Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 96

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 96, Tháng 09/2013

NGHIÊN CỨU
1. Đỗ Tiến Đạt. Cơ sở khoa học của việc xây dựng chuẩn giáo dục phổ thông
     Bài báo trình bày cơ sở khoa học của việc xây dựng chuẩn giáo dục trung học phổ thông, bao gồm các vấn đề: 1. Quan niệm, vai trò, vị trí, chức năng của Chuẩn GDPT; Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn VN về xây dựng Chuẩn GDPT; 2. Bối cảnh và tác động đối với GDPT của sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Định hướng đổi mới CT, SGK GDPT sau 2015; 3. Đặc điểm nhân cách và nhu cầu học tập của HS Việt nam ngày nay ; Vấn đề năng lực và phát triển năng lực người học; Học vấn phổ thông và hạt nhân nội dung học vấn phổ thông. Đồng thời nhóm nghiên cứu đã đề xuất cụ thể về : 1. Mục tiêu giáo dục phổ thông và mục tiêu từng cấp học sau năm 2015; 2. Chuẩn giáo dục các cấp học: Tiểu học; THCS; THPT .

2. Nguyễn Thị Hạnh.
Một số cơ sở khoa học để xác định nội dung học tập trong chương trình môn Ngữ văn ở trường phổ thông sau 2015
      Nội dung học tập trong chương trình môn Ngữ văn sau 2015 phải được xác định căn cứ trên những cơ sở khoa học sau: Cách tiếp cận phát triển chương trình theo định hướng phát triển năng lực; sự xác định vị trí của môn Ngữ văn trong hệ thống các môn học ở trường phổ thông; sự xác định đặc điểm, tính chất của môn học này như một môn học công cụ; sự xác định mục tiêu của môn học hướng tới hình thành các năng lực chuyên biệt và năng lực chung cốt lõi cho học sinh ở giai đoạn giáo dục cơ bản và ở giai đoạn giáo dục sau cơ bản. Từ những cơ sở khoa học đó, có thể xác định nội dung môn học Ngữ văn gồm phần phát triển năng lực chuyên biệt (bao gồm năng lực tiếng Việt và năng lực văn học); phần phát triển một số năng lực chung được tích hợp vào phần phát triển năng lực chuyên biệt.

3. Lê Đông Phương.
 Áp dụng hệ thống phân loại chương trình giáo dục ISCED của UNESCO cho Việt Nam
     Bảng phân loại giáo dục quốc tế (International Standard Classification of education – ISCED) của UNESCO là một công cụ được thiết kế để phân loại, so sánh các chương trình giáo dục/đào tạo khác nhau, giúp đối chiếu, so sánh và phân loại các chương trình giáo dục, các loại văn bằng và trình độ. Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay đã trải qua một giai đoạn lịch sử lâu dài với rất nhiều thay đổi. Chính vì vậy, một nghiên cứu để “sắp xếp” các bộ phận của hệ thống giáo dục theo phân loại chương trình ISCED sẽ là việc làm cần thiết để góp phần điều chỉnh hệ thống theo hướng hội nhập quốc tế, phát triển giáo dục suốt đời và hoàn thiện công tác quản lí nhà nước về giáo dục. Bài viết trình bày việc áp dụng hệ thống phân loại chương trình giáo dục ISCED của UNESCO cho Việt Nam.

4. Đỗ Tiến Sỹ. Quản lí đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông
     Quản lí đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường phổ thông, trên đại thể, đang tác động tích cực tới đời sống giáo dục, đến nhận thức sâu sắc hơn, năng động hơn về dạy và học. Quá trình này đã và đang được triển khai và đang dần được hoàn thiện trọn vẹn bởi những người đang thực sự quan tâm, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đề cập đến vấn đề quản lí đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông, tác giả trình bày một số yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học nhìn từ năng lực quản lí, đó là: Năng lực quản lí của hiệu trưởng, năng lực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của GV; năng lực tự học của HS; trang thiết bị dạy học phục vụ đổi mới phương pháp dạy học.

5. Trần Thị Hiền Lương.  Một số định hướng về dạy kĩ năng viết sáng tạo cho học sinh tiểu học trong môn Tiếng Việt ở tiểu học
     Bài viết trình bày một số định  hướng về dạy kĩ năng viết sáng tạo cho HS tiểu học trong môn Tiếng Việt ở Tiểu học. Theo tác giả, đối với môn Tiếng Việt ở Tiểu học, kĩ năng viết thường được coi là kĩ năng khó nhất trong bốn kĩ năng ngôn ngữ, vì nó không chỉ liên quan đến việc trình bày lời nói theo kiểu đồ họa, mà còn liên quan đến sự phát triển và trình bày suy nghĩ, bày tỏ tình cảm theo cách thức được cấu trúc hóa. Có ba loại kĩ năng viết, đó là: Viết đúng mẫu chữ, viết đúng các quy tắc chính tả và  tạo lập văn bản. Sự sáng tạo trong tạo lập văn bản được thể hiện ở hai phương diện: Nội dung và hình thức thể hiện. Về mặt nội dung, tuỳ theo mỗi kiểu loại văn bản mà xác định sự sáng tạo của người viết đến đâu, thể hiện qua những yếu tố nào. Về hình thức thể hiện, sự sáng tạo của người viết được bộc lộ qua thể loại văn bản, cách lựa chọn từ ngữ, cách sử dụng từ ngữ, cách đặt câu, lựa chọn kiểu câu, cách sử dụng dấu câu.

 
6. Thái Huy Bảo. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên bộ môn phương pháp giảng dạy trong các trường đại học sư phạm và khoa sư phạm của các trường đại học
     Ở các trường đại học sư phạm và khoa sư phạm của các trường đại học, đội ngũ giảng viên bộ môn phương pháp giảng dạy giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Chính họ là những người trực tiếp đào tạo nghiệp vụ sư phạm  cho sinh viên - yếu tố quyết định làm nên tay nghề của người giáo viên. Vì thế, nâng cao chất lượng ĐNGV bộ môn PPGD trong các trường/khoa ĐHSP là một yêu cầu cấp thiết, đáp ứng Chương trình phát triển ngành SP và các trường SP, giai đoạn 2011-2020. Theo tác giả, chất lượng ĐNGV bộ môn PPGD được thể hiện ở các phương diện: Phẩm chất  chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực giảng dạy; năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục (KHGD); năng lực hoạt động phát triển đơn vị, phục vụ xã hội và cộng đồng.

7. Vũ Xuân Hùng. Thực trạng và định hướng phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
     Trong thời gian qua, cùng với việc phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, đội ngũ GV dạy nghề cũng được phát triển tương ứng. Tuy nhiên, đội ngũ GV dạy nghề hiện nay còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Do vậy, việc phát triển đội ngũ GV dạy nghề trở thành mối quan tâm, là một trong những đột phá được đề ra trong Chiến lược phát triển dạy nghề thời kì 2011 - 2020 của Chính phủ. Bài viết trình bày thực trạng và định hướng phát triển đội ngũ GV dạy nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

8. Nguyễn Hồng Tây. Quản lí phát triển các trường cao đẳng nghề chất lượng cao theo tiếp cận mô hình Malcolm Baldrige Award
     Mô hình Malcolm Baldrige Award (MBA) là khung hệ thống được đề xuất áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lí chất lượng, được nhiều nước trên thế giới lấy làm cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn giải thưởng chất lượng quốc gia. Nội dung bài viết đề cập một cách tiếp cận mới về việc áp dụng mô hình MBA cho phát triển dạy nghề trình độ cao đẳng nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động ở Việt Nam. Tác giả giới thiệu khái quát một số nét về sự ra đời của mô hình MBA, cấu trúc của mô hình và các tiêu chí của giải thưởng chất lượng MBA về giáo dục. Từ đó, đề xuất áp dụng mô hình MBA trong các trường cao đẳng nghề Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề trong giai đoạn hiện nay.

9. Phạm Thị Thúy Hồng. Quản lí chất lượng dạy nghề theo mô hình CIPO
     Hiện nay, có nhiều mô hình được dùng để áp dụng quản lí hay đánh giá chất lượng giáo dục. Đối với dạy nghề, mô hình CIPO là mô hình quản lí thích hợp, và được đánh giá là vượt trội trong việc tạo nên chất lượng dạy nghề. Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra một số phân tích về mô hình CIPO. Đồng thời, cũng đề cập về việc quản lí chất lượng theo mô hình CIPO tức là quản lí chất lượng những yếu tố thành phần cụ thể đó là: Yếu tố đầu vào (Input) bao gồm tuyển sinh, đội ngũ cán bộ, tài chính, chương trình,...; yếu tố quá trình (Process) bao gồm mục tiêu, nội dung, kế hoạch đào tạo, hình thức tổ chức, phương pháp đào tạo,...; yếu tố đầu ra (Output) gồm chất lượng, năng lực đạt được, khả năng thích nghi,... và yếu tố hoàn cảnh (Context).

10. Phạm Bích Thủy.
Hiệu trưởng với công tác quản lí hoạt động xã hội hóa giáo dục mầm non
     Xã hội hóa giáo dục mầm non (XHHGDMN) là giải pháp quan trọng để thực hiện công bằng xã hội trong phát triển giáo dục mầm non (GDMN), đó là việc hưởng thụ một cách công bằng những phúc lợi giáo dục. Hiện nay, GDMN đang đứng trước những thách thức lớn giữa nhu cầu phát triển và điều kiện thực hiện chất lượng. Hiệu trưởng là chủ thể quản lí giữ vai trò chủ đạo, có thẩm quyền cao nhất về hoạt động chuyên môn và hành chính trong nhà trường. Thực hiện đúng vai trò của hiệu trưởng trong việc quản lí các hoạt động XHHGDMN, giúp cho trường mầm non có chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em tốt, góp phần nâng cao chất lượng GDMN, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển giáo dục của Việt Nam hiện nay.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
11. Nguyễn Mạnh An. Thiết kế tài liệu tự học có hướng dẫn theo môđun môn Vật lí trung học phổ thông
     Bài viết này trình bày quy trình thiết kế các môđun có hướng dẫn làm tài liệu hữu ích để hỗ trợ tự học Vật lí cho học sinh Trung học phổ thông. Học sinh có thể tự học theo tài liệu do giáo viên đã soạn sẵn và theo hướng dẫn của giáo viên, học sinh học theo từng môđun để nâng cao kiến ​​thức Vật lí của mình. Theo tác giả, khi xây dựng tài liệu tự học có hướng dẫn theo môđun môn Vật lí, cần đảm bảo các nguyên tắc sau: Tính chính xác, khoa học, phù hợp về nội dung kiến thức với đối tượng sử dụng tài liệu; tính logic, hệ thống của kiến thức; tăng cường vai trò chủ đạo của lí thuyết; tính hệ thống của các dạng bài tập; trình bày tinh gọn, dễ hiểu, cấu trúc rõ ràng, có hướng dẫn học tập cụ thể, thể hiện rõ nội dung kiến thức trọng tâm, gây được hứng thú cho học sinh.

12. Nguyễn Phan Hòa.
Đễ xuất mô hình liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh
     Nội dung bài viết đề cập về mô hình liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, tác giả trình bày về thực trạng liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, cho thấy rằng mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả, doanh nghiệp còn chưa quan tâm đến công tác đào tạo nghề. Từ những yêu cầu đặt ra của thực tiễn, tác giả đề xuất về mô hình liên kết đào tạo nghề giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, cũng như một số biện pháp để thực hiện mô hình liên kết này. Qua đó, nhằm nâng cao được chất lượng, hiệu quả đào tạp nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực tại TP. Hồ Chí Minh.

13. Hồ Xuân Hồng.
Phong cách lãnh đạo của hiệu trưởng các trường trung học cơ sở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai
     Tác giả trình bày một số vấn đề lí luận về phong cách lãnh đạo, phong cách lãnh đạo của hiệu trưởng trường trung học cơ sở ở ba mặt cơ bản: Ứng xử và tổ chức công việc trong tập thể lãnh đạo (TTLĐ); ứng xứ và chỉ đạo công việc với giáo viên (GV); hình ảnh bản thân người HT. Đồng thời giới thiệu kết quả nghiên cứu thực trạng phong cách lãnh đạo của hiệu trưởng các trường THCS huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Các số liệu điều tra bằng phiếu hỏi kết hợp với phỏng vấn, quan sát, tọa đàm... đều cho thấy PCLĐ của các HT trường THCS huyện Chư Sê quán triệt nguyên tắc “dân chủ tập trung” và thể hiện “rất rõ” và “rõ” đạt khá cao trong TTLĐ, trong GV cũng như hình ảnh bản thân ở hầu hết các chỉ số.

14. Nguyễn Thứ Mười.
Vận dụng mô hình đảm bảo chất lượng trong quản lí đào tạo cán bộ chỉ huy Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh
     Để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chỉ huy Đội (CHĐ)phù hợp với yêu cầu của xã hội, với công tác Đội và phong trào thiếu nhi hiện nay, Trường Lê Duẩn cần phải tổ chức lại quá trình đào tạo cán bộ chỉ huy Đội theo các lí thuyết quản lí chất lượng hiện đại. Trên cơ sở những nghiên cứu lí luận và thực tiễn về các cấp độ quản lí chất lượng (QLCL) và các mô hình QLCL trong đào tạo, xuất phát từ đặc điểm riêng của Trường Lê Duẩn về đào tạo cán bộ CHĐ, tác giả lựa chọn Mô hình quản lí đào tạo (QLĐT) cán bộ CHĐ theo hướng đảm bảo chất lượng (ĐBCL) dựa trên Mô hình CIPO và cấp độ quản lí đảm bảo chất lượng. Mô hình này vừa kế thừa được những ưu điểm của mô hình QLĐT cán bộ CHĐ hiện nay của Trường Lê Duẩn vừa phù hợp với mô hình quản lí mới – QLĐT cán bộ CHĐ theo hướng ĐBCL.

15. Lê Kim Anh.
Tích hợp giáo dục kĩ năng sống trong dạy học môn Ngữ văn
     Như chúng ta đã biết, kĩ năng sống (KNS) đã trở thành một phần thiết yếu đối với mỗi cá nhân, trở thành một “tiêu chuẩn” mà con người hiện đại cần vươn tới. Chính vì vậy, giáo dục KNS được coi là một hoạt động thiết yếu góp phần đào tạo những cá thể có khả năng thích ứng nhanh nhạy với sự đổi thay của xã hội. Qua quá trình dạy học và quản lí, tác giả nhận thấy việc tích hợp giáo dục KNS trong các môn học là điều cần thiết, trong đó có môn Ngữ văn. Việc giáo dục KNS trong môn Ngữ văn có thể được triển khai theo hai cách thức: Giáo dục qua nội dung bài học và giáo dục qua phương pháp triển khai nội dung bài học. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số biện pháp cụ thể để tích hợp giáo dục KNS trong quá trình dạy học Ngữ văn.

16. Vũ Thị Ngọc Minh. Luyện tập giác quan cho trẻ mầm non – một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển nhận thức
     Trong cơ thể con người, các giác quan giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển cả về thể chất và nhận thức. Điều này càng quan trọng ở trẻ em. Để các giác quan có được sự phát triển tinh nhạy, bên cạnh yếu tố sinh học thì yếu tố xã hội (trong đó có vai trò của giáo dục) rất quan trọng. Đa số giáo viên đã nhận thức được sự cần thiết của việc tổ chức hoạt động nhằm phát triển giác quan cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, thực tế việc tổ chức hoạt động này còn nhiều bất cập. Trong quá trình luyện tập các giác quan, giáo viên chú trọng nhiều hơn tới rèn luyện thị giác, thính giác, xúc giác trong khi khứu giác và vị giác ít được chú ý. Để nâng cao hơn nữa chất lượng việc tổ chức hoạt động nhằm phát triển giác quan cho trẻ mầm non, tác giả đưa ra một số gợi ý: Luyện tập thị giác, luyện tập thính giác, luyện tập khứu giác, luyện tập vị giác, luyện tập xúc giác.

GIÁO DỤC DÂN TỘC
17. Trần Thúy Ngà. Khắc phục rào cản ngôn ngữ trong dạy học môn Toán cho học sinh dân tộc thiểu số ở tiểu học
     Khó khăn lớn nhất đối với học sinh (HS) dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tiểu học là rào cản ngôn ngữ. Trong đó, việc trao đổi, chia sẻ, phản hồi với bạn, với thầy cô, việc đọc hiểu thông tin trong sách giáo khoa môn Toán cũng là khó khăn với các em. Tác giả bài viết đưa một số biện pháp nhằm khắc phục rào cản ngôn ngữ trong dạy học môn Toán cho HS người DTTS ở Tiểu học: Tích hợp việc dạy học các thuật ngữ, mệnh đề, câu lệnh... bằng tiếng Việt trong nội dung các bài học  môn Toán; sử dụng ngôn từ và điều chỉnh cách hướng dẫn cho phù hợp với HS người DTTS; chú trọng huy động kinh nghiệm của HS người DTTS trong các hoạt động học tập môn Toán; tăng cường tính trực quan trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập cho HS người DTTS.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
18. Phạm Anh Tuấn. Tự đánh giá trong quản lí chất lượng trường phổ thông ở một số nước trên thế giới
    Trong 5 năm trở lại đây, công tác quản lí chất lượng, đặc biệt là hoạt động tự đánh giá ở các trường phổ thông bắt đầu được quan tâm và triển khai thực hiện, tuy nhiên, kết quả thu được còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của việc đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay ở nước ta. Chính vì vậy, trong bài viết này, tác giả giới thiệu kinh nghiệm tổ chức tự đánh giá ở một số nước trên thế giới mà các trường phổ thông nước ta cần học tập để tổ chức tự đánh giá. Các nước được nêu ra chủ yếu là những nước mới tiến hành tự đánh giá trong thời gian gần đây, nhưng đã thu được những kết quả tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng trường phổ thông.