NGHIÊN CỨU
1. Phạm Đỗ Nhật Tiến. Bài toán chất lượng giáo dục trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam
Bài viết bàn về bài toán chất lượng giáo dục trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Theo đó, tác giả tập trung phân tích các vấn đề về: 1/ Chất lượng giáo dục Việt Nam từ những góc nhìn khác nhau; 2/ Tiếp cận hệ thống để nâng cao chất lượng giáo dục; 3/ Cải cách đào tạo giáo viên trong trường sư phạm. Theo tác giả bài viết, để giải quyết bài toán nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta thường áp dụng cách tiếp cận đơn yếu tố. Cách tiếp cận này có thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên một phương diện nào đó nhưng lại thường bị hóa giải bởi tác động của các yếu tố khác. Điều đó khiến giáo dục Việt Nam đứng trước một nhiệm vụ cấp bách hiện nay là đổi mới căn bản và toàn diện. Nhìn bài toán nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh đó thì một tiếp cận hệ thống là hết sức cần thiết. Việc đảm bảo sự đồng bộ về chính sách trong các thành tố cơ bản tạo nên chất lượng giáo dục là yêu cầu tiên quyết. Các phân tích trong bài viết này mới chỉ đề cập đến bước đầu đến một số điểm thiếu đồng bộ trong hệ thống chính sách Việt Nam nói chung, chính sách GV nói riêng.
2. Phạm Đức Quang. Các nguyên tắc xác định lĩnh vực học tập/môn học trong chương trình giáo dục phổ thông nước ta
Bài viết trình bày một số nguyên tắc xác định lĩnh vực học tập/môn học trong chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta, đó là: 1/ Đảm bảo mục tiêu giáo dục; 2/ Hướng vào việc hình thành và phát triển các năng lực chung, cốt lõi cần đạt; 3/ Đảm bảo đặc trưng bộ môn nhưng phải cân đối giữa kiến thức lí thuyết và thực hành; 4/ Phù hợp với năng lực nhận thức của học sinh, với điều kiện và thực tế dạy học của nhà trường, địa phương; 5/ Quán triệt tư tưởng tích hợp và phân hóa; 6/ Đảm bảo tính kế thừa và hội nhập quốc tế.
3. Phan Văn Nhân. Dạy học theo thuyết đa trí tuệ
Bài viết trình bày khái quát một lí thuyết như là cơ sở cho việc tiếp cận lấy người học làm trung tâm cũng như đổi mới các phương pháp dạy học và việc vận dụng lí thuyết đó vào những phương pháp dạy học cụ thể như thế nào,đó là thuyết đa trí tuệ. Theo tác giả bài viết, vận dụng thuyết đa trí tuệ trong dạy học giúp GV đổi mới cách dạy, cách nhìn nhận, đánh giá HS, tránh việc định kiến yếu kém cho HS, giúp các em tự tin hơn và có cách học phù hợp với khả năng nổi trội của mình, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Vận dụng thuyết đa trí tuệ cũng giúp cha mẹ HS tránh áp lực về điểm số với con em mình, chú ý tới giáo dục toàn diện và khích lệ con em mình trong học tập, rèn luyện và định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở trường, khả năng của mỗi em.
4. Vũ Xuân Hùng. Đổi mới, phát triển dạy nghề - giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Bài viết trình bày những nghiên cứu về thực trạng năng lực cạnh tranh quốc gia, một thách thức đối với dạy nghề. Trên cơ sở đánh giá khái quát về tình hình dạy nghề, bài viết đã nêu những giải pháp cơ bản để đổi mới, phát triển dạy nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các giải pháp tập trung vào việc đổi mới quản lí nhà nước về dạy nghề; xây dựng khung trình độ nghề quốc gia; phát triển chương trình, giáo trình; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí dạy nghề; tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề; kiểm định chất lượng dạy nghề và đánh giá cấp chứng chỉ kĩ năng nghề quốc gia; gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề.
5. Mỵ Giang Sơn. Đổi mới giáo dục và quản lí giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục Việt Nam đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Vấn đề đổi mới giáo dục và quản lí giáo dục phải được đặt trong bối cảnh chung của đổi mới kinh tế - xã hội. Bài viết tập trung phân tích tính tất yếu của sự đổi mới về mặt lí luận và thực tiễn, những định hướng cụ thể về đổi mới giáo dục và quản lí giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tác giả nhấn mạnh đổi mới giáo dục và quản lí giáo dục là đổi mới toàn diện từ tư duy về giáo dục, toàn bộ hệ thống quản lí giáo dục, đến đổi mới từng ngôi trường - cơ sở giáo dục, từng nhà quản lí giáo dục và đội ngũ giáo viên.
6. Phan Anh Tài. Khai thác một số tình huống trong dạy học toán trung học phổ thông nhằm rèn luyện cho học sinh năng lực dự đoán và suy diễn
Trong dạy học toán, dự đoán và suy diễn giúp học sinh hiểu và nắm vững kiến thức, đồng thời các em biết vận dụng kiến thức một cách linh hoạt. Trước một vấn đề cần giải quyết, từ vốn kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được, học sinh có thể tiến hành dự đoán và suy diễn để tìm ra các giải pháp giải quyết vấn đề, cũng nhờ suy luận mà các em có thể nảy sinh ý tưởng mới.Khi giải quyết vấn đề, học sinh tránh được việc thực hiện mày mò, thiếu định hướng. Bài báo này, chúng tôi đưa ra biện pháp sư phạm, khai thác một số tình huống trong dạy học toán trung học phổ thông, nhằm rèn luyện cho học sinh năng lực dự đoán và suy diễn, trong quá trình giải quyết vấn đề trong dạy học toán.
7. Lê Thị Thu Hiền. Áp dụng mô hình học tập hỗn hợp (B-learning) trong dạy học vật lí ở trường trung học phổ thông
Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển và nhiều hình thức dạy học mới ra đời như học tập trực tuyến (e-learning). Tuy vậy e-learning vẫn còn hạn chế trong tương tác giữa người dạy và người học... Vì vậy, mô hình dạy học hỗn hợp (Blended Learning: B-learning) kết hợp giữa dạy học truyền thống với e-learning sẽ là hướng nghiên cứu phù hợp để phát huy ưu điểm của mỗi hình thức dạy học cho học sinh trung học phổ thông. Bài viết đề cập đến việc áp dụng mô hình B-learning trong dạy học Vật lí ở trường trung học phổ thông. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Ưu điểm của mô hình B-learning; 2/ Quy trình dạy học vật lí theo mô hình B-learning và hình thức áp dụng mô hình này trong dạy học vật lí ở trường THPT.
8. Trần Thị Thanh Phương. Các nguyên tắc cơ bản áp dụng quản lí chất lượng tổng thể trong giáo dục
Bài viết trình bày các nguyên tắc cơ bản áp dụng quản lí chất lượng tổng thể (TQM) trong giáo dục, đó là: 1/ Nguyên tắc chất lượng tổng thể; 2/ Nguyên tắc định hướng bởi khách hàng; 3/ Cải tiến liên tục; 4/ Nguyên tắc phòng ngừa thay cho kiểm tra để loại bỏ; 5/ Nguyên tắc tiếp cận quá trình; 6/ Nguyên tắc tiếp cận hệ thống; 7/ Nguyên tắc quyết định dựa trên sự kiện; 8/ Nguyên tắc lôi cuốn đội ngũ; 9/ Sự cam kết; 10/ Văn hóa chất lượng nhà trường.
9. Phạm Minh Hùng. Phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu của sinh viên trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ là một phương thức đào tạo tiên tiến, được áp dụng rộng rãi trong các trường đại học trên thế giới. Phương thức đào tạo này đòi hỏi sinh viên sự chủ động, sáng tạo, cũng như năng lực tự học tự nghiên cứu. Nội dung bài viết trình bày về một số biện pháp nhằm phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Các biện pháp bao gồm: 1/ Giao nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên; 2/ Có các hình thức phù hợp để sinh viên báo cáo kết quả tự học, tự nghiên cứu của mình, 3/ Bồi dưỡng phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên; 4/ Đổi mới phương pháp dạy học; 5/ Tạo ra một môi trường tự học tự nghiên cứu thuận lợi cho sinh viên.
10. Trần Thị Minh Thành. Biện pháp giáo dục nhằm phát triển tính sáng tạo của trẻ khuyết tật
Phát triển tính sáng tạo không chỉ có ý nghĩa đối với trẻ em bình thường mà còn có ý nghĩa to lớn đối với trẻ em khuyết tật. Để phát triển tính sáng tạo của trẻ khuyết tật các bậc cha mẹ và giáo viên cần nhận ra, tin tưởng và hỗ trợ trẻ. Bài viết nhằm cung cấp một số biện pháp giáo dục để phát triển tính sáng tạo của trẻ em khuyết tật. Trong đó, tác giả phân tích về bản chất tính sáng tạo của trẻ em cũng như những nghiên cứu về tính sáng tạo của người khuyết tật của các tác giả trên thế giới và Việt Nam. Từ đó, tác giả đề xuất một số biện pháp phát triển tính sáng tạo cho trẻ khuyết tật: Cung cấp cơ hội sáng tạo, làm phong phú trải nghiệm của trẻ, nuôi dưỡng quá trình sáng tạo, chơi sáng tạo.
11. Bế Hồng Hạnh, Bùi Thanh Xuân. Hệ thống tiêu chí xây dựng xã hội học tập ở xã/phường/thị trấn
Nội dung bài viết đề cập về hệ thống tiêu chí xây dựng xã hội học tập ở cơ sở xã/phường/thị trấn. Trước hết, tác giả trình bày các căn cứ để xác định hệ thống tiêu chí này. Từ đó, đưa ra hệ thống tiêu chí xây dựng xã hội học tập cấp cơ sở bao gồm 3 lĩnh vực cơ bản: 1/ Các điều kiện đảm bảo để xây dựng xã hội học tập, 2/ Kết quả học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, 3/ Hiệu quả tác động của xây dựng xã hội học tập. Hệ thống tiêu chí này nhằm cung cấp cho các cấp quản lí, lãnh đạo một công cụ theo dõi, đánh giá quá trình xây dựng xã hội học tập ở cấp cơ sở góp phần thực hiện mục tiêu chung về xây dựng xã hội học tập của đất nước ta.
THỰC TIỄN GIÁO DỤC
12. Đặng Thị Vân, Nguyễn Thị Ngọc Thúy. Mức độ biểu hiện sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội
Việc xác định các biểu hiện và mức độ sáng tạo của sinh viên trong nghiên cứu có ý nghĩa to lớn trong công tác định hướng, tổ chức và thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tuy nhiên, các trường đại học nói chung cũng như Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội nói riêng vẫn chưa đặc biệt quan tâm về vấn đề này. Chính vì vậy, trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày một số kết quả nghiên cứu về mức độ biểu hiện sáng tạo trong nghiên cứu của sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội thông qua khảo sát 312 sinh viên đã tham gia nghiên cứu khoa học cấp trường và được phân chia thành 5 nhóm ngành: Kinh tế - Xã hội; Khoa học vật nuôi; Kĩ thuật; Nông học và Tài nguyên - Môi trường.
13. Nguyễn Hồng Tây. Biện pháp quản lí phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí các trường cao đẳng nghề vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Trong bài viết này, tác giả trình bày về một số đề xuất giải pháp quản lí phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các trường cao đẳng nghề tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Các biện pháp bao gồm: Phân tích công việc và xác định chuẩn năng lực cho từng vị trí công việc; xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí; đặt ra những yêu cầu cần có trong quá trình tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng phát triển và công công việc cho giáo viên và cán bộ quản lí; đánh giá hiệu quả làm việc của giáo viên và cán bộ quản lí.
14. Nguyễn Thị Vân. Giáo dục đạo đức thông qua tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam
Từ xưa nhân dân ta đã coi tục ngữ, ca dao, dân ca là những luật tục, những khuôn phép, nề nếp, thuần phong mỹ tục, ca ngợi cái tốt, cái thiện, phê phán cái xấu, cái ác để định hướng hành động cho cộng đồng. Những tình cảm đạo đức được mô tả chân thực và rút ra từ chính cuộc sống của những người sáng tạo. Nó gần gũi thân thiết như hơi thở, nếp nghĩ của dân ta. Những câu tục ngữ, ca dao, dân ca cổ xưa đã thấm vào tâm hồn người Việt Nam. Thông qua đó, ông cha ta đã giáo dục đạo đức cho con cháu một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Bài viết tập trung trình bày nội dung: Tục ngữ, ca dao, dân ca giáo dục con người về đức tính khiêm tốn; về tinh thần, tấm lòng và hành động vị tha; về phẩm chất chân thật, nghĩa tình, thủy chung.
15. Nguyễn Thanh Phú. Thực trạng nhận thức về đạo đức nghề nghiệp của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước
Trường sư phạm là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho giáo dục, hình thành nên nhân cách giáo viên “có đức, có tài”, “vừa hồng, vừa chuyên”. Trong đó, đạo đức nghề nghiệp cần được hình thành trong suốt quá trình đào tạo ở trường sư phạm và tiếp tục tu dưỡng trong suốt cuộc đời giáo viên. Để giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên trường cao đẳng sư phạm nói chung và sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước nói riêng trước hết cần hiểu thực trạng đạo đức nghề nghiệp của họ đang được hình thành như thế nào và những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình giáo dục đó. Kết quả nghiên cứu bước đầu đã cho chúng ta thấy, đa số sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước có nhận thức về đạo đức nghề nghiệp khá chuẩn xác.
GIÁO DỤC DÂN TỘC
16. Nguyễn Thị Bảo Hoa. Kinh nghiệm sử dụng nội dung văn hóa dân tộc trong xây dựng tài liệu mĩ thuật của chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ
Mĩ thuật là một hoạt động không thể thiếu trong nhà trường, đặc biệt là ở cấp Tiểu học. Qua quá trình biên soạn sách Mĩ thuật 1 chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, tác giả đưa ra một số kinh nghiệm trong việc sử dụng nội dung văn hóa dân tộc. Sách Mĩ thuật 1 nhờ khai thác và sử dụng được các yếu tố văn hóa phù hợp với những phong tục tập quán mỗi dân tộc của học sinh nên tạo được không khí gần gũi, thân thiện cho người học; tạo điều kiện cho các em học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức, mở mang hiểu biết cũng như rèn luyện nhân cách đáp ứng mục tiêu giáo dục tiểu học đã đề ra.
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
17. Nguyễn Quang Kính. Kinh nghiệm đào tạo giáo viên ở một số nước trên thế giới
Tác giả bài viết tổng hợp sơ bộ một số tài liệu khảo sát kinh nghiệm đào tạo giáo viên (GV) ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức và Malaysia, là những nước có thành tựu nổi bật về giáo dục và có mối liên hệ với Việt Nam. Thông tin được sắp xếp theo bốn chủ đề chính: (i) Quan điểm/quan niệm của xã hội và nhà cầm quyền đối với nhà giáo và nghề dạy học; (ii) chương trình đào tạo giáo viên, (iii) hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, (iv) chính sách tuyển dụng và đãi ngộ đối với giáo viên. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra một số nhận xét, bình luận về hệ thống đào tạo giáo viên hiện nay ở nước ta.
18. Đào Thị Thu Thủy. Nghiên cứu hành vi ngôn ngữ cuả trẻ tự kỉ dưới góc độ tâm lí học hành vi
Các công trình nghiên cứu về trẻ tự kỉ của nhiều nhà khoa học đều chỉ ra rằng: Trẻ tự kỉ có những khiếm khuyết về lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp. Vì vậy, các phương pháp can thiệp trẻ tự kỉ đều hướng tới cải thiện vấn đề ngôn ngữ của trẻ tự kỉ. Nội dung can thiệp cải thiện hành vi ngôn ngữ (HVNN) cho trẻ tự kỉ đang được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Thiếu hoặc không có HVNN có thể gây ra các vấn đề về nhận thức, tương tác đối với trẻ tự kỉ. Vấn đề nghiên cứu HVNN sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng nhận thức, tương tác và hoà nhập cộng đồng. Bài viết trình bày hai nội dung chính: Khái niệm về hành vi ngôn ngữ và nghiên cứu về hành vi ngôn ngữ dưới góc độ Tâm lí học.