Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 126
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 126, tháng 3 năm 2016
NGHIÊN CỨU:
1. Phạm Đỗ Nhật Tiến. Bài toán đổi mới đánh giá người học trong giáo dục theo tiếp cận năng lực
Bài viết đề cập đến việc đổi mới đánh giá người học trong giáo dục theo tiếp cận năng lực. Theo tác giả, giáo dục theo tiếp cận năng lực là giáo dục trong đó việc dạy, học, đánh giá và giải trình dựa trên những kết quả học tập đầu ra của chương trình giáo dục, tức là dựa trên những cái mà người học biết, hiểu và có thể thực hiện sau khi kết thúc một giai đoạn học tập hoặc một đơn vị học tập. Bên cạnh việc phân tích cụ thể bài toán đổi mới đánh giá người học, tác giả đã chỉ ra các nguyên tắc cần tuân thủ trong đánh giá, các năng lực chung và các phương pháp đánh giá.
Từ khóa: Đánh giá; đổi mới đánh giá; giáo dục; năng lực; tiếp cận năng lực.
2.Mạc Văn Trang. Năng lực của giáo viên chủ nhiệm cấp trung học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Bài viết đề cập đến vấn đề năng lực của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) cấp Trung học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Theo tác giả, GVCN ở trường phổ thông có vai trò, vị trí rất quan trọng trong hệ thống giáo dục. GVCN vừa là nhà chuyên môn, nhà sư phạm, nhà tổ chức, nhà tư vấn giáo dục, nhà điều phối các hoạt động xã hội liên quan đến giáo dục học sinh. Chức năng, nhiệm vụ, vai trò của người GVCN ngày càng phức tạp, đòi hỏi GVCN phải không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực. Năng lực của GVCN là tổng hòa những thuộc tính về thể chất và tâm lí nhằm thực hiện có kết quả các nhiệm vụ của người GVCN. Do vậy, GVCN cần có sức khỏe thể chất và tinh thần, làm việc dẻo dai, bền bỉ, biết tự chủ, vượt qua những tình huống căng thẳng… Trong cấu trúc năng lực người GVCN, yếu tố kinh nghiệm, những trải nghiệm thực tế trong công tác chủ nhiệm rất quan trọng. Những năng lực cần có của GVCN bao gồm: Năng lực chuyên môn; Năng lực hiểu học sinh; Năng lực xây dựng tập thể lớp; Năng lực giáo dục cá biệt; Năng lực tổ chức phối hợp các lực lượng giáo dục; Năng lực tự học, tự hoàn thiện bản thân.
Từ khóa: Giáo viên chủ nhiệm; năng lực; cấp trung học.
3. Nguyễn Thị Hồng Vân. Một số vấn đề về xây dựng chuyên đề học tập ở trường trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Cấp trung học phổ thông (THPT) là cấp học cuối trong chương trình (CT) giáo dục phổ thông (GDPT). Đây là cấp học quan trọng của quá trình chuyển đổi từ giai đoạn giáo dục (GD) cơ bản sang giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp tương lai. Ở cấp học này, tính chất phân hóa theo đối tượng người học được thể hiện rất rõ. Theo định hướng dạy học phân hóa ở THPT trong CT GDPT mới, cùng với các môn học bắt buộc và tự chọn sẽ có các chuyên đề học tập (CĐHT) dành cho HS lựa chọn. Nội dung các CĐHT nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của HS, đồng thời trang bị cho HS một số năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp cho HS. Bài viết trình bày một số vấn đề về xây dựng CĐHT ở trường THPT trong CT GDPT mới. Trong bài, tác giả phân tích rõ: 1/ Vị trí của CĐHT trong CT GDPT mới; 2/ Định hướng xây dựng và tổ chức dạy học CĐHT cấp THPT.
Từ khóa: Chuyên đề học tập; chương trình; giáo dục phổ thông, trung học phổ thông.
4. Phạm Thị Kim Giang, Nguyễn Hoàng Trang, Vũ Thị Thu Hoài, Phạm Thị Kiều Duyên. Quy trình xây dựng chủ đề tích hợp liên môn bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên trung học phổ thông
Dạy học tích hợp là một trong những xu hướng dạy học tất yếu và phù hợp với định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học. Thông qua việc nghiên cứu lí luận về dạy học tích hợp, tác giả đã đề xuất quy trình xây dựng nội dung chủ đề tích hợp liên môn và thiết kế kế hoạch dạy học chủ đề tích hợp. Quy trình này đã được giáo viên áp dụng xây dựng và thử nghiệm dạy học ở trường phổ thông. Kết quả thực nghiệm đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên trung học phổ thông.
Từ khóa: Quy trình; tích hợp liên môn; năng lực; dạy học tích hợp.
5. Trần Kiêm Minh, Phạm Văn Tuân, Lê Thị Bạch Liên. Lí thuyết ba thế giới toán học và vận dụng vào dạy học đạo hàm
Bài viết đề cập đến lí thuyết ba thế giới toán học và vận dụng vào dạy học đạo hàm. Tác giả tập trung nghiên cứu nhằm là rõ khung lí thuyết và phân tích tư duy của học sinh lớp 11 thể hiện trong ba thế giới là hiện thân, biểu tượng và hình thức. Kết quả nghiên cứu cho thấy thế giới hiện thân là cần thiết để cung cấp nền tảng ban đầu cho sự phát triển nhận thức và tư duy của HS về khái niệm đạo hàm, trước khi chuyển sang các mức độ nhận thức toán học bậc cao hơn là biểu tượng và hình thức.
Từ khóa: Ba thế giới toán học; tư duy hiện thân; tư duy biểu tượng; tư duy hình thức; đạo hàm.
6. Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Thị Thanh Tâm. Bồi dưỡng thủ pháp “phân nhỏ” cho học sinh trong dạy học giải toán ở trường trung học cơ sở
Thủ pháp phân nhỏ đóng vai trò quan trọng trong dạy học giải toán, giúp rèn luyện học sinh giải quyết hiệu quả nhiều bài toán phức tạp, từ đó góp phần rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo cho các em. Tác giả bài viết đưa ra một số phương thức nhằm bồi dưỡng thủ pháp phân nhỏ cho học sinh trong dạy học giải toán ở trường trung học cơ sở.
Từ khóa: Thủ pháp phân nhỏ; dạy học giải toán; bồi dưỡng; học sinh; trung học cơ sở.
7. Nguyễn Thị Thanh Hồng. Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh phổ thông theo quan điểm dạy học tích hợp
Bên cạnh việc dạy kiến thức, kĩ năng liên quan đến môn học để hình thành cho học sinh nền tảng học vấn cơ bản thì việc giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống cũng được đặt ra rất cấp thiết. Trong bài viết, tác giả tập trung phân tích việc vận dụng quan điểm dạy học tích hợp trong giáo dục những kĩ năng sống cốt lõi cho học sinh ở Việt Nam nhằm đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo ở các nhà trường phổ thông hiện nay.
Từ khóa: Giáo dục kĩ năng sống; học sinh phổ thông; dạy học tích hợp.
8. Lưu Thu Thủy và nhóm nghiên cứu. Đề xuất mục tiêu, nội dung chương trình môn Giáo dục lối sống ở Tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông sau 2015
Trong chương trình Giáo dục phổ thông sau năm 2015, môn Giáo dục lối sống (GDLS) quy định là một trong các môn học bắt buộc, được dạy ở tất cả các lớp tiểu học. Môn GDLS giữ vai trò chủ chốt trong việc hình thành và phát triển ở học sinh (HS) những phẩm chất và năng lực quan trọng của người công dân Việt Nam nhỏ tuổi; góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển nhân cách HS, đặc biệt về mặt văn hóa – đạo đức, đáp ứng yêu cầu về người lao động trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng chương trình môn GDLS vừa phải đảm bảo những yêu cầu chung của các chương trình môn học vừa phải phù hợp với đặc điểm riêng của môn học. Bài viết giới thiệu về mục tiêu, khung chương trình môn GDLS ở tiểu học trong Chương trình Giáo dục phổ thông sau 2015.
Từ khóa: Mục tiêu; khung nội dung chương trình; môn Giáo dục lối sống.
9. Trần Thị Thái Hà. Xu thế và dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực bậc cao của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Chất lượng nguồn nhân lực của các nền kinh tế APEC đã cải thiện nhiều trong những năm qua, với việc chuyển dịch từ lượng sang chất, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội trong bản thân mỗi nền kinh tế và trong bối cảnh hội nhập. Điều này là do ở hầu hết các nền kinh tế APEC, có sự chuyển biến đáng kể về cơ cấu kinh tế, chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, theo đó đòi hỏi phải có nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Việt Nam cũng cùng chung xu thế đó. Bài viết phân tích thực trạng cơ cấu, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời chỉ ra xu hướng phát triển nguồn nhân lực nhóm này ở Việt Nam trong bối cảnh các nền kinh tế thành viên khác của khối APE, từ đó đề xuất đột phá là đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo, với mong muốn đào tạo ra những thế hệ nhân lực chất lượng cao có thể đảm đương các trọng trách phát triển kinh tế - xã hội trong thời kì mới, nơi Việt Nam sẽ là một mắt xích trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Từ khóa: Nguồn nhân lực; nguồn nhân lực bậc cao; hội nhập, Châu Á - Thái Bình Dương.
10. Phạm Văn Thuần. Phát triển nghề nghiệp - thẩm quyền của người giảng viên đại học
Trong phạm vi bài viết này, tác giả giới thiệu một quan điểm trong quản lí đội ngũ giảng viên đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục, đó là phát triển nghề nghiệp được xác định là một thẩm quyền của giảng viên đại học. Song song với “tự chủ đại học” của nhà trường, “tự do học thuật” (academic freedom) của giảng viên được xem là chìa khóa của sự thành công trong mỗi nhà trường. Chính vì vậy, phải kiến tạo môi trường để mỗi giảng viên, đặc biệt là các giáo sư, chuyên gia đầu ngành có quyền phát triển quan niệm riêng của mình về chuyên môn và chịu trách nhiệm về chuyên môn đó, qua đó đáp ứng được nhu cầu học tập của người học, quy định chính sách của Nhà nước và của thị trường lao động.
Từ khóa: Giảng viên; đại học; phát triển nghề nghiệp.
11. Lê Đình Sơn., Quản trị trường đại học theo tiếp cận chất lượng - một số hạn chế hiện nay và khuyến nghị
Tiếp cận chất lượng, cách quản trị tổ chức theo định hướng chất lượng được xem là một tiếp cận tiềm năng, có thể tạo ra những đột phá về chất lượng và hiệu quả đào tạo của trường đại học. Quản trị trường đại học theo định hướng chất lượng đã được triển khai ở nước ta hơn một thập niên. Bài viết phân tích một số hạn chế trong thực tiễn quản trị trường đại học theo tiếp cận chất lượng ở nước ta. Trên cơ sở đó, trao đổi, khuyến nghị một số vấn đề cần giải quyết nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực về quản trị trường đại học nói riêng và quản lí chất lượng giáo dục đại học nói chung.
Từ khóa: Trường đại học; quản trị; tiếp cận chất lượng.
12. Trần Sâm. Thực trạng giảng dạy và học tập môn Giáo dục Chính trị trường trung cấp chuyên nghiệp những năm vừa qua
Trong chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hiện nay, Giáo dục Chính trị là môn học nhằm bồi dưỡng lập trường tư tưởng, đạo đức, xây dựng - hoàn thiện nhân cách, bản lĩnh chính trị, lối sống và tác phong làm việc cho học sinh. Bài viết đánh giá thực trạng việc giảng dạy và học tập môn học này những năm vừa qua. Từ đó, định hướng đổi mới nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy - học môn Giáo dục Chính trị, đáp ứng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo hiện nay.
Từ khóa: Giáo dục Chính trị; trung cấp chuyên nghiệp; học sinh.
13. Nguyễn Văn Sơn. Mô hình và nhân tố tác động đến quản lí dạy học thành công của trường trung học phổ thông
Bản chất của quản lí dạy học của trường trung học phổ thông là phát triển môi trường giáo dục tích cực để nâng cao kết quả giáo dục của học sinh. Mô hình quản lí (quá trình) dạy học của trường trung học phổ thông về thực chất bao gồm bốn thành tố: Quản lí bối cảnh; quản lí đầu vào; quản lí lớp học và hoạt động ngoại khóa thông qua phát triển môi trường giáo dục/học tập tích cực; quản lí đầu ra. Vì vậy, cần tác động đồng bộ lên tất cả các nhân tố để đảm bảo chất lượng dạy học theo yêu cầu.
Từ khóa: Quản lí dạy học; trung học phổ thông; kết quả giáo dục.
THỰC TIỄN GIÁO DỤC:
14. Nguyễn Thu Tuấn. Sứ mệnh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong việc thực hiện đề án “ Đổi mới chương trình, sách giáo giáo dục phổ thông sau năm 2015”
Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội luôn khẳng định uy tín, thương hiệu của một trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia, đi tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới ở các bậc học. Nhà trường đã và đang hội tụ đầy đủ các yếu tố cần và đủ để sẵn sàng tham gia vào đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015”. Trong nội dung bài viết này, tác giả trình bày về sứ mệnh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong việc thực hiện đề án “Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015”.
Từ khóa: Đại học Sư phạm; chương trình; sách giáo khoa.
15. Lê Hùng Cường. Phát triển đội ngũ giáo viên trường trung cấp chuyên nghiệp quân đội đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh mới
Để trường trung cấp chuyên nghiệp quân đội thực hiện tốt đồng thời nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, việc phát triển đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết. Việc phát triển đội ngũ giáo viên trường trung cấp chuyên nghiệp quân đội phải vừa đảm bảo yêu cầu của một đơn vị quốc phòng, vừa đảm bảo tính chất của một cơ sở đào tạo nghề của nền kinh tế. Vì vậy, những biện pháp về nhận thức và quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách,… đối với đội ngũ giáo viên trường trung cấp chuyên nghiệp quân đội phải vừa đảm bảo tính nguyên tắc chung vừa đảm bảo tính sáng tạo, linh hoạt, cụ thể để thực hiện tốt yêu cầu về chất lượng, trình độ, cơ cấu đội ngũ giáo viên trường dạy nghề hiện nay.
Từ khóa: Trường trung cấp chuyên nghiệp; quân đội; giáo viên; nguồn nhân lực.
16. Nguyễn Chiến Thắng. Dạy học nội dung hình học sơ cấp bằng tiếng Anh cho sinh viên ngành Sư phạm Toán học ở Trường Đại học Vinh
Một trong những mục tiêu đặt ra của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 là dạy một phần các môn học đối với sinh viên (SV) năm cuối của trường đại học bằng tiếng Anh. Hình học sơ cấp (HHSC) là một trong hai nội dung của Toán sơ cấp được giảng dạy cho SV năm thứ ba ngành Sư phạm Toán học ở hầu hết các trường đại học sư phạm. Tác giả bài viết trình bày một số kết quả nghiên cứu bước đầu về việc tổ chức dạy học nội dung HHSC bằng tiếng Anh cho SV ngành Sư phạm Toán học ở Trường Đại học Vinh.
Từ khoá: Hình học sơ cấp; tiếng Anh; chương trình; sinh viên; ngành Sư phạm Toán học.
17. Lê Thị Thanh Thủy. Thực trạng đội ngũ giáo viên tiếng Anh tiểu học các tỉnh Bắc Trung Bộ
Môn Tiếng Anh ở tiểu học trở thành môn học bắt buộc từ năm học 2010-2011, điều này có nghĩa là đội ngũ giáo tiếng Anh tiểu học là nguồn nhân lực mới được hình thành, thực trạng đội ngũ GV tiếng Anh tiểu học tại sáu tỉnh Bắc Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa) còn có nhiều bất cập. Trong bài viết này, tác giả tiến hành khảo sát bằng phiếu hỏi GV dạy tiếng Anh tiểu học, cán bộ quản lí các trường tiểu học, lãnh đạo và chuyên viên phụ trách chuyên môn sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo các tỉnh Bắc Trung Bộ về thực trạng đội ngũ GV, phát triển và quản lí phát triển đội ngũ GV tiếng Anh tiểu học tại sáu tỉnh Bắc Trung Bộ.
Từ khoá: GV; tiểu học; tiếng Anh.
18. Lê Phú Thắng. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí hoạt động tự học của lưu học sinh Lào
Trong những năm qua, hoạt động hợp tác trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Việt Nam và Lào đã đạt những kết quả to lớn. Sự hợp tác này đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự việc xây dựng chung và bảo vệ đất nước của Lào; đồng thời thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Lào. Những học sinh, sinh viên được học tập tại Việt Nam khi trở về nước đã có những đóng góp tích cực cho lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ mà họ phụ trách; được đánh giá cao bởi đạo đức và năng lực nghề nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày một số giải pháp được tổng kết trong nghiên cứu lí luận và điều tra thực tiễn tổ chức, quản lí hoạt động tự học của lưu học sinh Lào.
Từ khoá: Lưu học sinh; hoạt động tự học; giáo dục.
19. Hồ Thị Thanh Thủy. Khuynh hướng hiện thực trong văn xuôi tự sự của Lưu Trọng Lư giai đoạn trước 1945
Lưu Trọng Lư đươc đánh giá là người tiên phong của phong trào Thơ mới. Ngoài những tập thơ, ông còn sáng tác một khối lượng văn xuôi đáng kể với 27 truyện ngắn, 29 tiểu thuyết và một phụ lục. Qua khảo sát, tác giả bài viết nhận thấy song song với những trang văn xuôi viết theo khuynh hướng lãng mạn, là những sáng tác mang khuynh hướng hiện thực. Xuất phát điểm là nhà thơ lãng mạn, nên tính chất phê phán hiện thực trong văn xuôi của ông mang những nét khác biệt so với trào lưu sáng tác văn học hiện thực cùng giai đoạn. Chính điều này đã tạo nên đặc thù riêng trong cách phê phán hiện thực của Lưu Trọng Lư.
Từ khoá: Văn xuôi tự sự; hiện thực; văn học.
GIÁO DỤC DÂN TỘC:
20. Ngô Thị Thanh Thủy. Kinh nghiệm của Phần Lan về giáo dục dân tộc
Phần Lan là một quốc gia có nền giáo dục phổ thông tiên tiến. Phần Lan đã thành công trong việc tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục cho mọi đối tượng học sinh đặc biệt từ các nhóm dân tộc thiểu số thông qua các chính sách sử dụng ngôn ngữ trong giáo dục được quy định cụ thể trong Hiến pháp, luật và chương trình giáo dục trọng tâm của quốc gia. Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo quyền bình đẳng trong giáo dục cho các nhóm dân tộc. Vì vậy, việc tìm hiểu kinh nghiệm Phần Lan về chính sách và lập chương trình dành cho các nhóm dân tộc thiểu số là rất cần thiết.
Từ khóa: dân tộc thiểu số; ngôn ngữ; chương trình giáo dục.
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
21. Lê Đông Phương. Lịch sử hệ thống tín chỉ và tác động đối với giáo dục đại học Hoa Kì
Hoa Kì được biết đến như là nơi khai sinh ra chế độ đào tạo theo tín chỉ, phương thức quản lí quá trình học tập hướng đến người học. Các thành công của giáo dục đại học Hoa Kì thường được gắn liền với ưu điểm của hệ thống tín chỉ đang được sử dụng trong đào tạo. Bài viết điểm lại lịch sử hình thành hệ thống tín chỉ sử dụng trong giáo dục sau trung học của Hoa Kì, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng hệ thống tín chỉ trong giáo dục đại học của Hoa Kì cũng như các tác động đến hệ thống giáo dục. Cách sử dụng tín chỉ trong quản lí hệ thống cũng được xem xét để làm rõ những ưu điểm của hệ thống tín chỉ.
Từ khóa: tín chỉ; đại học; giáo dục.