Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam số 02 - tháng 02 năm 2018

22/05/2018 17:05 GMT+7
Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam tháng 02 năm 2018

1

 

QUẢN LÍ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VĂN HÓA TRƯỜNG ĐẠI HỌC

 

                                                                                    NGUYỄN THỊ THÚY DUNG

                                                                                                Trường Đại học Sài Gòn

                                                                                    Email: thuydung139@gmail.com

                                                                                                           

Tóm tắt: Văn hóa nhà trường là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường đại học. Xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh là yêu cầu cấp thiết đối với bất cứ trường đại học nào muốn phát triển bền vững. Bài viết trình bày khái niệm, cấu trúc, các mặt biểu hiện của văn hóa trường đại học, từ đó phân tích quy trình xây dựng văn hóa nhà trường. Người lãnh đạo, quản lí trường đại học cần quản lí tốt quy trình này thông qua công tác lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra, đồng thời chú ý đến các yếu tố bên trong và bên ngoài nhà trường ảnh hưởng đến việc xây dựng văn hóa trường đại học.

Từ khóa: Quản lí; quá trình; xây dựng; văn hóa trường đại học.

 

2

 

QUY TRÌNH HOẠT ĐỘNG THAM VẤN NGHỀ

CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

 

TRƯƠNG THỊ HOA

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Email: hoatlgd.dhsphn@gmail.com

 

TRỊNH THÚY GIANG

Email: trinhthuygiang159@gmail.com

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Tóm tắt: Tham vấn nghề là quá trình tương tác giữa nhà tham vấn (giáo viên) và học sinh, trong đó nhà tham vấn (giáo viên) vận dụng các kiến thức và kĩ năng của bản thân để trợ giúp học sinh nâng cao năng lực tự giải quyết những khó khăn gặp phải trong quá trình lựa chọn ngành, nghề tương lai. Quy trình hoạt động tham vấn nghề gồm 3 giai đoạn và 11 bước với mục tiêu, nội dung và cách thức thực hiện rõ ràng, cụ thể: Giai đoạn 1 - Chuẩn bị cho hoạt động tham vấn nghề (5 bước); Giai đoạn 2 - Tham vấn nghề cho học sin (4 bước); Giai đoạn 3 - Tổng kết, đánh giá và kinh nghiệm rút ra sau quá trình tham vấn ngành, nghề cho học sinh (2 bước).

Từ khóa: Tham vấn nghề; quy trình; học sinh; trung học phổ thông.

 

 

3

 

NGHIÊN CỨU VỀ VĂN HÓA ỨNG XỬ HỌC ĐƯỜNG

VÀ GIÁO DỤC VĂN HÓA ỨNG XỬ HỌC ĐƯỜNG

 

NGUYỄN DỤC QUANG

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Email: quangnd06@yahoo.com

 

NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ

Trường Đại học Đồng Tháp

 Email: ntnha@dthu.edu.vn

           

Tóm tắt: Văn hóa ứng xử học đường có vai trò quan trọng trong việc góp phần làm nên môi trường thuận lợi cho hoạt động dạy học - giáo dục. Vì vậy, văn hóa ứng xử học đường trở thành một chủ đề được nhiều tác giả trong nước quan tâm nghiên cứu theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Văn hóa ứng xử học đường và giáo dục văn hóa ứng xử học đường đã được các nghiên cứu đề cập thông qua các hướng tiếp cận khác nhau, có thể hệ thống theo hai nhóm: Tiếp cận trực tiếp hoặc tiếp gián tiếp. Các công trình nghiên cứu đã tạo nên nền tảng tri thức quan trọng cho việc tiếp tục nghiên cứu và xây dựng hệ thống lí luận về văn hóa ứng xử học đường và giáo dục văn hóa ứng xử học đường.

Từ khóa: Nghiên cứu; văn hóa ứng xử học đường; giáo dục văn hóa ứng xử học đường.

 

4

 

NĂNG LỰC QUẢN LÍ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC CỦA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH

 

DƯƠNG QUANG NGỌC

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email: duongquangngoc@gmail.com

 

ĐỖ THỊ HỒNG MINH

Trường Trung học cơ sở Tứ Liên - Hà Nội

Email: hongminh8372@gmail.com

 

Tóm tắt: Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng hợp và linh hoạt trong bối cảnh đẩy mạnh việc phân cấp, nâng cao trách nhiệm sẽ tạo động lực, sự chủ động và sáng tạo của trường học. Kết quả là các nhà quản lí và giáo viên nhà trường tự tin hơn trong việc xây dựng, thực hiện và đánh giá chương trình giảng dạy tại các trường học. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lí trường học và giáo viên phải có năng lực cần thiết để quản lí chương trình giảng dạy ở trường một cách có hiệu quả và khả thi.

Từ khoá: Chương trình; quản lí chương trình; năng lực quản lí chương trình.

 

5

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TỒN TẠI TRONG GIÁO DỤC VÀ HỌC TẬP

HIỆN NAY QUA Ý KIẾN CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN

 

                                                           NGUYỄN THỊ QUỲNH HOA

Viện Nghiên cứu Thanh niên

 Email: hoaquynh1801@gmail.com

 

Tóm tắt: Dựa trên kết quả khảo sát 800 học sinh, sinh viên tại Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Cần Thơ năm 2016, bài viết nêu ý kiến nhận định của học sinh sinh viên về một số tồn tại trong giáo dục, học tập hiện nay. Nhìn chung, một số vấn đề cần quan tâm trong giáo dục thời gian qua được học sinh sinh viên đề cập đến như: Mục tiêu giáo dục trong nhà trường còn thiên lệch; Việc đổi mới chương trình đào tạo cũng như đổi mới hình thức thi cử bậc phổ thông còn bất cập; Phương thức giáo dục chưa có sự gắn kết giữa lí thuyết với thực hành, chưa khuyến khích khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh sinh viên; Chất lượng giáo viên còn hạn chế cả về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Mong đợi chủ yếu của học sinh sinh viên hiện nay là mục tiêu, phương pháp giáo dục của nhà trường cần đổi mới theo hướng tạo điều kiện, môi trường giúp người học vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tiễn; hình thành được kĩ năng, tư duy làm việc độc lập, tích cực, sáng tạo...

Từ khóa: Học sinh; sinh viên; giáo dục; học tập.

 

6

 

CHÍNH SÁCH CỬ TUYỂN

NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN TỒN TẠI TRONG QUÁ TRÌNH THỰC THI

 

TRẦN THỊ YÊN

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email: yenttdt@gmail.com

 

TRƯƠNG KHẮC CHU

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

  Email: tkchu2@gmail.com

 

          Tóm tắt: Cử tuyển là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo nguồn nhân lực tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có hoàn cảnh kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính sách này đã được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục và thực hiện từ năm 1990 đến nay. Sau gần 30 năm thực hiện chính sách cử tuyển, bên cạnh những thành tựu đạt được còn bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt trong thực thi chính sách cử tuyển. Bài viết phân tích những vấn đề còn tồn tại trong thực thi chính sách cử tuyển một cách khách quan, toàn diện và lịch sử cụ thể, đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân của tồn tại làm tiền đề cho việc đề xuất hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển có chất lượng, đạt hiệu quả cao. 

          Từ khóa: Chính sách cử tuyển; chế độ cử tuyển; dân tộc thiểu số.

 

7

 

ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC VI MÔ KẾT HỢP VỚI

BÀI GIẢNG E-LEARNING ĐỂ RÈN LUYỆN MỘT SỐ KĨ NĂNG

DẠY HỌC CHO SINH VIÊN NGÀNH SƯ PHẠM HÓA HỌC

 

                                                                             NGUYỄN MẬU ĐỨC

                             Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên

Email: mauducsptn@gmail.com

 

Tóm tắt: E-Learning là một phương thức dạy học mới dựa trên Công nghệ thông tin và truyền thông. Với E-Learning, việc học trở nên linh hoạt và mở. Việc kết hợp áp dụng phương pháp dạy học vi mô với bài giảng E-Learning thông qua học phần Thí nghiệm phương pháp dạy học Hóa học cho sinh viên sư phạm Hóa học nhằm nâng cao năng lực tự học và rèn luyện một số kĩ năng dạy học Hóa học cho sinh viên, góp phần đổi mới phương pháp dạy học Hóa học ở trường đại học sư phạm theo học chế tín chỉ.

Từ khóa: E-Learning; phương pháp dạy học; kĩ năng; sư phạm Hóa học; dạy học vi mô.

 

8

 

NĂNG LỰC HỢP TÁC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CỦA HỌC SINH

PHỔ THÔNG TRONG DẠY HỌC HÓA HỌC

 

TRẦN TRUNG NINH

 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 Email

VŨ PHƯƠNG LIÊN   

 Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội

Email: hssvsvhs@yahoo.com

 

          Tóm tắt: Bằng phương pháp nghiên cứu lí luận, bài viết đề xuất cấu trúc năng lực hợp tác giải quyết vấn đề của học sinh phổ thông, hình thành qua dạy học Hóa học. Theo tác giả bài viết, năng lực hợp tác giải quyết vấn đề là năng lực tổng hợp của yếu tố cá nhân và xã hội, thể hiện khả năng giải quyết vấn đề thông qua hợp tác nhóm. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất cụ thể các tiêu chí dùng để đánh giá cũng như là cơ sở để thiết kế các hoạt động, nhiệm vụ học tập giúp phát triển năng lực hợp tác giải quyết vấn đề của học sinh. Việc cụ thể hóa các tiêu chí ở 03 mức độ đánh giá khác nhau là cơ sở để tác giả đề xuất một số hình thức và công cụ đánh giá như: phiếu tự đánh giá, hồ sơ học tập, bảng kiểm dùng quan sát hoạt động, Rubric đánh giá hoạt động sản phẩm nhóm.

 

          Từ khóa: Năng lực; năng lực hợp tác; giải quyết vấn đề; học sinh; Hóa học.

 

9

 

TRÍ TƯỞNG TƯỢNG KHÔNG GIAN

VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG GIÁO DỤC TOÁN HỌC

 

ĐÀO TAM

Trường Đại học Vinh

Email: daotam.32@gmail.com

 

ĐẬU ANH TUẤN

Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An

 Email: dauanhtuancdsp@gmail.com

 

 Tóm tắt: Bài viết đưa ra quan niệm về không gian, trí tưởng tượng không gian thông qua các khả năng đặc trưng. Đặc biệt, trong bài viết, tác giả nhấn mạnh vai trò của việc phát triển trí tưởng tượng không gian đối với việc nhận thức hình học. Một số thể hiện của trí tưởng tượng không gian trong học toán và trong thực tế. Theo tác giả bài viết, trí tưởng tượng không gian có vai trò quan trọng trong giáo dục toán học cho học sinh, không chỉ trong giải quyết các bài toán toán học mà còn có nhiều ứng dụng trong giải quyết vấn đề thực tế.

       Từ khóa: Không gian; trí tưởng tượng không gian; giáo dục; toán học.

 

10

 

BIỆN PHÁP ĐẶT CÂU HỎI GÓP PHẦN RÈN LUYỆN

KĨ NĂNG SIÊU NHẬN THỨC CHO HỌC VIÊN

TRONG DẠY HỌC MÔN XÁC SUẤT VÀ THỐNG KÊ

 

LÊ BÌNH DƯƠNG

 Trường Đại Học Chính trị

Email: duong1109@gmail.com               

 

Tóm tắt: Siêu nhận thức và các kĩ năng siêu nhận thức được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu và vận dụng vào quá trình dạy học. Việc dạy học theo hướng rèn luyện cho học viên một số kĩ năng siêu nhận thức sẽ góp phần phát triển tư duy cho học viên. Bài viết trình bày về siêu nhận thức, một số kĩ năng siêu nhận thức, biện pháp đặt câu hỏi góp phần rèn luyện kĩ năng siêu nhận thức cho học viên trong dạy học môn Xác suất Thống kê.

Từ khoá: Siêu nhận thức; kĩ năng siêu nhận thức; môn Xác suất Thống kê.

 

11

 

QUY TRÌNH DẠY HỌC MÔN PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TOÁN

 CHO SINH VIÊN GIÁO DỤC TIỂU HỌC

BẰNG PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP

 

NGUYỄN THỊ KIỀU

Trường Đại học Đồng Tháp

Email: kieunguyenspdt@gmail.com

 

Tóm tắt: Thay đổi cách tiếp cận dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học là góp phần quan trọng để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Việc đổi mới phương pháp dạy học ở nhà trường sư phạm theo hướng tăng cường tổ chức hoạt động học thông qua hoạt động sinh viên chủ động học tập, phát triển tư duy, khả năng giải quyết vấn đề, sẵn sàng thích ứng với những tình huống nảy sinh trong học tập và rèn luyện, phát triển năng lực chuyên môn và năng lực nghề nghiệp. Bài viết trình bày quy trình tổ chức dạy học bằng phương pháp nghiên cứu trường hợp vào môn học Phương pháp dạy học Toán cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học. Kết quả thực nghiệm đã chứng minh được những ưu điểm của việc sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp trong dạy học và đáp ứng được cách dạy học phát triển năng lực nghề nghiệp.

Từ khóa: Quy trình dạy học; phương pháp nghiên cứu trường hợp; giáo dục tiểu học.

 

12

 

TẠO CẢM HỨNG HỌC TẬP CHO SINH VIÊN

TRONG CÁC GIỜ TÂM LÍ - GIÁO DỤC HỌC

Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM

 

VÕ THỊ THANH

Trường Cao đẳng Sư phạm Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Email: Thanhcdspvt@gmail.com

                                        

Tóm tắt: Bài viết đề cập đến khái niệm cảm hứng và cảm hứng học tập, chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến cảm hứng học tập và đề xuất những giải pháp tạo cảm hứng học tập cho sinh viên trong các giờ Tâm lí - Giáo dục học ở trường cao đẳng sư phạm. Những biện pháp tạo cảm hứng học tập cho sinh viên, bao gồm: Cải tiến phương pháp dạy học; Đánh giá sở trường của sinh viên; Hướng dẫn sinh viên ứng dụng tâm lí học vào giáo dục và cuộc sống qua việc thiết kế kịch bản dạy học các học phần Tâm lí học; Kĩ năng sử dụng các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ; Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực đối với nghề dạy học. Việc tạo môi trường học tập thân thiện cũng như chọn lọc nội dung giảng dạy cũng cần được giảng viên chú ý chọn lọc kĩ càng. Giảng viên cần hiểu sâu sắc và nhận thấy được sự cần thiết phải tạo cảm hứng học tập cho sinh viên. Từ đó, giảng viên tích cực rèn luyện để có thể tổ chức những giờ học gây cảm hứng học tập cho sinh viên.

          Từ khóa: Cảm hứng học tập; sinh viên; cao đẳng sư phạm.

 

13

 

NĂNG LỰC CỦA NỮ TRÍ THỨC SAU TUỔI NGHỈ HƯU

 

NGUYỄN HOÀNG ANH

Học viện Phụ nữ Việt Nam

   Email: hoanganh@vwa.edu.vn

 

Tóm tắt: Tiếp cận từ nhu cầu của Việt Nam về nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng, phát triển nền kinh tế tri thức, từ các căn cứ thực tiễn và đặc biệt là khả năng cống hiến thực tế của đội ngũ nữ trí thức ở độ tuổi trên 55, tác giả chứng minh rằng ở độ tuổi đó, nữ trí thức vẫn còn đủ sức khỏe để làm việc, đang ở độ tuổi chín muồi về bản lĩnh nghề nghiệp, trình độ và kinh nghiệm chuyên môn, tự tạo được sự ổn định cân bằng trong cuộc sống riêng, có điều kiện tập trung trí tuệ, tâm huyết và thời gian cho công việc. Nữ trí thức nghỉ hưu ở độ tuổi 55 vừa là sự bất bình đẳng về cơ hội thăng tiến, phát triển của nữ, vừa làm lãng phí nguồn nhân lực trí tuệ cao trong công cuộc phát triển đất nước. Từ những lập luận trên, tác giả đề xuất một số giải pháp phát huy, khai thác năng lực thực tế của đội ngũ nữ trí thức sau tuổi nghỉ hưu.

Từ khóa: Trí thức; nữ trí thức; tuổi nghỉ hưu; năng lực của nữ trí thức đã nghỉ hưu; quy định tuổi nghỉ hưu.

 

14

 

PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC CỦA CHUYÊN VIÊN

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỚC YÊU CẦU

 ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

DƯƠNG VĂN THƯ

       Phòng GD&ĐT huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh

Email: duongthu72@yahoo.com

Tóm tắt: Đội ngũ chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo có vai trò quan trọng trong việc tham mưu đề xuất, thực thi công tác quản lí nhà nước về giáo dục trên địa bàn quận huyện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Phát triển đội ngũ chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo là một phần của phát triển nguồn nhân lực, vì vậy việc phát triển đội ngũ này phải dựa trên lí thuyết về phát triển nguồn nhân lực nói chung. Trong bài viết này tác giả đưa ra một trong những yêu cầu quan trọng, cần thiết để phát triển đội ngũ chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo là xác định rõ yêu cầu về phẩm chất, năng lực của họ.

Từ khóa: Phẩm chất; năng lực; chuyên viên; phòng giáo dục và đào tạo.

 

15

 

CĂN CỨ XÂY DỰNG CHUẨN HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG MẦM NON

 

 

NGUYỄN THỊ THANH

Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen

- Trường CĐSP Trung ương

Email: thanhtw76@gmail.com

Tóm tắt: Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lí ngành Giáo dục Mầm non đáp ứng yêu cầu đổi của đất nước đang là vấn đề đặt ra đối với ngành Giáo dục. Bài viết trình bày căn cứ xây dựng Chuẩn Hiệu trưởng trường mầm non dựa trên kinh nghiệm trong nước và trên thế giới. Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tiến hành xây dựng Chuẩn Hiệu trưởng trường mầm non và ban hành thông tư hướng dẫn sử dụng Chuẩn Hiệu trưởng trường mầm non phù hợp với thực tiễn của đất nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Căn cứ; xây dựng; chuẩn hiệu trưởng; mầm non; năng lực.

 

16

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC QUẢN LÍ NHÀ NƯỚC VỀ BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

 

NGUYỄN THỊ THU HÀ

Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo

                                                Email: nguyenthithuha.mrs@gmail.com

 

 

Tóm tắt: Phát triển nguồn nhân lực luôn là vấn đề then chốt của mọi tổ chức và luôn được các nhà lãnh đạo quan tâm. Phát triển đội ngũ công chức quản lí nhà nước về biển và hải đảo bao gồm các nội dung: Xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ công chức quản lí nhà nước về biển và hải đảo, tuyển dụng công chức, bố trí đội ngũ công chức, đào tạo và bồi dưỡng công chức, đánh giá thực hiện nhiệm vụ và chính sách đãi ngộ nhằm tạo động lực làm việc đối với đội ngũ công chức quản lí nhà nước về biển và hải đảo.

          Từ khóa: Phát triển; đội ngũ công chức quản lí nhà nước; biển; hải đảo.

 

17

 

BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH

QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH TẠI ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

 

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội

Email: nguyenhuongkhtc@gmail.com

 

 

Tóm tắt: Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo đại học hàng đầu Việt Nam, có sứ mệnh: “Đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, làm nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”. Để hoàn thành sứ mệnh này, nguồn vốn hàng năm Đại học Quốc gia Hà Nội cần sử dụng rất lớn, trong khi nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Trường cũng như nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước của Trường mặc dù cao hơn so với mặt bằng chung nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu phát triển của nhà trường. Vì vậy, việc giải quyết bài toán tăng cường nguồn lực tài chính và hiệu quả quản quản lí tài chính tại Đại học Quốc gia Hà Nội là vấn đề vô cùng cấp thiết hiện nay.

Từ khóa: Nguồn lực tài chính; quản trị tài chính; hiệu quả sử dụng vốn; ngân sách nhà nước; Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

18

 

XÂY DỰNG QUY TRÌNH RÈN LUYỆN KĨ NĂNG TỰ HỌC

HỌC PHẦN DI TRUYỀN HỌC CHO SINH VIÊN NGÀNH SƯ PHẠM

SINH HỌC TRONG MÔI TRƯỜNG E - LEARNING

TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH

 

LÊ KHÁNH VŨ

 Trường Đại học Quảng Bình

Email: vulk@qbu.edu.vn

VĂN THỊ THANH NHUNG

Trường Đại học Sư phạm Huế

Email: vanthanhnhung@gmail.com

 

Tóm tắt: Học phần Di truyền học là một học phần rất quan trọng, đặc trưng của các trường sư phạm. Học phần cung cấp các kiến thức cơ bản, hiện đại, thực tiễn và có hệ thống về nội dung di truyền học. Trong bài viết này, tác giả đề xuất quy trình rèn luyện kĩ năng tự học trong môi trường E - learning nhằm phát huy tích cực trong hoạt động tự học, góp phần nâng cao chất lượng học tập của sinh viên.

Từ khóa: Quy trình; kĩ năng tự học; di truyền học; môi trường E - learning.

 

19

 

QUẢN LÍ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN

TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ QUÂN ĐỘI

Ở KHU VỰC DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG

 

LÊ HUỲNH QUỐC VŨ

Trường Cao đẳng Nghề số 23 - Bộ Quốc phòng

Email: quocvu1976@gmail.com

 

 

Tóm tắt: Đội ngũ giảng viên dạy nghề ở quân đội thuộc Bộ Quốc phòng có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp giáo dục và hiệu quả của quản lí giáo dục nghề nghiệp phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của mỗi  giảng viên quân đội. Để đánh giá thc trạng đội ngũ giảng viên và thc trạng quản lí phát trin đội ngũ giảng viên các trường cao đẳng nghề ở khu vực Duyên hải miền Trung, tác giả đã thực hiện khảo sát các đối tưng chuyên gia trong lĩnh vực dy nghề, cán bộ quản lí ở các sở lao động, thương binh và xã hội, cán bộ quản lí một số giảng viên ở các trường cao đẳng nghề thông qua mẫu phiếu điều tra khảo sát.

Từ khóa: Quản lí; phát triển; đội ngũ giảng viên; cao đẳng nghề quân đội; Duyên hải miền Trung.

 

20

 

NGHIÊN CỨU CHƯƠNG TRÌNH MÔN XÁC SUẤT - THỐNG KÊ

NGÀNH KINH TẾ, KĨ THUẬT Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI

VIỆT NAM THEO HƯỚNG DẠY HỌC HỖ TRỢ NGHỀ NGHIỆP

CHO SINH VIÊN

MAI VĂN THI

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Email: maivanthi@gmail.com

 

Tóm tắt: Một trong những năng lực quan trọng của sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nói chung và sinh viên các ngành Kinh tế, Kĩ thuật hàng hải nói riêng đó là vận dụng Xác suất - Thống kê trong nghề nghiệp sau này. Để trang bị cho sinh viên được năng lực đó thì yếu tố đầu tiên phải kể đến là nội dung chương trình giảng dạy môn học này. Vì vậy, trong khuôn khổ  bài viết này, tác giả sẽ nêu ra thực trạng chương trình môn học Xác suất - Thống kê tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng nội dung chương trình theo hướng dạy học hỗ trợ nghề nghiệp cho sinh viên.

Từ khóa: Nghiên cứu; chương trình; môn Xác suất - Thống kê; ngành Kinh tế - Kĩ thuật; hỗ trợ nghề nghiệp.

 

21

 

ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG:

KINH NGHIỆM TỪ CÁC NƯỚC PHÁT TRIỂN

 

BÙI VIỆT PHÚ

Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng

Email: vphuspdn@gmail.com

                                                            

Tóm tắt: Việc tổng kết kinh nghiệm đào tạo giáo viên phổ thông hiện nay đang là vấn đề cấp bách không chỉ đối với giáo dục Việt Nam mà cả đối với các nền giáo dục lớn trên thế giới. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo giáo viên của các nước phát triển gồm: Hoa Kì, Phần Lan, Cộng hòa liên bang Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore… để rút ra những kinh nghiệm quý báu cho việc đổi mới đào tạo giáo viên ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Từ đó, đề xuất các giải pháp tổ chức mô hình đào tạo giáo viên hiện nay, trong đó nhấn mạnh việc duy trì và phát triển mô hình đào tạo truyền thống và đào tạo nối tiếp là giải pháp phù hợp nhất hiện nay đối với Việt Nam.

Từ khóa: Đào tạo; giáo viên; giáo viên phổ thông; kinh nghiệm quốc tế.

 

22

 

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ SỬ DỤNG CƠ CHẾ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG ĐỂ CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG KHU VỰC CÔNG

 

VŨ TRƯỜNG AN

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

                                   Email: vutruongan1991@gmail.com

Tóm tắt: Hiệu quả lao động của cán bộ, công nhân viên chức đóng vai trò tối quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ công. Dựa trên kinh nghiệm của nhiều quốc gia, các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy Chính phủ có thể áp dụng nhiều chiến lược khác nhau như sử dụng cơ chế thi đua khen thưởng rõ ràng, hợp lí, và quy trình tuyển dụng minh bạch để nâng cao và duy trì động lực làm việc, cũng như thu hút nhân tài đến với khu vực nhà nước. Trong đó, cơ chế thi đua khen thưởng được coi là một công cụ hữu ích.

Từ khóa: Hiệu quả lao động; cơ chế thi đua khen thưởng; khu vực công; chất lượng dịch vụ công.