Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 101

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục số 101, 2/2014

NGHIÊN CỨU
1. Đặng Ứng Vận,  Nguyễn Thị  Huyền Tran. Giải trình, chịu trách nhiệm và tự chủ tài chính đại học
     Bài báo trình bày cách hiểu đầy đủ hơn về khái niệm accountability của một trường đại học (ĐH) tự chủ đó là: Nghĩa vụ báo cáo, giải trình về các hành động và quyết định của nhà trường, chịu trách nhiệm cuối cùng, không được đùn đẩy nếu mắc lỗi về các hành động và quyết định đó; nói vắn tắt là giải trình và chịu trách nhiệm. Để có thể giải trình và chịu trách nhiệm về các quyền tự chủ được trao thì không thể chỉ đơn thuần dựa vào năng lực của mỗi trường mà cần phải thay đổi thể chế trên cơ sở tái cơ cấu giáo dục ĐH và nhà trường. Từ đó, trên cơ sở so sánh quản trị ĐH công và tư của Việt Nam hiện nay, bài báo đề xuất giải pháp tự chủ tài chính cho các trường ĐH công trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.
2. Nguyễn Hữu Châu, Nguyễn Anh Thuấn. Thực trạng đánh giá chất lượng quản lí dạy học của hiệu trưởng trường trung học cơ sở dựa trên chuẩn hiệu trưởng
     Bài viết đề cập đến vấn đề đánh giá chất lượng quản lí dạy học của hiệu trưởng trường trung học cơ sở dựa trên chuẩn hiệu trưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong bài, tác giả tổng hợp và phân tích tính cần thiết của  việc đánh giá hiệu trưởng và đánh giá chất lượng quản lí dạy học của hiệu trưởng; Nội dung chuẩn hiệu trưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quy trình, thang đo và kết quả đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đưa ra một số kết luận cần thiết.  
3. Đỗ Tiến Đạt. Đổi mới cách viết tài liệu môn Toán theo hướng giúp người học tự học tích cực trong Mô hình “Trường học mới VNEN”
     Bài viết  đề cập đến vấn đề đổi mới cách viết tài liệu môn Toán theo hướng giúp người học tự học tích cực trong mô hình “Trường học mới VNEN – Vietnam  Escuela Nueva”. Theo tác giả bài viết, mô hình “Trường học mới VNEN”  là một mô hình nhà trường hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu của đổi mới PPDH, thể hiện ở chỗ: HS được học theo tốc độ phù hợp với trình độ nhận thức của cá nhân; Nội dung học thiết thực, gắn kết với thực tiễn đời sống hàng ngày của HS; Kế hoạch dạy học được bố trí linh hoạt; Môi trường học tập thân thiện, phát huy tinh thần dân chủ, ý thức tập thể; Chú trọng kĩ năng làm việc theo nhóm hợp tác; Tài liệu học có tính tương tác cao và là tài liệu hướng dẫn HS tự học. Vì vậy, khi thực hiện mô hình VNEN cần phải đổi mới cách thiết kế, trình bày tài liệu hướng dẫn học theo hướng giúp người học tự học tích cực.
4.  Nguyễn Thị Lan Phương. Quy trình xây dựng chuẩn đánh giá năng lực người học theo định hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới
     Trong quá trình phát triển chương trình (CT) giáo dục phổ thông theo tiếp cận năng lực, cần xây dựng chuẩn đánh giá năng lực, là cụ thể hóa chuẩn đầu ra của CT, để đảm bảo đo lường chính xác mức độ đạt năng lực của mỗi HS. Quá trình xây dựng chuẩn đánh giá năng lực được tiếp cận theo cách “Thiết kế từ trên xuống, điều chỉnh từ dưới lên” và trải qua theo quy trình gồm 6 bước cơ bản: 1/ Phân tích mục tiêu và chuẩn đầu ra của CT; 2/ Phân tích bối cảnh thiết lập chuẩn đánh giá;3/ Mô tả chi tiết về năng lực;4/ Xác định các mức độ thực hiện năng lực;5/ Thiết kế mẫu công cụ minh họa cho từng mức độ;6/ Tích hợp vào CT và thử nghiệm.
5. Đặng Thành Hưng, Trần Thị Tố Oanh. Bản chất và đặc điểm của kĩ năng xã hội
     Bài viết tập trung phân tích bản chất và các đặc điểm của kĩ năng xã hội. Theo tác giả, kĩ năng xã hội là vấn đề thực tiễn nóng bỏng trong giáo dục cũng như đời sống, chúng gắn liền với quan hệ cá nhân - xã hội và cần thiết cho con người dù làm việc hay sống ở môi trường hay hoàn cảnh nào. Đó là loại kĩ năng rất cần được quan tâm huấn luyện từ lứa tuổi nhỏ. Những kĩ năng xã hội chung nhất gồm 3 nhóm: Kĩ năng nhận thức xã hội, Kĩ năng ứng xử và giao tiếp xã hội, Kĩ năng thích ứng xã hội. Chúng rất đa dạng và vấn đề của giáo dục là thiết kế cụ thể những kĩ năng đó trong các hoạt động giáo dục để tạo ra môi trường và nhiều cơ hội trải nghiệm của người học. Trải nghiệm và làm việc trong những quan hệ xã hội thật sự là con đường duy nhất để học các kĩ năng xã hội.
6. Trần Việt Cường. Chuyển hóa sư phạm từ tri thức khoa học thành tri thức phương pháp trong dạy học toán ở trường phổ thông
     Mối liên hệ giữa nội dung kiến thức Toán cao cấp được học trong chương trình đại học của sinh viên ngành sư phạm Toán với nội dung Toán sơ cấp được trình bày trong chương trình giảng dạy ở phổ thông là vấn đề cần thiết đối với giáo viên giảng dạy môn Toán ở trường phổ thông. Việc nắm được mối liên hệ này sẽ giúp giáo viên bộ môn Toán phổ thông có khả năng vận dụng kiến thức Toán cao cấp để soi sáng toán sơ cấp và biết cách tổ chức cho học sinh con đường khám phá tìm kiếm các nội dung kiến thức. Để làm tốt vấn đề này, theo tác giả, giáo viên cần phải nắm được kiến thức về các bước chuyển hóa sư phạm: Tri thức khoa học - tri thức chương trình - tri thức phương pháp, thông qua hoạt động chuyển đổi ngôn ngữ. 
7. Trần Thị Thái Hà. Ảnh hưởng của các nhân tố gia đình tới kết quả giáo dục của học sinh khu vực nông thôn Việt Nam
     Bài viết này dựa trên cơ sở giả thuyết cho rằng gia đình và truyền thống văn hóa mà đặc trưng là truyền thống hiếu học gia đình, những nhân tố này có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn đến giáo dục ở khu vực nông thôn. Trên cơ sở khảo sát thực tế tại một số tỉnh (Vĩnh Phúc, Thái Bình, Cần Thơ), kết quả đã cho thấy mối quan hệ giữa nhóm nhân tố này với thực tế giáo dục ở khu vực nông thôn. Từ các phân tích, đánh giá trong thực tiễn, kết hợp với các kết quả nghiên cứu trước đó, bài viết đã đề xuất các giải pháp nhằm phát huy, tăng cường những tác động tích cực của nhân tố gia đình và truyền thống hiếu học trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn, giúp cho hệ thống giáo dục thích ứng tốt hơn với quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội ở khu vực này.
8. Vũ Lệ Hoa. Phát triển năng lực nghiên cứu khoa học của học sinh trong dạy học các môn học ở trường phổ thông
     Dạy học chính là phương thức phát triển năng lực nhận thức, năng lực tư duy sáng tạo cho học sinh giúp học sinh có thể tiếp cận với năng lực nghiên cứu khoa học của nhà khoa học trong tương lai có thể làm "thay đổi thế giới". Nội dung bài viết này trình bày về vấn đề dạy học theo định hướng phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho học sinh. Trong đó, theo tác giả,  giáo viên sẽ tổ chức các hoạt động học tập cho người học nhằm hình thành, phát triển ở người học nhu cầu, kĩ năng nhận thức khám phá tri thức mới, vận dụng tri thức vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề của thực tiễn với lòng say mê thiết kế, sáng chế tìm tòi cái mới... bằng chính năng lực của bản thân mình trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo trong thực tế cuộc sống.
9. Đỗ Thu Hà. Xây dựng không gian học tập cho sinh viên góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở đại học
     Việc xây dựng không gian học tập cho sinh viên các trường đại học ở nước ta hiện nay đã và đang là vấn đề cấp bách đặt ra nhằm góp phần thực hiện đổi mới giáo dục đại học hiện nay. Nội dung bài viết đề cập về tới vấn đề xây dựng không gian học tập cho sinh viên góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở đại học. Bài viết trình bày khái quát về khái niệm không gian học tập và phân tích sự cần thiết trong việc xây dựng không gian học tập cho sinh viên đại học. Từ những bất cập trong việc xây dựng không gian học tập cho sinh viên tại các trường đại học trong các năm gần đây, tác giả đưa ra một số khuyến nghị cụ thể nhằm cải thiện không gian học tập cho sinh viên đại học.
10. Sử Ngọc Anh. Quản lí chất lượng trong giáo dục đại học
     Thời gian vừa qua, các cơ sở giáo dục đại học đã có thêm nhiều quyền tự chủ hơn nhưng chưa có dấu hiệu tăng thêm sự chịu trách nhiệm. Để tăng cường sự chịu trách nhiệm này, hệ thống giáo dục đại học cần công khai chất lượng thông qua việc sử dụng các chỉ số thực hiện và các chuẩn mực chất lượng trong quản lí. Trong bài viết, tác giả đã phân tích về các vấn đề về khái niệm và các cấp độ và cách tiếp cận  quản lí chất lượng trong giáo dục đại học. Đồng thời, từ những khó khăn trong việc quản lí chất lượng bậc đại học hiện nay, tác giả đưa ra một số đề xuất về vấn đề này, qua đó,  nhằm góp phần vào đổi mới hệ thống giáo dục đại học.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
11. Võ Thị Ngọc Lan. Dạy học môn Phương pháp dạy học chuyên ngành kĩ thuật theo định hướng phát triển năng lực của sinh viên ở Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP. Hồ Chí Minh
     Phương pháp dạy học chuyên ngành kĩ thuật nghiên cứu các quy luật của dạy học chuyên ngành, mục tiêu, nội dung, phương pháp và phương tiện dạy học trong quá trình dạy và học đặc thù kĩ thuật. Đây là môn học chuyên ngành trong khối kiến thức sư phạm ở Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP. Hồ Chí Minh. Làm thế nào để sau khi học xong môn học này, sinh viên có năng lực hoạt động và năng lực áp dụng? Bài viết này trình bày về cơ sở lí luận và minh họa dạy học định hướng phát triển năng lực.
12. Hồ Thị Dung. Một số nguyên tắc thiết kế và sử dụng hệ thống bài tập trong dạy học môn Giáo dục học
     Thiết kế và sử dụng hệ thống bài tập đa dạng và hiệu quả trong dạy học là vấn đề đặc biệt quan trọng, tuy nhiên làm thế nào để có một hệ thống hay, hấp dẫn thì hiện nay còn ít đuợc quan tâm. Khi thiết kế và sử dụng hệ thống bài tập trong dạy học, giảng viên cần tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định nhằm kích thích hứng thú, tính tích cực, chủ động của sinh viên trong giải quyết các nhiệm vụ học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy học tại các trường đại học hiện nay. Bài viết trình bày những nội dung sau: 1/ Những đặc trưng trong thiết kế hệ thống bài tập; 2/ Nguyên tắc chung trong thiết kế hệ thống bài tập; 3/ Nguyên tắc sử dụng hệ thống bài tập trong dạy học.
13. Dương Giáng Thiên Hương, Ngô Thị Xuân. Thiết kế kế hoạch bài học sử dụng kĩ thuật STAD trong dạy học tiểu học
     Kĩ thuật STAD (student teams achievement divisions) là một trong những kĩ thuật cộng tác nhóm tiên tiến, góp phần khắc phục được những hạn chế mà dạy học nhóm truyền thống thường gặp phải. Việc vận dụng kĩ thuật STAD trong dạy học đã thể hiện được những ưu điểm lớn: Sự tích cực tham gia của HS trong quá trình học tập, sự phấn khởi và hứng thú của các em HS yếu khi nhìn nhận được sự tiến bộ của bản thân, sự công bằng trong giáo dục. Sử dụng các kĩ thuật cộng tác nhóm nói chung và STAD nói riêng không chỉ mang lại cho các em kiến thức, kĩ năng bền vững mà còn trang bị cho các em các kĩ năng sống, kĩ năng học tập hiện đại, phù hợp với xu hướng đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
14. Lê Trung Chinh. Quy hoạch, phát triển cán bộ nữ ngành giáo dục và đào tạo thành phố Đà Nẵng giai từ năm 2007 đến nay
     Công tác quy hoạch, phát triển cán bộ nữ là một nhiệm vụ quan trọng của tất cả các ngành, các cấp. Đối với ngành Giáo dục, lực lượng nữ giáo viên, cán bộ quản lí và nhân viên chiếm một tỉ lệ rất lớn. Vì vậy, nhiệm vụ quy hoạch, phát triển cán bộ nữ luôn được đặt ra một cách hết sức cấp thiết. Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương có những cách thức thực hiện tốt và có kết quả tích cực. Cùng với các địa phương khác, những kinh nghiệm bước đầu trong công tác này của Thành phố Đà Nẵng sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng và hiệu quả ở phạm vị từng địa phương nói riêng và trong phạm vị cả nước nói chung.
15. Nguyễn Thị Thanh Trà. Các biện pháp quản lí hoạt động đổi mới phương pháp dạy học của hiệu trưởng trường tiểu học
     Dựa vào các kết quả điều tra thực trạng đổi mới phương pháp dạy học ở một số trường tiểu học thành phố Hải Phòng, tác giả đề xuất 5 biện pháp quản lí hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các trường tiểu học hiện nay: 1. Đổi mới mục tiêu, nội dung và hình thức các hoạt động bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, kĩ năng về đổi mới PPDH cho đội ngũ GV tiểu học; 2. Lập kế hoạch triển khai hoạt động đổi mới PPDH;3. Tăng cường vai trò của hoạt động tổ chuyên môn;.4. Tạo môi trường tương tác, tổ chức hoạt động thi đua đổi mới PPDH;5. Quản lí kiểm định, đánh giá kết quả đổi mới PPDH và giữ ổn định sự thay đổi.
16. Đinh Thị Thu Thủy. Xây dựng bộ câu hỏi đánh giá theo chuẩn kĩ năng trong dạy học môn Thực tập kĩ thuật may 1 tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kĩ thuật VINATEX TP. Hồ Chí Minh
     Từ năm 2009, Tổng cục Dạy nghề đã ban hành tiêu chuẩn kĩ năng nghề cho các ngành kinh tế kĩ thuật, nhờ vậy tác giả đã vận dụng tiêu chuẩn kĩ năng nghề của Tổng cục Dạy nghề vào việc đánh giá môn TTKTM 1 tại Trường Cao đẳng KTKT Vinatex TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên khi vận dụng các tiêu chuẩn kĩ năng của Tổng cục Dạy nghề vào việc đánh giá môn TTKTM 1, tác giả gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong quá trình kiểm tra, đánh giá môn học này, tác giả đề xuất các yêu cầu xây dựng bộ câu hỏi giúp cho việc đánh giá được chính xác và khoa học hơn.
GIÁO DỤC DÂN TỘC
17. Nguyễn Thị Phương Thảo. Nghiên cứu khoa học giáo dục dân tộc – chặng đường 60 năm hình thành và phát triển
     Cùng với giáo dục cả nước, giáo dục dân tộc (GDDT) đang đứng trước những thách thức mới, thực hiện “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trong 60 năm phát triển và trưởng thành, Trung tâm Nghiên cứu GDDT đã tạo ra một bề dày kinh nghiệm và thành quả đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng dân tộc nói chung. Bài viết trình bày một số nội dung sau: 1/Vai trò của công tác GDDT; 2/Nghiên cứu khoa học và công nghệ về GDDT; 3/Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục về GDDT.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
19. Phạm Minh Giản, Nguyễn Thị Tuyết Hạnh. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển đội ngũ giáo viên và đề xuất vận dụng ở Việt Nam trong đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015
     Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam và chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang triển khai đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau 2015. Cùng với việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa, việc chuẩn bị lực lượng giáo viên (GV) có đủ năng lực thực hiện chương trình là trách nhiệm của nhiều lực lượng, trong đó có Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT, các trường sư phạm, các trường phổ thông và của chính mỗi GV. Bài viết tổng hợp một số kinh nghiệm quốc tế về phát triển đội ngũ GV, qua đó đề xuất việc phát triển đội ngũ GV để triển khai đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015 ở Việt
Nam.
 Mục lục bằng tiếng Anh