NGHIÊN CỨU
1. Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Hoàng Lan. Về quy mô và chất lượng trong giáo dục đại học Việt Nam hiện nay
Tác giả đưa ra những đánh giá về quy mô và chất lượng đào tạo đại học dựa trên việc phân tích các số liệu thống kê từ năm 2000 đến 2012 do các cơ quan có thẩm quyền công bố và kết quả khảo sát do các tổ chức trong nước và quốc tế tiến hành. Việc đánh giá cũng được đặt trong mối tương quan so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong các văn bản chiến lược, với tình hình phát triển giáo dục đại học ở một số nước trong khu vực và trên thế giới, và với yêu cầu thực tế của thị trường lao động nước ta. Đồng thời, tác giả cũng phân tích nguyên nhân của thực trạng hiện nay và đưa ra một số khuyến nghị cụ thể nhằm góp phần giải quyết bài toán quy mô-chất lượng trong giáo dục đại học nước ta hiện nay.
2. Bùi Đức Thiệp. Quá trình hình thành và phát triển cấu trúc văn bản chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam từ 1945 đến 2006
Từ năm 1945 đến nay, nền giáo dục Việt Nam đã trải qua ba lần cải cách và hiện nay đang bước vào giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế. Thực tế phát triển chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) trong thời gian qua cho thấy, mỗi giai đoạn phát triển của sự nghiệp giáo dục của nước ta đều có văn bản CTGDPT tương ứng. Và trong mỗi giai đoạn như vậy, trình độ phát triển chương trình cũng khác nhau, tùy theo yêu cầu cách mạng và trình độ nhận thức về giáo dục nói chung và CTGDPT nói riêng. Trong bài viết này, tác giả khái quát về quá trình hình thành và phát triển cấu trúc văn bản chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam từ 1945 đến 2006.
3. Nguyễn Thị Hồng Vân. Đề mở và yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn
Bài viết đề cập đến việc ra đề mở và yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học ngữ văn. Theo tác giả bài viết, với môn học Ngữ văn, một trong những hướng đổi mới đánh giá đang được quan tâm hiện nay là việc ra đề kiểm tra theo hướng mở. Đây được coi là một trong những bước đột phá, tạo nên điểm nhấn trong việc đổi mới dạy học Ngữ văn những năm qua. Do vậy, cần xem xét cụ thể hướng ra đề mở trong môn Ngữ văn và những tác động đối với việc đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn.
4. Phó Đức Hòa, Lê Thị Lan Anh. Dạy học phát hiện ở tiểu học dưới góc nhìn lí thuyết kiến tạo
Bài viết đề cập đến vấn đề dạy học phát hiện ở tiểu học dưới góc nhìn lí tuyết kiến tạo. Trong bài, tác giả trình bày: Những quan niệm chính về dạy học theo thuyết kiến tạo; các loại kiến tạo trong dạy học; bản chất của học tập kiến tạo; bản chất của dạy học phát hiện; vai trò của dạy học phát hiện đối với hoạt động nhận thức của học sinh; những ưu việt của phương pháp dạy học phát hiện và quy trình dạy học phát hiện ở cấp tiểu học.
5 . Lê Minh Nguyệt. Tiếp cận cấu trúc của hoạt động học tập theo lí thuyết hoạt động của A.N. Leontiev
Việc phát hiện cấu trúc chung của hoạt động học có ý nghĩa hàng đầu trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề lí luận và thực tiễn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực học tập, trước hết phải hình thành và phát triển hoạt động học cho học sinh. Bài viết đề cập vắn tắt cấu trúc hoạt động theo quan điểm của A.N. Leonchiev và ứng dụng vào việc xác lập cấu trúc hoạt động học của học sinh dựa theo các luận điểm của ông, với mục đích làm sáng tỏ cấu trúc của hoạt động học tập, từ đó gợi ra các biện pháp kĩ thuật nhằm hình thành và tổ chức hoạt động học của học sinh, đáp ứng yêu cầu của dạy học hiện đại.
6. Phạm Thị Bích Đào, Đoàn Thị Lan Hương. Vận dụng phương pháp dạy học dự án để phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh trung học phổ thông trong học tập môn Hóa học
Bài viết đề cập đến năng lực sáng tạo, mối quan hệ giữa dạy học dự án (DHDA) và vấn đề phát triển năng lực sáng tạo cho HS THPT. Đồng thời giới thiệu quy trình DHDA để phát triển năng lực sáng tạo cho HS thông qua hoạt động lựa chọn chủ đề liên quan đến thực tiễn, hoạt động suy nghĩ tự lập kế hoạch, tự thực hiện kế hoạch, khả năng thu thập và xử lí thông tin linh hoạt, sáng tạo, phát triển tư duy phê phán (khả năng đặt câu hỏi phản biện và trả lời câu hỏi), giải quyết một số vấn đề thực tiễn, lựa chọn sản phẩm để công bố, đặc biệt là cách trình bày sản phẩm và báo cáo kết quả dự án ngắn gọn, độc đáo và dễ hiểu.
7. Thái Huy Vinh. Một số biện pháp hình thành và rèn luyện kĩ năng sử dụng ngôn ngữ toán học trong dạy học các yếu tố hình học cho học sinh lớp 4, lớp 5
Hiện nay, nhiều giáo viên còn chưa nắm được các phương pháp dạy học ngôn ngữ toán học cho học sinh, kết quả sử dụng ngôn ngữ toán học của học sinh còn hạn chế, mục tiêu giái dục môn Toán chưa đạt kết quả như mong đợi. Do đó, trong bài viết, tác giả trình bày về một số biện pháp hình thành và rèn luyện kĩ năng sử dụng ngôn ngữ toán học trong dạy học các yếu tố hình học cho học sinh lớp 4, lớp 5 : Hình thành vốn từ toán học cho học sinh ; giúp học sinh nắm vững ngữ nghĩa gắn liền cú pháp ; rèn luyện kĩ năng chuyển đổi ngôn ngữ sang NNTN và ngược lại ; rèn luyện kĩ năng sử dụng ngôn ngữ toán học phối hợp với kĩ năng sử dụng tiếng Việt và hình thành văn hóa toán học cho học sinh.
8. Đào Thị Diệu Linh. Một số đặc điểm trí nhớ ngôn ngữ của học sinh lớp 6 khi học tiếng Anh
Việc học ngoại ngữ đã và đang trở thành một nhu cầu thiết yết của xã hội đặc biệt là trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và hiệu quả của việc học tập nói chung và học tập ngoại ngữ nói riêng chính là trí nhớ ngôn ngữ. Những nghiên cứu về trí nhớ ngôn ngữ của học sinh trong quá trình học ngoại ngữ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động này mà đây còn là nguồn tài liệu hữu ích đối với việc giảng dạy ngoại ngữ. Chính vì vậy, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra một số kết quả bước đầu khi nghiên cứu và phân tích một số đặc điểm về khả năng lưu giữ và tái hiện hình thức ngữ âm và ngữ pháp của học sinh lớp 6 khi học tiếng Anh.
9. Đỗ Thị Bích Loan. Giáo dục văn hóa truyền thống trong các trường phổ thông dân tộc nội trú ở Việt Nam
Nội dung bài viết này đề cập và phân tích một số vấn đề về giáo dục văn hóa truyền thông trong trường phổ thông dân tộc nội trú ở Việt Nam. Tác giả đã đi vào phân tích một số khái niệm về văn hóa, văn hóa truyền thống và giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, giới thiệu vài nét về trường phổ thông dân tộc nội trú ở Việt Nam cũng như tầm quan trọng của việc giáo dục văn hóa truyền thống trong trường phổ thông dân tộc nội trú. Từ những cơ sở về lý luận đó cùng với thực trạng về vấn đề giáo dục văn hóa truyền thống trong trường phổ thông dân tộc nội trú hiện nay, bài viết đã đề xuất một số hoạt động giáo dục văn hóa truyền thông trong trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm nâng cao hiệu quả của việc giáo dục này.
10. Nguyễn Quang Giao. Đẩy mạnh hoạt động đảm bảo chất lượng ở các trường đại học hiện nay
Triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng (ĐBCL) được các trường đại học (ĐH) xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường hiện nay. Các trường ĐH đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai hoạt động ĐBCL nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, do ĐBCL mới được áp dụng ở Việt Nam trong vòng 8 năm trở lại đây nên các trường ĐH gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Bài viết đề cập đến các nội dung: Tầm quan trọng của việc triển khai hoạt động ĐBCL giáo dục ĐH; những khó khăn của các trường ĐH trong việc triển khai hoạt động ĐBCL; đề xuất các biện pháp đẩy mạnh hoạt động ĐBCL ở các trường ĐH hiện nay.
11. Cao Thị Thặng, Đinh Thị Hồng Minh. Thiết kế bộ công cụ đánh giá năng lực độc lập sáng tạo của sinh viên các trường đại học kĩ thuật thông qua dạy học môn Hóa hữu cơ
Phát triển năng lực độc lập sáng tạo cho sinh viên nói chung và sinh viên các trường đại học kĩ thuật nói riêng là mục tiêu đào tạo rất quan trọng. Để phát triển năng lực độc lập sáng tạo cho sinh viên thì một trong những nội dung quan trọng là phải thiết kế được bộ công cụ đánh giá năng lực. Bài báo đề cập đến cơ sở khoa học, quy trình thiết kế bộ công cụ cụ thể đánh giá năng lực độc lập sáng tạo của sinh viên các trường đại học kĩ thuật thông qua dạy học môn Hóa học hữu cơ cơ sở đó là: Bảng kiểm quan sát, phiếu hỏi, phiếu đánh giá sản phẩm của sinh viên và câu hỏi bài tập môn Hóa hữu cơ góp phần phát triển năng lực độc lập sáng tạo cho sinh viên.
12. Huỳnh Tiểu Phụng. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay
Khẳng định đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp (XHH GDNN) là một trong những con đường, giải pháp để nâng cao chất lượng GDNN, tác giả trình bày ý nghĩa, các nội dung cơ bản của và đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa GDNN như: Huy động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp phát triển GDNN; tăng cường đào tạo nghề tại doanh nghiệp; tìm kiếm các nguồn lực cho GDNN; thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề thường xuyên và suốt đời cho mọi người; hoàn thiện các văn bản pháp quy về XHH GDNN; đổi mới hệ thống và cơ chế quản lí GDNN; phải có bước đi thích hợp cho XHH GDNN; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong GDNN.
13. Đỗ Đình Thái. Mối quan hệ giữa đảm bảo chất lượng và văn hóa chất lượng bên trong tổ chức giáo dục đại học
Để có thể hòa nhập trong cộng đồng giáo dục đại học thế giới, mỗi tổ chức giáo dục đại học cần phải tự xây dựng cho mình hệ thống đảm bảo chất lượng tổng thể kết hợp xây dựng văn hóa chất lượng nhằm mục đích liên tục cải tiến chất lượng và phát triển bền vững đáp ứng yêu cầu của thời đại chất lượng. Bài viết trình bày mối quan hệ giữa đảm bảo chất lượng và văn hóa chất lượng làm cơ sở cho việc định hướng xây dựng văn hóa chất lượng bên trong tổ chức giáo dục đại học. Trong đó, từ việc phân tích về các yếu tố liên quan cũng như mối quan hệ của đảm bảo chất lượng và văn hóa chất lượng, tác giả đề xuất phương án khởi điểm cho quá trình xây dựng văn hóa chất lượng.
THỰC TIỄN GIÁO DỤC
14. Nguyễn Văn Đản. Suy nghĩ về “kiểu dạy, kiểu học Bắc Lí”
Nắm được trình độ, nhu cầu của học sinh, giáo viên Bắc Lí đã căn cứ vào điều kiện của mình, của trường, vào nội dung bài học để chọn hình thức, phương pháp dạy phù hợp. Các phương pháp vấn đáp, quan sát, thí nghiệm thực hành, tìm hiểu thực tiễn, cách ghi chép, ghi nhớ, tái hiện, diễn đạt bằng lời nói, chữ viết, sơ đồ, bảng, biểu, cách học bằng “Bảng tóm tắt các điểm tựa”, học theo nhóm nhỏ, giải quyết vấn đề, đã được nhiều giáo viên Bắc Lí vận dụng dạy học các môn suốt mấy thập niên qua. Đó cũng là nét độc đáo, là bản chất của “Kiểu dạy, kiểu học Bắc Lí”. Xét từ góc độ của lí thuyết hoạt động “Kiểu dạy, kiểu học Bắc Lí” về bản chất là phù hợp với quan điểm dạy học hướng vào người học, với hướng cải tiến dạy học trong các nhà trường tiên tiến hiện nay.
15. Lê Thị Hồng Chi. Thực trạng dạy học khám phá với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin ở trường tiểu học
Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu bước đầu về thực trạng sử dụng dạy học khám phá với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin ở nhà trường tiểu học hiện nay, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân, thực trạng và đưa ra 6 giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiểu học: Một là, tăng cường năng lực giáo viên về đổi mới PPDH nói chung, DHKP nói riêng; hai là, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo GV tiểu học; ba là, bồi dưỡng phương pháp học tập khám phá cho HS; bốn là, đổi mới trong đánh giá kết quả học tập của HS; năm là, đổi mới chương trình, sách giáo khoa tiểu học; sáu là, cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị dạy học.
16. Bùi Ngọc Lâm. Vai trò của lập kế hoạch học tập chủ động trong đào tạo theo học chế tín chỉ
Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng đã chuyển dần sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Phương thức đào tạo này đòi hỏi và tạo cho sinh viên năng lực chủ động và tích cực trong học tập. Vì vậy, để thành công trong đào tạo theo học chế tín chỉ thì sinh viên phải biết chủ động lập kế hoạch học tập của mình. Tác giả bài viết trình bày quan niệm về lập kế hoạch học tập chủ động và các vai trò của lập kế hoạch học tập chủ động trong đào tạo theo học chế tín chỉ, gồm: Dẫn đường cho những quyết định và hành động của sinh viên; thúc đẩy sinh viên hành động và quản lí bản thân; giúp sinh viên chủ động quản lí thời gian của bản thân; là căn cứ cho việc theo dõi và đánh giá; và lập kế hoạch học tập giúp đem lại kết quả cao trong học tập.
GIÁO DỤC DÂN TỘC
17. Nguyễn Như Sang. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục trung học cơ sở ở tỉnh Điện Biên
Có thể nói, trong những năm gần đây, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Điện Biên đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu cả về quy mô và chất lượng. Quy mô giáo dục được quan tâm mở rộng; hệ thống trường lớp phát triển mạnh từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, vấn đề công bằng xã hội trong giáo dục được đặc biệt quan tâm. Tác giả trình bày những nội dung sau: Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục, thực hiện công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục Trung học cơ sở ở Điện Biên; đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm giảm bớt và từng bước xóa bỏ bất công bằng xã hội, tiến tới công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục THCS ở Điện Biên.
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
18. Nguyễn Quang Kính. Kinh nghiệm đào tạo giáo viên ở một số nước trên thế giới
Tác giả bài viết tổng hợp sơ bộ một số tài liệu khảo sát kinh nghiệm đào tạo giáo viên (GV) ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức và Malaysia, là những nước có thành tựu nổi bật về giáo dục và có mối liên hệ với Việt Nam. Thông tin được sắp xếp theo bốn chủ đề chính: (i) quan điểm/ quan niệm của xã hội và nhà cầm quyền đối với nhà giáo và nghề dạy học; (ii) chương trình đào tạo GV, (iii) hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng GV, (iv) chính sách tuyển dụng và đãi ngộ đối với GV. Đồng thời tác giả cũng đưa ra một số nhận xét, bình luận về hệ thống đào tạo GV hiện nay ở nước ta.
Mục lục bằng tiếng Anh