Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 127

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 127 - Tháng 4 năm 2016

NGHIÊN CỨU: 
1. Trần Kiều; Trịnh Thị Anh Hoa. Về cơ cấu khung của hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam
     Hệ thống giáo dục phổ thông (HTGDPT) là hệ thống bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân. Quá trình đào tạo được vận hành trong HTGDPT gồm nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi cấp học là một giai đoạn có mục tiêu và kế hoạch đào tạo cụ thể để đạt được một trình độ nhất định về văn hóa khoa học, kĩ năng, phẩm chất cũng như những hiểu biết về nghề nghiệp cho người học. Mỗi giai đoạn giáo dục và đào tạo đều có chức năng vừa chuẩn bị cho HS vào đời vừa chuẩn bị sản phẩm cho giai đoạn kế tiếp. Bài viết đề cập đến vấn đề cơ cấu khung của HTGDPT Việt Nam. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Sơ lược về HTGDPT; 2/ Các tiêu chí để một hệ thống giáo dục được xem là phù hợp với xu thế thời đại và vận hành có hiệu quả; 3/ Xu thế phát triển HTGDPT trên thế giới; 4/ Thực trạng hình thành và phát triển HTGDPT ở Việt Nam; 5/ Đề xuất cơ cấu khung của HTGDPT trong tương lai.
     Từ khóa: Giáo dục; cơ cấu khung; hệ thống giáo dục; giáo dục phổ thông; giáo dục quốc dân.
2. Trần Huy Hoàng; Nguyễn Kim Đào. Vận dụng mô hình B-learning trong dạy học môn Vật lí ở trường phổ thông
     Xã hội phát triển, việc áp dụng các thành tựu của khoa học kĩ thuật ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt với ngành Giáo dục và Đào tạo, công nghệ thông tin đã góp phần tạo ra những thay đổi lớn trong hoạt động dạy và học. Blended - learning (B-learning) là một hình thức dạy học khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt với những nước có nền giáo dục phát triển. Bài viết đề cập đến việc vận dụng mô hình B - learning trong  dạy học môn Vật lí ở trường phổ thông. Trên cơ sở phân tích: Khái niệm B-learning; Cấu trúc của B-learning; Thế mạnh của B-learning trong dạy học, tác giả trình bày quy trình tổ chức dạy học Vật lí ở trường phổ thông theo mô hình B-learning. 
     Từ khóa: Mô hình B-learning; dạy học; Vật lí, trường phổ thông.
3. Nguyễn Thị Nhị. Bồi dưỡng năng lực tự học cho học sinh thông qua việc sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học Vật lí ở trường trung học phổ thông
     Phát triển năng lực tự học (NLTH) cho học sinh (HS) trong dạy học Vật lí ở trường phổ thông có vị trí quan trọng, góp phần đào tạo những con người năng động sáng tạo, có năng lực tự chủ. Do đó, trong quá trình dạy học Vật lí  nói riêng, dạy học ở trường phổ thông nói chung giáo viên cần định hướng, chỉ dẫn, tạo niềm đam mê cho HS, giúp HS tự giác, tự lập trong học tập. Sử dụng hợp lí sơ đồ tư duy (SĐTD) trong dạy học đem lại hiệu quả cao trong việc phát triển NLTH cho HS. Tuy nhiên, cần sử dụng phối hợp SĐTD các phương pháp và kĩ thuật dạy học khác nhau nhằm giúp HS phát triển toàn diện. Trên cơ sở đó, bài viết đề cập đến việc bồi dưỡng NLTH cho HS thông qua việc sử dụng SĐTD trong dạy học Vật lí ở trường trung học phổ thông.
     Từ khóa: Năng lực; năng lực tự học; sơ đồ tư duy, học sinh; Vật lí .
4. Nguyễn Danh Nam; Hà Xuân Thành. Vấn đề mô hình hóa trong chương trình sách giáo khoa môn Toán phổ thông
     Bài viết đề cập đến vấn đề mô hình hóa trong chương trình sách giáo khoa môn Toán ở trường phổ thông. Theo tác giả, HS hoàn toàn có thể tham gia vào quá trình mô hình hóa nếu xây dựng được những tình huống phù hợp và tích hợp mô hình hóa trong quá trình dạy học. Thông qua đó, có thể phát triển ở HS năng lực giải quyết vấn đề và xây dựng mô hình toán học phù hợp với thực tế. Trong bài, tác giả cũng đề xuất một số biện pháp tăng cường liên hệ toán học với thực tiễn, lồng ghép phương pháp mô hình hóa nhằm hỗ trợ GV trong dạy học tích hợp, liên môn. Trong bối cảnh CT giáo dục phổ thông đang tiếp cận theo hướng phát triển năng lực HS thì việc tạo cơ hội cho GV và HS xây dựng các mô hình toán học phục vụ cho quá trình dạy học toán là một việc làm rất có ý nghĩa.
     Từ khóa: Mô hình hóa; chương trình; sách giáo khoa; môn Toán.
5. Cao Thị Thặng; Phạm Thị Kim Ngân. Một số đề xuất bước đầu về phát triển năng lực tìm tòi nghiên cứu khoa học cho học sinh thông qua dạy học Hóa học ở trường trung học phổ thông
     Phát triển năng lực tìm tòi nghiên cứu khoa học (NCKH) cho học sinh (HS) thông qua dạy học các môn khoa học tự nhiên nói chung và môn Hóa học nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển năng lực cho HS theo định hướng đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là vấn đề mới, khó nhưng rất thiết thực. Bài viết tập trung làm rõ quan niệm, cấu trúc, biểu hiện cụ thể năng lực tìm tòi NCKH của HS phổ thông và đề xuất ba biện pháp phát triển năng lực tìm tòi NCKH cho HS thông qua dạy học môn Hóa học ở trường trung học.
     Từ khóa: Năng lực tìm tòi nghiên cứu khoa học; dạy học Hóa học; trường trung học phổ thông.
6. Nguyễn Thị Thanh Hồng. Bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên phổ thông qua E-learning
     Năng lực dạy học (NLDH) là năng lực cơ bản của giáo viên (GV), là một trong các yếu tố có vai trò quan trọng nhất đối với việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong các nhà trường. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm nói chung, NLDH nói riêng ở nước ta trong những năm gần đây đã được quan tâm và tiến hành thường xuyên, tuy nhiên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc bồi dưỡng NLDH cho đội ngũ GV phổ thông qua E-learning sẽ giúp chúng ta khắc phục được những hạn chế của hình thức bồi dưỡng truyền thống, góp phần tạo ra môi trường tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng thường xuyên cho GV trong các nhà trường.
     Từ khóa: Năng lực dạy học; giáo viên phổ thông; E-learning.
7. Trần Đình Thuận. Bố trí, sử dụng giáo viên ở trường tiểu học dạy học cả ngày tại các vùng khó khăn
     Dạy học cả ngày là xu thế tất yếu của các trường tiểu học trên thế giới và Việt Nam. Những năm qua, Chương trình Đảm bảo Chất lượng Giáo dục trường học (SEQAP) của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được triển khai tại 36 tỉnh khó khăn nhất. Một trong những điểm quan trọng là vấn đề bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên tại các nhà trường phổ thông. Trong khuôn khổ của bài viết, tác giả đề cập đến tình hình bố trí và sử dụng giáo viên tại các trường tiểu học đang trong quá trình chuyển từ dạy học một buổi sang thực hiện dạy học cả ngày trong tuần. Trên cơ sở đó, đề xuất một số vấn đề liên quan đến chính sách đội ngũ giáo viên tiểu học tại các vùng khó khăn và trên phạm vi cả nước.
     Từ khóa: Bố trí; sử dụng giáo viên; trường tiểu học; vùng khó khăn; dạy học cả ngày.
8. Trần Quang Huy; Phạm Thị Bích Ngọc. Học hỏi của tổ chức trong bối cảnh tự chủ đại học tại Việt Nam
     Học hỏi của tổ chức là một trong các yếu tố quan trọng để trường đại học phát triển bền vững theo đúng định hướng chiến lược của nhà trường. Bài viết phân tích bản chất quá trình học hỏi của tổ chức trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học theo định hướng tự chủ tại Việt Nam. Theo tác giả, trước bối cảnh tự chủ, việc thúc đẩy học hỏi của tổ chức trong các trường đại học là giải pháp quan trọng giúp phát huy tối đa nguồn lực tri thức của các cán bộ quản lí, giảng viên vào hoạt động của nhà trường, từ đó cải thiện kết quả hoạt động nói chung và nâng cao chất lượng đào tạo nói riêng. 
     Từ khóa: Học hỏi của tổ chức; trường đại học; tự chủ đại học.
9. Phạm Thị Lan Phượng. Một số khái niệm then chốt trong nghiên cứu về sự phù hợp của giáo dục đại học đối với thế giới việc làm
     Cùng với sự mở rộng quy mô giáo dục đại học diễn ra trên toàn thế giới từ nửa sau của thế kỉ XX cho đến nay, vấn đề việc làm của sinh viên tốt nghiệp đã thu hút sự quan tâm của giới học giả cũng như các nhà làm chính sách. Bài viết hệ thống lại các khái niệm then chốt trong chủ đề nghiên cứu về sự phù hợp của giáo dục đại học đối với thế giới việc làm, bao gồm: Sơ lược về quá trình phát triển của chủ đề để biết được vị trí của nó trong lĩnh vực nghiên cứu về giáo dục đại học; Phân tích các khái niệm và cách hiểu của những khái niệm này trong lĩnh vực nghiên cứu; Liên hệ về cách sử dụng các khái niệm cơ bản trong nghiên cứu về sự phù hợp của giáo dục đại học đối với thế giới việc làm tại Việt Nam và khuyến cáo về sử dụng các khái niệm này. 
     Từ khóa: Giáo dục đại học; sinh viên; việc làm. 
10. Phạm Thị Hương; Đinh Quang Báo. Quy trình đánh giá năng lực dạy học của sinh viên ngành Sư phạm ở các trường đại học
     Đánh giá năng lực nghề nghiệp của sinh viên là một khâu trọng yếu trong quy trình đào tạo giáo viên ở các trường đại học. Việc xây dựng quy trình đánh giá năng lực dạy học không những đánh giá được mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra, chuẩn nghề nghiệp của sinh viên mà còn đánh giá được kêt quả đào tạo năng lực này ở các trường đại học. Bài viết đưa ra quy trình đánh giá năng lực dạy học của sinh viên ngành Sư phạm dựa trên 4 căn cứ chính, đó là :Mục đích đánh giá; yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo; thực tiễn đánh giá kết quả đào tạo; thực trạng chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo giáo viên. Những căn cứ này là cơ sở lí luận để xây dựng quy trình đánh giá năng lực dạy học của sinh viên ngành Sư phạm gồm 6 giai đoạn:1/ Xây dựng kế hoạch đánh giá; 2/ Thiết kế công cụ đánh giá; 3/ Thử nghiệm bộ công cụ đánh giá, xin ý kiến chuyên gia; 4/ Thu thập thông tin; 5/ Xử lí, phân tích kết quả; 6/ Viết báo cáo và giải thích nguyên nhân kết quả.
     Từ khóa: Sinh viên; năng lực dạy học; ngành Sư phạm.
11. Nguyễn Quang Giao. Áp dụng các phương thức quản lí chất lượng trong quản lí chất lượng quá trình đào tạo ở các trường đại học hiện nay
     Quản lí chất lượng là phương thức quản lí theo chuẩn, được áp dụng trong quá trình sản xuất ngay từ những năm trước cách mạng công nghiệp và sau đó được áp dụng cho giáo dục đại học. Theo cấp độ phát triển, quản lí chất lượng bao gồm các phương thức quản lí từ thấp đến cao là: Kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và quản lí chất lượng tổng thể. Việc áp dụng phương thức quản lí chất lượng cụ thể ở trường đại học phụ thuộc phần lớn vào sự phù hợp giữa trình độ phát triển quản lí chất lượng của nhà trường với các đặc trưng cơ bản của từng phương thức quản lí chất lượng. Bài viết này đề cập đến khái niệm quản lí chất lượng ở trường đại học với các đặc trưng cụ thể của từng phương thức quản lí chất lượng, đề xuất các biện pháp áp dụng các phương thức quản lí chất lượng trong quản lí chất lượng quá trình đào tạo ở trường đại học hiện nay.
Từ khóa: Trường đại học; kiểm soát chất lượng; đảm bảo chất lượng; quản lí chất lượng tổng thể.
12. Nguyễn Thế Dân. Một số đặc điểm và đặc thù hoạt động nghề nghiệp đội ngũ giảng viên các trường đại học sư phạm kĩ thuật
Việc nghiên cứu một số đặc điểm và đặc thù hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên các trường đại học sư phạm kĩ thuật là cơ sở cho giảng viên, cán bộ quản lí hiểu được vai trò, nhiệm vụ đào tạo giáo viên dạy nghề cho các trường công nhân kĩ thuật, các cơ sở đào tạo nghề. Từ đó, những giải pháp hiệu quả sẽ được đề ra trong công tác đào tạo nguồn nhân lực kĩ thuật cho thị trường lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
     Từ khóa: Giảng viên; đại học sư phạm kĩ thuật; nguồn nhân lực kĩ thuật.
13. Nguyễn Thị Liên. Nghiên cứu năng lực sáng tạo của sinh viên sư phạm ngành Giáo dục tiểu học
     Trong sự phát triển của thời đại mới, khoa học sư phạm trọng tâm đang hướng tới phát triển năng lực, từ tiềm năng đến năng lực sáng tạo. Sinh viên sư phạm ngành Giáo dục tiểu học cần được đào tạo, rèn luyện năng lực sáng tạo nhằm giải quyết những nhiệm vụ mang tính lâu dài của nghề nghiệp trong tương lai. Từ đó, với những phương pháp dạy học hiệu quả, việc tổ chức hoạt động đào tạo thay đổi  phù hợp theo yêu cầu của thế kỉ mới.
     Từ khóa: Năng lực sáng tạo; sinh viên sư phạm; giáo dục tiểu học.
14. Bùi Thị Lâm. Giải quyết tình huống sư phạm trong giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở trường mầm non
     Giải quyết các tình huống sư phạm là một kĩ năng quan trọng của người giáo viên trong giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở trường mầm non nhằm tổ chức tốt các hoạt động giáo dục cho trẻ và tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia, học tập và phát triển của trẻ khuyết tật trong lớp học. Bài viết trình bày khái niệm giải quyết tình huống sư phạm trong giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở trường mầm non, những yêu cầu đối với giải quyết tình huống sư phạm trong giáo dục hòa nhập ở trường mầm non, giới thiệu một số tình huống sư phạm thường gặp khi tổ chức hoạt động cho trẻ em ở trường mầm non hòa nhập và gợi ý cách giải quyết.
     Từ khóa: Tình huống sư phạm; giáo dục hòa nhập; trẻ khuyết tật; trường mầm non.
 
THỰC TIỄN GIÁO DỤC:
15. Nguyễn Thị Thúy Dung. Cách ứng phó với Stress của cán bộ quản lí giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh
     Hoạt động quản lí giáo dục là hoạt động trí tuệ đầy áp lực, có thể gây nên stress cho cán bộ quản lí. Bài viết trình bày kết quả khảo sát về thực trạng và hiệu quả các cách ứng phó với stress của cán bộ quản lí giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giới tính, tuổi tác, thâm niên quản lí và loại trường là các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn cách ứng phó với stress của họ. Kết quả khảo sát có thể sử dụng để tuyên truyền và hướng dẫn cho cán bộ quản lí giáo dục về cách ứng phó với stress hiệu quả trong quá trình đảm nhiệm công tác quản lí.
     Từ khóa: Stress; cán bộ quản lí giáo dục; cách ứng phó.
16. Nguyễn Thị Phương Thúy; Nguyễn Thị Sửu; Vũ Quốc Trung. Thiết kế công cụ kiểm tra đánh giá năng lực giải quyết vấn đề trong phần Hóa học hữu cơ cho học sinh lớp 12 trung học phổ thông miền núi phía Bắc thông qua DH dự án
     Năng lực giải quyết vấn đề rất quan trọng trong quá trình dạy học Hoá học cho học sinh trong các trường trung học phổ thông. Trong chương trình Hóa học lớp 12, nội dung phần Hóa học hữu cơ thường gắn với các chất liên quan đến thực tiễn đời sống. Những tri thức này giúp học sinh có nhận thức về thế giới vật chất, góp phần tích cực trong hình thành nhân cách, phẩm chất của người lao động mới nhất là năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Tác giả bài viết giới thiệu nội dung thiết kế và kết quả thực nghiệm bảng kiểm quan sát trong bộ công cụ đánh giá năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh trung học phổ thông miền núi phía Bắc.
     Từ khóa: Năng lực giải quyết vấn đề; dạy học dự án; Hóa học hữu cơ. 
17. Bùi Vũ Hòa. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên trong khuôn khổ dự án giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2
     Việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên là một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong quá trình triển khai đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông của ngành Giáo dục. Dự án Giáo dục Trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 đề xuất một số giải pháp góp phần tăng cường hiệu quả của nhiệm vụ bồi dưỡng cho giáo viên các trường trung học cơ sở thụ hưởng dự án và các trường trong cả nước. Qua đó, xây dựng kế hoạch phù hợp trong việc phát triển công tác bồi dưỡng giáo viên của toàn ngành gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
     Từ khóa: Giáo viên; giáo dục trung học cơ sở; chất lượng.
 
GIÁO DỤC DÂN TỘC:
18. Nguyễn Thị Thu Hà. Thực trạng và giải pháp đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ dân tộc thiểu số
     Cán bộ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) được hiểu là những phụ nữ người DTTS, có chuyên môn, nghiệp vụ, được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội ở trung ương, tỉnh/thành, huyện/quận và xã/phường/thị trấn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ DTTS bao gồm nhiều vấn đề nhưng trong phạm vi của bài viết, tác giả tập trung phân tích thực trạng về nội dung, chương trình, hình thức, điều kiện phương tiện và các chế độ cán bộ nữ DTTS được hưởng khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng. 
     Từ khóa: Cán bộ nữ; dân tộc thiểu số; đào tạo; bồi dưỡng.
19. Kiều Thị Bích Thủy. Một số điểm mới trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú
     Trường phổ thông dân tộc nội trú là loại hình trường chuyên biệt có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng ở vùng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu của loại hình trường lớp này nhằm tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số và nguồn nhân lực có chất lượng cho miền núi. Vừa qua, ngày 15 tháng 01 năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kí ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú. Trong khuôn khổ của bài viết, tác giả trao đổi và bàn luận một số điểm mới của quy chế này.
     Từ khóa: Quy chế; dân tộc thiểu số; phổ thông dân tộc nội trú.
 
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
20. Lê Vân Anh. Tìm hiểu về thử nghiệm chương trình giáo dục phổ thông ở một số nước trên thế giới
     Việc học tập kinh nghiệm triển khai thử nghiệm chương trình giáo dục phổ thông tại một số quốc gia trên thế giới về mục tiêu, nội dung, cách thức tiến hành và phương pháp đánh giá là một yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam. Như vậy, chương trình mới sẽ đáp ứng được các yêu cầu theo hướng đẩy mạnh giáo dục toàn diện nhằm xây dựng nền học vấn phổ thông cơ bản, vững chắc và phát triển năng lực cá nhân của người học, phù hợp với điều kiện học tập của học sinh mỗi vùng miền, đáp ứng yêu cầu xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế.  
     Từ khóa: Chương trình giáo dục phổ thông, kinh nghiệm, giáo dục.
21. Hoàng Thị Minh Anh; Nguyễn Hoàng Giang; Nguyễn Thị Mỹ Anh. Giải pháp giảm tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường ở Ấn Độ và bài học kinh nghiệm 
     Ngày nay, Ấn Độ được thừa nhận là cái nôi của nguồn nhân lực có kĩ năng, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Với một mạng lưới các trường đại học và cao đẳng bao gồm các học viện tiêu chuẩn quốc tế cung cấp chất lượng giáo dục tốt với chi phí học tập và sinh hoạt thấp, Ấn Độ đang nổi lên là một điểm du học hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế. Bài viết đề cập đến hệ thống giáo dục đại học ở Ấn Độ, đưa ra các giải pháp nhằm giảm tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường và rút ra một số bài học kinh nghiệm trong vấn đề giáo dục đại học tại nước này.
     Từ khóa: Giải pháp; thất nghiệp; Ấn Độ; bài học kinh nghiệm.