trình bày những nguyên tắc chung, nội dung, tình hình hiện tại của các tổ chức kiểm tra nội bộ và thực hiện tại các trường trung học. Từ đó, đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả của chức năng này để góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục trường học ở nước ta.
Từ khóa: Kiểm tra nội bộ; trung học cơ sở; giáo dục.
12. Nguyễn Thị Tím Huế. Xây dựng bài tập gắn liền với phương pháp dạy học trong dạy học Giáo dục học theo hướng phát triển năng lực
Xây dựng bài tập gắn liền với phương pháp dạy học trong dạy học Giáo dục học theo hướng phát triển năng lực là một vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu. Bài báo phân tích làm rõ quy trình xây dựng bài tập cho một module dạy học gồm 4 bước. Thực hiện xây dựng bài tập theo quy trình này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn giảng viên và sinh viên gặp phải trong quá trình sử dụng bài tập, là điều kiện để tổ chức dạy học Giáo dục học được hiệu quả.
Từ khóa: Phương pháp dạy học; bài tập; Giáo dục học.
13. Phạm Phương Tâm. Cơ sở khoa học về quản lí đào tạo từ xa đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ đại học
Đào tạo từ xa có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Việc nghiên cứu cơ sở khoa học quản lí đào tạo từ xa trong quá trình đào tạo nhân lực trình độ đại học sẽ giúp các nhà quản lí giáo dục hiểu rõ hơn về đặc thù, mối liên hệ giữa đào tạo từ xa với nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ đại học và các nội dung cần thiết trong công tác quản lí đào tạo từ xa,… Qua đó, hỗ trợ thiết thực cho công tác xây dựng kế hoạch, chiến lược và giải pháp nhằm nâng cao và phát triển loại hình đào tạo này.
Từ khóa: Quản lí đào tạo từ xa; nhân lực; trình độ đại học.
14. Nguyễn Thị Nguyệt. Sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học Hóa học hữu cơ nhằm nâng cao năng lực tự học cho sinh viên y khoa
Sơ đồ tư duy (SĐTD) có tác động tích cực trong việc nâng cao niềm yêu thích, tầm hiểu biết, giúp SV phát triển các ý tưởng, xác định mối quan hệ giữa các nội dung trọng tâm, xây dựng hệ thống kiến thức cần ghi nhớ theo cách hiểu của cá nhân. Vì vậy, sử dụng SĐTD trong dạy học là một trong các biện pháp hiệu quả giúp SV rèn luyện và nâng cao năng lực tự học. Bài viết cho chúng ta thấy việc sử dụng hợp lí SĐTD trong dạy học Hóa học Hữu cơ nói riêng và dạy học nói chung đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc phát triển năng lực, đặc biệt là năng lực tự học cho SV Y khoa.
Từ khóa: Sơ đồ tư duy; dạy học Hóa học Hữu cơ; năng lực tự học; sinh viên Y khoa.
THỰC TIỄN GIÁO DỤC:
15. Nguyễn Thị Phương Thúy, Nguyễn Thị Sửu, Vũ Quốc Trung. Giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh miền núi Tây Bắc thông qua dạy học dự án phần hóa học hữu cơ lớp 11 trung học phổ thông
Giáo dục bảo vệ môi trường (BVMT) cho học sinh (HS) là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của nhà trường trong điều kiện phát triển và hội nhập của đất nước hiện nay. Sự phát triển của khoa học kĩ thuật và công nghệ đòi hỏi con người phải có kiến thức và hiểu biết các vấn đề về BVMT. Việc nghiên cứu tìm hiểu giáo dục BVMT cho HS thông qua môn học Hóa học được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trong bài viết tác giả trình bày một số kết quả nghiên cứu bước đầu về giáo dục BVMT cho HS miền núi Tây Bắc thông qua dạy học dự án phần Hóa học Hữu cơ lớp 11 trung học phổ thông.
Từ khóa: Giáo dục bảo vệ môi trường; dạy học dự án; trung học phổ thông; miền núi Tây Bắc; Hóa hữu cơ.
16. Đặng Bá Lãm, Hoàng Trung Hiếu. Hoạt động của Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội
Tác giả mô tả hoạt động của Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội, đánh giá rõ thực trạng và kiến nghị, đề xuất những giải pháp phù hợp để đưa mô hình CĐCĐ hoạt động theo đúng ý nghĩa của nó, góp phần tích cực vào việc đáp ứng nhu cầu ĐT của cộng đồng, ĐT nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ khóa: Hoạt động đào tạo; cao đẳng cộng đồng; Trường Cao đẳng Cộng động Hà Nội.
17. Nguyễn Thị Thu Hà. Quản lí giáo dục kĩ năng sống cho sinh viên trường đại học trong bối cảnh hiện nay
Trong hệ thống kĩ năng mà con người cần được trang bị thì kĩ năng sống (KNS) là một tiêu chí có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, giúp con người thích ứng hiệu quả với môi trường sống, nhất là trong bối cảnh xã hội có những biến động khôn lường cũng như sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Vì vậy, giáo dục dựa trên tiếp cận KNS có thể cung cấp cho sinh viên (SV) các chỉ dẫn nhằm hóa giải những tình huống thách thức nảy sinh. Thực tế đó cho thấy, giáo dục KNS nói chung và cho SV nói riêng là rất cấp thiết, cần được tiếp tục tiến hành thường xuyên, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi, hoàn cảnh của đối tượng này và mang tính mềm dẻo, dưới nhiều hình thức, quy mô cũng như loại hình hoạt động.
Từ khóa: Kĩ năng sống; giáo dục kĩ năng sống; quản lí giáo dục; sinh viên.
GIÁO DỤC DÂN TỘC:
18. Trịnh Thanh Hải, Lê Thị Thu Hiến, La Đức Minh. Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc, miền núi
Phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số là một quá trình lâu dài và có nhiều khó khăn, thách thức nhằm tạo nền tảng vững chắc cho vùng dân tộc và miền núi phát triển một cách bền vững. Bài viết trình bày một số vấn đề sau: 1/ Thực trạng về giáo dục học sinh dân tộc thiểu số khu vực miền núi, vùng dân tộc hiện nay; 2/ Đặc điểm của học sinh dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc, miền núi; 3/ Một số biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số miền núi, vùng dân tộc.
Từ khóa: Nâng cao chất lượng giáo dục; học sinh dân tộc thiểu số; vùng dân tộc, miền núi.
19. Trần Thị Yên. Giáo dục văn hóa dân tộc ở trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo
Đối với giáo dục (GD) tiểu học nói chung, GD tiểu học ở vùng dân tộc và miền núi nói riêng, ngoài những kiến thức yêu cầu theo quy định chung, nội dung GD phải gắn với nội dung văn hóa dân tộc (VHDT), phải truyền tải những nội dung đặc trưng của VHDT nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc VHDT, làm phong phú thêm nền văn hóa (VH) Việt Nam. Bài viết đề cập đến những nội dung: 1/ GD VHDT; 2/ GD VHDT ở trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số; 3/ Một số biện pháp GD VHDT ở trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số.
Từ khóa: Văn hóa; giáo dục văn hóa dân tộc; dân tộc thiểu số; tiểu học.
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
20. Nguyễn Đức Huy. Về việc xét công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư ở một số nước trên thế giới và liên hệ với Việt Nam
Bài viết tập trình bày về vấn đề xét công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư trong trường đại học ở một số nước trên thế giới như Hoa Kì, Nga, Cộng hòa Pháp, Trung Quốc. Từ đó, rút ra một số nhận xét và liên hệ với Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư của nước ta, đáp ứng nhu cầu hội nhập với các nước trên thế giới.
Từ khóa: Xét tuyển; bổ nhiệm; chức danh; giáo sư; phó giáo sư.