Hội thảo khởi động “Giới thiệu bộ tài liệu Đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội”
Sáng ngày 26/12/2024, tại Khách sạn ADONIS - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tổ chức UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi động “Giới thiệu bộ tài liệu Đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội (EQUIP)”
Đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội là một dự án của UNICEF/ WHO nhằm nâng cao năng lực cho những nhân viên hỗ trợ làm công tác tư vấn, cung cấp dịch vụ trong nhiều lĩnh vực, dành cho những người làm việc với người lớn và trẻ em. Hội thảo định hướng giới thiệu bộ tài liệu “Đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội (EQUIP)” nhằm giới thiệu về bộ công cụ và có những định hướng thích ứng bộ công cụ này vào Việt Nam trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần và kỹ năng hỗ trợ tâm lý xã hội cho đội ngũ giáo dục, góp phần xây dựng môi trường học đường lành mạnh và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên trao đổi, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm về phát triển đội ngũ giảng viên, giám sát viên, quản lý chương trình và nhân viên tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các tổ chức, trung tâm làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.
Tham dự Hội thảo có khoảng 80 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên và giáo viên đến từ các trường đại học, các cơ sở giáo dục, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, các cơ sở giáo dục phổ thông và đại diện lãnh đạo các đơn vị và cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các đại biểu và bày tỏ lời cảm ơn tới Tổ chức UNICEF đã cùng đồng hành với nhiều hoạt động của Viện trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh sức khỏe tâm thần trong xã hội hiện đại ngày càng trở thành vấn đề quan trọng vì mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại chịu tác động rất nhiều từ áp lực công việc, truyền thông xã hội, và nhịp sống nhanh. Khi chăm sóc sức khỏe tâm thần trở thành một ưu tiên, xã hội sẽ có một cộng đồng khỏe mạnh hơn, nơi mọi người đều có cơ hội sống trọn vẹn và phát triển. Điều này đóng góp vào sự phát triển bền vững và ổn định của cả xã hội. Việc phát triển số lượng, chất lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên viên làm công tác tư vấn góp phần quan trọng trong đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.
Chương trình Hội thảo bắt đầu với Phiên 1: Giới thiệu về bộ công cụ đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội (EQUIP) tại Việt Nam.
Bà Lê Anh Lan - Chuyên gia Giáo dục, Tổ chức UNICEF Việt Nam giới thiệu tài liệu “Đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội (EQUIP)” của Tổ chức UNICEF. EQUIP cung cấp các nguồn lực có sẵn miễn phí để hỗ trợ đào tạo dựa trên năng lực và đánh giá năng lực. Những nguồn lực này có thể được sử dụng để đào tạo, giám sát và theo dõi các kỹ năng hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội để hỗ trợ cung cấp dịch vụ an toàn và hiệu quả. EQUIP có thể được áp dụng đồng thời với các khóa đào tạo khác, kéo dài từ vài ngày đến nhiều năm. Hiện nay, bộ công cụ này đã được 36 nước trên toàn thế giới đang sử dụng với nhiều ngôn ngữ khác nhau và đã có 3760 người được tập huấn sử dụng một cách chính thức.
Bà Dương Thị Oanh và ông Đỗ Đức Lân - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam giới thiệu bộ công cụ ENACT (dành cho người lớn), bộ công cụ WEACT (dành cho trẻ em và thanh thiếu niên) và cách chấm điểm.
Mười lăm kĩ năng hỗ trợ cơ bản khi làm việc với người trưởng thành gồm: (1) Giao tiếp phi ngôn ngữ và lắng nghe chủ động; (2) Kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ; (3) Giải thích và nâng cao tính chất bảo mật; (4) Xây dựng mối quan hệ và bộc lộ bản thân; (5) Khám phá và điều chỉnh cảm xúc; (6) Thể hiện sự đồng cảm, ấm áp và chân thành; (7) Đánh giá tác hại đối với bản thân, tác hại đối với người khác, tác hại từ người khác và xây dựng kế hoạch phối hợp phản ứng; (8) Liên hệ với chức năng xã hội và các tác động đến cuộc sống; (9) Nghiên cứu lời giải thích của khách hàng và của mạng lưới hỗ trợ xã hội đối với vấn đề (mô hình nguyên nhân và giải thích); (10) Các thành viên gia đình và những người thân thiết khác tham gia ở mức độ phù hợp; (11) Phối hợp xây dựng mục tiêu và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng; (12) Khuyến khích suy nghĩ tích cực, thực tế về sự thay đổi; (13) Kết hợp các cơ chế ứng phó và các giải pháp từng áp dụng; (14) Giáo dục tâm lý và sử dụng thuật ngữ địa phương; (15) Đưa ra lời khuyên, gợi ý và đề xuất, và thu thập phản hồi.
Mười ba kĩ năng hỗ trợ cơ bản khi làm việc với trẻ em và thanh thiếu niên gồm: (1) Giao tiếp không lời; (2) Giao tiếp bằng lời nói; (3) Xây dựng mối quan hệ; (4) Sự cảm thông, ấm áp, chân thành; (5) Hỗ trợ điều chỉnh suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực ở trẻ; (6) Khả năng xác định vấn đề hoặc nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của trẻ; (7) Giải quyết vấn đề; (8) Nhận diện hành vi lạm dụng, bóc lột, bỏ rơi, bạo hành trẻ em và tự hại; (9) Phản hồi cho trẻ; (10) Công nhận và thúc đẩy quyền tự quyết của trẻ trong trị liệu; (11) Quản lý hành vi - thể hiện kỹ năng quản lý hành vi; (12) Tổ chức làm việc nhóm hiệu quả; (13) Kỹ năng hòa nhập (nhóm).
Báo cáo “Thực trạng năng lực tư vấn của đội ngũ giảng viên, giám sát viên và quản lý chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong nhà trường Việt Nam” do PGS. TS Nguyễn Hồng Thuận - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày. Báo cáo chỉ ra những thành tựu đã đạt được: (1) Đúng nhu cầu: Thành công trong khơi dậy sự tò mò, hứng thú và nảy sinh nhu cầu tìm đến tư vấn tâm lý ngày càng cao ở học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh; (2) Thúc đẩy xây dựng môi trường giáo dục: Các cơ sở giáo dục biết đến tư vấn tâm lý nhiều hơn và kỳ vọng có thể tác động và góp phần vào xây dựng môi trường học tập tích cực, chủ động; (3) Tiếp cận phù hợp: Tiếp cận tâm lý học trong xây dựng mô hình giáo dục, nhiều trường, cán bộ quản lý, giáo viên đã thay đổi nhận thức trong chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh và của chính bản thân các thầy cô giáo; (4) Đòi hỏi cấp thiết: Nhu cầu tư vấn, tham vấn tâm lý và được bảo vệ ở học sinh là rất lớn và ngày càng tăng lên.
Phiên 2. Kế hoạch thực hiện hoạt động thích ứng bộ công cụ đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội (EQUIP) tại Việt Nam năm 2025 là phần trao đổi thông tin do GS. TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và bà Lê Anh Lan - Chuyên gia Giáo dục, Tổ chức UNICEF Việt Nam điều hành.
Các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tập trung vào các nội dung: Bộ công cụ cần Việt hóa phù hợp với bối cảnh văn hóa - xã hội của Việt Nam; Bộ công cụ cần được đưa vào chương trình bồi dưỡng cho cán bộ tư vấn tâm lý, nhân viên công tác xã hội và chương trình đào tạo của các trường sư phạm để chuẩn bị một đội ngũ giáo viên ra trường vừa có tâm vừa có năng lực; Cần sớm thể chế hóa công tác đánh giá năng lực của đội ngũ nhân viên tư vấn tâm lý trong bối cảnh nhu cầu xã hội tăng cao và các trung tâm tư vấn tâm lý phát triển nhanh chóng;…
Đây là Hội thảo khởi động để tạo tiền đề cho chuỗi hoạt động tiếp theo vào năm 2025 được thực hiện với sự phối hợp giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Tổ chức UNICEF Việt Nam.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam
Tin bài liên quan đến Hội thảo: