Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam Tập 18, số 04 năm 2022
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hầu hết các tỉnh, thành ở Việt Nam đều phải tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh phổ thông với quy mô và mức độ khác nhau. Nhóm tác giả Lê Anh Vinh, Đặng Thị Thu Huệ, Bùi Thị Diển, Vương Quốc Anh, Phùng Thu Trang, Đỗ Đức Lân, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá tình tình học tập trực tuyến của học sinh Việt Nam để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng học tập.
Thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng. Thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi việc chuẩn bị tốt hơn những năng lực cần thiết cho học sinh. Việc giảng dạy ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, cần một cách tinh tế hơn trang bị cho người học những kĩ năng và trải nghiệm vượt ra ngoài giới hạn thông thường của việc học một ngôn ngữ. Hai tác giả Trần Thị Thanh Tú vàTrần Hữu Anh Tuấn giới thiệu khái quát một số năng lực cuộc sống trong giảng dạy tiếng Anh của Cambridge (tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác, học cách học, trách nhiệm xã hội) đồng thời đưa ra một số gợi ý và lưu ý khi tích hợp chúng trong các lớp học ngoại ngữ để phần nào hỗ trợ giáo viên trong lĩnh vực đầy thách thức này.
Nhóm tác giả Phan Thị Bích Lợi và Nguyễn Thị Thanh Nga, Viện Khoa học Giáo Dục Việt Nam đã đưa ra quan niệm về mô hình dạy học kết hợp trên cơ sở nghiên cứu quan niệm mô hình dạy học ở trong nước và trên thế giới và phân tích một số mô hình dạy học kết hợp phổ biến trên thế giới. Từ đó, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất để vận dụng mô hình dạy học kết hợp vào điều kiện thực tiễn của nhà trường tiểu học ở Việt Nam nhằm đáp ứng bối cảnh, đổi mới cách dạy cách học, đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trong bối cảnh phát triển của công nghệ và những yêu cầu về giáo dục trong thời kì mới, nghiên cứu của tác giả Đặng Thị Thanh Thủy, Trường Đại học Giáo dục phân tích đánh giá như hoạt động học tập và mối liên hệ với quá trình học tập tự định hướng ở các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra một số gợi ý để thúc đẩy đánh giá như hoạt động học tập và học tập tự định hướng trong bối cảnh Việt Nam nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu và phát triển phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá phù hợp với nhu cầu của người học và thực tiễn giáo dục đại học.
Cá nhân hóa việc học tập đang là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để góp phần luận giải rõ hơn về học tập cá nhân hóa, tác giả Trần Thị Thu Hương của trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổng hợp và phân tích các khái niệm liên quan và các nhân tố thiết yếu cần đảm bảo trong quá trình triển khai dạy học cá nhân hóa một cách hiệu quả. Kết quả nghiên cứu chỉ ra xu hướng học tập cá nhân hóa bắt nguồn từ nhu cầu giải quyết các vấn đề của giáo dục trong bối cảnh mới, đồng thời cũng nêu rõ sáu nhân tố thiết yếu cần đảm bảo của học tập cá nhân hóa.
Tác giả Nguyễn Phương Mai, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trình bày một số biện pháp tổ chức dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình nhằm nâng cao hiệu quả dạy học ở trường trung học phổ thông (THPT). Mỗi biện pháp được đề xuất đều có một vị trí, chức năng, nhiệm vụ riêng và có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó logic, bổ sung, hỗ trợ, xuyên thấm trong nhau, cùng hướng tới mục đích chung là giúp giáo viên biết cách tổ chức dạy học đọc thẩm mĩ thơ trữ tình, từ đó góp phần vào việc bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ và phát triển phẩm chất, nhân cách học sinh.
Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thủy, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nêu lên thực trạng một số yếu tố ảnh hưởng đến dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông tại Hà Nội. Bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích được một số yếu tố ảnh hưởng tốt và một số yếu tố ảnh hưởng không tốt đến việc dạy học trực tuyến của giáo viên trung học phổ thông, từ đó đề xuất 05 giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến trong các trường trung học phổ thông trong thời gian tiếp theo.
Từ mô hình học tập trải nghiệm của John Deway, tác giả Đoàn Thị Thu Thủy, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã thiết kế chi tiết hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học nhằm phát huy thế mạnh, tạo sự hứng thú của học sinh tham gia hoạt động giáo dục, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động trải nghiệm trong nhà trường tiểu học.
Văn hóa nhà trường phổ thông là môi trường lí tưởng nhất để giáo dục và hình thành các giá trị văn hóa cho học sinh, đáp ứng mục tiêu về các phẩm chất và năng lực của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bài viết của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thị Thanh và Phan Trọng Đông, trường Trung học phổ thông Diễn Châu 3 trình bày vai trò của văn hóa nhà trường, cấu trúc và biểu hiện của các giá trị cốt lõi trong việc giáo dục các giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông.
Nhằm tìm hiểu thực trạng vấn đề lo âu học tập và mối liên hệ của nó với rối loạn lo âu, bài báo của hai tác giả Hoàng Thị Thanh Huệ và Ngô Thanh Huệ của Viện Tâm lí Việt – Pháp phân tích kết quả khảo sát trên 262 khách thể là các học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội được tiến hành vào tháng 7 năm 2020. Công cụ khảo sát bao gồm thang sàng lọc lo âu (GAD-7), thang đánh giá lo âu học tập, được xây dựng từ việc kết hợp thang kiểm tra mức độ lo âu học tâp AAI và thang đo mức độ lo âu trong lớp học ngoại ngữ FLCAS. Kết quả cho thấy có sự khác biệt về mức độ lo âu học tập giữa các học sinh xét trên tiêu chí học lực và thứ tự sinh, lo âu học tập và các khía cạnh của lo âu học tập đều có mối tương quan thuận chiều ở mức tương đối mạnh với rối loạn lo âu.