Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 125

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 125, tháng 2 năm 2016

 NGHIÊN CỨU

1. Đỗ Ngọc Thống. Tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới
     Tích hợp trong chương trình (CT) giáo dục phổ thông (GDPT), còn gọi là CT tích hợp (integrated curriculum) là một xu thế quốc tế đã xuất hiện từ lâu, ngay cả với Việt Nam cũng không phải là vấn đề mới, ít nhất là đã đặt ra và thực hiện được một số môn học với những mức độ khác nhau ở lần đổi mới CT năm 2000 theo Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa X. Bài viết đề cập đến vấn đề tích hợp trong CT GDPT mới. Theo tác giả, đổi mới CT và sách giáo khoa lần này tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả tích hợp trong CT GDPT hiện hành, đồng thời cần bổ sung, phát triển thêm một bước theo tinh thần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Tác giả bài viết trình bày: 1/ Quan niệm về dạy học tích hợp; 2/ Các hình thức và mức độ tích hợp; 3/ Lí do cần xây dựng CT và thực hiện dạy học tích hợp; 4/ Định hướng tích hợp trong CT GDPT mới.
     Từ khóa: Tích hợp; chương trình; giáo dục; giáo dục phổ thông
2. Phạm Đức Quang. Cơ hội hình thành và phát triển một số năng lực chung, cốt lõi qua dạy học môn Toán ở trường phổ thông Việt Nam
     Vấn đề dạy học theo hướng hình thành và phát triển năng lực (NL) người học  đến nay vẫn còn là  vấn đề mới mẻ ở nước ta. Do đó, có nhiều cách hiểu chưa đồng nhất về NL, vì được tiếp cận theo nhiều bình diện khác nhau.  Để phát triển chương trình giáo dục phổ thông và tiến tới dạy học theo hướng hình thành và phát triển NL người học, cần có sự thống nhất về cách hiểu, nhất là cách hiểu về các NL chung, cốt lõi cần đạt ở HS qua dạy học; thống nhất được các thành tố cấu trúc và mô tả được các biểu hiện của nó. Bài viết trình bày cơ hội hình thành và phát triển một số năng lực chung, cốt lõi qua dạy học môn Toán ở trường phổ thông Việt Nam.
     Từ khóa: Năng lực; năng lực chung, cốt lõi; môn Toán; trường phổ thông.
3. Đặng Quốc Bảo, Phạm Minh Giản, Phạm Hữu Ngãi.Phát triển nguồn nhân lực khoa học giáo dục để hội nhập quốc tế: Vấn đề cấp thiết hiện nay
     Trên cơ sở nghiên cứu về nguồn nhân lực khoa học giáo dục, bài viết đã xác định ba con đường phát triển nguồn nhân lực khoa học giáo dục để chủ động đưa nước ta hội nhập quốc tế, góp phần phát triển giáo dục và đào tạo nước nhà trong giai đoạn hiện nay.
     Từ khoá: Nguồn nhân lực; khoa học giáo dục; phát triển.
4. Hà Viết Hải. Quy trình soạn thảo giáo án môn Lập trình theo phương pháp dạy học tiến hóa
     Để người học có thể nhanh chóng nắm vững bài học là một trong những mục tiêu chủ yếu của các phương pháp dạy học. Đối với những bài học dài, chứa nhiều kiến thức khó, phức tạp thì mục tiêu này càng trở nên quan trọng. Phương pháp dạy học tiến hóa đề ra những nguyên tắc để có thể đạt được mục tiêu nói trên. Bài viết này nhằm mục tiêu giới thiệu quy trình soạn thảo giáo án môn Lập trình theo phương pháp dạy học tiến hóa.
     Từ khóa: Giáo án; phương pháp dạy học tiến hóa; quá trình dạy học.
5. Lê Đình Sơn. Phân loại hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội trong hỗ trợ sức khỏe tâm thần học đường
     Những năm gần đây, các hành vi vi phạm chuẩn mực xã hội của thanh, thiếu niên diễn biến phức tạp. Sự bùng phát các hành động bạo lực, bạo hành, các trường hợp sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, sự gia tăng các hiện tượng trầm cảm, rối nhiễu tâm lí trong học sinh các trường phổ thông gây lo ngại cho các bậc phụ huynh, các nhà quản lí giáo dục và xã hội. Nhiều biện pháp được triển khai nhưng tình trạng chưa được cải thiện. Sức khỏe tâm thần học đường dần trở thành vấn đề nóng của giáo dục. Bài viết bàn về phân loại hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội của học sinh như một cách tiếp cận hiệu quả trong hỗ trợ sức khỏe tâm thần học đường.
     Từ khóa: Chuẩn mực xã hội; học sinh; sức khỏe tâm thần.
6. Trần Thị Thái Hà. Ảnh hưởng của chiến lược kinh tế hộ gia đình nông thôn đến giáo dục trẻ em gái
     Xã hội nông thôn Việt Nam nói chung, hộ gia đình nông thôn nói riêng cho đến nay vẫn có sự thay đổi đáng kể về chiến lược phát triển cho con trai và con gái. Sự thay đổi này thể hiện ở số lượng trẻ em gái đến trường ở các bậc học, lực lượng lao động nữ trong lực lượng lao động ở các ngành nghề và độ tuổi. Mặc dù vậy, việc giáo dục trẻ em gái luôn chịu nhiều áp lực hơn trẻ em trai khi hộ gia đình buộc phải lựa chọn chiến lược giáo dục và kinh tế. Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu được thực hiện từ năm 2013 đến nay ở 5 tỉnh thuộc 3 vùng Bắc, Trung và Nam với sự tài trợ của Naforsted. Chiến lược giáo dục của hộ gia đình được nghiên cứu thông qua khảo sát bằng bảng hỏi và các cuộc phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm với bố mẹ có con đang đi học phổ thông kết hợp với các số liệu thống kê và kết quả khảo sát của các nghiên cứu.
     Từ khoá: Giáo dục của hộ gia đình; giáo dục trẻ em gái; giáo dục nông thôn.
7. Nguyễn Thị Lan Phương, Vũ Đức Thông. Ứng dụng mô hình học tập 7E trong giảng dạy học phần Cấu trúc dữ liệu và giải thuật
     Mục đích của nghiên cứu này là phát triển kế hoạch giảng dạy học phần “Cấu trúc dữ liệu và giải thuật” thuộc chương trình chuyên ngành Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Học phần này liên quan đến việc lựa chọn các phương pháp tổ chức lưu trữ thông tin trên máy tính trong bối cảnh thực tiễn thông qua ngôn ngữ lập trình và các chiến lược thuật toán thích hợp. Chúng tôi đã thiết kế và thực hiện kế hoạch giảng dạy này trên cơ sở vận dụng các giai đoạn của mô hình học tập 7E để khuyến khích tối đa tiềm năng tư duy phê phán của sinh viên. 
     Từ khóa: Mô hình học tập 7E; sinh viên; kĩ năng tư duy phê phán.
8. Hoàng Thị Mai. Tự đặt câu hỏi khi đọc - hiểu văn bản trữ tình ở trường trung học phổ thông
     Dựa trên những thành tựu của câu hỏi lí thuyết, bản chất của thơ ca và đặc điểm của học sinh trung học phổ thông, bài báo đề xuất các tiêu chuẩn cho việc đọc và hiểu một bài thơ ở các trường phổ thông, thiết kế một hệ thống câu hỏi mà học sinh - người đọc có thể sử dụng để đọc bất kì bài thơ. Bằng việc sử dụng hệ thống câu hỏi để đọc một bài thơ, học sinh dần trở thành người đọc độc lập và sáng tạo.
     Từ khóa: Tự đặt câu hỏi; đọc - hiểu; văn bản trữ tình.
9. Nguyễn Phương Mai. Tổ chức hoạt động dạy học ngữ văn ở trường phổ thông theo quan điểm dạy học phân hóa
     Dạy học phân hóa (DHPH) là xu hướng dạy học tất yếu, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng phát triển năng lực người học. Ở Việt Nam, DHPH ở trường phổ thông luôn được quan tâm trú trọng. Yêu cầu của DHPH là đảm bảo cho việc dạy học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi, khả năng học tập, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng học sinh nhằm phát triển tối đa năng lực học sinh. Dựa trên cơ sở phân tích lí luận về DHPH, tác giả bài viết đề cập đến việc tổ chức hoạt động dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông theo quan điểm DHPH và đưa ra ví dụ cụ thể minh họa cho việc dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông theo quan điểm DHPH. 
     Từ khóa: Dạy học phân hóa; ngữ văn; trường phổ thông.
10. Mỵ Giang Sơn. Lựa chọn đề tài và cách tiếp cận nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học quản lí giáo dục
     Bài viết trình bày cách chọn đề tài nghiên cứu và một số cách tiếp cận cơ bản trong nghiên cứu khoa học quản lí giáo dục.Theo tác giả, lựa chọn đề tài và cách tiếp cận nghiên cứu cần tuân thủ tính chất riêng, đặc thù của chuyên ngành. Lựa chọn đề tài đúng chuyên ngành, xác định cách tiếp cận nghiên cứu phù hợp sẽ giúp người nghiên cứu có định hướng tốt trong nghiên cứu lí luận và thực tiễn, nhất quán trong phân tích vấn đề.
     Từ khóa:  Đề tài; lựa chọn đề tài; tiếp cận nghiên cứu; nghiên cứu khoa học; quản lí giáo dục.
11. Trần Văn Hùng. Lãnh đạo trong xây dựng văn hóa chất lượng ở các cơ sở giáo dục đại học
     Xây dựng văn hóa chất lượng (VHCL) trong các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện ở nhiều nước có nền giáo dục đại học tiên tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, xây dựng VHCL trong các cơ sở giáo dục đại học là một nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi phải có tầm nhìn, chiến lược và triển khai một cách đồng bộ về mặt quản lí. Bài viết đề cập đến vai trò quyết định của yếu tố lãnh đạo trong xây dựng VHCL ở các cơ sở giáo dục đại học.
     Từ khóa: Lãnh đạo; văn hóa chất lượng; cơ sở giáo dục đại học.
12. Nguyễn Xuân Ninh. Áp dụng quản lí chất lượng tổng thể (TQM) vào quản lí chất lượng đào tạo ở trường cao đẳng nghề 
     Quản lí chất lượng tổng thể (TQM) là một triết lí, một hệ thống quản lí được áp dụng rộng rãi ở các nước có nền giáo dục phát triển với đặc trưng cơ bản đó là không áp đặt một hệ thống cứng nhắc cho bất kì cơ sở đào tạo nào, nó tạo ra một nền “văn hoá chất lượng” bao trùm lên toàn bộ quá trình đào tạo. Bài viết đề cập đến các đặc trưng và lợi ích của trường CĐN có được khi áp dụng TQM, đồng thời nêu thực trạng và đề xuất các giải pháp để các trường CĐN vận dụng TQM trong quản lí chất lượng đào tạo ở nhà trường.
     Từ khóa: Quản lí chất lượng tổng thể; quản lí chất lượng đào tạo; trường cao đẳng nghề.
13. Phạm Thị Yến, Đậu Thị Lê Hiếu. Tăng cường tính tương tác giữa các trường cao đẳng, đại học với doanh nghiệp trong quá trình giáo dục và đào tạo 
     Bài viết đề cập đến tính tương tác giữa các trường cao đẳng, đại học (CĐ-ĐH) với doanh nghiệp trong quá trình giáo dục và đào tạo với những nội dung chính sau: 1/ Tầm quan trọng của sự tương tác giữa các trường CĐ-ĐH với doanh nghiệp; 2/ Thực trạng sự tương tác giữa các trường CĐ-ĐH với doanh nghiệp; 3/ Đề xuất các giải pháp tăng cường tính tương tác giữa các trường CĐ-ĐH với doanh nghiệp.
     Từ khóa: Tính tương tác, cao đẳng; đại học; doanh nghiệp; giáo dục và đào tạo.
14. Sử Ngọc Anh. Đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng trong giáo dục đại học
     Tác giả tập trung vào vấn đề đảm bảo chất lượng (ĐBCL) và kiểm định chất lượng (KĐCL) trong giáo dục đại học (GDĐH) nhằm làm rõ hơn vai trò, vị trí của KĐCL trong ĐBCL, tìm ra những ưu, nhược điểm và nguyên nhân để giải thích tại sao KĐCL chưa thành công khi áp dụng vào hệ thống GDĐH ở Việt Nam. Từ đó đề xuất một số nội dung góp phần hoàn thiện hệ thống ĐBCL phù hợp với bối cảnh phát triển GDĐH ở nước ta hiện nay.
     Từ khóa: Đảm bảo chất lượng; kiểm định chất lượng; giáo dục đại học.
15. Nguyễn Tuấn Khanh. Rèn luyện kĩ năng học tập cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng học tập trong bối cảnh đào tạo theo tín chỉ ở các trường đại học, cao đẳng 
     Bài viết đề cập đến vấn đề rèn luyện kĩ năng học tập cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng học tập trong bối cảnh đào tạo theo tín chỉ ở các trường đại học. Trong đó, tác giả tập trung vào việc đánh giá kĩ năng học tập  của sinh viên cao đẳng, đại học thông qua hình thức sinh viên tự đánh giá và cán bộ, giảng viên đánh giá sinh viên. Kĩ năng học tập  được chia làm ba nhóm: Kĩ năng quản lí học tập, kĩ năng nhận thức và kĩ năng giao tiếp và quan hệ trong học tập. Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đề ra một số giải pháp nhằm tăng cường kĩ năng học tập cho sinh viên, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao cho xã hội.
     Từ khóa: Đại học; tín chỉ; kĩ năng học tập; sinh viên..
16. Hoàng Thúy Nga. Quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học theo tiếp cận mục tiêu
     Nội dung quản lí hoạt động giáo dục (GD) kĩ năng sống (KNS) là một phần cơ bản trong quá trình quản lí GD. Có nhiều cách tiếp cận trong quản lí GD KNS, song tiếp cận theo mục tiêu để xây dựng nội dung quản lí hoạt động này cho phù hợp sẽ đem lại hiệu quả trong việc thực hiện GD KNS cho HS tiểu học.
     Từ khóa: Giáo dục kĩ năng sống; học sinh tiểu học; tiếp cận mục tiêu.
THỰC TIỄN GIÁO DỤC
17. Nguyễn Thị Thúy Dung. Các nguyên nhân gây stress ở cán bộ quản lí giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh
     Stress là trạng thái căng thẳng của con người bị gây nên bởi nhiều nguyên nhân thuộc về cá nhân và môi trường làm việc, tính chất công việc và cuộc sống của con người. Cách con người nhìn nhận về các nguyên nhân này sẽ ảnh hưởng đến mức độ stress mà con người trải qua. Bài viết trình bày kết quả khảo sát về đánh giá của cán bộ quản lí giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh về các nguyên nhân gây stress ở họ. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất các biện pháp góp phần làm giảm stress ở cán bộ quản lí giáo dục ở Thành phố Hồ Chí Minh.
     Từ khóa: Stress; cán bộ quản lí; giáo dục; .
18, Nguyễn Thị Thu Hằng. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực tập nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản lí giáo dục Trường Đại học Vinh
     Đào tạo sinh viên chính quy ngành Quản lí giáo dục là việc khá mới mẻ của giáo dục đại học Việt Nam và là mã ngành non trẻ ở Trường Đại học Vinh. Để khẳng định chất lượng giáo dục, nhà trường cần làm tốt các khâu trong chương trình đào tạo trong đó có hoạt động thực tập nghề nghiệp của sinh viên. Từ việc tìm hiểu đặc điểm hoạt động thực tập của sinh viên ngành Quản lí giáo dục và thực tiễn hoạt động này tại Trường Đại học Vinh, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực tập nghề nghiệp của sinh viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh hiện nay. 
     Từ khóa: Quản lí giáo dục; thực tập nghề nghiệp; đại học. 
GIÁO DỤC DÂN TỘC
19. Trần Thị Yên. Phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
     Phát triển đội ngũ giáo viên là một quy trình bao gồm nhiều nội dung, từ xây dựng quy hoạch đội ngũ giáo viên; tuyển chọn giáo viên; sử dụng giáo viên; đào tạo, bồi dưỡng phát triển giáo viên; đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên; chính sách, đãi ngộ và tôn vinh giáo viên. Phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học người dân tộc thiểu số không nằm ngoài những nội dung này. Tuy nhiên, do yếu tố đặc thù về tộc người và vùng miền mà mỗi nội dung được thực hiện vừa đảm bảo được những yêu cầu riêng vừa phải đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tác giả phân tích về vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học người dân tộc thiểu số trong nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
     Từ khóa: Giáo viên tiểu học; dân tộc tiểu số; đổi mới giáo dục
20. Hà Đức Đà. Vai trò của giáo viên trung học phổ thông người dân tộc thiểu số trong phát triển giáo dục trung học phổ thông ở vùng dân tộc
     Bài viết này trình bày vai trò của giáo viên người dân tộc thiểu số trong phát triển giáo dục trung học phổ thông vùng dân tộc. Trong đó, bài viết phân tích đặc điểm của giáo viên người dân tộc thiểu số và vai trò của họ đối với giáo dục trung học phổ thông ở vùng dân tộc. Cụ thể, về đặc điểm của giáo viên trung học phổ thông người dân tộc thiểu số, tác giả trình bày về đặc điểm dân tộc (ngôn ngữ, văn hóa, ý thức tự giác dân tộc), đặc điểm nghề nghiệp (số lượng đội ngũ, cơ cấu, chất lượng năng lực giảng dạy).
     Từ khóa: Giáo viên; dân tộc thiểu số; trung học phổ thông.
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
21. Mạc Thị Việt Hà. Đánh giá giáo viên ở Singapore
     Tác giả bài viết trình bày về vấn đề đánh giá giáo viên phổ thông ở Singapore. Tại Singapore, giáo viên được tuyển từ nhóm 1/3 học sinh trung học có điểm tôt nghiệp cao nhất. Tuy nhiên, chỉ có 1/8 số ứng viên được tiếp nhận vào học chương trình đào tạo giáo viên sau một quy trình tuyển chọn ngặt nghèo. Những thí sinh được tuyển không chỉ đơn thuần là qua được kì thi A-level của Singapore (kì thi khó khăn nhất đối với học sinh Singapore) mà còn phải đạt điểm số cao. Mặc dù việc tuyển chọn giáo viên đã được thực hiện hết sức nghiêm ngặt với yêu cầu cao, song sau khi đã bước vào nghề, giáo viên còn dược đánh giá thường xuyên bởi một hệ thống đánh giá toàn diện gọi là Hệ thống Quản lí hoạt động nâng cao (Enhanced Performance Management System (EPMS).
     Từ khóa: Đánh giá; giáo viên phổ thông; hệ thống quản lí hoạt động nâng cao; giáo dục.