Đến dự hội thảo có sự tham gia của ông Lê Như Xuyên,Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, các thành viên của đề tài, các đại diện các đơn vị nghiên cứu cùng toàn thể cán bộ của Trung tâm.
Mục tiêu của đề tài là đề xuất mô hình trường tiểu học dân tộc khu vực miền núi phía Bắc trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục VIệt Nam trên cơ sở nghiên cứu thực trạng những thành tố của mô hình trường tiểu học đã hình thành ở khu vực miền núi phía Bắc trong giai đoạn 2000 – 2010
Với mục tiêu đó, những vấn đề chính được trình bày và thảo luận bao gồm:
- Trực trạng giáo dục tiểu học ở khu vực miền núi phía Bắc;
- Mô hình trường tiểu học dân tộc khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Theo chủ nhiệm đề tài, ở khu vực miền núi phía Bắc, trường tiểu học được phủ kín đến các xã/ phường/ trị trấn, điểm trường tiểu học phủ kín các thôn/ bản/ cụm dân cư đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh các dân tộc trong khu vực. Quy mô trường tiểu học, học sinh và giáo viên ở khu vực miền núi phía Bắc ngày càng tăng. Tính đến năm 2014, số trường tiểu học ở khu vực miền Bắc là 2959, tỉ lệ trường đạt chuẩn là 43,1%; số học sinh hơn 1 triệu với tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số là 63,85%; số giáo viên gần 72.000 với tỷ lệ giáo viên dân tộc thiếu số là 43,99%. Nhưng khu vực miền núi phía Bắc vẫn tồn tại những khó khăn tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng giáo dục tiểu học, đến sự phát triển bền vững của giáo dục. Đó là những khó khăn về cơ sở vật chất, những khó khăn từ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, từ phía học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng.
Với thực trạng đó cùng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nhóm đề tài đã đề xuất một mô hình trường tiểu học dân tộc, với các thành tố, các đặc trưng cơ bản và các giải pháp thực hiện. Mô hình trường tiểu học dân tộc dự kiến được triển khai theo hai giai đoạn. Giai đoạn một là tổ chức thử nghiệm thí điểm mô hình trường tiểu học dân tộc. Giai đoạn hai là triển khai đại trà mô hình trường tiểu học dân tộc ở các trường đủ điều kiện ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Cuối cùng là kiến nghị với Quốc hội bổ sung trường tiểu học dân tộc vào nhóm trường chuyên biệt trong Luật Giáo dục.
Hội thảo cũng đã tiến hành chia sẻ, trao đổi, thảo luận về cơ sở xây dựng mô hình, các thành tố trong mô hình và sự vận động của các thành tố, tính khả thi của các giải pháp, và các định hướng nghiên cứu trong thời gian tới.
Lương Đình Hải