Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu về đánh giá tiếp cận công bằng giáo dục với trẻ em nhập cư tại khu công nghiệp và khu chế xuất

28/12/2024 23:57 GMT+7
Chiều ngày 26/12/2024, tại Khách sạn Adonis - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tổ chức UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu về đánh giá tiếp cận công bằng giáo dục với trẻ em nhập cư tại khu công nghiệp và khu chế xuất theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Trong khuôn khổ triển khai Dự án Học tập và Kỹ năng cho trẻ em năm 2023 và 2024, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức hoạt động nghiên cứu về đánh giá tiếp cận, công bằng giáo dục với trẻ nhập cư ở các khu công nghiệp và khu chế xuất. Dự án tập trung nghiên cứu chính với đối tượng học sinh tiểu học ở các địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh,… nơi có mật độ người lao động nhập cư cao, đặt ra nhiều thách thức cho việc đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng.
 
Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu về đánh giá tiếp cận, công bằng giáo dục với trẻ nhập cư ở các khu công nghiệp và khu chế xuất, nhằm trình bày những phát hiện quan trọng; đồng thời, tạo diễn đàn để trao đổi, thảo luận về tình hình giáo dục cho trẻ em nhập cư; đề xuất các giải pháp thực tiễn hướng đến một môi trường giáo dục công bằng, toàn diện, phát triển bền vững và đảm bảo quyền lợi cho mọi trẻ em.
 
 
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đặt vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo. Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quá trình đô thị hóa và dịch chuyển lao động đã dẫn đến những biến đổi lớn về cơ cấu dân cư. Một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất là trẻ em nhập cư - những em nhỏ theo chân cha mẹ đến các tỉnh thành khác để tìm kiếm cơ hội việc làm. Đáng chú ý, phần lớn các em thuộc nhóm tuổi nhỏ như mầm non và tiểu học - lứa tuổi rất cần sự chăm sóc, giáo dục, và định hướng để phát triển toàn diện. Trẻ em nhập cư phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tiếp cận giáo dục. Làm thế nào để đảm bảo rằng mọi trẻ em, dù ở bất kỳ đâu, đều được hưởng quyền học tập và hòa nhập, chính là trách nhiệm chung của chúng ta.
 
 
Bà Lê Anh Lan - Chuyên gia giáo dục, Tổ chức UNICEF Việt Nam trong phát biểu chào mừng Hội thảo cũng đưa ra nhận định: Công bằng trong giáo dục không chỉ là vấn đề về mặt lý thuyết mà còn cần phải được hiện thực hóa qua các chính sách cụ thể và hành động thiết thực. Việc xây dựng một hệ thống giáo dục công bằng và bao trùm cho trẻ em nhập cư có cha mẹ là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ giúp các em có cơ hội phát triển tương lai mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.
 
 
Ông Nguyễn Văn Chiến - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày “Báo cáo tổng quan chính sách về công bằng trong tiếp cận giáo dục cho trẻ nhập cư tại các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam”. Báo cáo gồm các nội dung chính: Chính sách về quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em; Chính sách thực hiện hoạt động hỗ trợ tiếp cận giáo dục công bằng; Chính sách về cơ sở hạ tầng trường học trong các khu công nghiệp, chế xuất; Thực trạng phát triển khu công nghiệp, chế xuất tại Việt Nam; Các sáng kiến, chương trình dự án các bộ, ngành, địa phương; Đề xuất, kiến nghị. Vấn đề đặt ra là thực tế việc triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp tại các địa phương còn chưa được đầy đủ và đồng bộ với việc phát triển đô thị, khu công nghiệp, do hạn chế về các nguồn lực thực hiện.
 
 
Báo cáo “Tiếp cận công bằng giáo dục cho trẻ nhập cư có cha mẹ là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất” do ông Nguyễn Lê Thạch và TS. Phạm Thị Hồng Thắm - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày. Báo cáo làm rõ thực trạng tiếp cận công bằng trong giáo dục của học sinh tiểu học có cha mẹ là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng với hình thức thu thập thông tin thông qua bảng hỏi đối với giáo viên và cha mẹ học sinh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng với hình thức phỏng vấn sâu các đối tượng có liên quan. Báo cáo chỉ ra những rào cản trong việc tiếp cận giáo dục của trẻ em nhập cư, như: khó khăn về hộ khẩu, chi phí học tập, sự hòa nhập văn hóa – xã hội, cơ hội tham gia các hoạt động cộng đồng, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ do điều kiện thiếu thời gian và vật chất,…
 

Đại biểu thảo luận tại hội thảo
 
 
Tiếp theo chương trình, ông Đỗ Đức Lân - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam điều hành phiên thảo luận, xin ý kiến góp ý của toàn thể đại biểu trực tiếp và trực tuyến. Các đại biểu tích cực đưa ra các ý kiến đóng góp cho báo cáo của nhóm nghiên cứu được toàn diện và sâu rộng hơn; đồng thời, cũng chỉ ra những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách thiết thực.
 
Trong phát biểu tổng kết hội thảo, GS-Viện trưởng Lê Anh Vinh khái quát hóa các giải pháp liên quan đến vấn đề trẻ em nhập cư ở khu công nghiệp và khu chế xuất bao gồm: Tiếp cận, điều kiện đảm bảo, và chất lượng. Cần cụ thể hóa trong báo cáo và đề xuất giải pháp những vấn đề như: quản lý hồ sơ học sinh tại trường và khi chuyển trường đến địa phương khác; rà soát quy hoạch giáo dục địa phương; chế độ hỗ trợ học phí; cơ sở vật chất của trường học; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên dạy các lớp đa dạng đối tượng học sinh; tác động tới phụ huynh, tư vấn cho tâm lý cho phụ huynh; trang bị kĩ năng cho học sinh;…
 
 
Các đại biểu tham dự hội thảo
  
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam